Đức Thánh Cha Phanxicô mang thông điệp thương xót đến cho Châu Phi

Đức Thánh Cha Phanxicô mang thông điệp thương xót đến cho Châu Phi

Đức Thánh Cha Phanxicô mang thông điệp thương xót đến cho Châu Phi

TGPSGVatican News --- Đức Thánh Cha Phanxicô có một trái tim lớn dành cho Châu Phi và người dân Châu Phi. Ngài đã để lại một di sản bền vững với cam kết đồng hành cùng khát vọng hòa bình, công lý xã hội và phát triển toàn diện của Châu Phi.

Hơn thế nữa, sự liên đới của Đức Thánh Cha với các người tị nạn, di dân, những người nghèo và bị gạt ra ngoài lề xã hội sẽ tiếp tục sống mãi trong lòng mọi người.

Châu Phi không chỉ thương tiếc vì mất đi một nhà lãnh đạo tinh thần của người Công giáo mà còn vì mất đi một người không ngần ngại bảo vệ những vấn đề ít được chú ý trong khu vực - những vấn đề thường bị truyền thông chính thống bỏ qua, như xung đột, khai thác, nghèo đói và bệnh tật.

Chào đón, đồng hành, hỗ trợ và hòa nhập

Dường như chủ đề di cư đã chọn Đức Thánh Cha Phanxicô. Chuyến đi đầu tiên của ngài ra ngoài Rôma vào tháng 7 năm 2013 là đến đảo Lampedusa của Ý, nơi nhiều người di cư trẻ tuổi từ Châu Phi đã thiệt mạng trong một vụ đắm tàu trên Biển Địa Trung Hải khi họ cố gắng đến bờ biển châu Âu.

Tại một bàn thờ được làm từ một chiếc thuyền vẽ, Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên bố: “Trong thế giới toàn cầu hóa này, chúng ta đã rơi vào sự thờ ơ toàn cầu.” Ngài nói: “Chúng ta đã quá quen thấy người khác đau khổ, đến nỗi cho rằng: nó không ảnh hưởng gì đến tôi, không liên quan đến tôi, không phải việc của tôi!”

Những năm sau đó, sau Lampedusa, Đức Thánh Cha đã nhiều lần kêu gọi: “Người di cư cần được chào đón, đồng hành, hỗ trợ và hòa nhập vào các cộng đồng đón tiếp họ.” Đây là một thông điệp không được nhiều người ở châu Âu hoan nghênh, nhưng Đức Thánh Cha vẫn kiên trì lặp lại.

Cam kết truyền giáo cho Mozambique

Trước khi là Giáo hoàng, thì Đức cha Jorge Mario Bergoglio đã từng là Tổng Giám mục của Buenos Aires ở Argentina vào năm 1998; với tất cả nhiệt huyết, ngài tiếp tục cam kết gửi các linh mục truyền giáo từ Argentina đến Giáo phận Xai Xai ở Mozambique, đáp ứng lời kêu gọi của Giám mục Giáo phận Xai-Xai là Đức cha Julio Duarte Langa người Mozambique. Giám mục Langa sau đó đã được phong Hồng y vào năm 2015.

Những chuyến thăm lịch sử của Đức Thánh Cha đến Châu Phi

Những chuyến đi của Đức Thánh Cha đến Châu Phi là những chuyến đi đáng nhớ, cho thấy sự tôn trọng và quan tâm sâu sắc của ngài đối với Châu Phi. Có lẽ không gì thể hiện rõ hơn những chuyến đi này bằng chuyến thăm đầtu tiên của ngài đến Châu Phi vào năm 2015, đến Kenya, Uganda và Cộng hòa Trung Phi. Vào thời điểm đó, chuyến thăm Cộng hòa Trung Phi được coi là không chỉ nguy hiểm mà còn được truyền thông mô tả là “rủi ro an ninh lớn nhất trong triều đại của ngài”. Một số người còn cho rằng đó là một cuộc phiêu lưu bất cẩn.

Mặc dù đất nước này đang xảy ra bạo lực nghiêm trọng, Đức Thánh Cha vẫn đến Cộng hòa Trung Phi vào ngày 29-11-2015. Ngài từ chối mặc áo giáp hay dùng lá chắn chống đạn trên chiếc xe Popemobile trong suốt chuyến thăm của mình.

Tác giả bài viết này là một trong những phóng viên trong chuyến đi tông đồ đó và đã chứng kiến Đức Thánh Cha đến thăm cộng đồng Hồi giáo tại nhà thờ Hồi giáo trung tâm Koudoukou ở Bangui. Vào thời điểm đó, khu vực PK5 của thành phố được coi là khu vực không thể đến được đối với người không phải Hồi giáo. Tuy nhiên, vị Imam trưởng của nhà thờ, là Tidiani Moussa Naibi, đã đón tiếp Đức Thánh Cha cách nồng nhiệt và cảm ơn ngài vì sự hiện diện của ngài - không hề có chút thù địch nào cả.

Đức Thánh Cha Phanxicô trong chuyến thăm Châu Phi

Trong suốt triều đại của ngài, Đức Thánh Cha đã đến Kenya, Uganda, Cộng hòa Trung Phi, Ai Cập, Morocco, Mozambique, Madagascar, Cộng hòa Congo và Nam Sudan.

Trong chuyến thăm Nam Sudan, ngài cùng đi với Tổng Giám mục Anh giáo Canterbury và vị Điều hành Giáo hội Scotland. Ngoài khơi bờ biển phía Đông Châu Phi, Đức Thánh Cha cũng đã thăm Mauritius trong cùng chuyến tông du đến Mozambique và Madagascar.

Trong những chuyến đi này đến Châu Phi, Đức Thánh Cha đã nói rất nhiều về hòa bình, hòa giải và công bằng xã hội, đề cao sức phục hồi của người dân châu Phi sau nhiều nghịch cảnh mà họ phải trải qua trong tư cách là một dân tộc

Gặp gỡ chính quyền, dân sự và ngoại giao ở Cộng hòa Dân chủ Congo, Đức Thánh Cha đã phát biểu trong diễn văn của ngài: “Hãy buông tha Cộng hòa Dân chủ Congo! Hãy buông tha Châu Phi! Hãy ngừng bóp nghẹt Châu Phi; Châu Phi không phải là một khu mỏ để khai thác hay một lãnh thổ để cướp bóc.”

Đôi khi, Đức Thánh Cha là người duy nhất lên tiếng về các vấn đề ảnh hưởng đến lục địa Châu Phi, chẳng hạn như tác động của biến đổi khí hậu, bất bình đẳng kinh tế và bất ổn chính trị.

Ngài nhắc nhở thế giới về những câu chuyện con người đằng sau những con số thống kê, kêu gọi các chính sách bảo vệ quyền con người và đấu tranh cho nhu cầu của những người dễ bị tổn thương nhất. Ngài đã thể hiện sự hùng biện sâu sắc nhất trong đại dịch Covid-19 khi kêu gọi phân phối công bằng và một “tinh thần trách nhiệm toàn cầu” để đảm bảo rằng Châu Phi và các quốc gia đang phát triển khác không bị bỏ lại trong việc phân bổ vắc xin Covid-19.

Sự quan tâm mục vụ của Đức Thánh Cha đối với Châu Phi

Tình cảm sâu sắc của Đức Thánh Cha đối với Châu Phi không chỉ thể hiện qua những bài phát biểu và tuyên bố. Ngài, trên hết, là một mục tử và là vị mục tử toàn cầu. Ví dụ, Đức Thánh Cha đã hai lần cử hành thánh lễ cho cộng đồng Congo tại Roma (tháng 12.2019 và tháng 7.2022). Trong những dịp này, và trong chuyến thăm Congo vào năm 2023, Đức Thánh Cha đã thể hiện sự ủng hộ và an ủi với nghi thức phụng vụ Zaire. Ngài thậm chí còn nói rằng nghi thức Zaire là một “mô hình hứa hẹn” cho các nền văn hóa khác. Thật tuyệt vời khi thấy Đức Thánh Cha hoàn toàn thoải mái và không hề bối rối trước văn hóa sống động và tinh thần của Châu Phi. Ngài kêu gọi người dân Châu Phi hãy ôm lấy những giá trị lâu đời của mình như sự tôn trọng ông bà và các bậc cao niên, và luôn coi sự đa dạng dân tộc là một niềm vui cần được chào đón, chứ không phải là một mối đe dọa.

Tác động lâu dài và cam kết về phát triển bền vững

Mặc dù Đức Thánh Cha không còn trực tiếp thăm Châu Phi như trước, nhưng tác động của ngài vẫn tiếp tục qua các chính sách và thông điệp của Tòa Thánh. Ngài vẫn kiên trì nhắc nhở thế giới về các vấn đề đang ảnh hưởng đến Châu Phi, đặc biệt là qua các diễn đàn quốc tế, kêu gọi sự liên đới và hợp tác khi giải quyết những vấn đề của lục địa này.

Ngoài ra, Đức Thánh Cha đã thúc đẩy các sáng kiến về phát triển bền vững tại Châu Phi, đặc biệt là liên quan đến bảo vệ môi trường và giảm thiểu việc khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách vô tội vạ. Ngài đã khuyến khích các quốc gia Châu Phi tìm kiếm những giải pháp phát triển bền vững từ bên trong, giảm sự phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên ngoài khu vực.

Củng cố mối quan hệ giữa các Giáo hội

Trong các chuyến thăm của mình, Đức Thánh Cha đã nỗ lực củng cố mối quan hệ giữa các Giáo hội ở Châu Phi, đặc biệt là khuyến khích đối thoại liên tôn giữa Công giáo và Hồi giáo. Điều này thể hiện rõ qua các chuyến thăm và cuộc gặp gỡ các lãnh đạo tôn giáo tại Châu Phi, nơi Đức Thánh Cha đã tìm kiếm hòa bình và thống nhất giữa các nhóm tôn giáo.

Chắc chắn, khi Đức Giáo hoàng Phanxicô “trở về nhà Cha”, các vị tử đạo Uganda - là những đấng mà ngài đã đến thăm đền thờ của họ vào năm 2015 - sẽ xếp hàng trước tiên để chào đón ngài trở về “nhà mình”.

Tác giả: Paul Samasumo -  Vatican

Xuân Đại (TGPSG) biên dịch từ Vatican News

Top