Giáo xứ Hạnh Thông Tây 2020
TGPSG -- Nhà thờ của giáo xứ Hạnh Thông Tây - toạ lạc tại số 53/7 đường Quang Trung, phường 11, quận Gò Vấp, Tp. Hồ Chí Minh - được biết đến như một công trình kiến trúc cổ hết sức độc đáo theo phong cách Byzantine, trong khi hầu hết nhà thờ cổ khác ở Việt Nam được thiết kế theo phong cách Gothique hoặc Romanesque.
Bổn mạng chính của giáo xứ là Thánh Giuse. Bổn mạng phụ của giáo xứ là Thánh Denis, cũng là bổn mạng của ông Lê Phát An - ân nhân góp tiền xây nhà thờ (ngay trên cửa chính nhà thờ có đặt tượng Thánh Denis).
Giáo xứ hiện có 12 giáo khu với khoảng 6.000 giáo dân, nhưng các tín hữu tứ xứ đến đây tham dự các thánh lễ Chúa nhật rất đông. Nhà thờ cổ không còn đủ khả năng đáp ứng, vì thế cha sở tiền nhiệm Clement Lê Minh Trung đã cho xây dựng thêm nhà thờ phụ ngay bên cạnh với sức chứa lớn hơn.
Giáo xứ được thành lập từ năm 1861, đến năm nay 2020 đã trải qua 3 giai đoạn: Khai phá, Xây dựng và Phát triển.
I. THỜI KỲ KHAI PHÁ (1861-1897)
Xứ đạo Hạnh Thông Tây được thành lập năm 1861 do linh mục Puginier gầy dựng. Ban đầu, chỉ có gia đình ông Phủ Ca và một vài người có quyền thế trong ngôi làng nhỏ có tên là Hạnh Thông Tây xin gia nhập đạo. Sau đó, khoảng 400 người ngoại giáo có của cải và nhà cửa trong làng đến xin học đạo. Lúc ấy, chưa có nơi tụ họp nên một số người khá giả đã ưng thuận hiến tặng ngôi đình của họ mà dựng lên ngôi nhà nguyện đầu tiên của Hạnh Thông Tây.
Từ năm 1865 đến năm 1899, không có linh mục sở tại. Chỉ có linh mục từ nhà thờ An Nhơn đến cử hành Thánh lễ và các bí tích cho giáo dân. Số bổn đạo suy giảm - từ 400 xuống 150.
II. THỜI KỲ XÂY DỰNG (1900-1975)
Trong thời kỳ này, cùng với các giáo xứ Chợ Quán, Xóm Chiếu, Tân Định, An Nhơn, Gò Vấp, Thủ Thiêm, Hóc Môn…, họ đạo Hạnh Thông Tây lớn mạnh dần về mọi mặt.
1. Từ 1898 đến 1912: Cha Phêrô Nguyễn Phước Chính
Cha già Phêrô Nguyễn Phước Chính được Đức cha Lucien E Mossard bổ nhiệm làm Cha sở đầu tiên của Hạnh Thông Tây. Cha cho xây cất nhà thờ mới trên lô đất do ông Tổng Giuse Hồ Văn Chua dâng cúng, đồng thời xây cất nhà xứ và trường học.
2. Từ 1912 tới 1939: Cha Matthêu Hồ Tấn Đức
Sau khi Cha già Phêrô Chính qua đời (1912), Cha Matthêu Hồ Tấn Đức được Đức Cha Colombert sai về làm Cha sở Hạnh Thông Tây từ ngày 1-9-1912 tới ngày 7-6-1939.
Ngôi nhà thờ cũ đã trải qua 30 năm nên đã hư hại, dột nát vì chỉ được cất bằng vật liệu thường. Sau khi cầu xin cùng Thánh Giuse, Cha Matthêu được ông Denis Lê Phát An giúp đỡ để xây ngôi nhà thờ mới còn tồn tại đến hôm nay. Nhà thờ được xây dựng trong 3 năm trên diện tích 560m2, chiều cao là 20m, với tháp chuông có hình tháp nhọn.
3. Từ 1939 đến 1944: Cha Gioan B. Nguyễn Tứ Quý
4. Từ 1944 đến 1959: Cha Phaolô Nguyễn Thông Lý
Trong giai đoạn này, họ đạo có hai biến cố:
Năm 1946, Ông Denis Nguyễn Phát An từ trần, thi hài ông và vợ được chôn cất trong nhà thờ.
Năm 1952, tháp chuông nhà thờ phải hạ bớt phần chóp nhọn để đảm bảo an toàn cho việc không lưu do đường băng sân bay Tân Sớn Nhất được nối dài về phía Bắc.
5. Từ 1959 đến 1961: Cha Phêrô Trần Văn Thông
Cha Phêrô là một linh mục trẻ tuổi nhưng già kinh nghiệm, có nhiều khả năng và rất hăng say hoạt động. Ngoài những hoạt động phụng vụ và mục vụ, cha còn dùng tiền của cha mẹ mua đất xây cất nhà thờ Chợ Cầu, An Phú Đông và Tham Lương. Sau đó, cha về làm giám đốc nhà Bêtania.
6. 1961-1968: cha An-rê Nguyễn Văn Đại
Ngoài vai trò là mục tử, ngài còn là thành viên Ủy ban tản cư và định cư. Giáo dân họ đạo lúc này tăng từ 1600 lên 3584 người.
7. 1968-1974: cha Micae Nguyễn Văn Học
Cha chăm lo sinh hoạt phụng vụ và mục vụ, sửa chữa nhà thờ, nhà xứ, trường học, xây dựng đài kính Thánh Cả Giuse và chính thức nhận Ngài làm bổn mạng thứ hai của họ đạo.
8. 1974-1975: cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Tam
Đây là giai đoạn giao thời thật nhiều khó khăn. Vào tháng 11.1975 cha qua đời vì bệnh ung thư khớp xương.
III. THỜI KỲ PHÁT TRIỂN (1975 đến nay)
9. Từ 1975 đến 1991: Cha FX Nguyễn Ngọc Thu
Trong bối cảnh thời cuộc đổi thay, cha Thu đề ra tiêu chuẩn căn bản: Ổn định đời sống đức tin cho bà con giáo dân và đặc biệt tìm cách hướng dẫn giới trẻ.
Về cơ sở hạ tầng: Họ đạo Hạnh Thông Tây có nhiều đất đai. Việc đầu tiên cha sở mới cho tiến hành xây tường bao xung quanh khuôn viên nhà thờ và tường bao khu vực nhà xứ. Tiếp đến là các công trình đại tu: lót gạch nền nhà xứ, làm đường kiệu vòng theo chu vi khuôn viên nhà thờ, đổ nhựa sân nhà thờ, trùng tu ngôi thánh đường cổ kính.
Về mục vụ
a. Hội Đồng Mục Vụ
Trong thời gian đầu từ 1975-1980, Họ đạo vẫn làm việc với Ban Quới Chức cũ. Khoảng năm 1980, thành lập Hội Đồng Mục Vụ giáo xứ với 7 khu xóm từ chợ Hạnh Thông Tây (cũ) đến Chợ Cầu (P.12), với các danh hiệu Đức Mẹ để nhờ Mẹ Maria phù trợ: Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đức Mẹ Mông Triệu, Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu, Nữ Vương Hoà Bình, Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo, Đức Mẹ Fatima.
Cha mời Đức Giám mục hằng năm về thăm viếng họ đạo và ban bí tích Thêm Sức, tổ chức các cuộc Tĩnh Tâm cho từng đoàn thể và cho toàn họ đạo trong các Mùa Vọng, Mùa Chay...
b. Ban Giáo Lý
Cha tập họp, đào tạo các thanh niên thiện chí để làm thành Ban Giáo Lý từ năm 1977.
c. Ca đoàn và Hội đoàn
Từ năm 1975, chỉ có ca đoàn nhỏ Têrêsa. Cha lập thêm ca đoàn Cêcilia và ca đoàn Giuse. Các đoàn thể khác cũng được hình thành là: Nhóm Dòng Ba Camêlô, Nhóm “Matta giúp kẻ liệt”, Nhóm các em giúp lễ.
10. Từ 1991 đến 2001: Cha Đôminicô Võ Văn Tân
Trong bối cảnh xã hội Việt Nam bước vào thời kỳ đổi mới, Cha Đôminicô Võ Văn Tân về nhận họ đạo Hạnh Thông Tây vào chiều Chúa Nhật 24-11-1991. Cha thường xuyên duy tu sửa chữa nhà thờ, nhà xứ, lập Ban Trật Tự giữ xe thành lập Hội Matta giúp kẻ liệt, cho hình thành Hội Dòng Ba Đa Minh, Hội Gia đình Tận Hiến Đức Mẹ, Hội Gia Đình cùng theo Chúa... Ca đoàn Thánh Gia (nay là Ca đoàn Ave Maria) cũng được thành lập.
Cha mở lớp Giáo Lý Hôn Nhân và Tân Tòng, duy trì giờ chầu Mình Thánh Chúa vào mỗi chiều thứ Sáu đầu tháng, thêm hai Thánh lễ Chúa nhật: một vào chiều thứ Bảy và một vào chiều Chúa Nhật.
Trong giai đoạn này, giáo xứ lần lượt có 2 cha phụ tá: cha Phanxicô Salêsiô Nguyễn Quốc Hoàng (2001-2003) và cha Denis Phạm Bùi Vượng (2003-2005).
Cha được nghỉ hưu vào tháng 5 năm 2005.
11. Từ 2005 đến 2013: Cha Clêmentê Lê Minh Trung
Cha Clêmentê Lê Minh Trung về làm cha sở họ đạo Hạnh Thông Tây từ ngày 11-5-2005. Quan tâm hàng đầu của Cha là đời sống đức tin của dân Chúa. Cha hướng dẫn thực hiện các quy định về Phụng vụ và phổ biến rộng rãi, đặt Mình Thánh Chúa hằng ngày từ sau lễ sáng đến 16 giờ, tổ chức giờ kinh kính Lòng Chúa Thương Xót hằng ngày vào lúc 15 giờ, thêm một thánh lễ vào 9g30 Chúa nhật, mở các lớp giáo lý cho mọi giới, củng cố đội ngũ giáo lý viên và quy tụ thêm nhiều giới trẻ tham gia. Hằng năm, Cha soạn thảo tập sách “Những ngày lễ và những điều cần biết trong họ đạo Hạnh Thông Tây” gửi đến từng gia đình.
Hội đồng Mục vụ và các ban ngành đoàn thể
Cha sở Clêmentê tổ chức bầu chọn nhân sự của HĐMVGX nhiệm kỳ mới, lập thêm các hội đoàn và mời gọi mọi người tham gia. Cha phân công trực phụng vụ, trực trật tự, tổ chức các giờ kinh đạo đức tại nhà thờ - đền đài - giáo khu - gia đình… hầu lôi kéo thêm nhiều tông đồ giáo dân cộng tác trong vui tươi, nhiệt thành.
Xây dựng kiến thiết cơ sở tôn giáo
Ngoài việc sửa chữa và nâng cấp một số hạng mục, cha Clement còn thực hiện được một số công trình lớn:
Năm 2005: Xây dựng nhà thờ Vĩnh Hiệp, trước đây thuộc giáo khu Fatima của giáo xứ, cách nhà thờ Hạnh Thông Tây khoảng 3 km.
Năm 2007: Xây dựng Đài Thánh Giuse nằm đối diện với Đài Đức Mẹ.
Năm 2008: Xây dựng Nhà Sinh hoạt Phụng vụ - Giáo Lý (còn gọi là Nhà Thờ Phụ). Đây là công trình ghi dấu ấn Năm Thánh 2010.
Cùng cộng tác với cha sở Clêmêntê trong giai đoạn này lần lượt có có 4 cha phụ tá:
2007-2010: cha Giuse Vũ Văn Quyên,
2010-2011: cha Đaminh Nguyễn Văn Ngọc,
2011-2012: cha Giuse Huỳnh Thanh Phương,
2012 đến nay: cha Giuse Đinh Quang Lâm
Cha Clêmêntê Lê Minh Trung nhận bài sai về Giáo xứ Chí Hòa vào tháng 7 năm 2013.
12. Từ 2013 đến nay: cha Giuse Phạm Đức Tuấn
Là Tổng Tuyên úy Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam - Cha Giuse Phạm Đức Tuấn - về làm cha sở giáo xứ Hạnh Thông Tây, luôn tìm cái mới để phát triển giáo xứ về đời sống đức tin, xây dựng đền đài và cơ sở vật chất giáo xứ, mở nhiều lớp giáo lý mới, nhiều chương trình sinh hoạt cho các giới.
Nhân dịp ngân khánh linh mục cha sở Giuse 27-6-2017, họ đạo khởi công xây dựng nhà giáo lý mới.
Hội đồng Mục vụ Giáo xứ (HĐMV) và các ban ngành, đoàn thể.luôn được khích lệ và củng cố nhân sự cho các hội đoàn giúp cho các hoạt động luôn có chiều sâu và hiệu quả. Cha lập thêm 2 giáo khu: Đức Mẹ Truyền Tin và Ave Maria. Như vậy, hiện Giáo xứ có 12 giáo khu, lần lượt mang tên: Đức Mẹ Lộ Đức, Đức Mẹ Truyền Tin, Đức Mẹ Fatima, Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Đức Mẹ La Vang, Đức Mẹ Nữ Vương Hòa Bình, Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, Đức Mẹ Môi Khôi, Đức Mẹ Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo, Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu, Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đức Mẹ Ave Maria.
Những ban ngành đoàn thể hiện này của Giáo xứ là: Thừa tác viên Thánh Thể, Ban Phụng vụ-Thánh nhạc(6 ca đoàn)-Lễ Sinh, Ban Giáo lý, Đoàn Thiếu nhi Thánh Thể, Ban Trật Tự, Ban Cây Xanh, Hội các Bà Mẹ Công Giáo, Hội Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm, Hội Bác ái Vinh Sơn, Hội Legio Mariae, Hội Martinô (chăm sóc bệnh nhân), Hội Matta (chăm sóc nhà Chúa), Gia đình Tận Hiến Đức Mẹ, Huynh đoàn Đa Minh, Dòng Ba Cát Minh, Thánh Kinh Cầu nguyện, Nhóm con Đức Mẹ và Ban Khánh tiết (mới thành lập).
LỜI KẾT
Nhìn lại hành trình đức tin của dân Chúa Hạnh Thông Tây từ lúc sơ khai đến nay để tạ ơn Chúa và cám ơn các bậc tiền nhân, đồng thời nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc làm chứng cho Chúa và loan báo Tin Mừng cách hiệu quả hơn trong thế giới hôm nay.
Phúc Lộc - NSTM 7.2020 (TGPSG)