Giáo xứ Hòa Hưng khởi đầu Tuần Thánh 2025

Giáo xứ Hòa Hưng khởi đầu Tuần Thánh 2025

Giáo xứ Hòa Hưng khởi đầu Tuần Thánh 2025

TGPSG -- Lúc 5h00 sáng Chủ nhật, ngày 13/4/2025, cộng đoàn giáo xứ Hòa Hưng đã quy tụ đông đảo nơi tượng Đài Đức Mẹ bên ngoài nhà thờ để tham dự nghi thức làm phép lá và rước lá, khởi đầu cho Tuần Thánh - tuần lễ thánh thiêng nhất trong năm phụng vụ.

1. Nghi thức làm phép lá

Linh mục (Lm)  chủ tế Gioan B. Vũ Mạnh Hùng trong phẩm phục đỏ, đã cử hành long trọng nghi thức làm phép lá, gợi nhớ lại cuộc rước vinh quang của Đức Giêsu vào thành Giêrusalem giữa tiếng hát vang của cộng đoàn: “Hoan hô Con Vua Đavít! Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến!” Đây là cuộc vinh quang nghịch thường, của một Đấng Cứu Thế khiêm nhu ngồi trên lưng lừa, tiến vào nơi Người sẽ chịu khổ nạn.

Cha Gioan B. mở đầu nghi thức với lời mời gọi: “Chúng ta tụ họp nơi đây để cùng Hội thánh khai mạc Tuần Thánh, tưởng niệm Mầu nhiệm Vượt Qua tức là Cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Đức Kitô. Chúa Nhật Lễ Lá hôm nay là ngày kỉ niệm Đấng Cứu Thế vào thành thánh Giêrusalem để rồi hoàn tất mầu nhiệm Vượt Qua đem lại cho loài người ơn cứu độ. Chúng ta hãy đem cả niềm tin và hăng hái bước theo Người, xin Người ban ơn để chúng ta thông phần đau khổ Người đã chịu trên Thập Giá, hầu được chia sẻ vinh quang Phục sinh và sự sống của Người”.

2. Kiệu lá

Tiếp theo cha chủ tế mời mọi người giơ cao lá trên tay và ngài đọc lời nguyện làm phép lá. Sau đó, Lm chủ tế cùng đoàn rước lá long trọng tiến vào nhà thờ hiệp dâng Thánh lễ.

3. Thánh lễ

Cộng đoàn cùng nhau lắng nghe hai bài đọc và bài Thương Khó - câu chuyện cảm động về những giờ phút cuối cùng của Chúa Giêsu.

Linh mục chủ tế bắt đầu bài giảng với một lời mời gọi tha thiết: “Chủ đề của Chúa nhật Lễ Lá hôm nay là: Xin cho Chúa một vòng tay. Một vòng tay yêu thương.”

3.1 Chúa Giêsu - Vị Vua Khiêm Hạ Cưỡi Lừa Tiến Vào Thành

Lm Chủ tế Gioan B. gợi lại hình ảnh Chúa Giêsu cưỡi trên lưng lừa tiến vào thành Giêrusalem. Không ngồi kiệu vàng, không kèn trống ầm vang, Ngài chọn một con lừa con - biểu tượng của sự khiêm hạ - để bước vào thành, khởi đầu cuộc khổ nạn. Ngài đến để yêu và để ôm lấy nhân loại bằng một tình yêu đến tận cùng.

Cha nhấn mạnh: “Khi bước vào bất kỳ ngôi thánh đường nào, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng ta là hình ảnh Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên Thánh Giá.” Chính Thập Giá là dấu chỉ tình yêu hy sinh của Thiên Chúa. Và trong từng Thánh lễ, chúng ta được mời gọi sống lại mầu nhiệm ấy - không chỉ bằng trí nhớ, mà bằng trái tim.

Cuộc Thương Khó không phải là một câu chuyện cũ kỹ đã qua. Giêrusalem cũng không còn là một địa danh lịch sử xa xôi, mà đã trở thành chính tâm hồn mỗi người. Mỗi lần ta chọn sống ích kỷ thay vì yêu thương, ta cũng đang đóng đinh Chúa một lần nữa. Và mỗi lần ta mở lòng tha thứ, sẻ chia, ta lại đang giúp Chúa sống lại trong đời thường.

3.2. Yêu là Hy Sinh - lời mời gọi trong Năm Thánh

Đặc biệt trong bầu khí Năm Thánh, Lm Gioan B. mời gọi mỗi người nhìn lại cuộc đời mình: “Chúng ta được mời gọi bước vào hành trình yêu thương của Chúa. Yêu là đau khổ, là hy sinh, là chấp nhận vất vả. Nhưng tình yêu thật thì luôn chấp nhận gian khó.” Cha nhắc lại lời thánh Âu-tinh: “Cứ yêu đi rồi làm gì cũng được.”

Trong hành trình Thương Khó, có nhiều nhân vật - mỗi người chúng ta hôm nay cũng phải chọn mình là ai:

- Là một Gioan trung thành, can đảm đứng dưới chân Thập giá.
- Là một Đức Mẹ âm thầm chịu đựng, kiên vững như đức tin.
- Hay là một Phêrô - đã từng yếu đuối, chối Thầy - nhưng rồi ăn năn trở lại, được Chúa trao trọng trách: “Con hãy nâng đỡ anh em con.” Phêrô đã nhận ra sự bất xứng của mình, đến nỗi khi chịu tử đạo, ông xin được đóng đinh ngược đầu xuống - vì thấy mình không xứng đáng chịu chết như Thầy Giêsu. Một hành động của lòng khiêm nhường và tình yêu trọn vẹn.

Chúa Giêsu đã ôm vào mình tất cả tội lỗi của nhân loại để yêu thương, để tha thứ. Trên thập giá, Ngài vẫn không ngừng yêu, vẫn không ngừng hy vọng, đến mức có thể nói với người trộm lành: ‘Hôm nay, anh sẽ ở trên Thiên Đàng với Ta.’

3. 3 Năm Thánh - cơ hội hoán cải và ơn tha thứ dồi dào

Năm Thánh là một cơ hội quý giá - 25 năm mới có một lần. Trong thời gian ân sủng đặc biệt này, Giáo Hội mở kho tàng ân sủng, ban ơn Đại xá để những ai thành tâm hoán cải có thể được chữa lành, được bình an. Ơn Chúa trải dài trong từng hơi thở, từng nhịp tim. Không có ơn Chúa, chúng ta không thể sống nổi.

Cuối bài giảng, ngài mời gọi:

“Xin cho mỗi người chúng ta biết mở rộng vòng tay - vòng tay của tình yêu, vòng tay của lòng thương xót - để ôm lấy Chúa, như Chúa đã từng ôm lấy ta bằng cả mạng sống mình. Chúa Giêsu đã chết, nhưng không phải là hết. Ngài đã phục sinh và mở ra cánh cửa sự sống đời đời cho những ai tin và yêu.”

Trong bầu khí Năm Thánh này, xin cho mỗi người chúng ta biết dâng lên Chúa một “vòng tay yêu thương”, bằng một quyết tâm trở về, một lời xin lỗi chân thành, một hành động bác ái nhỏ bé. Và xin cho ánh mắt ta đủ dịu dàng để thấy người bên cạnh cũng đang vác thập giá của họ, như chính Chúa đã từng vác thập giá vì ta.

Tiếp theo là phần Phụng vụ Thánh thể và Thánh lễ kết thúc lúc 6g00 cùng ngày trong tâm tình hiệp thông với cuộc khổ nạn của Chúa.

Thông điệp từ Lễ Lá

Lễ Lá nhắc nhở chúng ta về sự mong manh của lòng người và ý nghĩa sâu sắc của sự khiêm nhường, vâng phục và hy sinh. Chúa Giêsu vào thành không phải trên lưng ngựa oai phong của một vị vua trần thế, mà trên lưng con lừa hiền lành, biểu trưng cho sự hòa bình và khiêm nhường.

Lễ Lá cũng là dịp để các tín hữu suy gẫm về mầu nhiệm Vượt Qua: từ sự vinh quang đến khổ nạn và phục sinh, là dịp để mọi người nhìn lại cuộc đời mình, học hỏi gương khiêm nhường của Chúa Giêsu và chuẩn bị tâm hồn bước vào Tuần Thánh với lòng sám hối và tin tưởng vào sự phục sinh vinh hiển.

Bài: Maria Phạm Kim Chi (TGPSG)
Ảnh: Joshep Huy

 

 

 

Top