Gia đình Exlurô: Tĩnh tâm Mùa Vọng 2010

Gia đình Exlurô: Tĩnh tâm Mùa Vọng 2010

WGPSG -- Sáng Chúa nhật thứ 4 Mùa Vọng, Gia đình Exlurô tổ chức tĩnh tâm Mùa Vọng tại nhà Truyền thống - Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận Sàigòn. Ước chừng hơn 150 anh chị em (cùng các con cháu) về tham dự buổi tĩnh tâm. Gia đình Exlurô được cha Phanxicô X. Bảo Lộc đồng hành trong buổi tĩnh tâm này.

 

Đề tài chia sẻ: “Đối thoại giữa các thành viên trong gia đình”.

Mở đầu, cha Bảo Lộc dẫn nhập bằng hai câu chuyện về “hôn nhân gia đình” đang xảy ra ở giáo xứ . Cha nhấn mạnh: Đối thoại trong tương quan hằng ngày tưởng dễ nhưng lại khó, đối với những người sống gần gũi. Những người trong một gia đình có khi lại càng khó đối thoại với nhau hơn. Càng biết rõ về nhau càng khó đối thoại; có khi đồng sàng, đồng bàn mà không đối thoại với nhau được; thậm chí, chỉ là cuộc độc thoại lần lượt.

Cuộc đối thoại trong gia đình có thể có giữa 3 mối tương quan: Đối thoại giữa vợ chồng với nhau. Đối thoại giữa cha mẹ và con cái. Đối thoại giữa anh chị em trong nhà với nhau. Không kể đến thế hệ ông bà. Nhưng trong thực tế, nhiều lúc con cháu lại gần gũi ông bà hơn bố mẹ.

Ngày nay, máy điện toán, điện thoại di động, nhiều khi làm cho người xa thành gần, người gần thành xa, ngồi gần bên nhau mà không nói chuyện với nhau, nhưng lại trò chuyện với người ở đâu đó qua điện thoại; có lúc đang ngồi họp chỉ cần một tiếng reo của điện thoại thì sẵn sàng bỏ cả cộng đoàn đang hiện diện với mình lại trò chuyện với một người ở xa. Nên nếu chúng ta không biết làm chủ những phương tiện truyền thông đó, thì dễ đánh mất đi cuộc đối thoại đang diễn ra ở hiện tại.

Cuộc đối thoại hiện tại đang được thiết lập cũng có thể bị đánh mất nếu thân xác thì ngồi ở đây, nhưng tâm trí thì đang lo lắng, sắp đặt cho chương trình sẽ diễn ra vào buổi chiều hoặc buổi tối hôm nay. Do đó, vấn đề được đặt ra là chúng ta có thực sự muốn lắng nghe nhau hay không?

Theo kinh nghiệm của cha, khi đối thoại với chức sắc của các tôn giáo ngoài Kitô giáo thì thấy dễ dàng hơn là trao đổi với những người tin vào Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế, hơn cả những anh em Tin lành.

Trong phạm vi gia đình cũng vậy, cuộc đối thoại đôi khi trở nên tế nhị và dễ dàng hơn với người ở ngoài, còn người trong gia đình thì cuộc đối thoại có khi đã mất từ lâu rồi, nên chỉ muốn người trong gia đình nghe theo ý mình; lại có tính hay bắt bẻ từng lời của nhau, làm cho việc đối thoại trong gia đình trở nên khó khăn.

Do đó, cần có thứ tự ưu tiên trong cuộc sống gia đình để đem nguồn vui, hạnh phúc đến cho người khác. Có hai điều kiện tuy cổ điển nhưng cũng có thể đặt ra:

Điều kiện thứ 1: Tâm mình có muốn lắng nghe người đối diện hay không?

Điều kiện thứ 2: Quan tâm đến niềm vui, hạnh phúc người đối diện và tránh áp đặt sở thích, ý muốn của mình lên người khác.

Từ hai điều kiện cơ bản này, chúng ta thấy có mối liên quan đến đời sống cầu nguyện, đời sống đức tin của người Kitô hữu. Chính thái độ ứng xử khi đối thoại với vợ chồng, với con cái hay với cha mẹ cũng sẽ ảnh hưởng đến mối tương quan với Thiên Chúa. Cũng vậy, trong cuộc đối thoại với Chúa, nếu biết tự xóa cái tôi, cái ý muốn sở thích của riêng mình, thì tâm mới được mở ra với người đang đối thoại. Do đó, cần lắng nghe Lời Chúa với “cái tai” của tâm.

Mùa Giáng sinh là mùa Ngôi Lời mặc lấy xác phàm, mùa Giáng sinh là mùa Con Thiên Chúa nhập thể trong ngôi vị của những người trong gia đình. Mầu nhiệm nhập thể rất sâu, có thể được hiện tại hóa trong đời sống gia đình. Trước hết, mỗi người cần phải có thái độ khiêm hạ, tức là làm cho cái tôi của mình càng nhỏ đi, thì Lời của Chúa, ngôi vị của Thiên Chúa, càng lớn lên trong con tim của mình.

Xin Chúa Giêsu là Ngôi Lời đã mặc lấy xác phàm, cho con tim của mỗi người được mặc lấy đôi tai biết lắng nghe tâm ý của những người đang nói với mình, lắng nghe những sở nguyện, khát vọng của từng thành viên trong gia đình, để mỗi gia đình thật sự là một máng cỏ, và con tim của mỗi người có khả năng biết lắng nghe tâm ý của người khác, biết lắng nghe nhau trong chiều sâu của tâm hồn, hầu cho Ngôi Lời nhập thể và nhập thế một lần nữa trong cuộc đời của mỗi người chúng ta.

Xưng tội:

Sau giờ tĩnh tâm, gia đình Exlurô lắng đọng tâm hồn để xét mình, sám hối và chuẩn bị giao hòa với Thiên Chúa trong Mùa Vọng này. Ngồi tòa Hòa giải có 3 cha: cha Phêrô Nguyễn Văn Võ, cha Giuse Vũ Hữu Hiền và cha Phanxicô Xaxiê Bảo Lộc (khoảng một giờ).

Thánh lễ:

Cha Phanxicô Xaxiê Bảo Lộc dâng lễ Chúa nhật thứ IV Mùa Vọng, đồng tế còn có cha Giuse Vũ Hữu Hiền. Thánh lễ hôm nay dành để cầu nguyện cho các cha giáo đã qua đời, đặc biệt cha Phêrô Cao Văn Đạt, anh Giuse Trịnh Văn Nha lớp 71 mới qua đời, anh em trong gia đình Exlurô đã về nhà Cha, và cầu bình an cho gia đình Exlurô. Đồng thời, hiệp ý tạ ơn Chúa cho anh Phaolô Nguyễn Anh Tuấn lớp 69 mới vượt qua cơn bạo bệnh.

Trong phần bài giảng, cha Bảo Lộc chia sẻ về hai cuộc truyền tin: Một cho Đức Mẹ Maria, đó là cuộc đối thoại với sứ thần Gabriel; còn một cho Thánh Giuse, chỉ mình sứ thần Chúa hiện đến báo mộng,  Thánh Giuse đâu có được đối thoại như Đức Mẹ, và khi tỉnh dậy, Thánh Giuse đã làm như lời sứ thần truyền. Ngài đáp trả bằng hành động.

Sau thánh lễ, gia đình Exlurô có phần chia sẻ Mùa Vọng, đặc biệt có anh chị Công lớp 62 ở ngoại quốc về cùng tĩnh tâm với anh em, anh chị đã có đôi lời chia sẻ trong nghẹn ngào, bởi sau 47 năm anh mới được trở lại ngôi trường thân yêu của mình.

Buổi tĩnh tâm kết thúc lúc 12 giờ cùng ngày.

Top