Đại Hội Bề Trên Thượng Cấp XIV tại Indonesia

Đại Hội Bề Trên Thượng Cấp XIV tại Indonesia

Đại hội các Bề Trên Thượng Cấp vùng Đông Nam Á lần thứ XIV

tại Bali, Indonesia

Chủ đề: Căn tính của người tu sĩ cho một cuộc đối thoại hiệu quả tại Á châu đa văn hóa và đa tôn giáo

Tuyên bố của Đại hội:

Đối thoại: Một cách Canh Tân đời sống tu sĩ Châu Á ngày nay


1. Chúng tôi, những nam nữ tu sĩ đến từ tám quốc gia vùng Đông Nam Á (Myanmar, Thailand, Vietnam, Malaysia, Singapore, Philippines, East Timor và Indonesia) để tìm kiếm và trung thành bước theo Đức Giêsu Kitô, chúng tôi tụ họp nhau tại Bali, Indonesia, từ ngày 16-22 tháng 11 năm 2010, để cùng suy tư, nhận thức và đào sâu căn tính của người tu sĩ
cho một cuộc đối thoại hiệu quả.

2. Bali, được biết đến như một hòn đảo thiên đường, với một nền văn hóa rất phong phú và những con người mang dấu ấn tôn giáo sâu đậm. Nơi đây người ta có thể cảm nhận dễ dàng lòng hiếu khách và di sản của một cuộc sống hòa điệu, thấm đậm tinh thần Hiệp nhất trong khác biệt (BHINNEKA TUNGGAL IKA). Bali quả là một nơi tuyệt vời cho chúng tôi suy tư về chủ đề của Đại hội SEAMS XIV: "CĂN TÍNH CỦA NGƯỜI TU SĨ CHO MỘT CUỘC ĐỐI THOẠI HIỆU QUẢ TẠI Á CHÂU ĐA VĂN HÓA VÀ ĐA TÔN GIÁO."

3. Chúng tôi sống căn tính văn hóa và tôn giáo đa dạng của mình qua những bài tham luận từ đại diện các tôn giáo khác nhau, những báo cáo theo từng quốc gia, việc tham quan vài nơi chốn và sinh hoạt của dân địa phương, chia sẻ kinh nghiệm cá nhân, thảo luận nhóm, suy tư cầu nguyện và lập kế hoạch hành động.

4. Qua những sinh hoạt này, chúng tôi hiểu biết sâu xa hơn căn tính của mình. Ơn gọi tu sĩ của chúng tôi bắt nguồn từ tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi, tình yêu được mặc khải trọn vẹn nơi nhân tính của Đức Kitô mà tất cả chúng tôi được dự phần. Chúng tôi chiêm ngắm Người và làm chứng cho Người trên khắp thế giới qua việc cầu nguyện, tuân giữ các lời khấn, qua đời sống cộng đoàn và sự quảng đại phục vụ tha nhân.

5. Đối thoại thuộc về bản chất và sứ vụ của Giáo Hội. Khi phát triển linh đạo đối thoại, đặc biệt trong việc đào tạo chính bản thân chúng tôi và những thành viên trẻ, chúng tôi được kêu gọi “nới rộng lều mình đang ở” (Is 54, 2) và khiêm tốn đồng hành với tha nhân. Điều này mời gọi chúng tôi cởi mở tâm lòng, tôn trọng phẩm giá của tha nhân, chân thành và sẵn sàng lắng nghe. Việc luôn đổi mới nhận thức và nỗ lực đối thoại sẽ giúp chúng tôi, vốn là những con người mỏng manh và giới hạn, thường xuyên hoán cải và giao hòa (chữa lành vết thương), hầu ngày càng thực sự trở nên những chứng nhân, nhờ việc  đi đến với  những người  thuộc niềm tin khác (Ga 4,5-15). Chúng tôi được mời gọi phát triển một nền văn hóa đối thoại với những quan điểm, giá trị, thái độ và tập quán mới mẻ. Khởi đi từ mối quan tâm chung của con người, chúng tôi có thể cộng tác với mọi người không  phân biệt tín ngưỡng, trong những hoạt động cụ thể nhằm thiện ích chung. Nhờ đối thoại, chúng tôi cùng đồng hành với các dân khác, hướng đến cuộc sống viên mãn, qua đó phản ánh sự hiện diện của Thiên Chúa. Đối thoại là cách Canh Tân đời sống hiến dâng trong Dân tộc Châu Á ngày hôm nay.

Top