Giáo xứ Bình An Thượng 2016

Giáo xứ Bình An Thượng 2016

Giáo xứ Bình An Thượng 2016

TGPSG -- Một ngày dễ chịu vì Sài Gòn chỉ có nắng nhẹ, chúng tôi đã đến giáo xứ Bình An Thượng, thuộc giáo hạt Bình An, quận 8. Con đường Phạm Thế Hiển rộng bề ngang, lúc nào cũng tấp nập người qua lại, không biết có phản ánh phần nào nhịp sống đạo của giáo xứ này không? Xin mời cùng ghé qua.

Một cộng đoàn vui tươi

Bước qua cổng nhà thờ, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên vì khuôn viên nhà thờ rất rộng. Ở giáo hạt Bình An, các nhà thờ được thành lập sớm thường có diện tích rộng hơn rất nhiều. Sau khi gặp cha chánh xứ Phanxicô Xavie Nguyễn Xuân Quang, chúng tôi đã được cùng với ngài và ông chánh trương Giuse Nguyễn Văn Duyệt tham quan quanh khuôn viên giáo xứ, vừa đi vừa trò chuyện, rất tự nhiên:

Thưa Cha, khuôn viên rộng thế này thì chắc là tỉ lệ thuận với số giáo dân, có phải không ạ?

Cha xứ: Đúng vậy, giáo xứ có 5.316 người. Trước đây, giáo dân thường làm nghề may, nay đa số là lao động tự do. Với số giáo dân đó, chúng tôi tổ chức được bảy đoàn thể là Gia đình Phạt Tạ Thánh Tâm, hội Các Bà Mẹ Công Giáo, hội Tận Hiến, hội Chăm Sóc Bệnh Nhân do dòng Gioan Thiên Chúa phụ trách, Gia đình Mân Côi, Legio Mariae; bảy ca đoàn và giới trẻ.

Ôi, thật là đông vui!

Ông Chánh trương: Số thiếu nhi còn ấn tượng hơn nữa đó chị ạ! Có 800 em thiếu nhi, được 40 GLV coi sóc. Dù cha mẹ làm nghề gì thì thiếu nhi trên địa bàn giáo xứ vẫn được đi học đầy đủ vì giáo xứ hỗ trợ nhịp nhàng.

Cha xứ: Thiếu Nhi Thánh Thể ở đây được chăm sóc chu đáo, nhất là việc học giáo lý. Bằng phương pháp dễ tiếp thu, các hình thức ngoại khóa vui lạ, đã giúp các em thấy “môi trường nhà thờ” thân thiết hơn. Cụ thể là: cùng với cha xứ thi đua làm hang đá và rước ngoài đường phố rồi chấm điểm, phát thưởng; hát đồng ca tại sân nhà thờ. Tết trung thu, giáo xứ đã tổ chức “hoành tráng” cho 1.500 em thiếu nhi trong và ngoài Công giáo. Đặc biệt, giáo xứ còn tổ chức nhà banh và chạy xe lửa điện quanh nhà thờ vào mỗi buổi tối, có thu tiền giống như công viên giải trí để gây quĩ thiếu nhi. Còn các buổi hội chợ thường “thu hút rất nhiều người”, với các giải thưởng có giá trị như: ti vi, tủ lạnh, xe gắn máy, máy nước nóng...

Người giáo dân ở quận 8 nổi tiếng là đạo đức sốt sắng, xin cha cho biết qua về sinh hoạt phụng vụ ạ?

Cha xứ: Có 4 thánh lễ chiều Chúa nhật, giáo dân đông đến nỗi phải để hai màn hình bên ngoài. Giáo xứ có chầu Thánh Thể hằng tuần. Thiếu nhi học giáo lý và giới trẻ sinh hoạt hằng tuần. Có rửa tội đầu tháng. Mỗi người trong gia đình nhận một chuỗi Mân Côi sống. Quí cha đưa Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân, có hội Legio Mariae đi cùng và tặng quà dinh dưỡng cho bệnh nhân....

Xin ông chánh trương cho biết chi tiết về các sinh hoạt này có được không ạ?

Ông Chánh trương: Công tác chăm sóc bệnh nhân khá đặc biệt. Các giáo xứ trong giáo hạt Bình An cùng tổ chức mỗi tuần một giờ kinh nguyện cầu cho bệnh nhân, được cha và quí thầy hướng dẫn, sau đó thăm viếng và tặng quà đến từng người bệnh. Khi có người bệnh nặng phải phẫu thuật, điều trị thuốc đắt tiền... mà hoàn cảnh ngặt nghèo thì các ông trùm trong giáo khu vận động giáo dân cùng hỗ trợ. Công việc tốt đẹp này đã hoạt động trên 20 năm.

Ngoài việc đóng góp phong trào tại địa phương, giáo xứ còn tặng quà cho người nghèo vào dịp Tết và Giáng Sinh, không phân biệt tôn giáo. Giáo dân tuổi từ 80 trở lên, được nhận quà vào ngày mồng hai Tết. Ngày lễ bệnh nhân 11 tháng 2, có gần 70 người được nhận quà dinh dưỡng. Lạ nhất là vào ngày lễ nến, giáo xứ gửi thư mời những gia đình có em bé một tuổi, (nghĩa là rửa tội vào năm trước), đến dự lễ và lãnh quà. Cách thức này làm cho các ông bố, bà mẹ phấn khởi đưa con đến nhà thờ vì cảm nhận được sự quan tâm của cha xứ và của toàn giáo xứ.

Cha xứ tươi cười: Giáo xứ có rất nhiều niềm vui chung, đặc biệt trong những ngày lễ. Trong ngày lễ bổn mạng giáo xứ: Có 5 giáo họ, mỗi giáo họ rút thăm nấu một món ăn do Ban thường vụ HĐMV đề nghị. “Ngày Của Mẹ” thì Giới Trẻ tổ chức. Giáng Sinh thì có thánh ca và văn nghệ. Các tiệc cưới: giáo dân tham dự thật đông vui. Đặc biệt hằng tháng, khoảng 40 gia đình nghèo được nhận 10 kg gạo, mì gói và đường…

Vâng, xin cảm ơn cha và ông chánh!

Tiếp tục trao đổi với cha xứ và ông chánh trương, chúng tôi rất thú vị khi được biết, Giới Trẻ của giáo xứ Bình An Thượng rất nhiệt tình và có nhiều sinh hoạt đặc biệt. Giới Trẻ đã lập chương trình “cà phê Tin Mừng”. Vào Chúa nhật, các bạn giữ trẻ để các bậc cha mẹ an tâm tham dự Thánh lễ. Sau thánh lễ, giáo dân vào hội trường uống cà phê, dùng tiệc trà, coi đoạn phim của Tin Mừng ngày Chúa nhật hôm đó và sinh hoạt theo chương trình của từng tuần, do quí cha, quí thầy dòng Phanxicô và OMI phụ trách. Thỉnh thoảng các bạn trẻ còn đi thăm trường trại xã hội và giao lưu với giới trẻ của các giáo xứ khác.

Cứ tưởng ở quận 8 xa trung tâm thành phố nên chuyện tiếp sức mùa thi là không có. Nào ngờ, đã từ bốn năm qua, giáo xứ liên tiếp tiếp sức cho các điểm thi quận 5, quận 7, quận 8 (đa số các bạn trẻ thi vào đại học Sài Gòn, thường là ở Phan Thiết được giới thiệu đến). Quí chức và giới trẻ chở thí sinh đi thi, các Bà Mẹ Công Giáo thì phụ trách nấu nướng. Sau khi thi xong, trước khi về nhà, thí sinh và người thân còn được ăn buffet và giao lưu với giới trẻ nữa, thật là thân thiện đến bất ngờ!

Cha xứ bộc bạch tâm tình: “Giáo dân ở đây rất nhiệt thành, không những bỏ công sức mà còn ủng hộ cả tiền nữa. Các đoàn thể không ngại đường xa , hăng say tham dự các khóa đào tạo của Trung tâm Mục vụ. Tôi chỉ còn thao thức là xây nhà giáo lý rộng hơn mà thôi! Chưa hết đâu, giáo dân Bình An Thượng còn rất quí trọng linh mục, tu sĩ nữa!”

Vì sao giáo xứ có nề nếp sinh hoạt tôn giáo tốt như thế? Xin mời đọc tiếp phần lược sử.

Lược sử giáo xứ và quá trình phát triển

Địa danh “Bình An” là tên gọi của dải đất Bình Xuyên cũ, chạy dài từ cầu Chữ Y đến Bến Đá, giáp với  huyện Bình Chánh. Cuối năm 1954, một số linh mục và bà con tạm cư tại kho Bãi Trấu (dốc cầu Nhị Thiên Đường) kéo nhau về lập trại.

Đầu năm 1955, cố linh mục Phaolô Hoàng Quỳnh đặt chân lên vùng đất này, đặt tên là giáo xứ Bình An Thượng, chọn bổn mạng  giáo xứ là Thánh Phaolô Trở Lại. Ngài cùng cha cố An-rê Trần Hữu Hóa dựng lên một nhà nguyện tạm có năm gian, lợp tranh vách đất.

Năm 1956, cha cố Andrê Trần Hữu Hóa - chánh xứ - đã dựng nhà thờ mới, có bảy  gian, mái lợp tôn vách ván.

Giữa năm 1957, cha Bênađô Vũ Đình Trọng từ trại Quang Trung về làm chánh xứ. Cha ưu tiên xây dựng trường học, sau đó xây ngôi nhà thờ vững chắc hơn vào năm 1967. Cha cố Bênađô đang xây dựng dở dang trường học thì tết Mậu Thân 1968, chiến tranh đã thiêu rụi nhà thờ bảy gian. Trường học chưa hoàn chỉnh cũng bị hư hại nhẹ, giáo xứ phải dùng tầng trệt nhà trường làm nơi cử hành thánh lễ.

Mãi đến năm 1983, cha cố Bênađô cùng giáo dân mới xây dựng ngôi thánh đường mới. Đến ngày 18/01/1989, ngôi thánh đường đã hoàn chỉnh. Ngày 27/04/1989, cha Gioan Baotixita Nguyễn Xuân Đức chuyển đến làm linh mục phụ tá.  

Ngày 07/01/1990, Đức cố TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình về giáo xứ dâng thánh lễ tạ ơn và đặt viên đá đầu tiên xây ngôi thánh đường hiện nay.

Ngày 17/12/1992, giáo xứ đón cha Phaolô Nguyễn Thực về làm cha phụ tá. Cha đã cộng tác với cha xứ, quý chức và cộng đoàn dân Chúa tiếp tục công trình xây dựng thánh đường.

Ngày 10/10/1993, ĐGM phụ tá Louis Phạm Văn Nẫm đã chủ sự Thánh lễ tạ ơn, khánh thành nhà thờ mới trong niềm hân hoan của cộng đoàn giáo xứ Bình An Thượng (thời điểm này cha xứ bệnh nặng).

Sau đó, Cha Phaolô Nguyễn Thực được bổ nhiệm làm chánh xứ sau khi cha xứ Bênađô qua đời vào tháng 3/1996.

Tiếp nối vị tiền nhiệm, cha Phaolô Nguyễn Thực đã có công lao rất lớn trong việc xây dựng nhiều công trình, nhưng đáng trân trọng nhất là dựng xây sự hiệp nhất trong giáo xứ.

Ngày 27/10/2001, cha Tôma Hoàng Ngọc Công được bổ nhiệm làm linh mục chánh xứ. Cha Tôma và cộng đoàn lại bắt tay vào công việc đóng giếng, nâng cao sân nhà thờ, quy hoạch trồng cây, cỏ cho xanh đẹp, sửa sang tầng trệt nhà trường thành hội trường giáo xứ....

Ngày 18/11/2006, cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Xuân Quang được bổ nhiệm về làm linh mục chánh xứ Bình An Thượng. Nhận nhiệm vụ mới, cha tu sửa lại nhà thờ, mua máy phát điện lớn để đáp ứng nhu cầu giáo xứ... Đặc biệt cha đã củng cố lại các sinh hoạt của HĐMV, các đoàn thể, ca đoàn nhất là đội ngũ Giáo lý viên, Giới trẻ, Lễ Sinh…

Lời kết 

Sáu mươi hai năm trôi qua, giáo xứ Bình An Thượng có được ngày hôm nay, là nhờ hồng ân Thiên Chúa. Cách riêng, phải kể đến các vị mục tử chánh và phó xứ, đã luôn sáng suốt dẫn dắt cộng đoàn, cùng nhiều tấm lòng quảng đại, hy sinh của những ân nhân, quý chức và giáo dân nhiệt thành, đã đóng góp tinh thần, vật chất trong việc hình thành và phát triển giáo xứ Bình An Thượng cho đến ngày hôm nay.

Bài Giảng Chúa Nhật, 2016 (TGPSG)

Top