Giáo chức Tổng Giáo phận: Quyền được hưởng một nền giáo dục

Giáo chức Tổng Giáo phận: Quyền được hưởng một nền giáo dục

WGPSG -- “Trong tư cách là một phần tử của Đất nước, con người có quyền được hưởng những quyền lợi riêng của mình. Quyền được hưởng nền giáo dục đến từ Thiên Chúa là quyền riêng của mỗi người.”

Đó là tư tưởng nổi bật trong buổi gặp gỡ của hơn 30 giáo chức Tổng Giáo phận vào sáng Chúa nhật kính Lòng Chúa Thương Xót 7-4-2013.

Mở đầu buổi gặp gỡ, Cha Giuse Phạm Văn Trọng trình bày đề tài: “Quyền được hưởng một nền giáo dục” trong loạt bài học hỏi Tuyên Ngôn về Giáo Dục Kitô giáo của Công Đồng Vatican II. Bằng giọng nói thuyết phục, cha phác họa sơ nét thực trạng giáo dục hiện nay: “Loay hoay”, “luẩn quẩn”, bất ổn. Một trong những bất ổn đó là giáo dục Việt Nam chỉ dành cho những người có tiền và có quyền. Nói cách khác, người nghèo dần bị “tống ra” khỏi nền giáo dục của Đất nước vì không đủ tiền trang trải chi phí học hành. Giáo dục Việt Nam đang trở thành một ưu tiên dành cho một thiểu số. Nếu là thế, giáo dục đã bị biến đổi bản chất của nó. Nó không còn là quyền lợi cơ bản mà con người được nhận.

Cha nói tiếp: “Trong tư cách là một phần tử của Đất nước, con người có quyền được hưởng những quyền lợi của mình. Những quyền lợi về kinh tế, xã hội và văn hóa giúp con người ý thức về nhân phẩm, và hoàn thiện nhân cách của mình. Một cách cụ thể, được học tập, được hưởng một nền giáo dục thích hợp là quyền lợi cơ bản của con người. Quyền này còn phải được tạo điều kiện tồn tại và duy trì nhờ những giúp đỡ từ xã hội và chính quyền.”

Tuyên Ngôn về Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc, điều 26 khoản 1, đề nghị: “Mọi người đều có quyền được học tập. Giáo dục phải miễn phí, ít nhất là ở các bậc tiểu học và trung học cơ sở. Giáo dục tiểu học phải là bắt buộc. Giáo dục kỹ thuật và dạy nghề phải mang tính phổ thông và giáo dục đại học hay cao hơn phải theo nguyên tắc công bằng cho bất cứ ai có khả năng.”

Giáo huấn của Hội Thánh trước và sau Công đồng Vatican II đều khẳng định con người có quyền được hưởng một nền giáo dục chân chính. Quyền này đến từ Thiên Chúa và là quyền riêng của mỗi người. Tuyên Ngôn về Giáo Dục Kitô giáo nhắc lại với niềm xác tín về quyền được giáo dục của mỗi cá nhân trong xã hội: “Tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, giai cấp và tuổi tác, do phẩm giá con người, đều có một quyền bất khả chuyển nhượng là phải được hưởng một nền giáo dục” (số 1, năm 1965).

Một trong những điểm nổi bật của Tuyên Ngôn so với Thông điệp Divini Illius Magistri là không tách biệt giáo dục Kitô giáo với giáo dục của xã hội loài người. Công đồng Vaticano II nhìn nhận quyền được giáo dục của mỗi cá nhân không xung đột với sự phát triển của cá nhân. “Quyền được giáo dục của mỗi người đáp ứng cho lý tưởng của mỗi cá nhân, thích hợp với khả năng, phái tính của họ” (số 1, năm 1965). Đồng thời, quyền được giáo dục cũng không cản trở sự phát triển của cộng đồng và xã hội. “Quyền được giáo dục của mỗi người vừa thích nghi với văn hóa và truyền thống dân tộc, vừa mở rộng cộng đồng huynh đệ với các dân tộc khác trong việc nuôi dưỡng sự hiệp nhất và hòa bình đích thực trên mặt đất” (số 1, năm 1965).

Sau phần trình bày chủ đề, cha Giuse đưa ra 2 câu hỏi thảo luận:

1/ Điểm canh tân của Tuyên Ngôn về Giáo Dục Kitô giáo so với Thông Điệp Divini Illius Magistri (Thầy Chí Thánh) đem lại lợi ích gì cho Hội Thánh?

2/ Với kinh nghiệm về giáo dục của mình, quý thầy cô nhận định thế nào về quyền được giáo dục trong Đất nước hiện nay?

Qua phần thảo luận sôi nổi, các thầy cô đưa ra nhiều trường hợp đau lòng học sinh bỏ học vì không có tiền đóng học phí. Giáo dục mang nặng tính cơ chế, chạy đua theo thành tích, thay đổi liên tục chương trình học và sách giáo khoa. Giáo viên bị áp lực rất nặng khi vì lương tâm không cho học sinh yếu lên lớp. Cuối cùng thì học dở cũng được lên lớp để bảo vệ thành tích cho nhà trường!

Một nhận định khác là các thầy cô được hưởng nền giáo dục nhân bản từ gia đình và giáo xứ chứ không phải nơi học đường. Điều đó cho thấy sự bất cập trong giáo dục, mục tiêu giáo dục mơ hồ. Các tổ chức tôn giáo trong nước không được phục vụ trong lãnh vực giáo dục nhưng các tổ chức ngoại quốc thì tha hồ làm mưa làm gió trong “sự nghiệp trồng người”.

Tuy không đủ thời gian cho mọi người phát biểu, nhưng với chủ đề hôm nay, một số thầy cô cảm thấy ‘được sáng ra’ trong thiên chức nhà giáo, một trách nhiệm nặng nề cho việc sống niềm tin. Không chạy theo thành tích, không tìm việc dễ, không cúi đầu quỵ lụy trước bất công, họ chính là những chứng nhân của niềm tin vào Chúa Phục Sinh trong môi trường giáo dục.

Buổi gặp gỡ kết thúc bằng một Thánh lễ thật sốt sắng do cha Giuse chủ tế.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top