Giáo Chức Công Giáo sinh hoạt chuyên đề và mừng Ngày Nhà Giáo Việt Nam

Giáo Chức Công Giáo sinh hoạt chuyên đề và mừng Ngày Nhà Giáo Việt Nam

Giáo Chức Công Giáo sinh hoạt chuyên đề và mừng Ngày Nhà Giáo Việt Nam

TGPSG -- Sáng Chúa Nhật 10/11/2024, hơn 100 thầy cô và khách mời quy tụ về Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận Sài Gòn để tham dự buổi sinh hoạt chuyên đề dưới sự chủ tọa của Sơ Anna Nguyễn Thị Hồng Loan, OP, hiện là Giảng viên và cũng là Viện Trưởng Viện Tâm Lý Học của trường Đại học Hoa Sen.

Chuyên đề: “Trẻ Khuyết Tật - Họ Là Ai”

Phần trình bày của Sơ nhấn mạnh đến tâm thế của người đồng hành với các em. Đó là sự cởi mở, tự tin, và nhất là phải biết thấu cảm. Từ đó, tiến trình tiếp cận nên được thực hiện với 5 giai đoạn: Gọi - Chạm - Dẫn - Làm - Buông. Tuy nhiên, mọi tâm thế và tiến trình đều phải được ‘dẫn dắt’ bằng tình thương. Chỉ bằng tình thương trong kiên nhẫn và khiêm nhường, chúng ta mới biết cân nhắc lựa chọn những gì cần làm cho các em và biết tôn trọng trân quý những gì mình nhận được từ các em.

“Cho” và “Xin” theo giá trị Tin Mừng

Thánh lễ hôm nay do linh mục đồng hành Giuse Têrêsa Trần Anh Thụ chủ tế. Trong bài giảng, Cha chia sẻ về cách thế tiếp cận trong yêu thương với người yếu thế, trong đó có những trẻ ‘đặc biệt’, như để tiếp nối chủ đề đã được thảo luận trước đó:

 “Bà góa nghèo trong cuộc trò chuyện với tiên tri Êlia cũng như bà góa nghèo bỏ 2 đồng tiền vào thùng trong Tin Mừng Máccô, cho thấy rằng họ vẫn có chỗ đứng quan trọng trong chương trình của Thiên Chúa. Họ đang cho đi rất nhiều.

Tương tự như thế, nếu chúng ta không thấy nơi trẻ em, nhất là những trẻ ‘khuyết tật’, có gì để cho, là vì chúng ta chưa khám phá. Chúng vẫn có khả năng CHO một cái gì đó. Điều quan trọng là chúng ta có nhìn thấy và dám XIN không.

Bằng việc mở lời xin, Êlia đã thật sự khơi gợi niềm tin và truyền cảm hứng để người phụ nữ nghèo yếu dám mạnh dạn mở lòng. Trách nhiệm của người đồng hành với trẻ ‘khuyết tật’ là những việc làm đầy yêu thương, quan tâm, trân trọng,… để khơi dậy nơi chúng những ước mơ và giúp chúng dám tin, dám làm và ngày càng trở nên chính mình hơn.

Quả vậy, đã đến lúc chúng ta được mời gọi, cùng với khả năng chuyên môn, học biết những giá trị của Tin Mừng, để tiếp cận, yêu thương và nâng đỡ các em.

Cảm ơn và chúc mừng

Trước phép lành cuối lễ, Thầy đại diện Giáo chức Công giáo (GCCG) có vài lời bày tỏ niềm vui và tâm tình biết ơn vì được sự gợi ý của Cha đồng hành, việc điều phối của Sr. Anna Nguyễn Thị Hồng Loan cùng sự tham dự đông đảo của quý thầy cô và quý khách,… để có được buổi sinh hoạt chuyên đề thật hữu ích. Thêm vào đó là lời chúc mừng Cha Giuse Têrêsa với tư cách người “Thầy đồng hành” của GCCG trong nhiều năm qua, và lời chúc mừng quý thầy cô nhân dịp Ngày Nhà Giáo VN 20/11/2024 sắp tới. 

Buổi liên hoan nhẹ cùng vài tiết mục văn nghệ do quý thầy cô thực hiện góp phần làm cho ngày họp mặt hôm nay thêm ấm áp thân tình. Qua bài múa đơn sơ nhằm tôn vinh sự cao quý của người thầy nhân Ngày Nhà Giáo VN 20/11 cũng nhắc nhớ trách nhiệm “trồng người”, đặc biệt đối với những trẻ em “khuyết tật” mà quý thầy cô đã được Chúa trao ban.

Buổi họp mặt khép lại với bài ca ‘Tạm biệt’ nhưng hy vọng tâm hồn được mở ra để đến với mọi người, nhất là những trẻ em ‘đặc biệt’ với tình yêu thương của Chúa, mối quan tâm đầy trách nhiệm của người thầy, và sự tôn trọng rất chân thành.

Bài: Quang Hùng (TGPSG)
Ảnh: Bá Hạnh & Hoa Vàng

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top