Giáo xứ Cầu Kho: Hiệp nhất để truyền giáo

Giáo xứ Cầu Kho: Hiệp nhất để truyền giáo

Giáo xứ Cầu Kho: Hiệp nhất để truyền giáo

TGPSG -- Giáo xứ Cầu Kho luôn nhắm đến việc phát huy các sinh hoạt mục vụ truyền giáo và sự hiệp nhất giữa các cộng đoàn trong giáo xứ, khởi đi từ sự cộng tác của mọi người trong bầu khí yêu thương, đoàn kết...

NHÀ THỜ & ĐỊA BÀN

Nhà thờ Cầu Kho ngụ tại số 31, đường Trần Đình Xu, Phường Cầu Kho, Quận 1, Tp Hồ Chí Minh.

Giáo xứ Cầu Kho hiện nằm trên địa bàn của 3 phường: Cầu Kho, Nguyễn Cư Trinh và Cô Giang tại khu vực gần trung tâm quận 1, gần các con đường Trần Hưng Đạo, Cô Bắc, Cô Giang, Võ Văn Kiệt, Hồ Hảo Hớn, Trần Đình Xu, Nguyễn Cảnh Chân, Nguyễn Khắc Nhu, Nguyễn Văn Cừ. Địa bàn của giáo xứ khá rộng, đông dân cư và các hộ gia đình giáo dân sống rải rác đan xen với các tôn giáo bạn.

LƯỢC SỬ GIÁO XỨ

Giáo xứ Cầu Kho là một trong những giáo xứ lâu đời trong Tổng Giáo phận Sài Gòn, được thành lập vào năm 1863. Lúc bấy giờ, giáo xứ Cầu Kho là họ nhánh của giáo xứ Chợ Quán có tên là Bến Nghé, với một ít giáo dân người địa phương. Khi triều đình Huế bắt đạo, có thêm khoảng 200 giáo dân từ miền Trung vào đây lánh nạn. Lúc này giáo xứ chưa có linh mục Chánh xứ, hằng tháng các linh mục dòng Phanxicô ở Chợ Quán đến làm lễ và ban các phép bí tích.

Năm 1863, dưới thời Đức Giám mục Dominique Lefèbvre, giáo xứ Bến Nghé chính thức được coi là một giáo xứ độc lập. Vì thế, năm 1863 được chọn là năm thành lập giáo xứ Bến Nghé (Cầu Kho).

Năm 1865, thầy Phanxicô Phan Đăng Khoa thụ phong linh mục và được cử nhận chức Cha sở tiên khởi. Ngài dẫn dắt giáo xứ trong suốt 14 năm, từ 1861 đến 1875, trong đó có 4 năm đầu tiên là thầy Phó tế.

Theo truyền khẩu của dân địa phương, do ở đây trước kia lắm sông rạch, có nhiều cầu bắc qua. Bên cạnh sông rạch có kho hàng hóa, kho lúa bởi thế địa phương này mới có tên là Cầu Kho.

Năm 1866, nguyện đường Bến Nghé đã cũ và chật hẹp so với số lượng giáo dân ngày càng tăng, bà Anna Nguyễn Thị Xuyến đã dâng tặng cho giáo xứ một mảnh đất rộng rãi ở đường Nguyễn Tấn Nghiệm (nay là Trần Đình Xu). Cha Sở Phanxico Khoa quyết định dời về đây và cho xây dựng ngôi nguyện đường mới rộng rãi hơn thay nguyện đường cũ, chọn Đức Bà Phù Hộ Các Giáo Hữu làm bổn mạng nguyện đường. Giáo dân theo ý kiến của Cha sở, đồng chọn tên nguyện đường mới này là Tân Hòa. Nguyện đường có 3 gian, 2 chái, ngang 14m, hậu 16m, cao 7m, bằng gỗ, lợp mái ngói âm dương, vách vàng lót gạch tàu.

Năm 1875, dưới thời Đức Giám Mục Isidore Colombert, linh mục Phêrô Nguyễn Đức Nhi về thay linh mục Phanxicô Phan Đăng Khoa. Lúc này, giáo dân ngày càng tăng, khoảng trên 1.400 người, cuộc sống người dân khấm khá lên, nhiều người xin vào học đạo… cha chánh xứ và giáo dân đã kiến thiết lại ngôi nhà thờ mới cho khang trang và rộng rãi hơn. Ngày 08.10.1881, giáo xứ tổ chức khánh thành nhà thờ mới dài 44m, cao 20m, ngang 21m, vách cột gạch, lợp ngói mộc, được làm bằng các loại gỗ quý, chạm trổ rất công phu. Giáo xứ chính thức lấy tên là giáo xứ Cầu Kho.

Ngày 08/10/1881, giáo xứ tổ chức khánh thành nhà thờ mới. Nhà thờ mới dài 44m, cao 20m, ngang 21m, vách cột gạch, lợp ngói mộc, được làm bằng các loại gỗ quý, chạm trổ rất công phu. Cha Sở cũng đổi tên giáo xứ thành giáo xứ Cầu Kho theo truyền khẩu của dân địa phương. Quản xứ được 38 năm, linh mục Phêrô Nhi xin nghỉ hưu.

Năm 1913, linh mục Andrê Nguyễn Hương Đoài là Chánh Xứ, trong thời gian từ 1913 – 1915, dưới thời Đức Giám Mục Lucien U. Loserd (Mão)

Năm 1915, linh mục Phaolô Phạm Công Nhượng là Chánh Xứ, trong thời gian từ 1916 – 1922, dưói thời Đức Giám Mục Victoric Quinton (Tên)

Năm 1922, linh mục Phaolô Nguyễn Phước Khánh là Chánh Xứ, trong thời gian từ 1922 – 1933, dưói thời Đức Giám Mục Victoric Quinton (Tên)

Năm 1953, linh mục Thoma Nguyễn Văn Thạnh là Chánh Xứ, trong thời gian từ 1953 – 1957, dưới thời Đức Giám Mục Jean Cassaigne (Sanh)

Năm 1957, linh mục Phaolô Nguyễn Huỳnh Điểu là Chánh Xứ, trong thời gian từ 1957 – 1960, dưới thời Đức Giám Mục Simon-Hoà Nguyễn Văn Hiền

Năm 1960, linh mục Gioakim Nguyễn Văn Nghị là Chánh Xứ, dưới thời Đức Giám Mục Simon-Hoà Nguyễn Văn Hiền.

Năm 1963, linh mục Phaolô Nguyễn Văn Truyền từ giáo xứ Hòa Hưng về thay thế linh mục Gioankim Nghị chuyển qua họ Búng, dưới thời Đức Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình. Đây là khoảng thời gian mà giáo dân trong giáo xứ đã tăng lên nhiều, khoảng 5,000 người.

Năm 1965, linh mục Phaolô Truyền đã khởi công xây dựng lại nhà thờ bề thế hơn và chính là nhà thờ Cầu Kho hiện nay. Năm 1983, linh mục Phaolô Truyền qua đời, ngài phục vụ Giáo xứ tròn 20 năm, từ năm 1963 đến năm 1983.

Khoảng thập niên 1960, dưới thời Đức Tổng giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình, giáo dân tăng lên khoảng 5.000 người. Vì thế, năm 1965, linh mục chánh xứ Phaolô Nguyễn Văn Truyền đã khởi công xây dựng lại nhà thờ bề thế hơn, chính là nhà thờ Cầu Kho hiện nay.

Sau biến cố 1975, trường học của giáo xứ do chính quyền quản lý, mảnh đất rộng rãi thuộc khu vực nhà xứ bị người dân chiếm dụng dưới nhiều hình thức và ở đan xen với nhà xứ, dẫn đến tình trạng: ngày nay muốn sửa chữa nhà xứ, xây lại nhà sinh hoạt giáo lý… sẽ gặp rất nhiều trở ngại. Ngoài ra, vì giáo xứ nằm trong khu vực có nhiều lương dân và người theo đạo Công giáo ít, nên việc sinh hoạt đạo đức, thực thi bác ái cũng bị hạn chế…

Năm 1984, linh mục Felix Nguyễn Văn Thiện, đang phụ trách giáo xứ Tân Quy Đông, Nhà Bè, đổi về nhậm chức Chánh Xứ Cầu Kho.

Trong những năm 2005 đến năm 2010, do mở rộng đại lộ Võ Văn Kiệt (khu vực đường Bến Chương Dương trước đây), nên giáo xứ Cầu Kho đã có biến động về số lượng giáo dân.

Cho đến cuối tháng 12/2016, linh mục Felix Thiện về hưu, sau 32 năm phục vụ cho Giáo xứ. Ngày 31/12/2016, linh mục Phero Lê Văn Chính về nhậm chức Chánh Xứ cho đến nay.

vào năm 2017, có đợt giải tỏa trắng chung cư Cô Giang. Vì thế, theo thống kê cuối năm 2017, tổng số hộ gia đình Công giáo chỉ còn 548 hộ, với tổng số giáo dân là 2.145 người.

Cũng trong năm 2017, giáo xứ Cầu Kho có một số thay đổi về nhân sự trong Hội đồng mục vụ Giáo xứ (HĐMVGX). Đồng thời, giáo xứ tiến hành nhiều hoạt động sửa chữa, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng của nhà thờ đã cũ sau nhiều năm hoạt động, xây dựng mới các tường rào trước và bên hông nhà thờ, sửa chữa nhà xứ, mở cầu thang thoát hiểm trên lầu cho nhà thờ, nâng cấp khu nhà sinh hoạt giáo lý…

Từ năm 2017 cho đến nay, Cha Sở Phê-rô Lê Văn Chính từng bước cải tạo, tu bổ lại nhà thờ đã cũ sau hơn 50 năm xây dựng như chỉnh trang lại cung thánh và nhà thờ trên lầu, cải tạo nhà nguyện Thánh Tâm (nhà Vượt qua) ở dưới đất, xây dựng mới các tường rào trước và bên hông nhà thờ, sửa chữa Nhà xứ, mở cầu thang thoát hiểm, nâng cấp khu nhà sinh hoạt giáo lý…

Các vị mục tử

Như vậy, với bề dày 155 năm thành lập (năm 1863), giáo xứ Cầu Kho đã trải qua 11 đời cha chánh xứ, gồm:  

+1865-1875: Lm Phanxicô Phan Đăng Khoa, chánh xứ tiên khởi.

+ 1875-1913: Linh mục Phêrô Nguyễn Đức Nhi

+ 1913-1915: Linh mục Anrê Nguyễn Hương Đoài

+ 1915-1922: Linh mục Phaolô Phạm Công Nhượng

+ 1922-1953: Linh mục Phaolô Nguyễn Phước Khánh

+ 1953-1957: Linh mục Phaolô Tôma Nguyễn Văn Thạnh

+ 1957-1960: Linh mục Phaolô Nguyễn Huỳnh Điểu

+ 1960-1963: Linh mục Gioakim Nguyễn Văn Nghị

+ 1963-1983: Linh mục Phaolô Nguyễn Văn Truyền

+ 1984-2016: Linh mục Felix Nguyễn Văn Thiện

+ Từ ngày 31.12.2016 đến nay: Linh mục Phêrô Lê Văn Chính.

TỔ CHỨC GIÁO XỨ

Giờ Thánh lễ

-    Ngày thường: Sáng 5g00, Chiều 17g30.

-    Chúa nhật: Sáng 05g00, 07g00

                          Chiều 17g00, 18g15

Bổn mạng giáo xứ

Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên trời, ngày 15-8

Xóm giáo

Hiện nay, giáo xứ Cầu Kho có 08 xóm giáo:

+ Xóm giáo ĐỨC MẸ HẰNG CỨU GIÚP   

-    Giới hạn bởi các đường Trần Hưng Đạo, Trần Đình Xu,  Nguyễn Cư Trinh, Cống Quỳnh.

-    Lễ bổn mạng: Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, ngày 27-6.

+ Xóm giáo FATIMA                      

-    Giới hạn bởi các đường Nguyễn Cảnh Chân - Trần Hưng Đạo - Nguyễn Văn Cừ - Võ Văn Kiệt. 

-    Lễ bổn mạng: Đức Mẹ Fatima, ngày 13-05.

+ Xóm giáo GIUSE             

-    Giới hạn bởi các đường Trần Hưng Đạo, Nguyễn Văn Cừ,  Nguyễn Trãi, Trần Đình Xu.

-    Lễ bổn mạng: Thánh Giuse, ngày 19-3.

+ Xóm giáo LỘ ĐỨC                       

-    Giới hạn bởi các đường Trần Hưng Đạo,  Đề Thám,  Võ Văn Kiệt,  Hồ Hảo Hớn, Nguyễn Khắc Nhu.

-    Lễ bổn mạng: Đức Mẹ Lộ Đức, ngày 11-2.

+ Xóm giáo MÂN CÔI                            

-    Giới hạn bởi các đường Nguyễn Trãi, Nguyễn Cư Trinh, Hồ Hảo Hớn.

-    Lễ bổn mạng: Đức Mẹ Mân Côi, ngày 7-10.

+ Xóm giáo MẸ THIÊN CHÚA:        

-    Giới hạn bởi các đường Trần Đình Xu, Trần Hưng Đạo, Võ Văn Kiệt.

-    Lễ bổn mạng: Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, ngày 1-1.

+ Xóm giáo TRÁI TIM VẸN SẠCH 

-    Giới hạn bởi các đường Trần Đình Xu, Võ Văn Kiệt, Hồ Hảo Hớn, Trần Hưng Đạo.

-    Lễ bổn mạng: Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ, ngày 2-7.

+ Xóm giáo VÔ NHIỄM                  

-    Giới hạn bởi các đường Trần Hưng Đạo, Nguyễn Cảnh Chân, Võ văn Kiệt, Hẻm Center Food.

-    Lễ bổn mạng: Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, 8-12.

Các hội đoàn, ban ngành

Các hội đoàn đang thường xuyên hoạt động: Gia đình Phạt Tạ Thánh Tâm, Hội Các Bà Mẹ Công Giáo, Legio Mariae, Dòng Ba Cát Minh, Ban giáo lý & Thiếu Nhi Thánh Thể, Thiếu Nhi Cung Thánh, Ban Mục vụ Truyền thông, Ban quét dọn nhà thờ, Ban cắm hoa, Ban giữ xe, Ban Caritas.

Các Ca đoàn: Ave, Cecilia, Têrêsa, Vô Nhiễm.

Sinh hoạt mục vụ

Giáo xứ tổ chức giờ kinh tối luân phiên giữa các xóm giáo và các hội đoàn lúc 20g thứ Bảy hằng tuần, đã được duy trì hơn một năm nay, tạo bầu khí thánh thiêng và ấm cúng nơi hang đá Đức Mẹ.

Các lớp Giáo lý Hôn nhân và Dự tòng được mở thường xuyên, nhằm hướng dẫn các bạn trẻ sắp bước vào đời sống hôn nhân, cũng như đáp ứng nhu cầu của những anh chị em lương dân có lòng khao khát gia nhập Hội Thánh, do chính linh mục chánh xứ phụ trách.

Các lớp giáo lý Khai Tâm, Rước Lễ lần đầu, Thêm Sức, do linh mục chánh xứ cùng các huynh trưởng và giáo lý viên phụ trách, học đều đặn vào mỗi sáng Chúa nhật lúc 8g.

Kế thừa và phát triển

Tiếp nối các vị mục tử tiền nhiệm và các bậc tiền nhân, linh mục chánh xứ Phêrô Lê Văn Chính đã rất cố gắng để xây dựng giáo xứ, tuy gặp không ít khó khăn trong lúc giao thời: cơ sở xuống cấp, thiếu nhân sự, tài chánh eo hẹp để làm việc... Tuy nhiên, nhờ ơn Chúa, cùng sự giúp đỡ của HĐMVGX, các hội đoàn nòng cốt, các ân nhân, bà con giáo dân trong và ngoài giáo xứ, đến nay công việc đang tiến triển với những hạng mục rất tốt đẹp.

Song song với những nỗ lực chỉnh trang nhà thờ, linh mục chánh xứ rất quan tâm đến việc bồi dưỡng và nâng cao đời sống đức tin qua các Thánh lễ, nghi thức phụng vụ, giảng dạy giáo lý, sinh hoạt đoàn thể, thực thi bác ái…

Hằng tháng, linh mục chánh xứ đều có tổ chức cuộc họp với HĐMVGX, bao gồm các trưởng xóm giáo, các trưởng hội đoàn để bàn bạc các công việc phải làm trong tháng.

Ngoài việc họp định kỳ với HĐMVGX, ngài còn họp riêng hằng tháng với các hội đoàn như: Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm, Legio, Các Bà Mẹ Công Giáo và Giáo lý viên.

Công việc trao Mình Thánh Chúa và xức dầu cho bệnh nhân được ngài tiến hành thường xuyên.

Việc nối lại mối liên kết sinh hoạt Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu (GĐPTTTCG) xứ đoàn Cầu Kho với GĐPTTTCG giáo hạt Sàigòn-Chợ Quán và Tổng giáo phận Sài Gòn được thực hiện tốt. Trong tháng 12, GĐPTTTCG giáo hạt Sàigòn-Chợ Quán đã chọn giáo xứ Cầu Kho là nơi khai mạc năm phụng vụ 2018-2019.

Ban MVTT đã được thành lập trong năm 2018 và tích cực hoạt động, có thành viên của giáo xứ đảm nhận vai trò Phó ban MVTT giáo hạt Sàigòn-Chợ Quán.

Ban Caritas của giáo xứ đã bắt đầu khôi phục lại hoạt động sau hơn 1 năm gián đoạn sinh hoạt. Từ những hoạt động của Caritas, linh mục chánh xứ động viên, tạo điều kiện để công tác thực thi bác ái của giáo xứ phát triển rộng khắp và thiết thực hơn

KẾT

Khi chia sẻ về những thành quả bước đầu trong hai năm tái xây dựng lại giáo xứ, linh mục chính xứ đương nhiệm luôn khiêm tốn nhìn nhận năng lực bản thân có hạn, nhưng tin rằng việc gì Chúa đã khởi sự thì ngài sẽ hoàn tất cách tốt đẹp.

Giáo xứ còn rất nhiều việc cần phải làm để duy trì và phát triển, nhất là việc phát huy các sinh hoạt mục vụ truyền giáo và sự hiệp nhất giữa các cộng đoàn trong giáo xứ, dẫn đến sự cộng tác của mọi người nhằm xây dựng môt bầu khí yêu thương, đoàn kết trong giáo xứ.

Chắc chắn những ưu tư và nỗ lực xây dựng giáo xứ của linh mục chánh xứ Phêrô cũng như của giáo dân Cầu Kho sẽ được Vị Mục Tử Tối Cao là Chúa Giêsu chúc phúc, nâng đỡ,  hướng dẫn thực hiện...

MVTT Cầu Kho - NSTM 1.2019 (TGPSG)

Top