Giáo xứ Bắc Dũng 2016

Giáo xứ Bắc Dũng 2016

Giáo xứ Bắc Dũng 2016

TGPSG -- Ở vùng Xóm Mới có một “Ngôi Nhà Chung” giống như một công trình kiến trúc tại Rôma. Cạnh nhà thờ có dãy nhà mang “nét đẹp Châu Âu”, làm cho khách vãng lai muốn đứng lại ngắm nhìn, đó chính là nơi sinh hoạt, học hỏi giáo lý, nâng cao đời sống đức tin của cộng đoàn giáo xứ Bắc Dũng, giáo hạt Xóm Mới.

Một buổi chiều, khi cái nắng Sài Gòn không còn gay gắt vì đang chuyển sang mùa mưa, chúng tôi đến giáo xứ Bắc Dũng. Không bấm chuông vội, chúng tôi dành chút giờ để ngắm công trình của giáo xứ: Toàn giáo xứ là một màu trắng tinh khôi. Một lát sau, cha chánh xứ Giuse Trần Cao Thăng bước ra với nụ cười “không thể tươi hơn” và tiếp đón chúng tôi nồng hậu, thân thiện như những người trong cùng gia đình.

Vào đến phòng khách, thấy chúng tôi trầm trồ về quang cảnh giáo xứ, cha vui vẻ chia sẻ nguyên do đại tu nhà thờ và xây dựng nhà giáo lý (có tên gọi “Ngôi Nhà Chung”). Đó là  kiến trúc tổng quan của tòa nhà. Mọi người có thể nhận thấy sự kết hợp hài hòa của phần lớn phong cách kiến trúc La Mã, thấp thoáng phong cách kiến trúc cổ trong lịch sử Giáo Hội. Đây là thành quả của sự phối hợp ý tưởng thật táo bạo, đầy sáng tạo, tính toán kỹ lưỡng giữa cha chánh xứ Giuse và ông Louk Lennaert - kiến trúc sư người Hà Lan. Từ ý tưởng đã vạch ra, ông Lorenz Lennaert (con trai ông Louk Lennaert) đã đưa ra bản thiết kế cho tòa nhà, dù rất bề thế nhưng không tốn nhiều kinh phí. Mỗi không gian đều có nhiều công năng hữu ích, bao gồm 12 phòng giáo lý mang tên 12 thánh Tông đồ, tượng đài Đức Mẹ Fatima, văn phòng HĐMV, nhà nguyện, nhà hài cốt (còn gọi là nhà Tổ), thư viện, các phòng khách, phòng hội lớn, phòng ăn cho người nghèo, quán café Thánh Ca trên sân thượng và những phòng tiện dụng khác.

Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm khi đến giáo xứ đã chia sẻ: “Hôm nay, giáo xứ khởi công xây dựng Nhà Giáo Lý: Mục đích thứ nhất là để dạy giáo lý, dạy thanh thiếu niên biết Chúa là ai, đâu là con đường dẫn đến hạnh phúc. Mục đích thứ hai là để sinh hoạt, quy tụ, nối kết những người tin Chúa lại với nhau. Điều này thật tốt lành và ý nghĩa”. Đức Cha còn nhấn mạnh: “Bài học về sự liên đới là bài học lớn nhất mà chúng ta cần thực hiện. Trong tình liên đới với nhau và với các giáo xứ khác, chúng ta chung tay xây dựng Hội Thánh. Và chúng ta sẽ cảm nhận được rằng: Niềm vui của giáo xứ cũng là niềm vui của Giáo phận, nỗi buồn của giáo xứ cũng là nỗi buồn của Giáo phận, sự thành công của giáo xứ cũng là thành công của Giáo phận”.

Với 3.000 giáo dân, có gốc miền Bắc, được chia làm bốn giáo khu, những sinh hoạt mục vụ của giáo xứ đều mang nét truyền thống: từ việc dâng hoa, rước kiệu, cho đến nghi thức Mùa Phục Sinh, Giáng Sinh.... Các đoàn thể quen thuộc như Các Bà Mẹ Công Giáo, Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm, Légio Mariae... đều được thành lập.

Từ những nhu cầu thực tế, linh mục chánh xứ luôn có những chương trình đáp ứng đúng lòng đạo đức, nhiệt thành của cộng đoàn. Cụ thể như: tổ chức “Thánh Vịnh Idol”. Đó là cuộc thi đọc sách Thánh, mà những người đạt yêu cầu sẽ trở thành một nhóm riêng, có nghi thức phát sách Thánh và mặc áo trong Thánh lễ riêng. Điều này góp phần cho việc phụng tự thêm nề nếp, qui củ.

Một cộng đoàn có nhiều nét riêng

Được biết, đã từ nhiều năm trước, giáo xứ có được những sinh hoạt sinh động là nhờ sự đồng hành, chăm sóc của các linh mục trẻ. Từ “nền tảng” này, lòng sốt sắng, nhiệt thành của giáo dân như ngọn lửa cháy rực và bùng sáng lên mỗi khi có các sự kiện đặc biệt. Cụ thể như: lễ hội Quà Tặng Tình Yêu, Chợ Phiên Bác Ái phục vụ người nghèo, Nguyện Ca Giáng Sinh. Giới trẻ đã từng giao lưu với nhau theo “phong cách phương Tây” như, tiệc buffet có khiêu vũ; hội chợ Xuân có chủ đề là “Đem Xuân Đến Mọi Nhà”...Vì thế, bầu nhiệt huyết sinh hoạt tôn giáo của cộng đoàn này vừa đậm đà vừa sinh động.

Thú vị nhất là khi chúng tôi được nghe nói về “Bữa Ăn Của Chúa” do giáo xứ tổ chức. Đây là chương trình do cha nguyên chánh xứ Vinh Sơn Nguyễn Thế Thủ khai trương từ năm 2011. Chương trình này dành cho người nghèo và người khuyết tật. Cho đến nay, cha chánh xứ Giuse đương nhiệm vẫn cho tiếp tục công việc này.

Trong hạt Xóm Mới, có một số giáo xứ tổ chức bữa cơm dành cho người nghèo, như giáo xứ Tử Đình, Thạch Đà, Lạng Sơn, Nhà An Dưỡng Phát Diệm. Dù vậy, giáo xứ Bắc Dũng vẫn phân phát 300 phần ăn cho người nghèo vào mỗi trưa Chúa nhật; trong đó, có khoảng 100 người trong giáo xứ, còn lại là những người nghèo nhập cư, vãng lai quanh vùng, mà theo cha Chánh xứ: “Họ thật là những người nghèo khổ”. Ban đầu cộng đoàn phải lo chi phí cho bữa ăn, nhưng đến nay, nhờ lòng quảng đại “phủ đầy”, giáo xứ không còn phải chi trả nguyên liệu cho bữa ăn (có năm món) nữa.

Đặc biệt, cha Chánh xứ Giuse mong muốn, tất cả những ai phụ trách bữa ăn, khi trao cơm cho người nghèo phải “đưa bằng hai tay” để hợp văn hóa và bày tỏ thái độ lịch sự với người nghèo. Ngoài ra, những người phục vụ bữa ăn cũng nên đi học để lấy bằng (cấp) về an toàn thực phẩm, để làm sao Bữa Ăn Của Chúa “ngon hơn” bữa ăn của nhà mình và phải đảm bảo đó là nguồn thức ăn sạch, không bột ngọt.

Là thực khách của “Cơm trưa Ladarô” suốt 7 ngày trong tuần, chị Maria Nguyễn Thị Thuận ở giáo xứ Bắc Dũng cho biết: Trưa Chúa nhật, chị dùng cơm trưa ở Gx Bắc Dũng; thứ Hai ở Gx Thạch Đà; thứ Tư và thứ Sáu ở Gx Lạng Sơn; thứ Ba, Năm, Bảy ở Nhà An dưỡng Phát Diệm. Chị tâm sự: “Gia đình tôi rất nghèo: chồng làm phụ hồ, tôi bán vé số, con bị tật nguyền. Tôi hết lòng tri ân Thiên Chúa, cảm ơn các giáo xứ và quý ân nhân đã quảng đại yêu thương, giúp người nghèo như tôi có được những bữa ăn nghĩa tình”.

Ngoài những bữa ăn như thế, cộng đoàn giáo xứ còn có những chuyến đi bác ái như “Lên non gặp gỡ tình người”. Đó là chuyến đi do ban Caritas Bắc Dũng kết hợp cùng các ân nhân và các giáo xứ bạn tổ chức. Mục đích của chuyến đi là để tặng quà cho sáu trại cô nhi nằm hẻo lánh nơi núi rừng cao nguyên - nơi đang nuôi dạy 500 trẻ mồ côi người dân tộc. Sau đó, đoàn sẽ thăm nghĩa trang “đồng nhi” tại Gia Lai. Những chuyến đi như thế đã làm cho các thành viên Ban Caritas trưởng thành hơn trong công việc và giáo dân có cơ hội thực thi bác ái nhiều hơn.

Đặc biệt - từ ý thức “ngoại ngữ là cánh cửa dẫn đến những cơ hội cho tương lai của các thanh thiếu niên và bạn trẻ” - giáo xứ đã tổ chức một “Trung tâm Anh ngữ Joseph” với “slogan” là “Kiến thức không mua bán”. Cha Chánh xứ đã mời nhiều giáo viên Anh ngữ có bằng cấp quốc tế và trả lương theo thỏa thuận để giảng dạy cho 200 em với giá học phí có hỗ trợ. Chương trình này đã kéo dài được hai năm với hai ca mỗi ngày, từ thứ hai đến thứ năm hàng tuần, các em hồ hởi đến học, nhiều người lớn cũng đăng kí học lớp giao tiếp...

Ngoài ra, giáo xứ Bắc Dũng còn phát triển cộng đoàn Lòng Chúa Thương Xót, sẵn sàng hiệp ý cầu nguyện cho một số vấn đề “thời sự tôn giáo” trong giáo phận, trong đất nước và trên toàn thế giới.

Một lược sử vắn gọn

Giáo xứ Bắc Dũng được cha cố Phêrô Đoàn Cung Nhượng thành lập từ năm 1954, với số giáo dân ban đầu là khoảng 1.250 người. Cha Phêrô là chánh xứ từ năm 1954 – 1968. Quý cha kế nhiệm gồm:

- Cha cố Giuse Nguyễn Bá Chính (1968 - 1975)

- Cha cố Tôma Nguyễn Văn Thuyết (1975 - 1990)

- Cha cố Giuse Nguyễn Bá Chính (1990 - 2004)

- Cha Đaminh Nguyễn Văn Hiệp  (2004 - 2006)

- Cha Vinh Sơn Nguyễn Đức Sinh (2006 - 2010)

- Cha Vinh Sơn Nguyễn Thế Thủ (2010 – 2011)

- Cha Giuse Trần Cao Thăng từ tháng 7/2011 đến nay

Lời kết

Nhìn vẻ hân hoan  của cha xứ khi hoàn tất công trình, ai gặp ngài cũng phải “vui lây”. Đức cố TGM Phaolô Bùi Văn Đọc, khi đến chủ sự Thánh lễ Cung hiến Thánh đường và Bàn thờ giáo xứ ngày 02-5-2016, đã nói: “Ngoài việc tôn tạo ngôi nhà thờ vật chất, chúng ta phải xây dựng ngôi đền thờ tâm hồn, để cộng đoàn tín hữu trở thành chứng nhân cho Đức Kitô và cho Giáo hội trong mọi hoàn cảnh”. Đây cũng chính là điều mà “Cộng đoàn nhiều sốt sắng và nhiệt thành này” đang nỗ lực thực hiện.

Bài Giảng Chua Nhật 2016 (TGPSG)

 

Top