Đại hội gia đình Phan Sinh: bế mạc Năm Thánh

Đại hội gia đình Phan Sinh: bế mạc Năm Thánh

Đại hội Gia đình Phan Sinh:
Bế mạc Năm Thánh Tỉnh Dòng Việt Nam

 

WGPSG -- Ngày 04/10/2009, khuôn viên nhà thờ Phanxicô Đakao đã trở nên quá tải bởi hàng ngàn người từ khắp nơi tìm về  tham dự một Đại hội đã được chuẩn bị từ suốt 3 năm, Đại hội Bế mạc Năm Thánh Tỉnh Dòng Phan Sinh Việt Nam, kỷ niệm:

- 800 năm Thành lập Dòng Anh Em Hèn Mọn (1209 - 2009)
- 80 năm Dòng Thánh Phanxicô được khai sinh tại Việt Nam (1929 - 2009).

Chương trình Đại hội gồm 3 phần chính: Diễn nguyện, Khai mạc triển lãm các tác phẩm Nghệ thuật sống Phan Sinh, và Thánh lễ Đồng tế.

Lược sử dòng Phanxicô

Lịch sử Dòng Phan Sinh, còn gọi là Dòng Anh Em Hèn Mọn, có thể được coi như bài thơ về một câu chuyện cổ tích diễm lệ.

Chuyện kể rằng, vào mùa Đông năm 1206, có một thanh niên Assisi tên Phanxicô Bernađônê, từ bỏ tất cả để thuộc trọn về Chúa. Ngài từ bỏ những cuộc vui chơi tiệc tùng với bạn bè , từ bỏ cả phần thừa kế giầu có, để đi giúp những người phong cùi, những kẻ vô gia cư, những người bị xã hội khai trừ, sống tinh thần khó nghèo, và rao giảng Tin Mừng tình thương của Đức Kitô.

Ngài được thị kiến của Chúa với mệnh lệnh: “Hãy xây dựng ngôi nhà đổ nát của Ta.” Những tưởng ngôi nhà đổ nát là những cơ sở vật chất hoặc các ngôi thánh đường, nên hai năm tiếp đó, ngài đi hành khất, sống ẩn dật và sửa sang ba nhà thờ đổ nát trong miền Assisi: nhà thờ Thánh Đamianô, nhà thờ Thánh Phêrô và nhà thờ Đức Bà Porziuncula. Nhưng “ngôi nhà đổ nát” Chúa nói qua thị kiến, không chỉ là các nhà thờ được xây dựng bằng các chất liệu vật chất, mà chính là ở tư tưởng và lối sống của cộng đoàn Dân Chúa.

Lối sống khó nghèo, thanh thoát, vui tươi, bình an, nhiệt tình rao giảng Tin Mừng của ngài thu hút trước tiên hai anh bạn đồng hương: anh Bernađô Cantavalê giàu có và anh Phêrô Catanê, nhà giáo luật. Tiếp đó có 9 anh khác nhập đoàn. Họ trở thành 12 "người đền tội" và lữ hành, không nhà cửa hoặc nơi cư trú cố định. Lúc đầu Phanxicô soạn một ít quy luật sống, được Đức Giáo Hoàng Innôxentê III chấp thuận; cuối cùng, ngài viết ra Bản Luật Dòng Anh em Hèn mọn, được Đức Giáo Hoàng Hônôriô III phê chuẩn năm 1223 bằng sắc dụ.

Gương sáng của họ đã lôi cuốn Clara, cô thiếu nữ quí tộc mười tám xuân xanh. Ngày Chúa Nhật Lễ Lá năm 1212, cô trốn khỏi nhà thân phụ. Phanxicô cắt tóc cho cô như một dấu chỉ cô đã dâng hiến cho Chúa tại ngôi nhà nguyện nhỏ Porziuncula. Nhiều chị em khác đã theo gót Clara. Năm 1218/1219, Clara và chị em được Đức Giáo Hoàng chấp thuận cho sống trong sự khó nghèo của bậc tu kín. Dòng nhì Thánh Phanxicô đã phát sinh từ đó, là Dòng Chị Em Thanh Bần.

Giữa năm 1210 và 1211, hoạt động của Thánh Phanxicô mỗi ngày một phát triển và lan rộng. Ngài gửi các bạn đồng môn đi khắp nơi để loan báo Đức Kitô nghèo khó, khiêm hạ và chịu đóng đinh, đồng thời mang đến hòa giải và bình an cho mọi Người.

Năm 1221, một thương gia người Flôren Lukêgiô và vợ là Bônađôna xin được chia sẻ cuộc sống của các Anh em Hèn mọn nhưng vẫn ở lại trong bậc hôn nhân. Dòng Phan sinh tại thế đã ra đời từ đây.

Căn tính của phong trào Phan sinh là: sống tinh thần nghèo khó của Phúc âm trong Giáo Hội theo thể thức mà Phanxicô đã đề ra,  và đi rao giảng Lời Chúa cho mọi tạo vật.

Dòng Nhất Phan sinh đã trải qua một cuộc cải tổ sâu rộng. Từ đó dẫn đến ba khuynh hướng, làm phát sinh ba nhánh có pháp nhân độc lập nhưng theo cùng một luật sống. Ba nhánh có quản trị và cơ cấu riêng: Anh em Hèn mọn, Anh em Hèn mọn Tu viện, và Anh em Hèn mọn Lúp dài.

Ba gia đình này đã phát triển như ba nhánh của một thân cây vĩ đại duy nhất, với rất nhiều công tác, nhiều cuộc truyền giáo. Cả ba nhánh đều có các vị thánh và các chân phước được Giáo Hội tôn phong.

Hiện nay Dòng Phanxicô có 17.224  thành viên, trong đó có 104 Giám mục, hơn 586 tập sinh; 11.343 anh em Lúp Dài trong đó 86 là Giám mục; 4.514 anh em Tu viện trong đó 11 là Giám mục. Như vậy, gia đình Phan Sinh gồm:

- Dòng Nhất: Anh Em Hèn Mọn.

- Dòng Nhì: Chị Em Thanh Bần (Clara).

- Dòng Ba: gồm các tu sĩ tại viện (như dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ), và các anh chị em Phan Sinh Tại Thế. Những bạn trẻ muốn sống tinh thần Phan Sinh được gọi là Giới trẻ Phan Sinh.

Phan Sinh Tại Thế Việt Nam

Ngay từ thế kỷ 16, những bước chân truyền giáo của con cái Thánh Phanxicô đã rảo khắp đất nước Việt Nam. Tuy nhiên mãi đến năm 1929, Dòng mới được thiết lập tại Việt Nam. Đó là công ơn của Đức Piô XI là vị Giáo Hoàng khuyến khích các Giám mục địa phận truyền giáo mời gọi các Hội dòng gia nhập Giáo phận mình hầu đem lại sức sống mãnh liệt và vững chắc cho Giáo phận. Từ đó, dòng Phan Sinh mỗi ngày thêm phát triển. Riêng Phan Sinh Tại Thế Việt Nam đã được công nhận bởi Hội đồng Phan Sinh Tại Thế Quốc tế ngày 4/5/1995, đã qua 6 Khóa, nhiệm kỳ VI hiện nay (2007-2010) gồm:

- Phục vụ: Phanxicô Xavie Nguyễn Duy Hưng
- Phó Phục vụ: Maria Nguyễn Hoàng Mỹ
- Phụ trách Huấn luyện: Gioakim Nguyễn Trường
- Thư ký: Elisabét Quảng Thị Thu Vang
- Thủ quỹ: Maria Đinh Thị Lý
- Trợ úy: Lm. Irênê Nguyễn Thanh Minh

Hiện nay, dòng Phan Sinh Tại Thế có một Hội đồng quốc gia gồm 12 Miền, trong đó có 175 Hội đồng địa phương với tổng số thành viên là 6.051 anh chị em.

Giới trẻ Phan Sinh

Giới trẻ Phan sinh gồm 6 Miền, với tổng số 4.719 thành viên. Ban Thường vụ hiện nay gồm:

- Phục vụ: Giuse Nguyễn Vũ Hải
- Phó Phục vụ: Maria Nguyễn Hoàng Mỹ
- Phụ trách Huấn luyện: Elisabét Quảng Thị Thu Vang
- Thư ký: Maria Huỳnh Đan Thùy
- Thủ quỹ: Maria Vũ Thị Kim Ngọc
- Trợ úy: Lm. Phaolô Đinh Huỳnh Hoa.

Diễn nguyện

Chưa đến 8 giờ sáng, nhưng nhà thờ (trên lầu) và cả hội trường đã đầy người, không còn đủ chỗ ngồi. Dưới đất, Ban Tổ chức đã phải kê vô số ghế đơn cho mọi người ngồi trên khắp mặt sân. Tuy đông đảo, nhưng rất trật tự trang nghiêm.

Phần diễn nguyện với 11 tiết mục gồm: thơ, ca hát, vũ và kịch nói, rất sinh động và lôi cuốn, nhất là phần trình diễn văn hóa cồng chiêng của hơn 80 anh chị em sắc tộc Tây Nguyên.

Nghệ thuật sống Phan Sinh

Lúc 10 giờ, Cha Giám tỉnh và Phó Giám tỉnh cùng với nhiều quan khách và tác giả đã cắt băng khánh thành, khai mạc buổi triển lãm hơn 80 tác phẩm nghệ thuật, gồm: tranh và tượng của nhiều họa sĩ và điêu khắc gia nổi tiếng với chủ đề: Nghệ Thuật Sống Phan Sinh.

Thánh lễ bế mạc Năm thánh Hội Dòng Phanxicô

Ban Tổ chức thông báo Thánh lễ trễ lại 15 phút so với chương trình, vì để cho mọi người có thể tham quan triển lãm các tác phẩm hội họa và điêu khắc; 15 phút là quá ít để thưởng lãm, nhưng cũng tạm đủ để giới thiệu, vì triển lãm sẽ còn kéo dài đến hết ngày 11/10/2009.

Đức Hồng Y GB Phạm Minh Mẫn sau đó đã chủ tế Thánh lễ, cùng với 45 linh mục đồng tế.

Trong phần giảng lễ dài hơn 20 phút, ĐHY đã nói đến Lời Chân Lý về Thiên Chúa, lời yêu thương với anh em, và Lời hứa ban từ Đức Giêsu Kitô cho con người trong mọi thời đại.

Con người ngày nay ngày tin rằng khoa học kỹ thuật sẽ giúp giải quyết mọi vấn nạn của nhân loại, nhưng tin tưởng ấy ngày càng trở nên những ảo tưởng mù quáng đáng sợ.

“Tứ hải giai huynh đệ,” mọi người trong bốn biển đều là anh em, câu nói thật hay, nhưng sẽ là thiếu sót lớn, nếu “không cùng là con của một Cha trên trời.”

Khủng hoảng lẽ sống hoặc sống không mục đích, đang đưa con người đến những thảm họa khôn lường.

(Nghe Audio: ĐHY Gioan B. giảng lễ Thánh Phanxicô)

Thánh lễ kết thúc lúc 12g15 phút.

Sau đó, cùng với “Phiếu mời ăn trưa” đã được ân cần đưa tận tay mỗi người trước đó, mọi người đã được dự một bữa cơm buffet rất thân tình, ấm cúng và chan hòa tinh thần Phan Sinh Tại Thế, để cùng nhau ra về trong hoan hỷ bình an.

Top