Đi bụi
TGPSG -- Quê nó ở Đăknông, nó nhỏ con, người mảnh khảnh, học nhất nhì lớp.
Năm 1992 học lớp 8, tại nhà lớp trưởng, nó cùng các bạn chuẩn bị trại cho ngày Nhà giáo. Chiều hôm đó khi công việc chuẩn bị gần kết thúc, nó ném một cây tre rất dài vào đống tre cho gọn, nhưng vô tình, một đầu cây tre đè lên hàng cây chè tàu mà người ta làm hàng rào.
Một thằng bạn cùng lớp, to con hơn nó, thấy thế tiến lại tát cho nó một cái thật mạnh, làm mặt mày nó nổ hết đom đóm. Hết sức tức giận, nó vớ ngay khúc tre bên cạnh táng thẳng vào đầu thằng bạn. Thằng bạn nằm quay tại chỗ.
Lúc về nhà, thằng bạn và đứa em tìm đến nhà để đánh nó. Ba nó nói với hai đứa đó rằng: “Cho tụi mày tìm nó mà đánh”. Nghe vậy, nó sợ và ra sau nhà trốn đi, một phần vì sợ mấy đứa kia tìm đánh, phần vì giận ba nó đã không bảo vệ mà còn nói vậy. Hơn nữa, ba nó là người nóng tính, nó đã ăn không biết bao nhiêu trận đòn rồi, nó sợ lần này không thoát khỏi.
Đêm đó là đêm đầu tiên nó đi bụi. Trời rất lạnh nhưng trăng rất sáng. Đêm đó nó mới thấm được cảm giác đói là gì. Lần đầu tiên trong đời nó phải đi xin ăn nhưng người ta cũng không có gì để cho.
Đêm đó nó nếm cái lạnh là cỡ nào khi trong người chỉ có chiếc áo phong phanh nằm dưới nền xi-măng của một ngôi trường mẫu giáo. Gần sáng, khi chịu không nổi cơn đói và giá lạnh, nó quay về nhà lục cơm nguội để ăn và ngủ cùng các em mà ba má nó không hay biết. Sáng đó là sáng Chúa nhật, ba má nó phải đi lễ. Trong lúc ba má nó vắng nhà, nó lấy mấy bộ đồ và ít tiền tiết kiệm, rồi bắt xe đò trốn đi lần nữa.
Nó đi thật xa đến thành phố Ban Mê Thuột cách nhà nó khoảng gần 60 cây số. Nó gặp một người đàn ông trung niên, bị mù một con mắt. Ông ta thấy nó không biết đi đâu thì đến bắt chuyện, biết nó bỏ nhà đi. Người đàn ông này nghèo, ông kêu nó và ông vào bệnh viện gần đó bán máu để có tiền sử dụng. Các bác sĩ thấy nó ốm yếu và còn nhỏ tuổi nên không thể lấy máu được, chỉ có thể lấy máu của người đàn ông.
Sau đó người đàn ông đưa nó đi về Cư M'nga quê của ông cách thành phố đó khoảng 30 cây số. Ở vùng này, đa số là người Quảng mới đến lập nghiệp, họ làm nông là chính yếu. Người đàn ông dẫn nó đến một gia đình có hai người con trai: một bị bại liệt, một bình thường. Nó phải giữ em bé bị bại liệt mấy hôm. Rồi có hôm nó cùng hai vợ chồng người chủ đi rẫy.
Hai vợ chồng này là người tử tế, họ có con cái nên thấu hiểu được tâm trạng của ba má nó. Họ đề nghị người đàn ông kia đưa nó trở về nhà cho bá má nó và người này đã đồng ý. Sau khoảng một tuần đi bụi, nó được người đàn ông dẫn về nhà.
Về nhà, nó tưởng ba nó chào đón nó như người cha nhân hậu trong Tin mừng. Nhưng không, ba nó bắt nó quỳ một hồi lâu để hỏi cho rõ câu chuyện tại sao nó bỏ nhà đi. Sau khi đã nghe xong và hiểu vấn đề, ba nó không đánh đòn mà bảo nó đi bắt con thỏ nó nuôi vào để làm thịt ăn mừng nó về.
Trong bữa cơm, ba nó mới nói lý do tại sao ba lại nói vậy, chính là để làm cho đứa bạn bị nó đánh nguôi giận lúc đó thôi. Ba nó còn kể trong những ngày nó bỏ nhà đi, ba nó phải vất vả đi tìm nó như thế nào. Ba nó lên thành phố, mấy ngày liền, giữa đêm khuya trời mưa giá lạnh, đi hết ngõ này đến ngách kia, gặp ai cũng xem có phải nó không. Còn má nó ở nhà lo lắng cũng không kém, hỏi hết người này người kia về nó.
Giờ nó đã hiểu tình thương ba má nó dành cho nó lớn lao thế nào qua lần đi bụi đó. Nhờ vậy, nó cũng đã hiểu nhiều hơn ý nghĩa của dụ ngôn "Người cha nhân hậu", còn được gọi là dụ ngôn "Đứa con hoang đàng".
Trần Thiên Kính (TGPSG)
bài liên quan mới nhất
bài liên quan đọc nhiều
- Hãy ký thác đường đời cho Chúa
-
Giáo lý viên giáo xứ Tam Hải: Bốn mùa Chúa đổ hồng ân -
Nụ hôn của Chúa Giêsu: Bài học từ một cậu bé giúp lễ -
Gia đình Giáo lý viên -
Thách thức của Tình yêu -
Ba ơi, Con đã về! -
Chúa vẫn chờ đợi -
Em là thiên thần trong mắt tôi -
Ký sự: Vương quốc Nhân Ái -
Khôn ba năm - Dại một giờ