Giáo xứ Chợ Cầu 2016

Giáo xứ Chợ Cầu 2016

Giáo xứ Chợ Cầu 2016

TGPSG -- Giáo xứ Chợ Cầu có lược sử lâu đời ở vùng Hốc Môn. Qua chặng đường dài thăng trầm, lược sử này có cả máu và mồ hôi của cha ông ngày trước. Và ngày nay, cộng đoàn giáo xứ Chợ Cầu đã có sức sống rất mới.

Một cộng đoàn lớn mạnh

Một buổi chiều, cái nắng còn đang chói chang, khô khốc, chúng tôi đi vào khuôn viên nhà thờ Chợ Cầu. Đứng ở bên hông, từ phía đầu nhà thờ, một làn gió thổi mát rượi, chúng tôi ngắm ngôi nhà thờ mới xây - vững vàng, sạch đẹp - quả là lý tưởng khi nhà thờ nằm trong vùng  dân cư, có đường xá tấp nập. Cha chánh xứ dáng khỏe mạnh, từ ngoài đường đi vào sân. Cha tươi cười thăm hỏi:

-    Chị chờ có lâu không? Tôi đang bận chút việc liên quan tới chủng sinh của giáo phận.

-    Con kính chào cha! Coi sóc một cộng đoàn có nhà thờ lớn thế này, cha còn bận rộn với việc của giáo phận nữa sao?

Cha và chúng tôi cùng bước vào một phòng khách, rộng dài nhưng đơn sơ. Qua một giờ đồng hồ, cha chánh xứ Giuse Trần Thanh Công cho chúng biết thêm nhiều về cộng đoàn giáo xứ này.

Giáo xứ có 6.896 giáo dân, cộng thêm 3.000 di dân Công giáo, nên cùng cộng tác trong việc điều hành cộng đoàn giáo xứ với cha chánh xứ, cha phụ tá là Hội Đồng Mục Vụ Giáo xứ (HĐMV), với 90 người (gồm Ban thường vụ, Ban điều hành các giáo khu và Ban điều hành các đoàn thể). Công việc nhiều nhưng chặt chẽ, “dân chủ” và có sự hiệp thông rất cao. Một ví dụ rất nhỏ là, khi xây nhà thờ mới, có một số người thích cửa sắt, số giáo dân khác muốn làm cửa gỗ, cha xứ liền cho bỏ phiếu vào thùng, số phiếu nào cao thì thực hiện. Giáo dân rất hài lòng, tất cả đều vui vẻ với việc chung.

Giáo xứ trở thành một khối hiệp thông khi các chương trình cha xứ đưa ra đều có sự đóng góp ý kiến của HĐMV, nhiều người cùng tham gia họp bàn. Ví dụ, chương trình Năm Thánh lòng Thương Xót, tất cả mọi thành phần dân Chúa trong giáo xứ đều tham dự đông đủ, nên sức sống của giáo xứ thể hiện rất rõ nét.

Nhà thờ Chợ Cầu là một trong những nhà thờ được chọn để các giáo xứ đến hành hương trong Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót. Vì thế, trong năm này, chương trình của giáo xứ kính LCTX cũng được tổ chức rất cụ thể như: Tối thứ ba hằng tuần có thánh lễ, với trên dưới 2.000 người tham dự và mỗi tháng, một đoàn thể sẽ chịu trách nhiệm trong việc tổ chức thánh lễ đó. Vào tối thứ tư của tuần thứ hai trong tháng, nhóm Lòng Thương Xót của giáo hạt  Hốc Môn sẽ đến chầu Thánh Thể.

Giáo xứ có riêng một video chương trình Năm Thánh LTXC bằng ca nhạc kịch. Đó là một buổi diễn nguyện Thánh Kinh, với sân khấu ngoài trời tại đài Đức Mẹ. Ca nhạc kịch được giới trẻ và giáo lý viên trình diễn theo chủ đề Thánh Kinh và khi kết thúc, mọi người cùng dâng lễ. Buổi diễn nguyện đã cho thấy đời sống đạo rất cụ thể, thực tế, đáp ứng được lòng sốt sắng, đạo đức của cộng đoàn dân Chúa trong giáo xứ.

Bên cạnh đó, nhóm Lòng Chúa Thương Xót không chỉ đọc kinh hằng ngày tại nhà thờ, mà còn đọc kinh trong các khu xóm nữa.

Hoạt động giới trẻ ở giáo xứ này khá lý tưởng. Ngoài các ca đoàn với nhiều người trẻ, còn có một bộ phận giới trẻ “thuần túy”, hoạt động rất mạnh. Có bốn cách sinh hoạt trong một tháng: Thứ nhất là học hỏi và chia sẻ Kinh Thánh; thứ hai là có một buổi tối tụ họp để cầu nguyện theo chương trình đã được soạn; thứ ba là dành một buổi tối cầu nguyện trong thinh lặng – các bạn trẻ cầu nguyện thầm lặng với những suy tư riêng; thứ bốn là tuần để sinh hoạt về đức tin hoặc luân lý hay là nói chuyện chuyên đề với những đề tài thiết thực, mới, thời sự...

Nói chung, giới trẻ chuyển tải Kinh Thánh và Giáo lý bằng những phương thế “rất trẻ” như suy niệm bằng ca, nhạc, kịch. Ngoài ra, giới trẻ Chợ Cầu còn đóng góp một phần quan trọng trong chương trình sinh hoạt của Giới trẻ giáo phận dịp lễ Lá năm 2014.

Trước đây, đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể có con số khá đặc biệt là 1080 em, do các nữ tu Đaminh Phú Cường và các thầy dòng Đồng Công chăm sóc. Nhưng sau này, đoàn Giáo Lý Viên với 50 em đã phụ trách việc chăm sóc đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể. Trong số đó, có em đã vô chủng viện, một số em lập gia đình với nhau, nên có một quãng thời gian, con số Giáo Lý Viên bị dao động, nay đã ổn định bình thường và sinh hoạt nhịp nhàng trở lại.   

Thử tưởng tượng, một cộng đoàn mà trong Tam Nhật Vượt Qua, các sinh hoạt phải đến 24 giờ đêm mới dứt thì sốt sắng đến thế nào rồi! Còn dịp dâng hoa kính Đức Mẹ tháng Năm thì có đến 80 “con hoa”. Thật rộn ràng, sốt sắng và sống động!

Một cộng đoàn yêu thương

Dường như cộng đoàn giáo xứ nào đông người thì công việc bác ái xem ra có vẻ “tỉ lệ thuận” với số giáo dân. Ban Caritas của giáo xứ Chợ Cầu hoạt động rất mạnh, với những hoạt động như: kết hợp với ca đoàn Phanxicô trong giáo xứ lo học bổng cho sinh viên và học sinh (lấy từ nguồn thu gom ve chai ngày Chúa nhật); hằng tháng tặng gạo và nhu yếu phẩm cho người nghèo trong giáo xứ; quyên góp để giúp vùng sâu, vùng xa một năm một lần.

Riêng trong giáo xứ, vào dịp Tết Trung Thu và lễ Giáng Sinh, mỗi đoàn thể sẽ tổ chức chương trình đi giúp vùng sâu vùng xa. Đặc biệt, cha chánh xứ là người luôn có mặt trong các chuyến đi. Cha cho biết: “Tôi có mặt trong các chuyến đi chia sẻ là để đồng hành và huấn luyện đời sống đức tin, bác ái cho các đoàn thể. Và khi tôi đi như vậy, vào các buổi tối thường có một giờ cầu nguyện chung”.

Khi giao lưu với các giáo xứ khác, cha xứ luôn bộc lộ tấm lòng tâm huyết với giới trẻ và thiếu nhi, khi ngài giới thiệu các phương thức sinh hoạt, cách cầu nguyện, cách tìm sân chơi cho các bạn trẻ và cách thu hút giới trẻ.

Giáo xứ có đến 3.000 di dân đến sinh sống  và làm việc. Các ông trong Ban điều hành của giáo khu cũng luôn vui vẻ tiếp nhận khi có người Công giáo di dân đến báo về sự hiện diện của mình trên địa bàn giáo xứ.

Ngoài ra, giáo xứ còn có một hội trường rộng vừa đủ để cả giáo dân và di dân đều có thể sử dụng hoặc nương nhờ khi gia đình có chuyện ma chay, cưới hỏi.

Một lược sử lâu đời

Giáo xứ Chợ Cầu được thành lập năm 1869 do một nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Cái Mơn gầy dựng. Sau đó, giáo xứ được các linh mục thừa sai Pháp quản trị trong thời Nguyễn - thời kỳ đạo Công giáo bị cấm cách ở Việt Nam.

Hiện nay các tài liệu lịch sử liên quan đến giáo xứ Chợ Cầu vẫn chưa thu thập được nhiều. Chỉ biết rằng, vào năm 1945, nhà thờ bị đốt phá, cha sở là linh mục Phaolo Đoàn Thanh Xuân bị bắt và bị giết, giáo dân tản mác khắp nơi trong suốt 15 năm, rồi sau đó mới dần dần hồi cư, tái lập họ đạo. Vì thế có khoảng thời gian, người địa phương quen gọi nơi đây là “Nhà Thờ Đổ”.

Năm 1964, cha cố Giuse Nguyễn Hữu Nguyên đưa một số giáo dân gốc Đồng Xá (Hải Phòng) từ Bến Cát (Bình Dương), tị nạn chiến tranh về lập nghiệp và xây dựng lại nhà thờ “trên nền Nhà Thờ Đổ” năm xưa. Lúc này Giáo xứ vẫn chưa có tên gọi.

Đến năm 1971, khi cha cố Giuse Nguyên qua đời, cha Tôma Nguyễn Văn Khiêm được Tòa Tổng Giám mục cử về quản xứ. Ngài sát nhập giáo dân (nhà thờ họ lẻ Chợ Cầu, người dân quen gọi là nhà thờ “Nam” lúc đó không có linh mục) thành một giáo xứ và chính thức đặt tên là giáo xứ Tân Hưng Chợ Cầu. Tên gọi của giáo xứ sau đó cũng thay đổi nhiều lần: Năm 1971 gọi là Tân Hưng Chợ Cầu. Đến năm 1979 thì gọi là giáo xứ Hàng Sao cho phù hợp với địa danh hành chánh. Đến năm 1993 gọi là giáo xứ Chợ Cầu. Năm 2002 lại gọi là giáo xứ Hàng Sao. Từ năm 2008 đến nay, chính thức gọi là giáo xứ Chợ Cầu. Bổn mạng của Giáo xứ là Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Nhà thờ  được tu bổ  vào năm 1989 và được xây mới vào năm 2015.

Các linh mục từng phụ trách họ đạo từ năm 1862 đến 2016:

  • LM thừa sai người Pháp từ 1862 đến 1901
  • LM thừa sai người Đức từ 1901 đến1914
  • LM Châu từ 1914 đến 1925
  • LM Phaolô Đoàn Thanh Xuân  từ 1925 đến 1945
  • LM Gabriel Phan Văn Thọ (1947)
  • Từ 1947 đến 1954 không có linh mục
  • LM Phêrô Phan Thanh Thời từ 1955 đến 1959
  • LM Phêrô Trần Văn Thông từ 1960 đến 1962
  • LM Anrê Nguyễn Văn Đại từ 1962 đến 1965
  • LM  Giuse Nguyễn Hữu Nguyên từ 1965 đến 1971
  • LM Tôma Nguyễn Văn Khiêm từ 1971 đến 1993
  • LM  Luy Gonzaga Tô Minh Quang từ 1993 đến 2002
  • LM  Antôn Nguyễn Văn Toàn từ 2002 đến 2008
  • LM Giuse Trần Thanh Công  từ 2008 đến 2016.

Vũ Loan - Bài Giảng Chúa Nhật 2016 (TGPSG)

Ghi chú:
LM Gioan Baotixita Nguyễn Văn Hiếu được Đức Tổng Giám mục Sài Gòn cử về làm chánh xứ Chợ Cầu từ  năm 2016 đến nay.

Top