Gặp gỡ Giáo lý viên Dự tòng Tổng Giáo phận

Gặp gỡ Giáo lý viên Dự tòng Tổng Giáo phận

WGPSG -- Vào sáng thứ Bảy 12.03.2016, từ 8g30 đến 12g30, Tiểu ban Giáo lý Dự Tòng Tổng Giáo phận đã tổ chức gặp gỡ giáo lý viên, tại Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận, 6 bis Tôn Đức Thắng, Q.1, TPHCM.

Sau những giây phút sinh hoạt giáo lý, tập hát, Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hiền, Trưởng ban Giáo lý Tổng Giáo phận thánh hóa buổi gặp gỡ bằng lời nguyện đầu giờ: Con người vẫn luôn khao khát tìm gặp Thiên Chúa là Cha yêu thương, đồng thời chính Thiên Chúa cũng khát khao tìm gặp con người. Xin Chúa Thánh Thần nâng đỡ, mở lòng anh chị em giáo lý viên (ACE) đón nhận và cộng tác với Ngài trong việc giáo dục đức tin, cho mọi người cảm nghiệm hạnh phúc được gọi Chúa là Cha, được trở nên bạn hữu của Chúa Giêsu.

Vào đề tài học hỏi chính của buổi gặp gỡ, Linh mục Vương Sỹ Tuấn, giúp ACE hiểu sâu xa hơn về Lòng thương xót của Thiên Chúa qua các sách Tin Mừng và thư Thánh Phao-lô. Trước hết ngài giới thiệu:

Logo Năm Thánh Lòng Thương Xót.

Với khẩu hiệu “Thương Xót như Chúa Cha” (Lc 6,36), con người sẽ băn khoăn: Làm sao con người có thể thương xót như Chúa, nhưng ACE hãy vươn cao hơn con người mỏng dòn của mình để có thể thương xót như Chúa. Huy hiệu diễn tả thiên tính và nhân tính của Chúa Giêsu, hình ảnh Vị Mục Tử nhân lành, vác nhân loại trên vai, mang lấy con mắt của con người để thông cảm nỗi yếu hèn của con người và đưa con người từ bóng tối tội lỗi và sự chết ra miền ánh sáng. Quả thật, Tình yêu Thiên Chúa rất sâu thẳm không ai có thể đặt ra giới hạn của nó.

LTXC trong Tin Mừng

 Các sách Tin Mừng mô tả LTXC qua cuộc đời của Chúa Giêsu, qua lời nói và hành động của Ngài.

Tin mừng Matthêu và Maccô nói: "Chúa Giêsu chạnh lòng thương". Đôi khi con người cũng chạnh lòng thương nhưng rồi bỏ qua. Nhưng khi Chúa chạnh lòng, Chúa dừng lại, hành động và đụng chạm vào. Cũng thế, Đức Thánh Cha Phanxicô nhìn thấy người tàn tật đâu đó trong đám đông, ngài cũng dừng lại. Ngài say mê khẩu hiệu theo Tin Mừng Matthêu "Ngài thấy ông, nhìn ông và gọi ông". Đức Thánh cha kêu gọi chúng ta đi ra để có thể thấy, để có thể hành động,  cho dù phải mang thương tích vì tình yêu.

Tin mừng Luca ngay chương đầu có lời ngợi ca của Đức Maria (Magnificat), bài ca chúc tụng Benedictus, ngợi ca LTXC vì "Người nhớ lại lời xưa giao ước với tổ phụ Abraham".

Trong các chương 7 và 15: Thánh Luca kể các dụ ngôn: Hai con nợ, người Samari nhân hậu, đồng bạc đánh mất và con chiên lạc, người con hoang, Ladarô và người giàu, vị thẩm phán bất lương, hai người lên đền thánh cầu nguyện. Trước những chỉ trích và chất vấn của người nghe, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn, bắt họ trực diện với chính mình, chất vấn về mình về mối tương quan với Chúa và với nhau để tìm ra câu trả lời. Người nợ nhiều được tha nhiều thì yêu nhiều. Người đàn bà tội lỗi đã thể hiện tình yêu với Chúa vì được Chúa thương xót. Tại sao phải tìm đồng bạc bị mất? Vì nó biểu trưng cho giá trị của con người, giá trị mà chính Chúa tạo nên cho con người. ACE trở thành giá trị vì nhận biết Chúa và dấn thân phục vụ Người. Dụ ngôn Người con hoang, đứa con muốn cắt đứt liên hệ với cha. Người cha chia tài sản cho nó, khi nó đến cùng đường của con đường cùng, nó mới quay lại. Người cha vẫn cưu mang trong lòng phẩm giá người con. ACE nên phân biệt khi phạm tội ta làm lu mờ chứ không xóa nhòa hình ảnh của Thiên Chúa nơi ta. Và, việc Chúa tha thứ đòi hỏi con người phải ăn năn, nhưng LTXC đến trước khi ta ăn năn, LTXC tuôn tràn cho đến khi con người khám phá ra, ăn năn và trở về với Chúa. Thánh Phaolô trên đường đi Đamát đã nhận được LTXC mới ăn năn và vào hoang địa. Cuộc đời của ông được Chúa cảm hóa. Khi dạy giáo lý, ACE giúp dự tòng cảm nhận được Chúa yêu thương, phù giúp họ, khi đó họ mới quay về với Chúa.

LTXC trong Tin Mừng Thánh Gioan được thánh nhân diễn tả "Thiên Chúa yêu thương trần gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài". Trước ngày chịu nạn, Ngài biểu lộ Ngài "yêu thương những người còn ở lại và yêu thương đến cùng".

Chia sẻ kinh nghiệm dạy giáo lý dự tòng

Bản thân cha khi bắt đầu khóa giáo lý, ngài không bao giờ nói trước thời gian khóa học vì không muốn họ đánh giá sai Tình yêu Chúa, tính toán thời gian học. Nhưng sau khi học 3 tháng, họ muốn kéo dài khóa học vì họ nhận ra tình cảm thiêng liêng trong một cộng đoàn yêu thương, cùng đồng hành, hiệp thông qua các sinh hoạt. Mỗi người đều có cái để trao và không ai không cần đón nhận cái người khác trao. Trong mối tương quan trao nhận, chính Chúa trao cho mỗi người để mỗi người có thể trao ban cho nhau.

Trước những phát biểu của ACE về sự đơn độc của mình trong công tác dạy giáo lý cũng như những khó khăn gặp phải, cha Giuse cũng góp ý: Vì ACE không kiên tâm chờ đợi, không chuẩn bị những cuộc trao đổi chia sẻ với các hội đoàn khác. LTXC vẫn tuôn trào cho đến lúc các dự tòng  nhận ra để biến đổi và hoán cải.

Thảo luận

ACE được chia thành 5 Liên nhóm hạt trao đổi kỹ năng: Cách giúp dự tòng hiểu Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót.

Mỗi nhóm nêu lên những ý tiêu biểu nhất như: gương chứng tá của giáo lý viên, phương pháp đồng hành, tìm hiểu gia cảnh, giúp đỡ nhau trong nghi thức Phụng vụ, Sống Lời Chúa, cầu nguyện, công tác bác ái, giao lưu gặp gỡ các hội đoàn và các giới trong giáo xứ, liên lạc bằng phương tiện truyền thông hiện đại, giúp họ nhận ra tình thương Chúa qua các công trình sáng tạo.

Cha Trưởng ban khen ACE đã có Sư phạm Giáo lý Đức tin. Ngài nhấn mạnh thêm: Việc dạy giáo lý là làm âm vang Lời Chúa trong lòng con người. Nhờ con người, Chúa Giêsu sống động trong thế giới hôm nay. Về phương pháp đồng hành, ACE  không chỉ đồng hành với học viên nhưng còn đồng hành với Chúa. Việc dạy giáo lý khác với giáo dục ngoài đời, các thầy truyền kiến thức từ trên xuống, ACE không phải là thầy. Người khai tâm là Chúa, người uốn nắn là Chúa Thánh Thần. ACE là người tạo điều kiện, môi trường để người dự tòng khám phá ra sự hiện diện của Chúa, sống kết hiệp nên một với Chúa, mở lòng ra đón nhận ân sủng của Chúa và điều quan trọng ACE phải tôn trọng con đường của Chúa.

Về việc hành hương, ngài nhắc đến Đất Thánh của Môsê ngày xưa là nơi có Chúa ở đó, Môsê lắng nghe lời Chúa thổn thức vì Dân Chúa đang khốn khổ và Môsê đã ra tay hoạt động. Cũng thế, ACE lắng nghe khám phá ra Chúa, nghe lời mời gọi của Chúa, cảm nghiệm LTXC qua việc chiêm niệm và cầu nguyện để quyền năng Chúa biến đổi bản thân mình và người dự tòng. Chương trình giáo lý dự tòng phải là 6 tháng, và chương trình giáo lý hôn nhân là ba tháng.

Thánh lễ 

Giáo lý viên không chỉ học và làm mà còn kết hợp với Chúa qua Thánh lễ. Trước Thánh lễ, cha Trưởng ban giới thiệu đội ngũ nhân sự mới gồm có linh mục đồng hành, trưởng, phó, thư ký, thủ quỹ và tổ phục vụ phụ trách các khâu liên lạc và tiếp đón, học hỏi và trao đổi, cầu nguyện và phụng vụ, đời sống và truyền thông.

Bài Tin Mừng kể lại những thái độ khác nhau của những người gặp gỡ Chúa. Có những kẻ vô tư, những kẻ không biết Ngài là ai. Ngay những kẻ định bắt Ngài nhưng không dám ra tay. Người Pharisêu cứng lòng không tin Ngài. Chỉ có Nicôđêmô đứng lên bênh vực Ngài cách trí thức.

Áp dụng vào việc giáo dục Đức tin, ACE phải nhẫn nại, đồng hành với người dự tòng. Đừng lên án những người lầm lỗi, cũng đừng rút lui nhưng can đảm chờ đợi để Thiên Chúa chiến thắng, nhờ đó người dự tòng mới có thể lao về phía trước đến với Chúa. Kiên nhẫn như người cha, không phải một lần trao ban là nhận được kết quả, phải tôn trọng tự do của họ, chờ Giờ của Chúa, chờ đợi các dự tòng mở lòng ra với Chúa. ACE hãy nhìn lại mình trong tình yêu Chúa, để Chúa dẫn đi bằng lối của Chúa, để Chúa hoán hoán cải cho chính người dạy giáo lý cũng như người dự tòng. LTXC luôn tuôn tràn ân sủng, không vội vàng mà phải nhẫn nại.

Trước khi nhận phép lành cuối lễ, vị đại diện thông báo chương trình và nội dung gặp gỡ hằng quý, nhằm bồi dưỡng cho giáo lý viên, được tổ chức vào sáng thứ Bảy, tuần thứ 2 trong các tháng 3, 6, 9 và 12. Trong buổi gặp gỡ tháng 6, đề tài học hỏi là: Lòng thương xót của Thiên Chúa trong Thông điệp LCTX và Tông chiếu Dung Mạo của  LTX (Thần Học). Phần kỹ năng: Cách giúp dự tòng khám phá và đón nhận LCTX. Ngoài các sinh hoạt trên, Tiểu ban Giáo lý cũng bắt tay vào việc soạn giáo trình đồng hành với các dự tòng hay Giáo lý Dự tòng theo hướng “Xây dựng Hiệp thông để Thông truyền Đức tin” của Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010.

Sau Thánh lễ, mọi người tiếp tục gặp gỡ nhau bằng bữa ăn trưa Agape trong tình huynh đệ.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top