Facebook, mạng ảo hay thật ?

Facebook, mạng ảo hay thật ?

Facebook, mạng ảo hay thật ?

WHĐ, 20-05-2020 - Facebook mở đầu là một phiên bản Hot or Not của Đại học Harvard với tên gọi Facemash. Mark Zuckerberg, khi đang học năm thứ hai tại Harvard, đã dựng nên Facemash vào ngày 28 tháng 10 năm 2003. Theo tờ Harvard Crimson, Facemash “đã dùng những bức ảnh lấy từ cuốn lưu bút trực tuyến, đặt hai hình kế bên nhau và yêu cầu người dùng chọn ai là người “hot” nhất”.

Mark Zuckerberg lập trang Facebook ngày 4 tháng 2 năm 2004 cùng với bạn bè là sinh viên khoa khoa học máy tính và bạn cùng phòng khi Mark còn là sinh viên tại Đại học Harvard. Tên Facebook bắt nguồn từ cuốn sổ có hình mặt (face book) của tất cả các sinh viên trong các trường đại học Mỹ.

Ngày nay không ai trong chúng ta lạ lùng gì đến facebook vì ảnh hưởng của nó. Có người cho biết con số người dùng đã lên tới hàng tỉ, có người nói 2 tỉ. Tại Việt Nam số người dùng mỗi ngày khoảng 40 triệu, nếu đây là con số chính xác thì chúng ta phải nói rằng đây là con số cực kỳ lớn so với dân số Việt Nam. Và nếu mỗi ngày mỗi người dùng bỏ ra khoảng 2,5 giờ để “lang thang” trên mạng xã hội này thì phải chăng chúng ta, người công giáo, cũng cần đặt ra nhiều vấn đề cho chính chúng ta vì đây là con số thực sự lớn. Tuy nhiên người ta cũng khám phá ra rằng trong số đó những tài khoản ảo, không có thực, lên tới con số 50 triệu hay 200 triệu. Dù có những trang ảo nhưng con số người sử dụng vẫn cực kỳ lớn.

Vậy thì tại sao facebook ảnh hưởng đến như vậy? Cái gì trên facebook thu hút hay ảnh hưởng đến số đông như thế? Nếu chỉ là ảo mà thôi thì liệu có lôi cuốn đến như thế không? Điều gì làm người ta có thể đi tới nghiện facebook? Chúng ta không dám trả lời tất cả nhưng chỉ tập trung vào đề tài Mạng xã hội facebook ảo hay thật.

1. Facebook, mạng ảo

Vấn đề này được bàn luận nhiều. Ngày 06/01/2017 Tuổi Trẻ Online đã đăng bài viết với tựa đề: “Bạn dùng Facebook để ‘sống ảo' hay giúp tìm được việc làm?

Đề tài đó cho thấy facebook có thể ảo hay thật và cũng cho thấy người sử dụng facebook có thể chọn lựa cho mình cách sử dụng. Hiểu cách khác nếu chúng ta chỉ trích là dùng facebook để sống ảo thì đó không nằm ở bản chất facebook mà đúng hơn ở người sử dụng, chính người đó đã sống ảo và facebook chỉ là phương tiện để thể hiện ý muốn đó.

Cũng trong bài viết trên, các bạn tham dự buổi trao đổi cho thấy cách hiểu đơn giản của người trẻ về sống ảo là sống không thực hay chỉ thể hiện phần đẹp, phần vui, phần hạnh phúc của cuộc sống họ. Vì thế sống ảo trong mắt các bạn trẻ là chụp ảnh: đi ăn, đi chơi, đi học,... cập nhật status (trạng thái) luôn luôn, đăng hình avatar (ảnh đại diện) rất đẹp (nhưng thực tế không như vậy!). Nhiều người sử dụng hình “ảo”, hình đã được chỉnh sửa hay lấy hình người khác làm ảnh đại diện cho bản thân. Và như thế trên facebook, mình không phải là mình: sống ảo.

Sống ảo chính là cuộc sống xa rời với thực tế. Đó là cuộc sống đi tìm niềm vui cho mình bằng “câu like”, bằng bình luận, bằng những lượt tương tác trên facebook. Nhiều người thường tham khảo xem ai “like” status của mình để rồi mình cũng “like” họ. Dần dần hành vi này chuyển thành thói quen, có qua có lại và hình thành nhóm “like” nhau mà không nghĩ nhiều về hành động đang làm, không nghĩ nhiều về mình đang “like” về điều gì: hành vi click “like” chỉ đơn giản là một phản xạ... và vì thế đôi khi chỉ “like” trước khi đọc nội dung và có khi cũng không đọc nội dung. Những người cho rằng được like nhiều là ảnh hưởng mình nhiều, uy tín mình nhiều thì lại một phen sống ảo.

Mặt trái của sống ảo hiện rõ khi Facebook, trang mạng xã hội hàng đầu thế giới, thừa nhận rằng việc dành quá nhiều thời gian “lướt face” mà không tương tác với bạn bè và người thân trong gia đình có thể làm tổn thương đến các mối quan hệ thực ngoài xã hội.

Để có được nhiều like người ta dùng nhiều phương tiện để đạt mục đích này. Có khi dùng tin giả, thí dụ bịa ra một tin nhiều người quan tâm, chụp hình một đàng (hình thật) nhưng gán cho tin một tin tức khác. để gây chú ý người khác, để câu “like”. Có khi dùng hình ảnh “mát mẻ” của bất cứ ai và cũng có khi dùng hình ảnh mát mẻ của chính mình để câu like. Có khi người ta câu like bằng những clip gây sốc: cảnh học sinh (thường nữ sinh) đánh nhau, cảnh cảnh sát giao thông rượt đuổi, “làm luật”, cảnh tai nạn xe, cháy nhà, người khốn cùng. Những cảnh này đôi khi có thật nhưng cũng không phải là hoàn toàn thật.

Facebook có lần đăng hình một cậu bé bán vé số nằm ngủ ngoài đường với chú thích em bị xua đuổi không cho về nhà. Nhiều bình luận dựa vào đó để lên án người mẹ, thậm chí cực lực lên án gia đình của em. Thế nhưng một số người xưng mình ở gần nhà em thì không thấy như vậy. Em ở ngoài đường vì không muốn về nhà, nhà em nghèo, thậm chí rất nghèo nhưng không ai xua đuổi em cả. Những thông tin giả như thế có thể làm người đọc xúc động, nhưng xúc động vì chuyện không có thật. Nhiều người dùng mạng xã hội để quyên góp, nói là làm từ thiện nhưng thực ra chỉ là giả dối, lấy hình của đoàn từ thiện khác nhưng gán cho mình.

Vì thế chúng ta có thể nói facebook tạo điều kiện thuận lợi hay nuôi dưỡng cuộc sống ảo. Không chỉ facebook mà các mạng xã hội làm cho số đông người có một cuộc sống xa rời cuộc sống thực.

Mạng xã hội có thể là một phương tiện khiến người sử dụng bị đánh lừa cảm xúc như khi họ cảm thấy mình được nổi tiếng nhờ nhiều like, comment và lượt chia sẻ, lượt theo dõi. Trước đây những bạn trẻ được xem là hot boy, hot girl khi có ngoại hình xinh đẹp, khi học hành giỏi, khi tham gia nhiều các hoạt động xã hội... Giờ đây bất kỳ cô gái hay chàng trai nào cũng sẽ trở nên hot girl, hot boy nếu có nhiều lượt like, comment, share rồi follow. Và từ đó các anh chàng hay cô nàng đó tìm cách câu like bằng mọi phương tiện giả hay thật. Câu để được liệt vào hàng hot girl, hot boy.

Ở mạng xã hội, người ta thấy có những con người sống thực thì ít nói nhưng khi lên mạng thì chém gió thành bão hay những cô gái đời thực thì nhiều tính xấu không ai dám gần nhưng khi lên mạng trở thành nhu mì, xinh đẹp, thành hot girl được nhiều người hâm mộ.

Sống ảo lôi cuốn đến mức đi đến bất kỳ đâu chúng ta cũng gặp vô số các bạn trẻ dán mắt vào điện thoại và không ít các bạn trẻ xem việc có hàng ngàn lượt like, hàng triệu người follow chính là thước đo giá trị của một con người bất kể phương tiện để đạt mục đích ấy là tốt hay xấu. Cuộc sống ảo lôi con người tiếp tục sống ảo.

Facebook thay đổi dần dần suy nghĩ, hành động và thái độ của người sử dụng. Họ tự tách biệt mình với thế giới bên ngoài khi dành hầu hết thời gian cho việc lướt và check comment, post ảnh lên trang cá nhân. Đó là chưa kể đến việc con người dần dần trở thành công cụ, bị facebook điều khiển.

Hậu quả của cuộc sống ảo đôi khi đi đến chỗ trầm trọng là trầm cảm vì nghiện facebook. Nhiều chuyên gia y tế cảnh báo về nguyên nhân trầm cảm hiện nay do nghiện điện thoại, game và đặc biệt nghiện facebook đến nỗi phải đưa đi bệnh viện tâm thần để điều trị.

“Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết: “Nghiện Facebook” là dành quá nhiều thời gian sử dụng Facebook, làm ảnh hưởng đến các hoạt động trong cuộc sống như làm việc, học tập hoặc duy trì mối quan hệ thật với bạn bè, gia đình và người xung quanh. Lứa tuổi nghiện Facebook thường ở lứa tuổi trẻ như học sinh, sinh viên... Khi nghiện Facebook, bệnh nhân có thể mất ngủ, nghèo nàn các kỹ năng xã hội, giảm sút các mối quan hệ thật do sống ảo; hiệu suất công việc, học tập giảm; có thể dẫn đến sử dụng ma túy, chất kích thích...

Trầm cảm là tình trạng buồn chán, giảm hoặc mất hứng thú ít nhất hai tuần, kèm theo mệt mỏi, hay hồi hộp, ăn ngủ không ngon làm ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt. Đây là một rối loạn tâm thần thường gặp; là nguyên nhân hàng đầu gây ra gánh nặng bệnh tật, làm cho hàng triệu người bị giảm hoặc mất sức lao động. Trong trường hợp xấu nhất, trầm cảm có thể dẫn đến tự tử.

Có ba nhóm tuổi có tỷ lệ mắc bệnh trầm cảm cao hơn đó là học sinh và thanh thiếu niên, phụ nữ trước sinh và sau sinh, người cao tuổi. Các nghiên cứu cho thấy, người trầm cảm có nguy cơ tự tử cao gấp 25 lần so với người khác và trên 50% số ca tự tử có rối loạn trầm cảm.” (xem thêm tại https://tuoitre.vn)

Ngoài ra chúng ta cũng còn thấy một hình thức khác của sống ảo. Người ta thường thấy xuất hiện những bình luận vô trách nhiệm, không cần biết đúng sai, phải trái, không cần biết hậu quả tai hại của nó. Có người, có nhóm dùng facebook để tạo ảnh hưởng, để áp đặt tư tưởng của nhóm mình cho người khác hay quấy rối trang người nào mà họ thấy không ưng, làm cho trang đó không hoạt động được nữa.

Thế nhưng phải chăng dùng mạng xã hội chỉ là tiêu cực? Nguyên nhân nào khiến nhiều người sử dụng mạng xã hội?

2. Facebook, mạng thật

Thực ra, người ta thấy mạng xã hội mang tính tích cực khi biết sử dụng. “Một số kết luận rút ra từ báo cáo về tầm ảnh hưởng của Facebook:

- Facebook cho phép cả những doanh nghiệp cũ và mới trên toàn thế giới tiếp cận khách hàng tại địa phương và toàn cầu.

- Facebook giảm rào cản tiếp thị bằng việc giúp các doanh nghiệp từ lớn đến nhỏ nâng cao tầm ảnh hưởng của thương hiệu và tìm ra những khách hàng thực sự thích thú với các sản phẩm và dịch vụ của công ty.

- Hỗ trợ các doanh nghiệp như một công cụ để quảng bá, phát triển hoạt động của họ.

- Tạo ra những công cụ có tính kinh tế, thúc đẩy sáng tạo và tạo ra việc làm.

- Tăng nhu cầu cho thiết bị di động và dịch vụ Internet.

Bài viết trên cũng cho thấy Facebook gây ra ảnh hưởng trị giá 227 tỷ USD đến nền kinh tế và tạo ra 4,5 triệu việc làm trên toàn cầu trong năm 2014. (xem thêm tại http://vietnamnet.vn)

Thật ra ích lợi hay ảnh hưởng thật của facebook có nhiều khi biết sử dụng:

- Người ta có thể cập nhật những thông tin, có thể xem những bộ phim, các clip nhạc hay hình ảnh, chia sẻ kiến thức, chia sẻ thông tin, xu thế hay khuynh hướng mua sắm của khách hàng.

- Nhờ mạng xã hội mà người ta phải nâng cấp việc phục vụ. Báo chí, dịch vụ công hay các dịch vụ khác “cạnh tranh” với nhau. Do mạng xã hội cập nhật rất nhanh và rất gần với đời sống khắp nơi, kể cả vùng hẻo lánh với những thông tin, hình ảnh, video clip, âm

thanh. nên báo giấy khó có thể cạnh tranh được. Vì thế báo chí giấy phải thay đổi cách phục vụ để sống còn: đa dạng hóa các hình thức phục vụ hay cho đăng các bài chính xác, bài viết có chiều sâu... Có nơi chấp nhận góp ý của mạng xã hội để cải tiến phong cách phục vụ.

- Nhờ mạng xã hội người ta có thể kết nối bạn bè khắp nơi (nếu muốn) giao lưu với những người hầu như xa lạ. Nếu biết cách tự giới thiệu, người ta có thể kết bạn toàn cầu, với những người chưa hề quen trước đó.

Mạng xã hội có thể giúp liên lạc được với những người tưởng chừng không bao giờ gặp lại (quen thân từ thuở thơ ấu, giờ mỗi người mỗi nước) giúp người đồng hương, đồng nghiệp liên lạc, trao đổi với nhau cùng ôn lại kỷ niệm xưa. Các hội ái hữu ngày xưa rất khó liên lạc với nhau, giờ đây có thể dễ dàng hẹn hò nhau hay hỗ trợ nhau trong cuộc sống. Nhiều du học sinh, nhiều người đi định cư nước ngoài dùng mạng xã hội để liên lạc chặt chẽ với gia đình, với bè bạn ở Việt Nam. Những thông tin trên mạng cho nhau làm cho khoảng cách không còn nữa. Hình ảnh, lời nhắn giúp họ cũng còn bên nhau, chia sẻ vui buồn của nhau, giúp họ an tâm về sức khỏe người thân. Những thông báo về người thân nhập viện, qua đời hay đám cưới, những chuyến du lịch làm cho họ bớt cảm thấy cô đơn và các trang mạng sôi động hẳn lên.

Ở đây chúng ta cũng lưu ý có những người cần chia sẻ niềm vui nỗi buồn cho người khác để mong nhận được sự cảm thông, an ủi của ai đó. Đôi khi vì ngại ngùng người ta không thể xin ý kiến qua các cuộc gặp gỡ diện đối diện, vì ngăn sông cách núi người ta cũng thể gặp nhau, trò chuyện, thậm chí tư vấn cho nhau, mạng xã hội có thể giúp cho có cơ hội liên lạc với nhau.

Đối với một số người việc tự giới thiệu bản thân trước mặt người khác là khó khăn lớn. Qua mạng xã hội, người nhút nhát có thể tự giới thiệu mình cho mọi người mỗi ngày một chút và cơ hội tìm được người bạn cho mình (có khi là bạn thân, có khi là bạn đời) là rất lớn vì ngoài cách này họ có ít cơ hội để có thêm bạn bè.

- Mạng xã hội giúp cho việc học được dễ hơn, nhất là học sinh ngữ, khi kết bạn với một người nước ngoài. Với cách này họ có thể trao đổi ngôn ngữ với người nói ngôn ngữ khác mà không phải tốn món tiền lớn đến các trung tâm ngoại ngữ hay phải đi nước ngoài để thực tập.

Đáp ứng nhu cầu đó, trên các mạng xã hội xuất hiện ngày càng nhiều các trang dạy nấu ăn, sửa chữa, giao tiếp, tâm lý, thể thao và người ta dễ dàng chọn cho mình một trang để có thể tham khảo, tự học mà không cần đến lớp hay đóng lệ phí. Những trang này cung cấp những kiến thức căn bản cho sinh ngữ, cho việc chế biến các món ăn. Chính nhờ tham gia cộng đồng mạng này, người ta có những kỹ năng cơ bản cần thiết cho cuộc sống hiện đại như sử dụng ngoại ngữ, cách giao tiếp văn minh hay biết cách săn sóc sức khỏe cho chính bản thân. Mạng xã hội cũng cho phép hình thành những nhóm riêng (đái tháo đường, âm nhạc...) chuyên trao đổi về những vấn đề mà người trong nhóm quan tâm. Nhờ những thông tin khác nhau, những kinh nghiệm chữa trị khác nhau mà người ta có thể tìm cho mình cách làm tốt nhất cho mình.

- Facebook làm cho việc kinh doanh dễ hơn. Nhiều người trẻ khởi nghiệp bằng buôn bán qua mạng, giới thiệu sản phẩm qua mạng. Có thể nói công việc kinh doanh này đang ngày càng phát triển. Hình thức phổ biến nhất vẫn là đặt hàng qua trang facebook và trả tiền khi nhận được hàng. Hình thức này thuận lợi vì không cần phải chứa hàng nhiều, không bị thời gian khống chế nên có thể đi học, đi làm, nuôi con nhỏ bình thường và có thể kiếm thêm thu nhập khi chỉ sử dụng thời gian rảnh. Tất cả những chi phí mà doanh nghiệp phải tính tới để kinh doanh thì nhờ Facebook mà chi phí giảm tối đa: việc trực điện thoại để trả lời khách hàng hầu như không cần thiết, các chi phí văn phòng hầu như không có . Ai dám nói là kiểu kinh doanh như vậy không thân thiện với môi trường? Ai dám nói là việc kinh doanh đó không thuận lợi cho người bán lẫn người mua? Người mua không phải đi xếp hàng mua, trả tiền, đi tìm hang... Dĩ nhiên chất lượng món hàng đi đôi với uy tín của trang mạng xã hội.

- Nhiều người đưa lên trang của mình những clip hay, có tính giáo dục cao: nhắc tới lòng thương người, nhất là người nghèo; nhắc tới luật nhân quả; những gương vượt khó; nhiều người ca tụng sự hy sinh của cha già, của mẹ già lo cho đứa con khuyết tật; cũng có khi đưa lên những bài hát hay, những bài thánh ca. Tất cả những thứ đó thường gây sự chú ý của nhiều người.

- Thật là thiếu sót nếu chúng ta không nói đến những bài chia sẻ (có khi dựa trên Kinh thánh) của nhiều linh mục và giáo dân, những giải thích Phụng vụ, Giáo luật, những chia sẻ về đệm đàn trong Phụng vụ, những thông tin của Giáo hội toàn cầu và Giáo hội địa phương, những livestream của những buổi lễ (lễ Truyền Dầu, đám tang của Đức Tổng Giám Mục Phaolô.) . thường những chia sẻ này được khá nhiều người hưởng ứng vì họ không thể hiện diện tại chỗ được. Kỹ thuật có thể giúp cho mọi người trên thế giới, nếu muốn, có thể hiệp thông với nhau.

- Nhiều người sử dụng trang cá nhân của mình như cơ hội trình bày suy tư của mình về một vấn đề gì đó. Suy tư đó có khi nhận ít nhiều gạch đá thí dụ như vụ thay đổi cách viết chữ Việt vừa qua. Những ý kiến trái chiều nhau trong vụ đó cho thấy tính lộn xộn không nhất quán của ý kiến (nếu nhìn mặt tiêu cực) nhưng cũng cho thấy tính đa dạng của dư luận. Nếu bình tâm suy nghĩ, những ý kiến trái chiều có khi làm sáng lên suy nghĩ của nhiều người chúng ta. Thay vì suy nghĩ theo một chiều, chúng ta có thể tiến đến sự thật khi tiếp nhận ý kiến đa chiều để ít sai sót hơn khi quyết định. Quan trọng hơn khi chọn lựa làm điều gì chúng ta cũng “thấy” hậu quả của việc làm chúng ta. Nói cách khác thay vì rối mù trong các bình luận, chúng ta có thể tìm cho mình một đường đi ít sai sót.

Trang cá nhân có khi cũng là nơi tập tiếp xúc với người khác, là nơi để giới thiệu tài năng của mình: tài hát, tài khéo léo nấu ăn, tài chụp hình, cuộc sống với bạn bè, . Một số doanh nghiệp tìm người tài qua trang facebook: qua suy nghĩ, qua cuộc sống của người ấy. Báo chí thường lấy hình ảnh trên trang cá nhân để giới thiệu, để viết bài... coi đó như là ý kiến cần tham khảo (ý kiến cư dân mạng)

- Thỉnh thoảng chúng ta thấy cơ quan điều tra cũng dựa vào chứng cứ của cư dân mạng để điều tra một vụ án: vụ đánh nhau ở trường học, vụ đụng xe, đánh đập, chém giết nhau. Không ai có thể nhanh chóng (nhưng vô tình) thu thập chứng cứ cho cơ quan điều tra cho bằng những người chứng kiến việc ấy.

3. Kết luận

Cho dù có các cuộc tranh cãi về lợi hay hại của mạng xã hội, có thái độ ủng hộ hay chống đối mạng xã hội thì chúng ta, các kitô hữu, cũng phải đối diện với một hiện tượng phổ biến là các mạng xã hội đang hoạt động rất nhộn nhịp.

Nếu các trang mạng này mang tên xã hội thì chúng ta cũng nhớ rằng nó phản ánh xã hội. Trong xã hội, chúng ta cũng gặp những người sống ảo: nhà không có cái để ăn nhưng thích xài hàng hiệu; doanh nghiệp làm ăn thua lỗ nhưng đi đâu cùng xài xe xịn.; cách đây nhiều năm một “đại gia” khoe đi ăn, chụp hình với các Đấng bậc như để chứng tỏ mình “đạo đức, làm ăn chân thật”, tạo tin tưởng để vay tiền của nhiều người, sau đó bỏ trốn ra nước ngoài. những kiểu tương tự có nhiều trong xã hội. Trong xã hội chúng ta cũng gặp những người tiêu cực, thích chỉ trích người khác, người ấy chỉ trích mọi việc làm, suy nghĩ của mọi người. Những người lợi dụng làm việc từ thiện để tìm lợi nhuận cho mình. Nhìn về mặt tiêu cực thì xã hội đầy dẫy tiêu cực.

Thế nhưng trong xã hội cũng có những người đạo đức, những người gương mẫu, những người hy sinh cả đời cho con cái. Trang xã hội phản ánh tất cả những điều ấy. Vậy thì khoan kết án mạng xã hội. Đúng hơn mạng xã hội phổ biến sống ảo nhưng không phải chỉ có vậy.

Thế nhưng điều quan trọng của chúng ta, các kitô hữu, không phải ở chỗ đó. Điều quan trọng là chúng ta có xem cư dân mạng là môi trường rao giảng Tin mừng hay không? Ai trong chúng ta cũng biết đây là môi trường khá phức tạp đầy dẫy nguy hiểm. Thế nhưng dù sao đó không thể là lý do làm chùn bước những người muốn, hay đúng hơn đang tìm cách rao giảng Tin mừng cho cư dân mạng. Các nhà truyền giáo thường phải liều mình đi đến nơi nguy hiểm để rao giảng. Hình như chưa ai bị mất mạng sống vì rao giảng Tin mừng trên mạng xã hội.

Mạng xã hội cho thấy cần thay đổi cách rao giảng Tin mừng. Phải chăng trong xã hội ngày nay, con người cần được hướng dẫn để tiến lên Chân Thiện Mỹ. Vai trò của cư dân mạng kitô hữu rất quan trọng vì đang tiếp xúc với cộng đoàn đông đảo những người đi tìm Chân Thiện Mỹ.

Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGMVN Số 106 (tháng 5 & 6, năm 2018)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top