Đức Thánh Cha ban hành Tông thư kỷ niệm 400 năm ngày mất của thánh Phanxicô đệ Salê

Đức Thánh Cha ban hành Tông thư kỷ niệm 400 năm ngày mất của thánh Phanxicô đệ Salê

Đức Thánh Cha ban hành Tông thư kỷ niệm 400 năm ngày mất của thánh Phanxicô đệ Salê

Kỷ niệm 400 năm ngày mất của thánh Phanxicô đệ Salê, hôm 28/12/2022, Đức Thánh Cha ban hành Tông thư “Totum Amoris Est - Tất cả thuộc về tình yêu”. Trong văn kiện, Đức Thánh Cha khẳng định: “Trong thời đại hiện nay có nhiều đổi thay, thánh Tiến sĩ Hội thánh có thể giúp mọi người tìm kiếm Thiên Chúa trong bác ái, niềm vui và tự do”.

Thánh Phanxicô đệ Salê sinh tại Sales, miền Savoie nước Pháp ngày 21/8/1567 trong một gia đình đạo đức và sống bác ái. Thánh nhân được cha mẹ giáo dục rất nhân bản, thấm nhuần giáo lý Kitô, nhờ đó ngài sớm trở nên một trẻ thơ đạo đức, thánh thiện và bác ái, quảng đại, chia sẻ. Lớn lên, thánh nhân theo học triết lý và thần học tại Paris. Ðậu tiến sĩ luật tại Padova, ngài nắm trong tay một tương lai sáng lạn, huy hoàng. Dù cuộc đời dễ dàng thăng quan tiến chức, có chỗ vững chắc trong xã hội, nhưng thánh nhân quyết tâm từ bỏ tất cả, để đi theo Chúa Giêsu. Thánh Phanxicô được thụ phong linh mục năm 1595 và được Ðức cha Granier tin tưởng, tín nhiệm đề cử làm nhà hộ giáo, giảng thuyết chính thức chống lại lạc giáo Calvin ở Challais. Thánh Phanxicô đệ Salê qua đời tại Lyon ngày 28/12/1622.

Trong Tông thư, Đức Thánh Cha mô tả thánh Phanxicô đệ Salê là một nhà “diễn giải tài ba” của thời đại ngài, người có lòng “khao khát Thiên Chúa” theo một cách mới, và một “vị hướng dẫn linh hồn xuất chúng”, có khả năng giúp mọi người tìm kiếm Thiên Chúa trong tâm hồn và thấy Người trong đức ái.

Đức Thánh Cha lưu ý rằng, do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi thánh Gioan Phaolô II đã gọi ngài là “Tiến sĩ Tình yêu Thiên Chúa”, không chỉ vì ngài đã viết “một Khảo luận mạnh mẽ về chủ đề đó, nhưng  trước hết và trên hết vì ngài là một chứng nhân nổi bật cho tình yêu đó”.

Những cơ hội mới để loan báo Tin Mừng trong thế giới nhiều thay đổi

Sau khi tự vấn về “di sản của thánh Phanxicô đệ Salê cho thời đại chúng ta”, Đức Thánh Cha giải thích rằng ngài nhận thấy “sự linh hoạt và tầm nhìn xa trông rộng” của thánh nhân là một sự soi sáng.

Ở Paris đầu thế kỷ 17, ngài là người mà Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI từng gọi là “một vị tông đồ, nhà giảng thuyết, nhà văn, một người hành động và cầu nguyện, nhận thức rõ thời thế đang thay đổi”. Ngài không bao giờ tưởng tượng được rằng những thay đổi đó lại là một cơ hội tuyệt vời cho công cuộc rao giảng Tin Mừng. Lời Chúa mà ngài đã yêu thích từ thời niên thiếu giờ đây đã mở ra trước mắt ngài những chân trời mới và bất ngờ trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng.

Đức Thánh Cha giải thích: “Chính nhiệm vụ đó đang chờ đợi chúng ta trong thời đại đang thay đổi. Chúng ta được thử thách để trở thành một Giáo hội hướng ra ngoài và thoát khỏi mọi tính chất thế tục, ngay cả khi chúng ta sống trong thế giới này, chia sẻ cuộc sống và đồng hành với con người ngày nay trong sự lắng nghe và đón nhận một cách chăm chú. Đó là điều mà thánh Phanxicô đệ Salê đã làm khi ngài nhận định các biến cố của thời đại với sự trợ giúp của ơn Chúa. Hôm nay, thánh nhân yêu cầu chúng ta để qua một bên sự quan tâm quá mức cho bản thân, cho các cơ cấu và cho những gì xã hội nghĩ về chúng ta, và thay vào đó xem xét các nhu cầu và kỳ vọng tinh thần thực sự của con người”.

Tìm kiếm Thiên Chúa trong tâm hồn và lịch sử

Đức Thánh Cha giải thích rằng, theo thánh Phanxicô, kinh nghiệm về Thiên Chúa “là bản chất của tâm hồn con người”. Ý tưởng này làm nền tảng cho tất cả cuộc sống “tập trung vào Thiên Chúa” của thánh nhân, được giải thích một cách đơn giản và chính xác trong Khảo luận và cụ thể bằng những lời này: “Khi nghĩ đến Thiên Chúa, ngay lập tức con người cảm thấy một cảm xúc dịu ngọt trong lòng, điều này chứng tỏ rằng Thiên Chúa là Thiên Chúa của tâm hồn con người”.

Đức Thánh Cha viết: “Tư tưởng của ngài được tổng hợp qua những lời sau: Trong tâm hồn và qua tâm hồn, chúng ta nhận biết Thiên Chúa, đồng thời, biết chính mình, nguồn gốc và chiều sâu, sự đáp trả của chúng ta trong tiếng gọi tình yêu. Như vậy, chúng ta khám phá ra rằng đức tin không phải là sự phó thác thụ động và vô cảm cho một học thuyết loại bỏ xác phàm và lịch sử, nhưng trước hết và trên hết là một thái độ của tâm hồn phát sinh từ việc chiêm ngắm cuộc đời Chúa Giêsu và làm cho chúng ta sống lịch sử với sự tin tưởng và cụ thể nơi tại ‘Ngôi Lời nhập thể’”.

Phân định trước thử thách tình yêu

Đức Thánh Cha nhận xét rằng thánh Phanxicô đã nhận ra ước muốn là gốc rễ của đời sống thiêng liêng đích thực, nhưng đồng thời cũng là nơi diễn ra sự giả dối. Đây là lý do tại sao thánh nhân coi điều cần thiết là phải thử thách ước muốn qua sự phân định, và tiêu chí cuối cùng để đánh giá điều này khi đã tìm thấy tình yêu là tự hỏi “trong mọi hoàn cảnh cuộc sống, đâu là tình yêu lớn nhất”.

Một nền thần học đắm chìm trong cầu nguyện và cộng đoàn

Đức Thánh Cha trao cho suy tư về đời sống thiêng liêng của Thánh Phanxicô đệ Salê “một phẩm giá thần học xuất sắc”, bởi vì nơi ngài nổi lên những đặc điểm thiết yếu của thần học. Đầu tiên là đời sống thiêng liêng, vì các thần học gia được trở thành nơi lò tôi luyện của kinh nguyện, và sau đó đời sống Giáo hội cho rằng thần học gia Kitô xây dựng tư tưởng trong cộng đoàn. Thánh nhân đã viết những tác phẩm thiêng liêng quan trọng, như Khởi đầu Đời sống Đạo đức và Khảo luận về Tình yêu Thiên Chúa, và đã gửi hàng ngàn thư trong và ngoài các bức tường của các tu viện cho các nam nữ tu sĩ, cho những người trong triều đình cũng như cho dân chúng.

Một phong cách mới, biểu hiệu lạc quan

Đức Thánh Cha giải thích, trong định hướng thiêng liêng, thánh Phanxicô nói theo một cách mới, sử dụng một phương pháp từ bỏ sự khắc nghiệt, nhưng hoàn toàn dựa vào phẩm giá và khả năng của một linh hồn đạo đức, mặc dù còn yếu đuối. Ngài nhận xét rằng trong cái nhìn này có sự lạc quan để lại dấu ấn lâu dài trong lịch sử linh đạo, cho sự triển nở tiếp tục, như trường hợp của thánh Bosco hai thế kỷ sau. Về cuối đời, ngài nhìn thấy thời của mình: “Thế giới đang trở nên quá mong manh, đến nỗi chẳng bao lâu nữa người ta sẽ không còn dám chạm vào nó nếu không có đôi găng tay nhung, cũng như không thể chữa lành vết thương của nó nếu không có thuốc đắp hành tây; nhưng điều gì giúp để con người được chữa lành và cuối cùng được cứu? Đó chính là nữ hoàng của chúng ta, là đức ái, làm mọi thứ cho con cái mình”. Đó không phải là đầu hàng trước một thất bại nhưng đúng hơn là trực giác về một sự thay đổi đang diễn ra và về nhu cầu, hoàn toàn mang tính truyền giáo, để hiểu làm thế nào có thể sống trong đó.

Con người đối thoại

Đức Thánh Cha nhắc lại bằng cách trích dẫn lời Đức Biển Đức XVI: “Do đó, ngay cả khi đối thoại với các tín hữu Tin lành, thánh Phanxicô ngày càng cảm nghiệm, ngoài đề tài thần học cần thiết, hiệu quả của các mối quan hệ cá nhân và lòng bác ái. Khi tiếp xúc với những người theo Calvin, thánh Phanxicô là một nhà tranh luận khéo léo nhưng cũng là một người đối thoại, người phát minh ra các thực hành mục vụ ban đầu, chẳng hạn như ‘tờ rơi’ được treo khắp nơi và thậm chí còn luồn dưới cửa các ngôi nhà. Và đó là lý do ngài được các nhà báo chọn làm thánh bảo trợ”.

Không áp đặt

Trong phần thứ hai của Tông thư, Đức Thánh Cha nhìn vào di sản của thánh Phanxicô Salê cho thời đại ngày nay, ngài mời gọi đọc lại một số lựa chọn quan trọng của thánh nhân, để sống thay đổi với sự khôn ngoan của Tin Mừng. Đầu tiên là đề xuất với mọi người về tương quan hạnh phúc giữa Thiên Chúa và con người, như thánh nhân đã làm trong Khảo luận về Tình yêu Thiên Chúa. Ngài viết: “Chúa Quan phòng thu hút tâm hồn chúng ta đến với tình yêu Người, không áp đặt, không ‘xích sắt’, nhưng với lời mời, sự thu hút thú vị và nguồn cảm hứng thánh thiện. Đây là hình thức thuyết phục của một lời mời gọi cho con người tự do”.

Lòng đạo đức thực sự

Theo Đức Thánh Cha, sự lựa chọn quan trọng thứ hai của thánh Phanxicô là tập trung vào chủ đề lòng đạo đức. Ở phần đầu của tác phẩm Khởi đầu Đời sống Đạo đức, thánh nhân nhấn mạnh rằng lòng đạo đức đích thực chỉ có một, nhưng giả dối và hão huyền thì có nhiều; và nếu bạn không thể phân biệt được thật giả, bạn có thể rơi vào sai lầm và lãng phí thời gian để theo đuổi một lòng đạo đức vô lý và mê tín. Ngài mô tả về thực hành đạo đức sai: đó là người ăn chay và tin rằng họ đạo đức vì họ không ăn không uống, nhưng lại nói xấu và vu khống người khác; Ví dụ khác, một người lẩm bẩm cầu nguyện không ngừng nhưng lại không quan tâm đến những lời nói xấu, kiêu ngạo và lăng mạ người khác. Và trường hợp một người bố thí cho người nghèo, nhưng không thể tha thứ cho kẻ thù.

Đức Thánh Cha giải thích: “Đối với thánh Phanxicô Salê, lòng đạo đức đích thực không gì khác hơn là tình yêu đích thực dành cho Thiên Chúa, một biểu hiện của lòng bác ái, do đó không có gì trừu tượng, nhưng là một cách sống cụ thể trong cuộc sống hàng ngày. Vì lý do này, lòng đạo đức đối với thánh giám mục không dẫn đến sự cô lập và không đưa vào vào một khu vực được bảo vệ và dành riêng nào đó. Đúng hơn, nó thuộc về mọi người và cho mọi người, dù chúng ta ở đâu và mọi người có thể thực hành theo ơn gọi của mình”. 

Đời sống Kitô hữu là khám phá niềm vui yêu thương

Trong chương cuối của Tông thư, tựa đề “Sự xuất thần của cuộc sống”, Đức Thánh Cha tóm tắt tư tưởng về đời sống Kitô của thánh Phanxicô đệ Salê, đó không phải là “một cuộc tĩnh tâm thân mật” trong tâm hồn hay một “sự vâng phục buồn sầu và u tối” với các điều răn, bởi vì ai tự cho mình vươn lên cùng Thiên Chúa, nhưng không sống bác ái với tha nhân, là lừa dối chính mình và người khác. Trái lại, đời sống Kitô là một sự hiện hữu đã tái khám phá những nguồn vui, chống lại mọi sự khô héo của nó, bởi vì ai sống tình yêu đích thực thì gặp được tự do yêu thương và nguồn mạch của tình yêu này thu hút con tim là sự sống của Chúa Giêsu Kitô là Đấng đã hy sinh mạng sống vì chúng ta.

Nguồn: Vaticcan News

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top