Giáo chức Công giáo TGP TP.HCM: Gặp gỡ tháng 7 năm 2013

Giáo chức Công giáo TGP TP.HCM: Gặp gỡ tháng 7 năm 2013

WGPSG -- “Khi thực thi phận vụ giáo dục, Giáo hội muốn sử dụng tất cả các phương thế thích hợp, nhưng vẫn đặc biệt chú tâm đến những phương thế riêng biệt của mình, trước tiên là chương trình huấn giáo nhằm soi sáng và củng cố đức tin, nuôi dưỡng đời sống theo tinh thần Chúa Kitô, đưa đến việc tham dự cách ý thức và tích cực vào mầu nhiệm phụng vụ, khuyến khích các hoạt động tông đồ” (Tuyên Ngôn Giáo Dục – Số 4).

Trên đây là những dòng đầu của Tuyên Ngôn Giáo Dục, đề tài của buổi gặp gỡ giáo chức Tổng Giáo phận vào sáng Chúa nhật 7-7-2013 tại Trung tâm Mục vụ, dưới sự hướng dẫn của Cha đồng hành Phêrô Nguyễn Văn Hiền.

Thảo luận
Phần đầu của buổi gặp gỡ dành để thảo luận về các phương thế giáo dục trong số 4 của bản Tuyên Ngôn. Cha Phêrô lược lại tiến trình sư phạm theo dòng lịch sử. Trước đây, người ta nhấn mạnh đến nội dung giảng dạy, cố gắng nhồi nhét thật nhiều vào đầu người học. Kế đến là tập các thói quen tốt và sau đó là tìm hiểu về môi trường với các tương quan trong xã hội. Tất cả những điều đó chỉ là những yếu tố bên ngoài nhằm thúc đẩy cho sự nỗ lực từ bên trong của người học. Người học tiếp nhận nội dung các môn học, tập các kỹ năng sống, tạo những mối tương quan tốt với mọi người, để tự phát triển những khả năng bên trong của mình tiến tới việc hài hòa nhân cách. Trong giáo dục, con người là chủ thể chính yếu. Làm sao để từ những vấn đề trong cuộc sống, con người biết tìm đến Lời Chúa để kiếm cho mình một giải pháp. Muốn vậy, con người phải biết nội tâm hóa Lời Chúa, tâm phục khẩu phục, để Lời Chúa soi rọi tâm can, để được biến đổi từ bên trong. Từ đó, mới có hành động cụ thể để đáp trả trong cuộc sống. Từ việc được Lời Chúa biến đổi, chắc chắn sẽ dẫn đến việc loan truyền Lời Chúa và công việc truyền giáo cũng xuất phát từ đó.

Sau phần gợi ý của cha đồng hành, quý thầy cô đã đưa ra những ví dụ cụ thể về việc học tập theo bài mẫu khiến các em mất đi tính sáng tạo. Việc học giáo lý nhiều nơi vẫn đặt trọng tâm vào việc học thuộc lòng hoặc chưa có tính giáo dục cao. Giáo lý viên vẫn còn sử dụng nhiều hình thức khen thưởng theo thói đời, chưa giúp các em ý thức được sự cần thiết của việc học Lời Chúa và tham dự Thánh lễ. Người đánh đàn nhiều khi phá vỡ bầu khí phụng vụ qua việc phô diễn ngón đàn “điêu luyện” của mình không đúng nơi đúng chỗ.

Thánh lễ
Trong Thánh lễ, cha Phêrô chia sẻ bài Tin Mừng Chúa nhật 14 TN C (Lc 10,1-9). Có những từ cần chú ý: “chiên, sói, bình an”. Chúa nói: “Này Ta sai các con như con chiên ở giữa sói rừng”. Cha Phêrô giải thích: Chúng ta thường hiểu cách đơn giản rằng mình là chiên còn người khác là sói. Nhưng không phải thế, Đức Giáo hoàng Phanxicô nói rằng linh mục mà không sống đúng tinh thần một mục tử thì họ có nguy cơ trở thành sói, họ là sói ăn thịt bầy chiên của mình. Bình an của Chúa không chỉ là việc dập tắt xung đột mà còn là bình an trong đời sống thường ngày. Đem bình an của Chúa đến cho người khác cũng có nghĩa là đem của ăn vật chất và tinh thần cho những ai túng thiếu, đem lòng thương xót của Chúa đến cho anh em. Kết thúc bài chia sẻ cha cầu chúc quý thầy cô được bình an nhờ có cái nhìn yêu thương của Chúa khi tiếp xúc với học trò. Được như thế, quý thầy cô mới là chứng nhân của Thiên Chúa giàu lòng thương xót nơi môi trường giáo dục.

Buổi gặp gỡ kết thúc lúc 11g30 với lời ca vang: “Hãy làm cho Ngài lớn lên trong tim ta, trong tim mọi người… Hãy làm cho Ngài lớn lên trên quê hương và trên thế giới…” Mọi người ra về trong niềm lưu luyến. Hẹn gặp lại tháng sau.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top