Cựu học viên Don Bosco: Kính viếng thánh quan
WGPSG -- Sáng 19/01/2011, tại Trụ sở Don Bosco Xuân Hiệp, Thủ Đức, quý Bề trên các Dòng tu, quý ông bà cố SDB đã đến kính viếng thánh quan Don Bosco và hiệp dâng Thánh lễ trọng thể với hơn 30 linh mục do Đức cha Giuse Hoàng Văn Tiệm chủ tế lúc 11g00.
Đức cha đã nhắc lại những giai đoạn khó khăn ban đầu khi Thánh Don Bosco khởi sự Công cuộc nguyện xá, nhưng vì đức ái và tin tưởng tuyệt đối vào sự quan phòng của Thiên Chúa, cùng sự chở che của Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu, ngài đã vượt qua được mọi khó khăn, cụ thể: Có lần nguyện xá không còn tiền để mua bánh mì, hơn nữa vì đang nợ tiền lò bánh nên ngày mai sẽ không có bánh mì cho thanh thiếu niên ăn. Ngài đã cầu nguyện cùng Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu. Sau đó, ngài cùng lúc nhận được 2 lá thư, lá thứ nhất là thư đòi tiền bánh mì 200.000 Lia, lá thứ hai do một ân nhân gửi ngài 200.000 Lia để ngài tùy nghi sử dụng. Nhờ đó, hôm sau con cái ngài vẫn có bánh mì để ăn. Vì thế, ngài đã luôn cầu nguyện với Chúa: Xin Chúa cho con các Linh hồn, còn những sự khác, xin Chúa cứ lấy đi.
Cựu học viên Don Bosco họp mặt
Cùng thời điểm trên, để chuẩn bị kính viếng thánh quan Don Bosco tại Xuân Hiệp, trên 300 anh chị em Cựu học viên (CHV) Don Bosco đã họp mặt tại giáo xứ Tam Hải, Thủ Đức để sinh hoạt, học hỏi về Thánh Don Bosco, chia sẻ những kinh nghiệm sống quý báu cho nhau.
Cha Giám đốc Cộng thể Rinaldi Xuân hiệp Gioan B. Nguyễn Văn Thêm đã giới thiệu cuốn tiểu sử Don Bosco, như là chứng từ đời sống của ngài, để gia đình Salêdiêng noi gương đức tin, tình yêu của ngài đối với Chúa và lòng nhiệt thành của ngài đối với anh chị em, cách riêng với thanh thiếu niên nghèo khổ nhất. Đặc biệt đối với anh chị em Cựu học viên, Cộng tác viên Don Bosco trong đời sống hôn nhân, sẽ giúp anh chị em định hướng việc giáo dục con cái mình.
Cha đặc trách Cựu học viên Don Bosco Fabiano Lê Văn Hào đã tâm sự: Anh em CHV rất nhiệt tình, hăng say làm việc tông đồ tại giáo xứ, tại các đoàn thể, và đã vận dụng tinh thần Don Bosco vào đời sống gia đình, Giáo hội và xã hội rất tốt. Đặc biệt, nhiều anh em CHV rất hạnh phúc khi có vợ con cùng đến tham gia các buổi sinh hoạt của CHV. Tinh thần giáo dục của Thánh Don Bosco đã thấm nhuần vào từng người, lan tỏa đến gia đình và con cái anh em CHV.
Cựu học viên Don Bosco kính viếng thánh quan Don Bosco
Sau bữa cơm huynh đệ, lúc 14g00 anh em CHV đã tập trung đông đủ tại giáo xứ Xuân Hiệp để kính viếng thánh quan Don Bosco. Mọi người với bông hoa trên tay đã tiến vào nhà thờ, đi vòng quanh thánh quan để tưởng nhớ vị cha chung của mình:
- Xin Thánh Tổ đón nhận tấm lòng tri ân, cũng như lắng nghe tiếng lòng của anh em CHV chúng con, tiếng lòng rộn ràng của ngày đại lễ, nhưng cũng đan xen những thổn thức và trăn trở giữa bao thăng trầm của cuộc sống.
- Xin tri ân vì hơn 50 năm qua, Giáo hội Việt Nam đã trổ sinh nhiều hoa trái thánh thiện nhờ sự hiện diện của con cái Don Bosco tại Việt Nam. Chúng con quên sao được hình ảnh cha Generoso Quảng với nụ cười vồn vã; cha Maisen luôn ấm áp vỗ về; cha Maria tay lần chuỗi Mân Côi không ngơi nghỉ, và còn nhiều vị nữa… các ngài đã là những viên đá nền vững chắc cho tòa nhà Don Bosco Việt Nam hôm nay.
- Xin tri ân vì dưới mái trường Don Bosco, chúng con đã được trang bị những hành trang quý báu cho đời sống đức tin giữa trần thế.
Sau nghi thức tưởng nhớ và kính viếng Thánh Don Bosco, cộng đoàn đã tham dự Thánh lễ trọng thể do cha đặc trách CHV Sabiano chủ tế.
Cha Cựu học viên Inhaxiô Nguyễn Quốc Bảo, phụ tá giáo xứ Lạc Quang kiêm linh mục đồng hành GĐ.MVTT hạt Hóc Môn chia sẻ Lời Chúa: Khi được sống và thấm nhuần tinh thần giáo dục dự phòng của Thánh Don Bosco, thực hành đức ái với tha nhân, chúng ta dễ dàng vận dụng trong mọi trường hợp, dù ở môi trường nào. Cụ thể, khi ngài là linh mục phụ tá ở giáo xứ An Lạc, nhờ cố gắng tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh cụ thể, ngài đã cảm hóa được một em bé bướng bỉnh, cứng đầu trở thành người con ngoan trong gia đình, là thiếu nhi tốt của giáo xứ, luôn làm việc tốt cho các bạn của mình.
Sau lời nguyện hiệp lễ, cha Giám đốc Cộng thể Rinaldi Xuân hiệp Gioan B. Nguyễn Văn Thêm công bố Sắc lệnh của Thánh Bộ Xá Giải ban ơn Xá Giải khi kinh viếng thánh quan Don Bosco, sau đó mọi người sốt sắng đọc kinh Lạy Cha, kinh Tin Kính, kinh cầu Thánh Gioan Bosco và lãnh phép lành Toàn xá.
Mọi người ra về trong niềm hân hoan phấn khởi, giữa lúc đông đảo anh chị em Cộng tác viên đang tiến vào nhà thờ để kính viếng thánh quan. Tất cả đã hòa chung một niềm tin: Cha đến và ở lại với chúng con.
Những thời khắc lịch sử trong cuộc đời Thánh Gioan Bosco
- Ngày 16/8/1815: Gioan Bosco sinh tại Becchi, Castelnuovo d’Asti, nước Ý. Cha của ngài là Phanxicô Bosco và mẹ là Magarita Occhiena.
- Năm 1817: Ông Phanxicô Bosco qua đời khi Gioan Bosco mới 2 tuổi.
- Năm 1824: Giấc mơ lúc 9 tuổi mạc khải cho Gioan Bosco sứ mệnh mà Thiên Chúa kêu gọi: Giáo dục những người trẻ bị bỏ rơi và những đứa trẻ đã theo con đường xấu.
- Năm 1826: Gioan Bosco được rước lễ lần đầu.
- Tháng/1827: Gioan Bosco xa nhà để làm thuê cho trang trại Moglia ở Moncucco, vì xích mích với anh Antôn, người anh cùng cha khác mẹ không muốn Gioan Bosco đi học.
- Tháng 11/1829: Trở về nhà, Gioan Bosco bắt đầu đi học ở nơi cha già Calosso, tại Morialdo.
- Tháng 11/1830: Cha Calosso qua đời. Antôn muốn lập gia đình, nên không muốn Gioan Bosco đi học ở trường công ở Castelnuovo.
- Ngày 04/11/1831: Gioan Bosco tới Chieri ở trọ và đi làm thuê bằng nhiều việc khác nhau để kiếm sống và đi học trong thời gian 10 năm.
- Năm 1833: Gioan Bosco lãnh bí tích Thêm sức tại Buttigliera d’Asti.
- Ngày 29/3/1841: Tư giáo Gioan Bosco chịu chức phó tế.
- Ngày 05/6/1841: Thầy Gioan Bosco chịu chức linh mục do Đức Tổng Giám mục Torino, Fransoni, trong nhà nguyện của tòa Tổng Giám mục.
- Mùa thu năm 1841: Don Bosco ghi danh vào Học viện Giáo sĩ thánh Phanxicô Assisi để đào sâu các môn thần học. Thời gian này ngài tìm hiểu thành phố Torino và khám phá ra những vấn đề nghiêm trọng của giới trẻ nghèo và bị bỏ rơi, hậu quả của cuộc “Cách mạng kỹ nghệ” đang xâm nhập thành phố này.
- Ngày 08/12/1841: Don Bosco gặp cậu bé Bartolomeo Garelli quê Asti, tại Valdocco, trong phòng áo của nhà thờ thánh Phanxicô Assisi. Công cuộc nguyện xá bắt đầu khởi sự.
- Ngày 12/4/1846: Nguyện xá chuyển tới khu nhà thuê của ông Phanxicô Pinardi, tại Valdocco. Nơi đây được coi như mô hình nguyện xá kiểu mẫu về sứ mệnh giáo dục Salêdiêng.
- Ngày 03/11/1846: Sau một thời gian dưỡng bệnh dài ở Becchi, Don Bosco trở về Nguyện xá, có mẹ Magaritta đi cùng. Bà đến Nguyện xá làm mẹ đám trẻ con của Don Bosco. Don Bosco thuê hai phòng để khởi sự trường học.
- Năm 1851: Don Bosco mua khu nhà Pinardi và bắt đầu xây dựng ngôi nhà thờ kính thánh Phanxocô Salê. Ngôi nhà thờ hoàn tất và được thánh hiến năm 1852.
- Ngày 26/01/1854: Don Bosco đề nghị bốn thanh niên (Rua, Cagliero, Rocchietti, Artiglia) lập nên các Salêdiêng với một lời hứa dấn thân “Thực hành đức ái với tha nhân”.
- Ngày 29/10/1854: Đaminh Saviô, một đứa trẻ thánh thiện vào Nguyện xá.
- Ngày 08/6/1856; Đaminh Saviô lập Hội Đức Mẹ Vô Nhiễm. Đó là nhóm các người trẻ cộng tác với Don Bosco để giúp đỡ và làm điều tốt cho các bạn của mình.
- Năm 1858: Don Bosco đi Roma để trình bày công cuộc của ngài cho Đức Thánh Cha Pio IX, ngài được đề nghị viết lại “Những điều kỳ diệu” vào lúc khởi đầu công cuộc ngài cho Đức Thánh Cha.
- Ngày 18/12/1859: Tu hội Salêdiêng chính thức khai sinh. Công cuộc Don Bosco có 18 Salêdiêng tiên khởi.
- Tháng 03/1864: Don Bosco xây dựng đền thờ dâng kính Mẹ Phù Hộ tại Valdocco, Tôrinô.
- Ngày 09/6/1868: Thánh hiến đền thờ Đức Mẹ.
- Ngày 05/8/1872: Don Bosco cùng với Mẹ Maria Mazza-rello thành lập Dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ (FMA).
- Ngày 03/4/1874: Tòa Thánh châu phê dứt khoát Quy luật của Tu Hội Salêdiêng.
- Ngày 11/11/1875: Don Bosco khởi đầu công cuộc truyền giáo Saliêdiêng tại Patagonia, Achentina.
- Năm 1876: Don Bosco thành lập Hiệp Hội Cộng tác viên Salêdiêng.
- Năm 1880: Đức Leo XIII ủy thác cho Don Bosco việc xây dựng Đền thờ kính Thánh Tâm Chúa tại Roma.
- Năm 1887: Don Bosco đi tới Roma lần cuối cùng để thánh hiến Đền thờ Thánh Tâm Chúa. Lúc này sức khỏe của ngài đã bị suy kiệt.
- Ngày 31/01/1888: Don Bosco qua đời để lại niềm thương tiếc cho khắp nước Ý và tất cả những ai từng biết về công cuộc giáo dục giới trẻ của ngài.
- Ngày 01/4/1934: Vào ngày Chúa Nhật Phục Sinh, Don Bosco được Đức Thánh Cha Pio XI tôn phong hiển thánh.
- Ngày 24/01/1989: Don Bosco được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tuyên bố ngài là “Cha và Thầy của giới trẻ”
Tu Hội Salêdiêng Don Bosco thế giới
Ngày nay Tu Hội Salêdiêng Don Bosco (SDB) gồm có 15.750 hội viên đang phục vụ tại 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Và đại gia đình Salêdiêng hiện có 26 dòng tu và các tổ chức đang cống hiến cho Giáo hội hàng trăm những người con của Don Bosco phục vụ trong sứ mệnh giáo dục trên toàn thế giới.
Tu Hội Salêdiêng Don Bosco Việt Nam
Tu Hội Salêdiêng Don Bosco hiện diện tại Việt Nam vào ngày 03/10/1952. Tỉnh dòng đang phục vụ tại 31 giáo xứ - giáo họ, 6 trường và trung tâm dạy nghề, các lưu xá dành cho học sinh, sinh viên... trải rộng trên nhiều miền đất nước. Đặc biệt, Salêdiêng Việt Nam đã cống hiến 59 thừa sai truyền giáo trên 25 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Đôi nét về Cựu học viên Don Bosco Việt Nam
Xin xem bài trên trang web tgpsaigon.net: http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20101115/7482
Đôi nét về Cộng tác viên Don Bosco
Don Bosco mong muốn hệ thống giáo dục của ngài cũng được tầng lớp giáo dân đảm nhận, ngài cũng muốn các người Salêdiêng có thể vào các trường công và tại những nơi có thanh thiếu niên ở ngoài các công cuộc của ngài. Theo chiều hướng đó, ban đầu, ngài nghĩ đến diện mạo Sư huynh Salêdiêng, sau đó, ngài nhận ra rằng ngài cần phải cống hiến cho một ơn gọi khác: Cộng tác viên Salêdiêng, được chính ngài gọi là “Salêdiêng ngoại trú”. Đó là những người chọn tuân giữ Nội quy đời sống tông đồ, được đấng sáng lập đề xuất, nhưng không tuyên các lời khấn, như vậy, họ trở nên người Salêdiêng thật sự và đúng nghĩa, dấn thân trong thế gian.
Ngày 09/5/1876, Đức Pio IX phê chuẩn “Các Cộng tác viên Salêdiêng”. Họ là những bạn hữu của các công cuộc ngài, làm việc vì phần rỗi giới trẻ và giúp ngài với những phương tiện tài chính.
Trước khi qua đời, ngài nói với họ rằng: “Nếu không có lòng bác ái của các con, cha chỉ có thể làm được ít hay không làm được gì cả”.
bài liên quan mới nhất
- “Bức Tường Jericho” – Một tiếng vọng từ Cựu Ước đến hiện tại
-
Hoạt động Ngày Thế Giới Người Nghèo lần thứ VIII tại giáo xứ Thánh Martino -
Các Bà Mẹ Công Giáo hạt Phú Thọ mừng lễ Đức Mẹ dâng mình vào Đền Thờ -
Giáo chức hạt Sàigòn - Chợ Quán hành hương và họp mặt mừng ngày Nhà Giáo Việt Nam -
Nội san Lửa Mến tháng 12.2024 -
Tĩnh tâm Mùa Vọng & Giáng Sinh của giới Nghệ sĩ Công giáo -
Tháng 11 là tháng báo hiếu -
Ban bác ái Doanh nhân Công giáo thăm quý nữ tu Dòng Kín và Mái ấm -
Gia đình Chăm Sóc Bệnh Nhân liên xứ Sài Gòn cầu nguyện cho các linh hồn -
Ca đoàn Hương Chiều, 49 năm một chặng đường đầy ơn Chúa
bài liên quan đọc nhiều
- Giáo dân trong mùa dịch: Những điều Nên và Không Nên
-
MV “Tình Ngài Thôi Thúc Ta” - một món quà từ người trẻ Việt Nam dành cho Đại hội Giới trẻ Thế giới 2023 -
Dòng Đa Minh Việt Nam -
Giáo hạt Xóm Mới: Thánh lễ luân phiên Hội Lòng Chúa Thương Xót 2023 -
Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng thăm Hội nghị Toàn quốc Tuyên úy - Huynh Trưởng -
Sa mạc Huấn luyện Huynh trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể - cấp I (Vươn Lên 53) -
Doanh nhân Công giáo trẻ: Bữa ăn Yêu thương ngày 13.11.2023 -
Chuyên đề 185: Tư duy phản biện, nhân tố phát triển xã hội -
Mái ấm Thiên Ân -
Bổ nhiệm cha Tân Giám đốc Caritas Việt Nam và tri ân cha nguyên giám đốc