Đức Giáo hoàng Lêô XIV và phương tiện truyền thông trong công cuộc loan báo Tin Mừng – Toàn văn cuộc phỏng vấn năm 2012

Đức Giáo hoàng Lêô XIV và phương tiện truyền thông trong công cuộc loan báo Tin Mừng – Toàn văn cuộc phỏng vấn năm 2012

TGPSG / CNS (12.5.2025)Năm 2012, Hãng thông tấn Công giáo Catholic News Service đã mời cha Robert Prevost – khi ấy còn là linh mục – đọc lại toàn văn bài phát biểu mà ngài đã chuẩn bị cho Thượng Hội đồng Giám mục về Tân Phúc Âm hóa. Sau phần trình bày, ngài đã trả lời một số câu hỏi xoay quanh chủ đề đó. Dưới đây là bản dịch đầy đủ phần trả lời, dù các câu hỏi đã được lược bớt.

1) Giáo hội nên nhìn nhận thế nào về việc loan báo Tin Mừng trong một thế giới tràn ngập truyền thông như hiện nay?

Làm thế nào để thực hiện điều này, theo tôi, là một câu hỏi phức tạp và câu trả lời lại càng phức tạp hơn. Chính Thượng Hội đồng cũng đã cố gắng đi vào vấn đề này. Tôi nghĩ hầu hết những người trong Giáo hội ngày nay đều ý thức được sự cần thiết của các phương tiện truyền thông, tức là, Giáo hội cần có những phương tiện ấy để chuyển tải sứ điệp đến với mọi người. Vì thế, chúng ta không thể phủ nhận hay loại bỏ hoàn toàn vai trò của phương tiện truyền thông hiện đại, bởi lẽ đó là những công cụ rất hữu ích để loan báo Tin Mừng. Tuy nhiên, một điều đã được lặp đi lặp lại nhiều lần trong Thượng Hội đồng đó là: mọi công cuộc Tân Phúc Âm hóa đều phải khởi đi từ một cuộc gặp gỡ cá vị với Chúa Giêsu Kitô.

Theo một cách nào đó, người ta cần được dẫn vào hay được mời gọi bước vào một trải nghiệm mà ở đó họ có thể khám phá lại thế nào là tin, thế nào là có một mối tương quan với Chúa Giêsu Kitô, và thế nào là nhận ra rằng Thiên Chúa thật sự hiện diện và hoạt động trong đời sống của ta. Thánh Augustinô đã nói rằng: “Thiên Chúa còn ở gần ta hơn chính bản thân ta.” Nhưng thực tế trong xã hội ngày nay là: nhiều người đã trở nên xa cách với Thiên Chúa, Đấng đang ngự trong lòng họ. Vì vậy, làm sao để giúp mọi người tái khám phá sự hiện diện của Thiên Chúa, tái khám phá ý nghĩa của mối tương quan với Chúa Giêsu Kitô, là một thách đố lớn. Nhưng theo tôi, đó chính là điểm khởi đầu.

2) Làm sao để Giáo hội thu hút mọi người và đưa họ vào một trải nghiệm đức tin?

Chắc chắn, sau kinh nghiệm của 50 năm qua, Giáo hội đã nhận ra rằng chúng ta không nên tìm cách tạo ra những hình thức phô trương, những “sân khấu tôn giáo” – chỉ nhằm làm cho người ta cảm thấy hứng thú nhất thời với những điều rốt cuộc lại hời hợt, nông cạn, và không thực sự có ý nghĩa sâu xa trong đời sống của họ. Một bạn trẻ đã phát biểu tại Thượng Hội đồng — một giáo lý viên 23 tuổi đến từ Rôma — đã nói rõ điều này, và cả về sự cần thiết trong việc đào tạo linh mục, điều mà chính tôi cũng đã đề cập trong bài tham luận của mình.

Chắc chắn, phụng vụ và đời sống đức tin phải là việc tiếp xúc với mầu nhiệm — mầu nhiệm của Thiên Chúa là Tình Yêu, là Đấng cư ngụ trong tâm hồn con người, là Đấng hiện diện giữa nhân loại và đã mạc khải chính mình qua Chúa Giêsu Kitô. Con đường khám phá ra Thiên Chúa không đến qua những màn trình diễn. Và tôi nghĩ rằng, nhiều lần con người ngày nay đã bị đánh lừa — họ đi tìm Thiên Chúa bằng những cách thức mà cuối cùng, lại khiến họ lạc hướng, không thực sự giúp họ bước vào mầu nhiệm đức tin, không chạm đến sự thật về Thiên Chúa là ai, và không dẫn đến trải nghiệm sống đức tin đích thực.

3) Giáo hội sơ khai có thể dạy chúng ta điều gì về việc loan báo Tin Mừng?

Tôi đặc biệt nhắc đến thời các Giáo phụ vì xuất phát từ quan điểm Augustinô, và tôi nghĩ cũng vì một sự tái khám phá mà Giáo hội đã thực hiện kể từ thời Công đồng về giá trị của việc học hỏi các Giáo phụ. Các văn kiện của Tòa Thánh, các văn kiện của Công đồng Vatican II, cho đến thời Đức Giáo hoàng Bênêđictô — ngày nay chúng ta vẫn thấy có những trích dẫn thường xuyên từ Thánh Augustinô và nhiều Giáo phụ khác.

Và chúng tôi tin — chúng tôi xác tín — rằng các Giáo phụ có rất nhiều điều có thể đóng góp, bởi vì có nhiều hoàn cảnh tương đồng hoặc song song giữa thời Giáo hội sơ khai và thời đại ngày nay. Chẳng hạn như xu hướng tìm kiếm nơi thế giới tục hóa — điều mà ngày nay chúng ta gọi là thế giới tục hóa — tất cả các câu trả lời, và rồi khám phá ra rằng những câu trả lời ấy không thực sự nằm ở đó, rằng con người đang tìm kiếm một điều gì đó sâu xa hơn. Và việc con người tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống — rốt cuộc là tìm kiếm những lời giải thích, những câu trả lời, sự hiểu biết về sống và chết, về căn tính của con người và ý nghĩa cuộc sống — thì các Giáo phụ thực sự có rất nhiều điều để nói với chúng ta.

Vì thế, từ cái nhìn của tôi, việc quy chiếu về các Giáo phụ chủ yếu phát xuất từ một xác tín rằng các ngài có nhiều điều quý giá để trao tặng chúng ta. Từ đó, ta có thể triển khai thêm nữa. Tôi nghĩ rằng ngoài việc nhắc đến Thánh Augustinô và cuộc gặp gỡ giữa hoàng đế và tên cướp biển, chúng ta còn có thể suy tư về những huyền thoại mà xã hội có thể tạo ra — những kiểu não trạng có thể khiến người ta nghĩ rằng đó là điều họ đang tìm kiếm, trong khi thực ra điều đó rất hời hợt, thậm chí là một lời dối trá — những điều giả trá làm cho con người tưởng rằng đó là con đường đúng đắn.

Nhưng khi người ta khám phá ra sự thật, hay được trợ giúp để hiểu đâu là chân lý và đâu là điều có ý nghĩa đích thực trong cuộc sống, thì nhiều điều thực sự có thể thay đổi. Do đó, tôi cho rằng việc học hỏi kinh nghiệm của các Giáo phụ, như một phần quan trọng trong thần học — trong đức tin Kitô giáo của chúng ta — có rất nhiều điều để trao tặng cho thế giới hôm nay.

4) Người Công giáo có nên loại bỏ hoặc hạn chế nghiêm ngặt việc sử dụng các phương tiện truyền thông kỹ thuật số trong đời sống của mình không?

Tôi nghĩ cần phải suy nghĩ kỹ hơn về điều này. Tôi không cho rằng việc quay lưng lại với truyền thông là câu trả lời. Và tôi cũng không chắc điều đó có thể thực hiện đến mức độ nào.

Mới đây, tôi có đọc về một cộng tác viên của một mạng tin tức lớn ở Hoa Kỳ, chính cô ấy lại không sở hữu một chiếc tivi nào — điều này thật thú vị, vì cô đang làm việc trong lĩnh vực truyền thông. Nhưng dường như cô hiểu rằng chắc chắn chúng ta không thể đơn giản tiếp nhận mọi thứ mà truyền thông đại chúng ngày nay cung cấp. Và tôi nghĩ, cá nhân tôi, rằng câu trả lời — thay vì quay lưng lại — nằm ở việc đào luyện.

Làm sao chúng ta dạy mọi người biết cách suy nghĩ phản biện? Làm sao chúng ta giúp người ta hiểu rằng không phải mọi điều họ nghe hay đọc đều nên tin một cách dễ dãi? Và làm sao chúng ta có thể giúp họ có được nền tảng cần thiết để đọc hay nghe điều gì đó và biết phân định, để nhận ra rằng đằng sau thông điệp đang được truyền tải có thể là một thông điệp khác, tinh vi hơn nhiều, và có thể mang hậu quả nghiêm trọng cho tương lai xã hội? Có thể nói, cần hiểu rằng thông điệp đó không thể tách rời khỏi một bức tranh lớn hơn rất nhiều.

Tôi bắt đầu suy tư về chủ đề này sau khi đã sống bên ngoài Hoa Kỳ nhiều năm. Khi trở về thăm Hoa Kỳ, thỉnh thoảng tôi bật một chương trình truyền hình xem thử — khi đến thăm bạn bè hoặc người thân — tôi nhận thấy sự thay đổi trong nội dung của các chương trình hài kịch, các chương trình truyền hình thông thường, thậm chí là tin tức. Những thông điệp được trình bày, hay góc nhìn mà các chương trình thể hiện — theo nhiều chiều hướng khác nhau — thường rất thiên lệch. Ngay cả những hình thức tranh luận công kích công khai cũng xuất hiện thường xuyên trên truyền hình ở Hoa Kỳ.

Nhìn rộng ra, tôi nghĩ điều đó không chỉ xảy ra ở Hoa Kỳ mà còn xuất hiện phổ biến trong thế giới phương Tây. Tùy từng nơi, tình hình lại khác nhau. Sau khi tôi phát biểu về vấn đề này, có một người Ý đến gặp tôi và nói rằng anh không đồng tình. Chẳng hạn, khi tôi đề cập đến vấn đề phá thai, anh nói rằng ở Ý người ta không nói về điều đó. Tôi trả lời: có thể là ở Ý, nhưng chắc chắn là ở nhiều nơi khác trong thế giới phương Tây, người ta vẫn bàn đến.

Tuy nhiên, chính anh ấy cũng đưa ra một số ví dụ khác cho thấy truyền thông ở Ý đã được sử dụng để trình bày một số luận điểm, các vấn đề chính trị — và cũng giống như vậy, khi bạn kiểm soát được truyền thông, bạn ít nhất có thể phần nào kiểm soát được cách người ta suy nghĩ, bởi vì đó là thông điệp mà họ thường xuyên được nghe.

Vì thế, một lần nữa, tôi cho rằng thách đố lớn nhất của chúng ta là việc đào luyện. Thách đố là chuẩn bị cho con người hôm nay trở thành những người biết suy nghĩ phản biện và hiểu rõ điều gì đang thực sự xảy ra quanh họ.

5) Trong bài phát biểu tại Thượng Hội đồng, cha có nói đến “thuật hùng biện” và việc giảng dạy chân lý. Vậy Giáo hội có thể làm điều đó một cách tế nhị và hiệu quả như thế nào?

Tôi nghĩ, một lần nữa, nếu nhìn vào một số điểm được nêu bật trong Thượng Hội đồng, thì câu trả lời phải là đa diện.

Tất nhiên, khi tôi đề cập đến vấn đề “thuật hùng biện”, tôi nghĩ rằng việc đào tạo cho các linh mục tương lai ngày nay là điều cực kỳ quan trọng. Việc giảng lễ cần phải được thực hiện cách nghiêm túc. Điều này cũng đã được một số nghị phụ Thượng Hội đồng nhắc đến — đôi khi nửa đùa nửa thật, nhưng chắc chắn là rất nghiêm túc — mỗi khi nhắc đến bài giảng Chúa nhật. Có người nói rằng, có lẽ chính chúng ta cũng cần xét mình: chúng ta đang giảng thế nào? Và chúng ta đang nói gì?

Không chỉ là nội dung của sứ điệp, mà là cách chúng ta truyền đạt: ngày nay, chúng ta có thể chạm đến tâm hồn con người và thuyết phục họ về Tin Mừng không? Đây là một câu hỏi rất quan trọng.

Người ta đã ghi nhận rằng, phần lớn tín hữu ngày nay chỉ tiếp nhận phần gọi là giáo lý thường huấn hay giáo dục đức tin liên tục qua 8 đến 10 phút — hoặc 15 phút — của bài giảng Chúa nhật. Và đó là tất cả cho cả tuần. Điều này đặt ra một thách đố lớn đối với chúng ta — những người được mời gọi đứng trên tòa giảng để loan báo Tin Mừng.

Rõ ràng, có một thách đố — và điều này cũng đã được đề cập — đó là nhu cầu tổ chức các chương trình giáo lý cho người lớn, thường huấn đức tin, chuẩn bị lãnh nhận các bí tích và tiếp tục đồng hành sau các bí tích trong mọi giai đoạn của đời sống. Nhưng ở đây nữa, tôi nghĩ Giáo hội tại mỗi quốc gia, trong mỗi nền văn hóa, cần phải tự hỏi một cách nghiêm túc: Làm thế nào để chúng ta mời gọi người ta quay lại và lắng nghe? Hoặc: Làm sao chúng ta có thể đến với họ, để họ có thể lắng nghe những gì chúng ta muốn truyền đạt về giáo huấn Tin Mừng — giáo huấn của Chúa Giêsu Kitô?

Và đây thực sự là một thách đố lớn, bởi vì những người vẫn còn đến nhà thờ — và còn rất nhiều người — thì cũng chỉ nhận được bài giảng tám phút đó mà thôi. Hy vọng rằng họ cũng đang được dẫn vào mầu nhiệm mà chúng ta đã nói đến trước đó, và đang lớn lên — ít là trong ước muốn tìm hiểu thêm về đức tin của mình. Đây là một lĩnh vực mục vụ rất cần thiết.

Nhưng chúng ta cũng phải tự hỏi: Còn những người đang rời bỏ Giáo hội — một cách chủ động — hoặc đang dần xa rời một cách âm thầm? Làm thế nào để chúng ta quay lại với họ? Làm sao để đến được với họ? Mời gọi họ trở về?

Đã có nhiều thảo luận về điều này. Tôi nghĩ trong Thượng Hội đồng cũng đã có một số cuộc trao đổi tốt về chủ đề này, nhưng tôi tin chắc vẫn còn rất nhiều việc phải làm khi từng Hội đồng Giám mục quốc gia — và toàn thể Giáo hội hoàn vũ — tiếp tục suy tư về những thách đố của Tân Phúc Âm hóa.

Chúng ta cũng cần phải đến với những người đó. Và một lần nữa, câu trả lời vẫn là đào luyện. Nhưng làm thế nào để chúng ta truyền đạt sứ điệp ấy? Làm thế nào để trao ban giáo huấn Tin Mừng cho biết bao người không hiện diện trong nhà thờ vào sáng Chúa nhật để nghe bài giảng hôm ấy?

6) Truyền thông xã hội có thể giúp Giáo hội loan báo Tin Mừng không?

Thật ra, nhiều người trong Giáo hội đã nhìn nhận giá trị của truyền thông xã hội — dĩ nhiên, nếu được sử dụng đúng cách — và thấy được sự cần thiết để Giáo hội hiện diện trên đó, ít là ở một mức độ nào đó. 

Có một số giám mục tại Hoa Kỳ, chẳng hạn, có trang Facebook riêng hoặc có mặt trên Twitter. Đó là hai nền tảng mà tôi có quen biết chút ít. Cá nhân tôi thỉnh thoảng cũng đăng vài điều lên Facebook, và tôi thật sự ngạc nhiên trước những phản hồi rất nhanh chóng mà tôi nhận được — trong trường hợp của tôi thì là từ khắp nơi trên thế giới, vì có nhiều tu sĩ Augustinô và giáo dân gắn bó với Dòng Thánh Augustinô đang theo dõi trang Facebook của tôi. Vì vậy, tôi sẽ đăng lên đó một tin tức nhỏ, một lời mời gọi, đôi khi là một suy tư ngắn — và đó chính là một cách để tiếp cận người khác.

Vì thế, một lần nữa, tôi nghĩ Giáo hội cần phải có sự thành thạo và tinh tế, nếu có thể nói như vậy, trong việc sử dụng các mạng xã hội hiện có. Đây chỉ là một phương tiện nữa để vươn đến với con người. Và có thể, chỉ một lời ngắn gọn, một suy tư nhỏ, một lời mời gọi nào đó, sẽ là chiếc “chìa khóa” — chiếc chìa khóa mở ra cơ hội để chúng ta chạm đến một ai đó, giúp họ suy nghĩ lại về đức tin của mình, thậm chí là khơi dậy nơi họ ước muốn trở về và tìm hiểu thêm.

7) Cha nghĩ gì về các thuật toán trên mạng xã hội vốn ưu tiên hiển thị một số nội dung nhất định?

Vâng, chúng có thể như vậy. Thuật toán rất mạnh mẽ, có tầm ảnh hưởng rộng, và có thể rất hiệu quả. Nhưng đồng thời, nó cũng có thể gây hại, theo nghĩa rằng — một lần nữa — nếu ai đó không có khả năng phân định hay suy nghĩ phê phán để nhận định nội dung, thì họ rất dễ bị dẫn dắt sai lạc.

8) Vai trò của các dòng tu trong công cuộc loan báo Tin Mừng ngày nay là gì?

Chắc chắn, tầm quan trọng của đời sống thánh hiến trong suốt lịch sử Giáo hội cần được trân trọng và không thể bị đánh giá thấp.

Điều này được thể hiện rất rõ qua công việc của Thượng Hội đồng: rất nhiều nghị phụ — tức là các giám mục, những người tham dự Thượng Hội đồng — công nhận đóng góp to lớn của đời sống tu trì trong lịch sử Giáo hội, đặc biệt là nếu ta nhìn lại thời kỳ loan báo Tin Mừng đầu tiên. Toàn bộ ý tưởng về sứ vụ ad gentes — tức là sứ vụ đến với muôn dân — thường do các tu sĩ đảm nhận, và chính họ thiết lập giáo hội địa phương tại nhiều nơi, từ đó phát triển thành các giáo hội địa phương như chúng ta biết ngày nay.

Từ sau Công đồng Vatican II, khi tất cả các dòng tu được mời gọi tái khám phá đặc sủng sáng lập — tìm lại căn cội đời sống của mình và canh tân — thì thực sự đã có rất nhiều thay đổi. Tôi nghĩ, từ tiến trình canh tân ấy, nhiều điều rất tích cực đã nảy sinh. Nhưng, như thường lệ, không phải mọi sự đều hoàn hảo. Đời sống tu trì cũng đối diện với những thách đố lớn.

Một số tu sĩ chúng tôi, những người tham dự Thượng Hội đồng, muốn đề cập chính câu hỏi về cách Giáo hội đang chất vấn chúng tôi hôm nay, và chúng tôi cũng cần phải lắng nghe và đáp lại bằng việc canh tân đời sống, để phục vụ các nhu cầu của Giáo hội — cũng chính là lý do mà mỗi dòng tu được sáng lập, theo một cách thế riêng biệt, vào một thời điểm cụ thể trong lịch sử.

Chắc chắn, chúng ta sẽ học hỏi được nhiều điều nếu ta quay lại nghiên cứu lịch sử đời sống tu trì. Khi nói đến tân phúc âm hóa, đời sống thánh hiến cũng đã được công nhận, qua các đặc sủng mà mỗi dòng nhận được — những hồng ân dành cho các hội dòng và tu hội — và giờ đây, làm thế nào để chúng ta đặt các đặc sủng ấy phục vụ tốt hơn cho Giáo hội.

Sứ vụ truyền giáo là một trong những khía cạnh lớn. Nhưng đóng góp của các dòng tu cho giáo dục, chẳng hạn, cũng đã được ghi nhận. Nhiều trường học, đại học phục vụ cho Dân Chúa và cả những người ngoài Kitô giáo trên khắp thế giới chính là nhờ sự hiện diện và nỗ lực của các dòng tu. Đó là công việc mà chúng ta đang thực hiện.

Sự hiện diện của đời sống tu trì tại Thượng Hội đồng lần này cũng có ý nghĩa theo đúng quy định của Thượng Hội đồng. Tôi nghĩ đó là một đặc ân, nhưng đồng thời là sự công nhận của Giáo hội, rằng thực sự có một tiếng nói từ đời sống tu trì mà Giáo hội muốn lắng nghe. Chúng tôi, mười Bề trên Tổng quyền đại diện cho Liên hiệp các Bề trên Tổng quyền, và cho tất cả các hội dòng khác, được hiện diện và đóng góp.

Ngoài ra còn có một số nữ tu cũng được mời tham dự và có thể phát biểu như những người lắng nghe chính thức tại Thượng Hội đồng. Tôi nghĩ kinh nghiệm này đã đem lại rất nhiều giá trị cho tiến trình Thượng Hội đồng.

Tôi không đếm cụ thể, nhưng một số giám mục tham dự Thượng Hội đồng cũng thuộc các dòng tu. Dòng Phanxicô có số lượng đáng kể, nhưng cũng có các tu sĩ Dòng Don Bosco, Dòng Augustinô, và nhiều hội dòng khác. Như vậy, đời sống tu trì và các đặc sủng, bên cạnh ơn gọi phẩm trật, đều là một phần trong toàn bộ tiến trình suy tư của Thượng Hội đồng.

9) Mối tương quan giữa các dòng tu và phẩm trật trong Giáo hội là gì?

Tùy vào từng giai đoạn lịch sử, tôi nghĩ đã có những thời kỳ sự hòa hợp rất lớn, và cũng có những lúc có phần căng thẳng. Tôi không nói điều đó theo nghĩa tiêu cực — tôi cho rằng sự căng thẳng là điều tích cực — bởi vì điều đó liên quan đến các hồng ân mà đời sống tu trì mang lại, và các hồng ân của Giáo hội địa phương, cũng như cách hai thực thể này cộng tác với nhau. Lịch sử của mối tương quan này thật sự rất thú vị.

10) Hiện nay có sự hòa hợp ngày càng gia tăng giữa các dòng tu và giám mục không?

Chắc chắn rồi, đây là Thượng Hội đồng Giám mục đầu tiên mà tôi tham dự. Tuy nhiên, khi lắng nghe một số nghị phụ đã tham dự nhiều Thượng Hội đồng trước đó, họ chỉ ra rằng đây là trải nghiệm hài hòa nhất — một trải nghiệm tốt đẹp nhất về việc đời sống tu trì được nhìn nhận như một phần trong đời sống của Giáo hội — mà họ từng có trong suốt khoảng 20 năm qua.

Tôi hoàn toàn xem đó là một dấu hiệu tích cực. Tôi nghĩ có thể nói nhiều điều về lý do tại sao trong 50 năm qua, đôi khi đời sống tu trì không được nhìn nhận một cách xứng đáng như nhiều người trong chúng tôi cho là cần thiết. Đã từng có những vấn đề.

Tuy nhiên, tôi nghĩ không nên khái quát hóa hay đưa ra những tuyên bố mang tính tuyệt đối về đời sống tu trì, kiểu như tất cả đều tốt hay tất cả đều xấu — điều đó không mang lại ích lợi. Đã có những cá nhân, hoặc đôi khi là những nhóm nhỏ trong một số dòng tu hoặc khu vực nhất định, nơi những căng thẳng hay xung đột xảy ra là điều đáng quan ngại.

Đồng thời, đây cũng là giai đoạn mà những hồng ân mới được ban cho Giáo hội. Tôi nghĩ chúng ta cần nhìn nhận nhiều ân phúc đã đến với Giáo hội qua các phong trào giáo dân mới. Và khi các phong trào này phát triển và thể hiện những đặc sủng của mình, một số người đôi lúc cảm thấy rằng họ đang gánh vác những trách nhiệm hay vai trò lãnh đạo mà truyền thống vốn thuộc về đời sống tu trì.

Tuy nhiên, tôi nghĩ ngày nay chúng ta đang dần đi đến chỗ nhìn nhận nhu cầu và thách đố của việc hòa hợp, theo một cách lành mạnh và thực tế hơn, những hồng ân khác nhau được Chúa ban cho Giáo hội: đời sống tu trì, các phong trào giáo dân, và dĩ nhiên, những hồng ân phẩm trật, đặc biệt là trong việc điều phối sứ mạng của Giáo hội qua sự lãnh đạo của các giám mục.

Đã có nhiều thay đổi trong lãnh vực này, và tôi thấy sự chuyển biến đang diễn ra là điều rất tích cực. Một vài phát biểu trong Thượng Hội đồng đã đề cập trực tiếp đến điều này, và tôi nghĩ đó là một bước tiến đáng mừng — thay vì lờ đi hay giả vờ rằng chưa từng có căng thẳng, hoặc phớt lờ một chiều kích nào đó.

Ngay cả trong các đề nghị cuối cùng của Thượng Hội đồng, chúng tôi cũng thấy được sự hiểu biết hài hòa hơn về bản chất phong phú của Giáo hội — với những chiều kích khác nhau của sự tham dự: giáo dân, các phong trào giáo dân, đời sống tu trì hay đời sống thánh hiến, các tu hội đời, đời sống chiêm niệm (được nhấn mạnh nhiều lần trong Thượng Hội đồng), và dĩ nhiên là những hồng ân phẩm trật, đặc biệt là qua vai trò lãnh đạo của các giám mục. Tất cả những chiều kích này cần được quy tụ và cộng tác với nhau, để phục vụ lợi ích của Giáo hội và thực thi sứ mạng mà Chúa đã trao phó cho Giáo hội.

11) Tại sao Giáo hội cần cả đời sống thánh hiến truyền thống lẫn các phong trào mới trong Giáo hội?

Tôi muốn nói một cách tổng quát rằng: đời sống thánh hiến — nếu tôi có thể dùng cách diễn đạt này — không chủ yếu xoay quanh công việc mà các tu sĩ thực hiện, mà là việc hoàn toàn hiến dâng cuộc đời mình cho Thiên Chúa. Điều này, theo tôi, khác biệt với các phong trào, dù rằng trong một số phong trào cũng có những người sống đời thánh hiến theo một cách nào đó, và vì thế cũng có những vùng giao thoa, những “vùng xám” ở giữa.

Nhưng nói chung, ngay trong các phong trào, khi có người bắt đầu tuyên khấn công khai trong Giáo hội, thì thực ra họ đã bước vào lãnh vực của đời sống thánh hiến. Dù trên bình diện pháp lý, mọi sự chưa hẳn đã được phân loại rõ ràng thành “nhóm A” và “nhóm B”, tôi nghĩ cũng dễ dàng nhận thấy rằng hồng ân đặc biệt mà đời sống thánh hiến mang lại cho Giáo hội chính là căn tính của chúng tôi như là những người tuyên khấn theo ba lời khuyên Phúc Âm — khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục — như dấu chỉ của Nước Trời, như dấu chỉ của thế giới mai sau.

Tôi cho rằng điều này thực sự khác biệt một cách rõ rệt so với những gì chúng ta thấy nơi nhiều phong trào, nơi những người, chủ yếu là giáo dân, hoạt động trong nhiều lãnh vực của đời sống Giáo hội, và chắc chắn họ cũng hiến dâng những ân huệ của mình để phục vụ Giáo hội. Tuy nhiên, điều này thường được nhìn nhận như là việc loan báo Tin Mừng, sống Tin Mừng qua hành động cụ thể — mà dĩ nhiên, các tu sĩ và linh mục cũng đều làm. Như vậy, tất cả chúng ta cùng chia sẻ sứ mạng loan báo Tin Mừng. Tuy nhiên, chiều kích đặc thù của đời sống tuyên khấn và việc hoàn toàn hiến dâng bản thân cho Thiên Chúa, trong những trải nghiệm cộng đoàn khác nhau, vẫn là một đóng góp rất cần thiết mà đời sống tu trì mang lại cho Giáo hội và cho thế giới hôm nay.

Chúng ta cũng thấy — dù ở đây cũng có nhiều “vùng xám” — nhưng thường khi nói đến việc ra đi đến những vùng ngoại vi, đến những nơi khó khăn mà Giáo hội cần hiện diện để sống và loan báo Tin Mừng, thì chính những người sống đời thánh hiến — nam cũng như nữ — là những người tiên phong, đi vào khu vực Darfur, Nam Sudan, hoặc những nơi rất bất ổn mà thậm chí bạn không thể yêu cầu một gia đình đến sống ở đó vì rủi ro quá cao.

Rất thường xuyên, đời sống thánh hiến là hiện diện nơi những vùng ngoại vi, đến với những người trong hoàn cảnh khắc nghiệt, để Tin Mừng có thể được vang lên ngay cả trong những thực tại khó khăn nhất.

Một lần nữa, chúng ta không thể đưa ra những khẳng định tuyệt đối, nhưng tôi thấy rõ rằng: mỗi hình thức đời sống Giáo hội khác nhau đều có một sứ mạng đặc biệt để phục vụ thế giới ngày nay.

12) Theo cha, những thách đố nào đang đặt ra cho Giáo hội và công cuộc Tân Phúc Âm hoá?

Chính Thượng Hội đồng lần này, diễn ra nhân dịp kỷ niệm 50 năm Công đồng Vatican II, cùng với quyết định của Đức Thánh Cha Bênêđictô mở Năm Đức Tin — tôi nghĩ đây là những sự kiện trùng hợp quan trọng, hoặc đúng hơn, là những lựa chọn mang tính chủ ý rất cần được nhấn mạnh.

Tôi cho rằng, cam kết có chủ ý — hay đúng hơn là việc tái cam kết của tất cả các nghị phụ trong Thượng Hội đồng đối với việc tiếp tục thực thi Công đồng Vatican II, thăng tiến đời sống của Giáo hội trong thế giới hôm nay, và duy trì đối thoại đại kết, chính là những điểm vừa là thách đố, vừa là những dấn thân đầy ý nghĩa, vốn đã diễn ra trong Thượng Hội đồng.

Chúng ta đã nói đến sự hiện diện của đời sống thánh hiến như một phần của tiến trình ấy. Tôi nghĩ rằng trong sứ điệp kết thúc Thượng Hội đồng gửi đến toàn thể Dân Thiên Chúa, nội dung được trình bày rất vui tươi, nâng đỡ tinh thần, nhưng cũng rất thực tế, khi nhìn nhận rằng Giáo hội đang đối mặt với nhiều thách đố, nhất là trong một xã hội mà — ít là ở một số nơi — người ta ngày càng trở nên điếc lác trước sứ điệp Tin Mừng và sự hiện diện của Thiên Chúa.

Một số thách đố như thế thực sự cần được Giáo hội can đảm đón nhận. Tuy nhiên, tôi cũng thấy rằng tinh thần lạc quan và đầy hy vọng vốn là đặc điểm xuyên suốt của Thượng Hội đồng cần được truyền đạt một cách hiệu quả đến Dân Chúa — những người đang cùng đồng hành với chúng ta trong đời sống Giáo hội.

Tất cả chúng ta đều cần nghiêm túc nhìn nhận sứ mạng chung, vốn bắt nguồn từ bí tích Rửa tội, rằng: mọi tín hữu đều có trách nhiệm chia sẻ Tin Mừng, loan báo Tin Mừng cho thế giới quanh mình.

13) Mối tương quan giữa kinh nghiệm cá nhân và đức tin là gì?

Về phương diện kinh nghiệm, tôi sẽ quay lại với Thánh Augustinô, người mà chúng tôi, các tu sĩ Augustinô, chắc chắn rất kính trọng và hiểu rõ. Nhưng tôi muốn nói rằng, Augustinô là một trong những Giáo phụ đã nói rất rõ về kinh nghiệm. Và một trong những lý do mà Tự thuật vẫn là một trong những cuốn sách được đọc rộng rãi nhất trong lịch sử thế giới chính là nhờ vào cái nhìn sâu sắc của Thánh Augustinô về kinh nghiệm con người.

Ngài đã làm một công việc tuyệt vời trong việc truyền đạt cả kinh nghiệm cá nhân và những gì ngài đã sống — và làm thế nào mà kinh nghiệm ấy có thể trở thành một cửa sổ, nếu bạn muốn, một cánh cửa để khám phá kinh nghiệm cá nhân về Thiên Chúa trong đời sống con người. Ngài nói rằng, kinh nghiệm con người chính là nơi bạn có thể tìm thấy Thiên Chúa. Và nhân tính của Augustinô không phải là điều dẫn đến một thế giới cá nhân hóa, ích kỷ kiểu “mọi thứ chỉ xoay quanh tôi và chỉ có tôi”, mà hoàn toàn ngược lại. Chính nhờ sự hiểu biết của Augustinô về nhân loại, mà kinh nghiệm con người thực sự là cánh cửa dẫn bạn đến việc khám phá Thiên Chúa là ai — và rồi qua đó là một bước đi mà Augustinô nói đến trong nhiều lĩnh vực, về cách mà việc tiến vào Thiên Chúa cũng dẫn bạn đến sự liên đới với những người khác.

Và phần thứ hai — sống trong sự liên đới với người khác — có lẽ là một phần của kinh nghiệm đang thiếu ngày nay. Rất thường xuyên, trong xã hội cá nhân chủ nghĩa mà mọi người đang lớn lên, người ta nghĩ rằng kinh nghiệm của mình là tiêu chuẩn: “Mình có hạnh phúc hay không?” Nhưng điều đó thực sự có thể là: “Mình có cảm thấy vui sướng hay không?” Hoặc: “Mình có cảm thấy ích kỷ hay không — và nếu mình cảm thấy ổn, thì chỉ vậy là đủ.” Và tôi nghĩ rằng kinh nghiệm của Augustinô chắc chắn nói rằng, điều đó là không đủ.

Và có thể cái mà bạn gọi là hạnh phúc không phải là hạnh phúc thật sự, vì bạn sẽ mất nó thôi. Và hầu hết những điều mà người ta mô tả như “Tại sao bạn hạnh phúc hôm nay?” là những điều có thể rất nông cạn hoặc — ít nhất — quan trọng trong một thời gian ngắn, nhưng sẽ không kéo dài mãi mãi.

Augustinô cung cấp cái nhìn sâu sắc giúp con người hiểu rằng việc có một kinh nghiệm về Thiên Chúa đưa bạn đi xa hơn chính bản thân mình và bao gồm chiều kích của — những gì tôi gọi là — sự liên đới con người, hiểu về tình huynh đệ phổ quát của con người. Và đó là cách mà một kinh nghiệm hạnh phúc chân thật phải bao gồm người khác và phải quan tâm đến người khác. Và đó là những yếu tố thể hiện một phần rất quan trọng trong sứ điệp Tin Mừng.

Không chỉ là tôi và kinh nghiệm về Thiên Chúa của tôi. Bạn có thể nghe mọi người nói: “Ôi, tôi có một kinh nghiệm về Thiên Chúa, và tôi không cần phải làm gì thêm.” Vậy thì đó có lẽ không phải là một kinh nghiệm chân thật về Thiên Chúa — bởi vì như chúng ta biết từ các Tin Mừng, từ các thư Tông đồ: nếu bạn yêu Thiên Chúa, thì bạn cũng phải thể hiện điều đó bằng cách yêu thương anh chị em mình, và hai điều này luôn song hành.

Vậy nên, kinh nghiệm có thể là một công cụ tuyệt vời, nếu bạn muốn, để giúp đưa mọi người vào một kinh nghiệm về Đức Kitô trong đời sống của họ, về Thiên Chúa trong đời sống của họ.

Augustinô trong Tự thuật nói về tình bạn, về gia đình, về tầm quan trọng của mẹ ngài, nói về cha ngài, nói về tham vọng con người, nói về rất nhiều khía cạnh khác nhau của đời sống con người, rồi sau đó giải thích cách mà những điều này đã giúp — hoặc không giúp — con đường cá nhân của ngài trong việc khám phá Thiên Chúa và khám phá những gì thực sự thánh thiện trong đời sống.

Vì vậy, tôi nghĩ rằng sự mở lòng với kinh nghiệm không phải là điều gì mới mẻ, mà là điều đang được tái khám phá, và có những kho tàng lớn cần được khám phá ở đó, nếu một lần nữa mọi người hiểu rằng: chúng ta không đang nói về "cách tôi muốn làm", mà là: cách hiểu biết của tôi về cuộc đời có thể dẫn tôi đến một sự hiểu biết sâu sắc hơn về nhân loại, về đời sống con người, và vì thế, về cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa.

14) Đức tin có ảnh hưởng gì khi xét đến ý nghĩa cuộc sống và thực tại của cái chết?

Chính khi người ta ngồi xuống và bắt đầu suy ngẫm về những câu hỏi tối hậu đó, thì một sự lựa chọn mới xuất hiện. Và tôi nghĩ rằng, nếu ai đó, nếu bạn muốn, một cách lý trí và hợp lý, muốn chấp nhận một loại chủ nghĩa vô thần nào đó (nếu chúng ta có thể gọi nó như vậy), nếu thực sự có những người vô thần, đó là một cách hiểu khá bi quan và u tối về những gì cuộc sống này mang lại.

Tôi nghĩ rằng sự khôn ngoan của các Giáo phụ, sự khôn ngoan của Giáo hội qua nhiều thế kỷ, sự khôn ngoan và chiều kích phổ quát của, nếu bạn muốn, kinh nghiệm tôn giáo, chỉ ra rằng cuộc sống có nhiều điều hơn thế. Và thực tế, không phải tất cả đều tối tăm.

Khi người ta đến được với sự khám phá bí ẩn hiện tại này, đó là một điều vượt xa bất kỳ thứ gì mà thế giới tạm thời và phù du có thể mang lại cho chúng ta. Tôi nghĩ rằng trí tuệ của các thế hệ, cùng với kinh nghiệm mà chúng ta thực sự có thể sống trong hòa bình, trong cảm giác hạnh phúc chân thật, mà những ai tìm kiếm Thiên Chúa trong đời sống. Hạnh phúc mà họ tìm thấy thực sự là một món quà cho thấy chúng ta hiểu về chân lý thật sự.

____________________
Tâm Bùi (TGPSG) chuyển ngữ
Nguồn: 
Catholic News Service

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top