Đại lễ Đức Maria Hồn Xác Lên Trời - Bổn mạng giáo họ Mông Triệu - giáo xứ Tân Phú
TGPSG --“Con đường đời thường sẽ đưa chúng ta đến trời cao lên với Thiên Chúa khi chúng ta sống với tất cả tình yêu thương, sự tử tế.”
Trên đây là lời kết bài giảng của Linh mục (Lm) Giuse Vũ Hoàng Thanh trong Thánh lễ mừng kính Đức Maria Hồn Xác Lên Trời, được cử hành lúc 17g30 thứ Năm 15-08-2024 tại giáo xứ Tân Phú, giáo hạt Tân Sơn Nhì. Đây cũng là lễ mừng Bổn mạng của giáo họ Mông Triệu, thuộc giáo xứ Tân Phú.
Thánh lễ do Lm chánh xứ Giuse Lê Hoàng chủ tế. Đồng tế có Lm Giuse Lưu Đoàn Tuấn (con dân giáo xứ Tân Phú), Lm Gioan Lasan Mai Thiên Quang và các linh mục phó xứ.
Đại lễ Đức Maria Hồn Xác Lên Trời: Cung nghinh Mẹ Maria
Đúng 17g30, Lm chánh xứ Giuse đã long trọng khai mạc buổi cung nghinh Đức Maria chung quanh thánh đường. Ca đoàn Junior Mông Triệu đã xướng lên những bài hát ca ngợi Mẹ Maria thật ý nghĩa để Cộng đoàn cùng hiệp thông.
Đại lễ Đức Maria Hồn Xác Lên Trời: Thánh lễ
Sau khi đoàn rước kết thúc và trở vào thánh đường. Lm chánh xứ Giuse đã cung kính xông hương Thánh tượng Mẹ và đoàn đồng tế tiến lên bàn Thánh.
Lm Chủ sự nói với cộng đoàn:
“Hòa cùng toàn thể Giáo hội, hôm giáo xứ chúng ta long trọng mừng lễ Mẹ Maria Hồn Xác Lên Trời. Mẹ về trời mở ra cho tất cả chúng ta niềm hy vọng nếu biết sống vâng theo Thánh ý Chúa như Mẹ, chắc chắn rằng vào ngày tận thế, chúng ta sẽ được hưởng hạnh phúc với Chúa và gặp lại Mẹ trên nước Thiên Đàng cả hồn lẫn xác. Xin Chúa cho mỗi người chúng ta luôn tìm về bên Chúa qua lời chuyển cầu của Mẹ Maria và học đòi những nhân đức nơi Mẹ Maria, để áp dụng vào đời sống đức Tin cũng như trong cuộc sống hàng ngày.”
Ngài cũng mời gọi cộng đoàn cầu nguyện cho những ai nhận Mẹ Hồn Xác Lên Trời làm bổn mạng; đặc biệt là Giáo họ Mông Triệu, ca đoàn Junior Mông Triệu, các toán Legio Mariae và cả Thiếu Nhi Thánh Thể cũng mừng kính bổn mạng hôm nay.
Trong phần giảng lễ Lm Giuse Vũ Hoàng Thanh hướng ý cho cộng đoàn theo các bài đọc:
Đại lễ Đức Maria Hồn Xác Lên Trời: Ý nghĩa cả các hình ảnh trong các bài đọc
- Bài đọc 1 trong sách Khải Huyền, tuy ngắn nhưng chứa đựng rất nhiều hình ảnh, nhiều ý nghĩa và để lại rất nhiều sứ điệp
+ Một điềm lạ vĩ đại xuất hiện trên trời: một người phụ nữ, mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên muời hai ngôi sao:
“Sách Khải Huyền được viết nhằm nâng đỡ những Kitô hữu ở những thế kỷ đầu đang bị bách hại nặng nề bởi các Hoàng đế Rôma thờ thần ngoại giáo. Thế nên tuy nội dung của sách là một Sứ điệp vinh thắng khải hoàn, nhưng tất cả đều được mã hóa lại. Vì vậy để có thể hiểu được thì phải được giải mã, mở khóa. Vì được viết bằng loại văn gọi là Khải Huyền nghĩa là cố gắng đưa ra ánh sáng những điều đang bị bóng tối che phủ. Không phải vì Thánh Gioan muốn tạo ra sự huyền bí, nhưng để có thể được lưu hành trong thời Đế quốc La Mã đang bách hại Kitô giáo một cách gay gắt, thì phải tránh việc nói trực tiếp về những kẻ bách hại mình là chính các Hòang đế La Mã. Tuy nhiên, nhiều người, nhiều giáo phái vì sự hiểu biết Kinh Thánh còn giới hạn, và nhất là vì tính tò mò mà thích thêu dệt làm tăng tính huyền thoại của các chi tiết lạc lõng, khó hiểu trong sách Khải Huyền.
+ Hòm bia giao ước xuất hiện trong Đền thờ.
Hòm bia giao ước cũ ở bên trong, chứa đựng những tấm bia đá khắc 10 điều Răn mà Chúa đã trao cho ông Môsê, chứa cây gậy nở hoa của ông Aharon là anh trai của ông Môisê và một bình vàng đựng Manna là lương thực mà Chúa ban để nuôi dân Do Thái trong sa mạc. Đối với người Israel Hòm bia giao ước nói lên sự hiện diện của Thiên Chúa để bảo vệ và đồng hành với họ trong hành trình vượt sa mạc tiến về đất Hứa.
Trong Tân ước Đức Maria được xem là Hòm bia của giao ước mới. Nếu Hòm bia trong giao ước cũ được tôn kính vì chứa đựng Luật giao ước mà Chúa đã ban cho dân, thì Đức Trinh nữ Maria còn đáng được tôn vinh hơn gấp bội vì Mẹ mang trong mình chính Ngôi Hai Thiên Chúa, Đấng lập giao ước mới với dân Chúa là Giáo hội. Vì vậy, trong kinh cầu Đức Bà có câu "Đức Bà như Hòm bia Thiên Chúa vậy”
+ Người phụ nữ
Trong thị kiến này, ít nhất là có hai nghĩa:
Ý nghĩa thứ nhất muốn nói đến là Đức Trinh Nữ Maria. “ Người phụ nữ mặc áo mặt trời” có nghĩa là được bao phủ, được che chở, được bao bọc, bởi ân sủng của Thiên Chúa, hay cũng là chính Thiên Chúa vì mặt trời tượng trưng cho Chúa Kitô và Chúa Kitô là mặt trời công chính. Sứ thần Gabriel khi báo tin cho Mẹ "Chúa Thánh Thần sẽ đến với Bà và uy quyền của Đấng Tối cao sẽ bao trùm Bà” ( Lc 1,35)
Ý nghĩa thứ hai: Trong văn hóa Đông phương mặt trăng là tượng trưng cho người phụ nữ. Vì thế mặt trăng cũng tượng trưng cho Đức Maria cho nên mới có bài Thánh ca "Mẹ là suối mát trinh nguyên giữa sa mạc hoang. Mẹ là trăng thanh đêm về chiếu sáng bình an...”
+ Đầu đội Triều thiên 12 ngôi sao
12 ngôi sao tượng trưng cho 12 chi tộc và triều thiên là dành cho Nữ hoàng cho Vua chúa. Vì Mẹ Maria là Mẹ của Chúa Giêsu vua trên các vua. Nên trong kinh cầu Đức Bà cũng có những câu: “Nữ vương các Thánh Thiên Thần, Nữ vương các Thánh Tổ tông, Nữ vương các Thánh nam nữ, Nữ vương hồn xác lên trời” 12 ngôi sao còn nhắc đến 12 hoa trái của Chúa Thánh Thần là những nhân đức tỏa sáng nơi Mẹ Maria: Bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nại, nhân từ, lương thiện, hiền hòa, khiêm nhu, tiết độ, và thánh thiện
+ “Đạp trên mặt trăng”
Hàm ý muốn nói “Sự siêu thoát trước thế tục”. Trong thi ca ánh trăng còn là biểu tượng cho sự lãng mạn, là mờ ảo. là những gì đễ đổi thay; Trăng non rồi lại trăng tròn, trăng khuyết rồi trăng lại tàn. Như thế muốn lên trời cao. Thì phải vượt lên trên những gì là phàm tục.
Bởi thế mà ánh mắt của Mẹ Maria được các họa sĩ vẽ hướng về trời cao, chân dẵm lên mây, lên mặt trăng là những phù phiếm, dễ thay đổi chóng qua. Vì vậy chữ phù vân có nghĩa là “mây bay”. Của đời phù vân nghĩa là của cải nay còn mai mất như mây bay. Tuy nhiên, lòng có hướng về Chúa mới có thể dõi về trời cao được.
+ Con mãng xà lớn, đỏ như lửa, có bảy đầu và mười sừng, trên bảy đầu đều có vương miện. Đuôi nó quét hết một phân ba các ngôi sao trên trời mà quăng xuống đất.
Đây là con Rắn xưa đã cám dỗ bà Eva trong vườn Địa đàng, tức là Satan, cũng ám chỉ là đế quốc Rôma. Các sừng muốn nói lên quyền lực và sức mạnh của vương quốc này. Chúng ta thấy trong tự nhiên, những con vật dùng sừng để biểu dương sức mạnh như : Nai, Hươu, Tê Giác, Trâu vvv. Bảy đầu là 7 quả đồi ám chỉ thành phố Rôma, vì thành phố Rôma được xây dựng trên 7 quả đồi, đồng thời nó cũng được hiểu là 7 vị vua cai trị” Đuôi của con mãng Xà quét hết 1/3 ngôi sao trên trời mà quăng xuống đất, nghĩa là Satan lôi kéo được nhiều Thiên thần ở trên trời đi theo nó, mà những ai đã đi theo nó thì không còn được ở trên trời. Khi chưa tận thế, thì Satan vẫn còn quyền lực nhất định, nhưng khi tận thế rồi thì như sách Khải Huyền viết “Con Mãng Xà bị tống ra, đó là Con Rắn xưa, mà người ta gọi là ma quỷ hay Satan, tên chuyên mê hoặc toàn thể thiên hạ; nó bị tống xuống đất, và các thiên thần của nó cũng bị tống xuống với nó” Rồi tôi nghe thấy tiếng ở trên trời “ Thiên Chúa chúng ta thờ giờ đây ban ơn cứu độ, giờ đây biểu dương uy lực với vương quyền. Đức Kitô của Người giờ đây cũng biểu dương quyền bính. Các Thánh đã thắng được nó nhờ máu con Chiên và nhờ họ làm chứng về Đức Kitô”
Đức Mẹ lên trời hay ánh mắt của Mẹ hướng về trời cao có nghĩa gì? Mẹ Maria không phải là người sống trên mây, trên gió, hay lửng lơ, không thiết tha gì với cuộc đời này. Trái lại, Mẹ là người rất bình thường, nhưng đã sống với những nhân đức rất phi thường. Chúng ta biết Mẹ đã đến với người chị họ Ysave với đầy sự quan tâm với người chị họ đang có thai, hay là Mẹ hiện diện ở tiệc cưới Cana biết cặp đôi đã thiếu rượu trong ngày vui của mình. Mẹ đầy vui tươi khi chào bà Ysave khiến cho Gioan Tẩy Giả trong lòng đã nhảy lên sung sướng. Mẹ can đảm khi một mình một thân vượt qua những con đường toàn núi đá và nhất là Mẹ là con người của đức Tin và khiêm hạ trong biến cố truyền tin cũng như dưới chân Thánh giá Chúa. Mắt Mẹ hướng về trời cao là như vậy.
Lm giảng lễ kết luận: Con đường đời thường sẽ đưa chúng ta đến trời cao lên với Thiên Chúa khi chúng ta sống với tất cả tình yêu thương, sự tử tế. Mắt muốn hướng về trời cao, thì lòng phải hướng về Thiên Chúa, như trong lời ca nhập lễ, để cùng được hưởng quê hương nước Trời.
Thánh lễ tiếp tục với phần dâng lễ vật và phụng vụ Thánh Thể.
Cuối thánh lễ Lm Giuse Lê Hoàng chủ sự thánh lễ đã chúc mừng giáo họ Mông Triệu và cảm ơn vì những đóng góp của Ban điều hành và bà con trong giáo họ Mông Triệu cho giáo xứ nhà qua các hoạt động và công tác cũng như công trình xây dựng. Ngài chúc mừng ca đoàn Junior Mông Triệu, đoàn Thiếu nhi Thánh Thể, các đội Legio Mariae và những ai nhận Mẹ Maria Mông Triệu là bổn mạng.
Sau bài kết lễ “Mẹ ơi xứ đạo con đây...”, giáo họ Mông Triệu và các đoàn thể đã chụp hình lưu niệm với Lm chánh xứ Giuse chủ sự thánh lễ và các Lm đồng tế. Buổi lễ kết thúc lúc 19g cùng ngày trong niềm hy vọng của đoàn con: Mẹ Maria lên trời sẽ đưa con cái về bên Mẹ.
Bài: Phương Nga (TGPSG)
Ảnh: Tiến Hương
bài liên quan mới nhất
- Chăm sóc sức khỏe cho người lớn tuổi
-
Tam nhật tĩnh tâm dọn lòng đón Chúa đến của giáo xứ Hòa Hưng -
Cáo phó: Thân mẫu Linh mục Giuse Trần Văn Chinh - Phó xứ Gia Định - qua đời -
Giáo xứ Phát Diệm chuẩn bị tâm hồn chờ đón Chúa Giáng Sinh 2024 -
Tĩnh tâm Mùa Vọng giới phụ huynh 2024 nơi giáo xứ Bùi Phát -
Bữa tối yêu thương ... -
Cha cố Vincente Nguyễn An Ninh tạ ơn mừng 53 năm hồng ân Linh mục -
Thánh lễ tạ ơn mừng tân Linh mục tại giáo xứ Tân Phú, ngày 14-12-2024 -
Tĩnh tâm Mùa Vọng 2024 tại giáo xứ Bùi Phát -
Cáo phó: Thân phụ Linh mục Giuse Nguyễn Văn Hưng qua đời
bài liên quan đọc nhiều
- Giáo xứ Nhân Hòa: Gia đình Phạt Tạ Thánh Tâm mừng bổn mạng
-
Giáo xứ Tân Việt: Bổn mạng Ban Lễ Sinh -
Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp: Thánh lễ kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp - Bổn mạng giáo xứ -
Giáo xứ Đông Quang: Lễ sinh mừng Bổn mạng - 2023 -
Giáo xứ Tân Thành - TSN: Mừng lễ Đức Maria Hồn Xác Lên Trời - 2023 -
Giáo xứ Thị Nghè: Lãnh nhận Hồng ân Chúa Thánh Thần -
Giáo xứ Gia Định: Thánh lễ Tạ ơn 28 năm hồng ân của Linh mục Chánh xứ -
Giáo xứ Hoàng Mai: Thánh lễ mừng kính Đức Mẹ Lộ Đức 2023 -
Giáo xứ Thăng Long: Niềm vui ơn Chúa Thánh Thần - 2023 -
Giáo xứ Bắc Dũng: Bữa cơm của Chúa