Chuyên đề “Thi ca công giáo trong việc chuyển tải thông điệp tình yêu”

Chuyên đề “Thi ca công giáo trong việc chuyển tải thông điệp tình yêu”

Chuyên đề “Thi ca công giáo trong việc chuyển tải thông điệp tình yêu”

TGPSG -- Sáng ngày 31.08.2024 tại lầu 2 nhà truyền thống Trung tâm mục vụ (TTMV) Tổng giáo phận Sài Gòn đã diễn ra buổi sinh hoạt của nhóm “Đồng xanh thơ Sài Gòn” với chuyên đề “Thi ca công giáo trong việc chuyển tải thông điệp tình yêu”. Cũng trong buổi sinh hoạt này, các thành viên đã có phần trao đổi về tập thơ “TÂM SỰ MÙA VƯỢT QUA” là tập thơ của linh mục thi sĩ Công Giáo Phêrô Đỗ Khắc Minh Khoa, bút hiệu Khắc Đỗ, hiện đang là cha phó giáo xứ Chợ Quán của Tổng Giáo phận Sài Gòn.

Hiện diện trong buổi gặp chuyên đề có Linh mục Phanxicô Xaviê Bảo Lộc (Giám đốc TTMV), cha mẹ (ông bà cố) của nhà thơ linh mục Khắc Đỗ, đại diện giới giáo chức Công giáo, huynh trưởng Hướng đạo và các thành viên trong nhóm “Đồng xanh thơ Sài Gòn” cùng với khách mời là 1 Phật tử có tâm hồn yêu thơ. 

Linh mục Phanxicô Xavie Bảo Lộc

Song thân của linh mục Khắc Đỗ

Trước khi ban phép lành cho tham dự viên buổi sinh hoạt chuyên đề, Cha Phanxicô Xaviê gợi lên lời Đức Giáo hoàng Phanxicô nói về vai trò của văn chương trong việc đào tạo linh mục và Kitô hữu. Ngài chia sẻ một “tâm tư” và một “tâm tình” nhân buổi ra mắt tập thơ “Tâm sự mùa Vượt qua”. Tâm tư là làm sao loan báo Tin Mừng giữa lòng đô thị. Tâm tình là cầu mong cho thi ca và văn chương sẽ lan tỏa truyền tải tình yêu Thiên Chúa, loan báo Tin Mừng đến mọi người cũng như qua ngôn ngữ điện ảnh.

Nhà thơ Vũ Thủy khai mạc buổi thuyết trình với đề tài “THI CA VỚI SỨ VỤ LOAN BÁO TIN MỪNG - NÀNG THƠ LEN LỎI GIỮA ĐỜI”.

Chị từng trải qua bệnh tật, đôi mắt mất dần thị lực và chìm hẳn vào bóng tối. Nhưng trong bóng tối sinh học đó, chị đã tìm thấy ánh sáng Thiên Chúa soi rọi và dẫn dắt chị trở thành một nhà thơ kín múc cảm hứng từ Lời Chúa, người truyền tải thông điệp tình yêu Thiên Chúa. Hiện chị sử dụng 2 bút danh là Vũ Thủy và Hoa Mặt Trời.

Bài thuyết trình của nữ thi sĩ gồm 3 phần: Thần Khí Trong Thi Ca, Tin Mừng Trong Hiện Thực Và Tiếp Cận Người Đọc.

Thần khí trong thi ca: Một khi trong trí óc tôi xuất hiện những ý tưởng mà tôi cảm thấy đây sẽ là chất liệu cho tôi sáng tác thơ; dẫu là thơ đạo hay đời, việc trước tiên tôi sẽ làm là hướng về Chúa Thánh Thần. Tôi cầu xin Ngài cầm tay tôi để tôi có thể viết ra những điều Ngài muốn, và để những gì tôi viết ra có thể đem lại ích lợi thăng tiến cho người khác!

Tin mừng trong hiện thực: Cuộc sống có muôn màu muôn vẻ, có những cảnh đời tráng lệ tươi vui, nhưng cũng không ít cảnh đời tăm tối sóng gió chập chùng khiến con người sợ hãi bất an. Với tư cách là một thi sĩ đi loan báo Tin Mừng của Chúa, tôi phải đem đến cho đời những dòng thơ mang lại sự bình an, chứ không chỉ lo trau chuốt những bài thơ bóng bẩy mà chẳng đọng lại ý nghĩa gì cho người đọc. Chúng ta xác tín rằng: Chúa Giê-su đã giáng trần sống kiếp con người, và đã chịu chết trên thập giá để cứu chuộc chúng ta. Ngài dạy chúng ta phải vác thập giá theo Ngài rồi mới được vào cõi trường sinh... Tôi đã từng nếm trải hạnh phúc ở đời này ngay cả khi gặp gian nan khốn khó, và tôi đã diễn tả niềm hạnh phúc đó trên những vần thơ của mình, mong giúp bạn đọc sáng lên niềm hy vọng.

Tiếp cận người đọc: với sứ vụ LOAN BÁO TIN MỪNG, tôi rất mong những bài thơ loan báo Tin Mừng của mình đến được với mọi giai tầng trong xã hội; vì thế, tôi luôn cố gắng chọn thể loại đơn giản, ngôn từ súc tích dễ hiểu và mô tả hình ảnh sao cho thật cô đọng ở mỗi bài thơ. Sự lựa chọn đó phải hết sức gần gũi với đời sống con người. Với đối tượng là thiếu nhi, các em dễ bị thu hút bởi những hình ảnh và âm thanh sinh động; vì thế, Hoa Mặt Trời cố gắng tiếp cận với các em bằng những vần thơ chứa đựng nhiều hình ảnh vui tươi ngộ nghĩnh và những âm thanh sôi động để gây sự chú ý cho các em.

Nắng vàng còn ở trên cao
Đã nghe tình Chúa tràn vào tim ai
Rộn ràng như nắng ban mai
Sáng nay chim hót, hoa lay trong vườn

Kìa ai mở cửa linh hồn
Đón Ngài vào ngự, gió tuôn sóng trào

Hồn ai vui đến cồn cào
Hồn ai vui đến lao xao nhà mình
Mặt trời vui ánh bình minh
Bởi tình Chúa đã hóa tình thiên thu!

Trích trong bài thơ “Hạt cát trở mình” (Vũ Thủy – Viết mừng ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống 2014)

Tiếp đến, nhà phê bình văn học Bùi Nhân “BÀN VỀ TẬP THƠ “TÂM SỰ MÙA VƯỢT QUA” CỦA LINH MỤC – NHÀ THƠ KHẮC ĐỖ TỪ GÓC NHÌN THI PHÁP HỌC VÀ CẢM NHẬN LIÊN TÔN”.

Diễn giả đã phân tích “Cấu trúc và thi pháp của tập thơ” và đưa ra “Góc nhìn liên tôn đối với tác phẩm tôn giáo dạng thi ca”

Cấu trúc và thi pháp của tập thơ: nhà phân tích Bùi Nhân đã đưa ra phân tích về cấu trúc tổng quát, tập thơ gồm 39 bài thơ, bao gồm 4 thể loại thi ca: lục bát, thất ngôn tứ tuyệt trường thiên, bát ngôn và song thất lục bát. Trong đó các thể loại thơ lục thất và song thất lục bát là thơ thuần túy Việt Nam được áp dụng luật Bằng – Trắc chặt chẽ. Sử dụng lục bát và song thất lục bát để kể chuyện, trần thuật là điểm dễ thấy của tác giả Khắc Đỗ trong mảng truyện thơ Đạo như góp mặt và hội nhập vào dòng chảy truyện thơ nôm dân tộc. Ngoài ra trong tập thơ “Tâm sự mùa Vượt Qua” của còn sử dụng thể loại thơ Đường luật như “Thất ngôn tứ tuyệt”, “Thất ngôn bát cú” tuy nhiên tác giả khéo léo vận dụng để những bài thơ theo thể loại này không bị gò bó trong công thức mà vận dụng có hơi thở thời đại mới để bài thơ trở nên gần gũi và khoáng đạt hơn.

Góc nhìn liên tôn đối với tác phẩm tôn giáo dạng thi ca: khi đêm tập thơ “Tâm sự mùa Vượt Qua” giới thiệu đến các bạn bè tôn giáo bạn, nhà phân tích Bùi Nhân đã nhận được những phản ứng tích cực. Mặc dù nội dung tập thơ mang đậm giáo lý  Công giáo nhưng ý nghĩa của tập thơ đã chạm vào điểm giao thoa tôn giáo. Từ đó các bạn ở tôn giáo bạn tìm thấy được sự đồng điệu và nét đẹp tôn giáo chúng đôi bên. Sử dụng thể thơ thất ngôn đã thể hiện tâm sự của một người con mộ đạo, suốt đời phụng sự và luôn hết lòng tôn thờ Chúa - Điều này có sự tương đồng với đạo Phật vì khi bất cứ ai đến với đạo đều đặt cả tấm lòng và đức tin của mình vào đạo, thấm nhuần tư tưởng đạo lí sống tốt đời đẹp đạo.

Cảm nhận tập thơ “Tâm sự mùa Vượt Qua” của nhà thơ nữ Tiếng Vọng tiếp tục phần trình bày của chuyên đề.

Thành viên ĐXTSG này đã nhận thấy tập thơ  một lộ trình theo thứ tự Sám hối - Khổ nạn - Loan truyền - Tuyên xưng. TÂM SỰ MÙA VƯỢT QUA là một tác phẩm chất chứa nhiều cảm xúc, lột tả được tâm trạng, khai thác nội tâm của từng nhân vật trong Kinh Thánh. Tác giả tường thuật lại những câu chuyện bằng thơ, rất thơ... Những vần thơ sâu lắng, từng câu chữ đã thức tỉnh bao tâm hồn để mỗi mùa Vượt Qua về, chất liệu thiêng liêng quý báu này sẽ giúp mỗi người chúng ta sốt sắng bước vào Tuần Thánh theo lời mời gọi của tác giả: “Cùng nhìn lại Mùa Vượt Qua năm ấy, để sống trọn vẹn Mùa Vượt Qua năm nay và hướng đến Mùa Vượt qua vĩnh cửu mai này.”

Kế đến, anh Huỳnh Tín Bảo chia sẻ cảm tưởng về tập thơ. Tuy là một Phật tử, anh cũng có sự đồng cảm, đồng điệu với tác giả qua những bài thơ. Trong tập thơ “Tâm sự mùa Vượt Qua” của nhà thơ Khắc Đỗ, anh nhìn thấy có sự giao thoa giữa vẻ đẹp của Công giáo và Phật giáo .  

Phần cuối chương trình là phần giao lưu giữa nhà thơ linh mục Khắc Đỗ với các tham dự viên.

Tập thơ “Tâm sự mùa Vượt Qua” được Lm Phêrô sáng  tác  trải dài nhiều năm, vào mùa Phục Sinh, khi ngài còn là chủng sinh tại Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn. Mỗi bài thơ là tiếng lòng, là cảm xúc tuôn trào về mầu nhiệm Vượt Qua mà tác giả được chứng kiến và cảm nhận. Tác giả xác tín rằng các bài thơ đều được tác nhờ ơn Chúa Thánh Thần .  

Trong phần giao lưu với các tham dự viên, có những câu hỏi thú vị xoay quanh quá trình hình thành tập thơ, cả người đặt câu hỏi lẫn người trả lời đều được nhận những phần quà lưu niệm từ nhà thơ Khắc Đỗ.

Buổi hội thảo khép lại trong niềm vui và đã khơi dậy cho tham dự viên niềm cảm hứng mới trong  việc loan báo Tin Mừng qua thi ca.

Kết thúc chương trình, mọi người cùng chụp ảnh lưu niệm trước khi ra về.

Bài: Hoà Nhã (TGPSG)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top