Dòng Tên: Khai Mạc Năm Thánh và Mừng Bổn Mạng

Dòng Tên: Khai Mạc Năm Thánh và Mừng Bổn Mạng

WGPSG -- Vào lúc 10 giờ sáng ngày lễ kính Thánh Phanxicô Xaviê, Bổn mạng các xứ Truyền giáo, cũng là Bổn mạng Tỉnh Dòng Tên Việt Nam, Thánh lễ Khai Mạc Năm Thánh được cử hành tại nguyện đường của Tỉnh Dòng. Ngày lễ hôm nay được tổ chức cho riêng các tu sĩ thuộc Dòng Tên mà thôi, nên khung cảnh rất sâu lắng và thân thương như trong một gia đình.

Trong khung cảnh đó, đoàn đồng tế tiến lên cung thánh bắt đầu Thánh Lễ với những tâm tình quyện theo tiếng hát Niềm vui dâng thiết tha khi bước vào đền thánh Chúa Trời ta… .  
 
Linh mục Chủ tế, cha Tôma Vũ Quang Trung, Bề trên Giám Tỉnh Dòng Tên Việt Nam, đã gợi ý để cộng đoàn cùng nhìn lại chính mình trong tương quan với Thiên Chúa, với anh em và với mọi người để sám hối.
 
Trong bài giảng, Cha Bề trên nói chuyện với anh em về những hồng ân Chúa đã ban cho Dòng. Ơn huệ đó một phần được cụ thể hoá nơi Thánh Phanxicô mà Dòng mừng lễ hôm nay. Ngài gợi lại một vài sự kiện liên quan đến quá trình khám phá ra ơn gọi của Thánh nhân.
 
Ơn gọi này thật huyền nhiệm, chỉ những ai thành tâm đi tìm và đặt trọn tín thác vào Thiên Chúa, như Thánh Phanxicô, mới có thể khám phá ra được.
 
Thánh nhân được gọi là “Người Mở Đường” trên những vùng truyền giáo xa xôi, tận Viễn Đông. Sức mạnh hỗ trợ cho việc loan truyền Tin Mừng nơi Thánh Phanxicô: gặp gỡ, sống thân tình với Chúa Giêsu; tình yêu nồng cháy đối với Giáo Hội; và tình thân thương với anh em trong Dòng, trong cộng đoàn. Chính ba điểm trên đã làm nên căn tính của anh em Dòng Tên: Dòng Yêu Thương.
 
Cha Chủ tế liên kết ba điểm này để nhắc nhở anh em mình cách sống Năm Thánh: Giêsu hữu là người chiêm niệm giữa công việc phục vụ của mình; sẵn sàng đi đến bất cứ nơi nào Giáo Hội mời gọi; được sai đi cùng với anh em. Vì thế, để sống Năm Thánh, mỗi anh em phải là “người mở đường”, theo gương Thánh Phanxicô mà hôm nay chúng ta mừng kính, vượt qua biên cương địa lý, văn hoá, chủng tộc để đem Ánh Sáng Chúa Kitô đến cho muôn dân. 
 
Thánh lễ kết thúc với Phép lành Toàn xá. Lời mời gọi anh em hãy là “người mở đường” như còn vang vọng đâu đây, hoà với tiếng hát “Đẹp thay, ôi đẹp thay, những bước chân gieo mầm cưú rỗi… Loan niềm vui cứu đời cho mọi người và mọi nơi.
           Nghe Audio:
                   - Nhập lễ và nghi thức sám hối
                   - Tin Mừng và Giảng lễ

ĐÔI NÉT VỀ TỈNH DÒNG TÊN VIỆT NAM

I. Dòng Tên với công cuộc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam (1615-1773)

1. Tại Đàng Trong
 
Ngày 18 tháng 01 năm 1615, ba Giêsu hữu (đây là cách gọi các tu sĩ Dòng Tên) đặt chân đến Cửa Hàn (Đà Nẵng, Đàng Trong) chính thức mở ra công cuộc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam. Cha Buzomi, một trong ba Giêsu hữu, chiếm được cảm tình của quan trấn thủ, người được Chúa Nguyễn sủng ái nên việc Loan báo Tin Mừng mang lại kết quả tố đẹp. Do đó, chỉ sau 1 năm, đã có hơn 300 tân tòng người Việt. 

Các Cha thiết lập ba cư sở đầu tiên. Đó là Hội An năm 1615, Nước Mặn (ngày nay thuộc tỉnh Bình Định) năm 1618 và Thanh Chiêm (cách Hội An chừng 7km) năm 1623.

Cha Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) đến Đàng Trong từ cuối tháng 12 năm 1624 đến tháng 07 năm 1626 thì bị trục xuất về Áo Môn (Macau).
 
2. Tại Đàng Ngoài

Ngày lễ Thánh Giuse năm 1627, Cha Alexandre de Rhodes cùng với Cha Pedro Marquez đến Cửa Bạng (Thanh Hóa) gầy dựng Hội Thánh Đàng Ngoài. Ngày lễ Tìm Được Thánh Giá 03 tháng 05 năm 1627, ngôi nhà thờ đầu tiên ở Đàng Ngoài được khánh thành tại An Vực (Thanh Hóa ngày nay).

Tháng 05 năm 1630, Cha Đắc Lộ và ba Giêsu hữu nữa bị Chúa Trịnh Tráng buộc phải rời bỏ Đàng Ngoài sau hơn 3 năm tận lực truyền giáo. Để nâng đỡ giáo đoàn, các ngài thành lập Tu hội Thầy giảng ở Kẻ Chợ ngày 27 tháng 04 năm 1630. Còn ở Đàng Trong, Tu hội ra đời ngày 31 tháng 07 năm 1643 tại Hội An.

Năm 1644, Thầy Giảng Anrê Phú Yên bị quan trấn Quảng Nam xử tử. Cha Đắc Lộ cũng bị kết án tử hình nhưng rồi được chuyển thành án trục xuất.

Trong thời gian 1615-1773, trên 155 tu sĩ của Dòng thuộc 20 quốc tịch đã đến loan Tin Mừng trên Đất Việt, cùng với 33 Giêsu hữu người Việt. Trong số đó, có 12 Giêsu hữu đã làm việc trong Thái Y Viện và Khâm Thiên Giám của các Chúa Nguyễn.

   Ngày 21.07.1773, trước sức ép nặng nề của các chính quyền ác cảm với Dòng Tên, ĐGH Clementê XIV ra đoản sắc Dominus ac Redemptor giải thể Dòng trên toàn thế giới, làm cho 23.000 tu sĩ Dòng Tên tan tác.

Từ đó các Giêsu hữu ở Việt Nam cũng theo số phận chung với anh em mình trong toàn Giáo Hội. Khi ĐGH Piô VII ra trọng sắc Sollicitudo omnium Ecclesiarum tái lập Dòng Tên từ ngày 07 tháng 08 năm 1814, các cựu Giêsu hữu ở Việt Nam đã trở thành người thiên cổ, nên chẳng còn ai để làm sống lại Dòng Tên tại đây.
 
 II. Dòng Tên Việt Nam từ 1957-1975

Năm 1955, Đức Cha Ngô Đình Thục đến Rôma gặp cha Bề Trên Tổng Quyền Dòng Tên Gioan Baotixita Janssens bàn việc mời Giêsu hữu lập một đại học Công Giáo tại Việt Nam.

Năm 1956, cha André Gomane, S.J., được sai ghé vào Việt Nam để thăm dò khả năng gởi Giêsu hữu qua phục vụ Giáo Hội Việt Nam. Được các vị hữu trách trong Giáo Hội và cả phía chính quyền gợi ý về công việc giáo dục, cha Gomane trở về Rôma báo cáo với Bề Trên Tổng Quyền. Tháng 12 năm 1956, cha Kinh Lược Oñate gặp BTTQ, Ngài yêu cầu khối thừa sai Trung Quốc nhận việc lập cơ sở mới phục vụ Giáo Hội tại Việt Nam.

Tháng 4 năm 1957, cha Oñate và cha Georges Germain tới Sài Gòn để thực hiện chương trình. Các ngài lập cộng đoàn đầu tiên mang tên Thánh I Nhã, để đón các Giêsu hữu tới giảng dạy ở đại học.

Ngày lễ Giáng sinh 25.12.1957, cha Bề Trên Cả J.B. Janssens ký sắc lệnh thành lập Tỉnh Dòng Viễn Đông gồm các nhà tại Trung Hoa, Đài Loan và Philippin, Thái Lan và Việt Nam. Tại Việt Nam lúc này mới chỉ có nhà thánh Inhã, tức Trung Tâm Đắc Lộ sau này.
 
Theo như gợi ý ban đầu của Đức Khâm Sứ về việc các Cha Dòng Tên đảm nhận việc huấn luyện chủng sinh, năm 1958, cha Ferdinand Lacretelle lên Đà Lạt lập Giáo Hoàng Chủng Viện. Chủng viện này sẽ được xây dựng cách quy mô vào năm 1961 và đổi tên là Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X. Ban Giáo sư của GHHV gồm 8-10 quốc tịch khác nhau, hầu hết là tu sĩ Dòng Tên. 

Năm 1959 trong khuôn viên của cộng đoàn thánh Inhã, các cha đã mở Trung Tâm Đắc Lộ. Tính đến năm 1975, trung tâm này đã phát triển thành một quần thể bao gồm một cư xá cho trên 60 sinh viên, một thư viện lớn với nhiều phòng học yên tĩnh cho hơn 1000 sinh viên tới học hỏi và nghiên cứu, một trung tâm truyền hình. Thêm vào đó còn có tạp chí Phương Đông và phong trào Hưng Giáo Văn Đông, Gia Đình Nhập Thể, với chủ trương về nguồn dân tộc và sống đạo sâu xa với hết con người Việt, đưa Chúa nhập thể vào những tinh hoa văn hóa đông phương theo tinh thần hội nhập văn hóa của Cha Đắc Lộ.

Năm 1960 cha F. Lacretelle lập Nhà Tập Dòng Tên tại Thủ Đức dâng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Cha cũng là Giáo Tập đầu tiên của Nhà Tập Dòng Tên Việt Nam.

Năm 1962, cha Jacques de Leffe, lúc ấy là Bề Trên cộng đoàn Thánh Inhã, lập trung tâm sinh viên Xaviê tại Huế với mục đích tương tự như Trung Tâm Đắc Lộ và mở trường trung học Tín Đức kể từ niên khóa 1964-1965.

Ngày 8 tháng 9 năm 1966, các nhà tại Thái Lan và Việt Nam được gom thành Miền Thái-Việt, thuộc Tỉnh Dòng Viễn Đông. Cha Jacques de Leffe làm Trưởng Miền tiên khởi.

Đến năm 1970, Trung Ương Dòng tổ chức lại Tỉnh Dòng Viễn Đông và đổi tên là Tỉnh Dòng Trung Hoa. Việt Nam trở thành một Miền trực thuộc tỉnh dòng Trung Hoa. Năm 1972 cha Sesto Quercetti làm Trưởng Miền Việt Nam cho đến tháng 04.1975.

Vào đầu thập niên 70, Dòng thiết lập Cơ sở Truyền hình Đắc Lộ (cạnh Trung Tâm Sinh Viên Đắc Lộ) nhắm đến việc giáo dục đại chúng với nhiều chương trình giáo dục thiếu nhi, giáo dục lối sống gia đình.

Đầu năm 1975, khi tình hình Miền Nam Việt Nam trên đà tiến tới việc thay đổi chế độ chính trị, cha Nguyễn Công Đoan được chỉ định vào nhiệm vụ Trưởng Miền ngày 29 tháng 04 năm 1975.

Ngày 28 tháng 8 năm 1975, tất cả các Giêsu hữu cũng như tu sĩ ngoại quốc của các Dòng khác có mặt tại Đà Lạt được yêu cầu rời khỏi Việt Nam trong vòng 48 giờ. 41 Giêsu Hữu người nước ngoài rời khỏi Việt Nam theo yêu cầu của chính quyền mới.
 
Tính cho đến lúc cha Joseph Audic, Giêsu hữu ngoại quốc cuối cùng rời Việt Nam năm 1977, Miền Việt Nam đã được 92 anh em nước ngoài đến phục vụ. Trong số các tiền nhân ấy có các cha Giáo Sư tại Giáo Hoàng Học Viện, các Cha làm công tác huấn luyện và tông đồ, các anh em Học Viên và các Tu Huynh đã âm thầm xây dựng Dòng.
 
III. Dòng Tên Việt Nam từ 1975 đến nay

Ngày 30.4.1975, kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước. Số Giêsu Hữu Việt Nam còn lại vào cuối năm 1975 là 26 tu sĩ: 11 linh mục, 10 Học viên, 1 tu huynh, 4 tập sinh và khoảng 15 ứng sinh.
 
Với việc các cha Dòng Tên ngoại quốc phải ra đi, vào tháng 09, Giáo Hoàng Học Viện được trao lại cho Đức Cha Nguyễn Sơn Lâm, Giám mục Đà Lạt quản lý thay mặt Hội Đồng Giám Mục.
 
Với tình hình nhân sự ít ỏi, không thể quản lý và sử dụng hết số cơ sở và trang thiết bị hiện có, Miền đã trao cho Nhà Nước Trung Tâm truyền hình Đắc Lộ. 
 
Mùa Chay năm 1976, sau khi cầu nguyện và nhận định chung, Miền Dòng quyết định, theo truyền thống của cha anh năm xưa, tiếp tục sống hòa mình vào xã hội Việt Nam mới. Một số anh em trẻ lên đường thi hành nghĩa vụ quân sự và gia nhập TNXP. Những anh em ở nhà thì lao động sản xuất tại chỗ hoặc làm việc trong các xí nghiệp quốc doanh.
 
Biến cố xảy ra vào tháng 12 năm 1980 tại Trung Tâm Đắc Lộ đặt cho Dòng những thách đố không nhỏ, cả về nhân sự lẫn cơ sở hoạt động.

Cuối thập niên 1980, các anh em trẻ dấn thân trở về sau nhiều năm phục vụ công ích. Trở lại với Dòng, trở lại với việc học đã bị gián đoạn trước đây quả là một thách đố lớn với các anh em
 
Năm 1991, năm Thánh kỷ niệm 500 năm ngày sinh Thánh I-nhã, Tổ phụ Dòng, Miền Dòng Việt Nam trở thành Miền Độc Lập, trực thuộc Bề Trên Tổng Quyền.

Sau chính sách đổi mới của Nhà Nước, từ năm 1993, một số anh em được lãnh nhận tác vụ linh mục. Để duy trì và phát triển Dòng, Miền đã cố gắng thiết lập những cơ sở tuy còn thiếu thốn nhưng tạm ổn định để đón nhận các em mới vào Dòng. Tuy con số này không nhiều nhưng cũng đủ để nối tiếp ngọn lửa truyền lại từ 40 năm qua.

Năm 1995, Tổng Hội Dòng Tên nhóm họp tại Rôma. Cha Nguyễn Công Đoan đại diện anh em Việt Nam tham dự Tổng Hội, nối lại tình liên đới với Dòng quốc tế sau nhiều năm gián đoạn.

Những năm cuối cùng của thế kỷ 20, Dòng bắt đầu có nhiều ơn gọi mới, năng động và nhiệt thành. Được Nhà Nước chấp thuận, một số linh mục trong Dòng lên đường du học ở vài nơi trên thế giới, canh tân chất lượng phục vụ của Dòng cho Giáo Hội và xã hội. Trước thềm thiên niên kỷ mới, Miền Dòng lại một lần nữa cầu nguyện và nhận định chung để tái khám phá ơn gọi của Dòng tại Việt Nam và tìm hướng đi cho những năm tháng đầy hứa hẹn sắp tới.

Năm 2003, cha Nguyễn Công Đoan được Cha Bề Trên Cả Kolvenbach gọi về Rôma làm phụ tá cho Vùng Dòng Đông Á-Úc Châu. Cha Tôma Vũ Quang Trung thay thế cha Đoan trong trách vụ Bề Trên Miền Dòng. Cùng thời điểm ấy, sự hiện diện của Dòng trên Đất Việt được chính thức nhìn nhận. Anh em Giêsu hữu từ đây có điều kiện sinh hoạt và phục vụ như bao công dân, tu sĩ và linh mục khác.

Năm 2007, 50 năm sau ngày các Giêsu hữu trở lại Việt Nam, nhận thấy quá trình hội nhập và thử luyện của anh em Miền Dòng cũng như sự trưởng thành của anh em, Trung ương Dòng đề nghị nâng Miền Dòng Việt Nam lên bậc Tỉnh Dòng.
 

Top