Chuyên đề 186: Góc nhìn về thành công

Chuyên đề 186: Góc nhìn về thành công

Đã làm người trong cuộc đời, ai cũng phải có một mục đích để vươn đến. Khi đã chinh phục được một mục tiêu và thực sự cảm thấy thỏa mãn thì con người gọi đó là thành công. Như vậy, thành công là gì? giới trẻ ngày nay nghĩ như thế nào mới là thành công? và phải định hướng như thế nào để đạt được thành công trong cuộc sống?

Để trả lời những câu hỏi trên đây, lúc 14g30 ngày 23-11-2013, Chương trình chuyên đề của Ban mục vụ TGP Sài Gòn đã tổ chức buổi tọa đàm "Định hướng để thành công" do thầy Giuse Mai Thanh Hoài, Phó Ban Chương trình Chuyên đề Giáo Dục trình bày cùng với ba vị khách mời: Anh Giuse Mai Trung Hậu - Giám đốc Marketing công ty Nesle Việt Nam, Anh Antôn Nguyễn Hoàng Phong - Chuyên viên đào tạo nhân sự Tổng công ty cổ phần khoan dầu khí (PV Drilling) và chị  Rosa Nguyễn Thị Phi Phương - Cộng đoàn Emmanuel. Bằng những kiến thức, kỹ năng cùng với những kinh nghiệm quý báu, thầy Giuse cùng với ba vị khách mời đã khai mở và chỉ ra những phương pháp giúp cho những ai đang băn khoăn về việc định hướng thành công trong công việc và trong cuộc sống.

Buổi tọa đàm diễn ra với hai phần:

Phần I: Cùng nói về hai chữ "Thành công":

1. Thế nào là thành công ?

Có rất nhiều quan niệm về thành công. Nếu ta hỏi 100 người: "Thành công là gì ?" Chắc chắn ta sẽ nhận được 100 câu trả lời khác nhau. Ước mơ của mỗi người khác nhau nên thành công của mỗi người cũng khác nhau. Thành công chính là lúc ước mơ trở thành hiện thực. Có người nói thành công của họ là vào năm 40 tuổi họ sẽ có một căn nhà ở tại thành phố, có người cho rằng thành công của họ là có được vị trí mà họ mong muốn, cũng có người nói rằng thành công của họ là khi nấu được một món ăn ngon ....

Đối với một số quan niệm thông thường thì thành công là phải giàu có, phải có tài sản đáng giá, phải có một quyền lực trong tay, phải đạt được một thành tích được mọi người công nhận. Con người có quá nhiều ước mơ, hoài bão, khi đã đạt được một điều gì đó, họ lại ước đến những điều lớn lao hơn, từ một thành công nhỏ lại ước muốn những thành công lớn hơn.

Xét cho cùng, dù có đưa ra bao nhiêu định mức về thành công đi chăng nữa thì thành công cũng chỉ là một hành trình chứ không phải là đích đến.

2. Tại sao cần phải định hướng để thành công?

Trong câu chuyện Kinh Thánh, Chúa Giê-su cũng đã đưa ra lý do vì sao cần phải định hướng để thành công như: "người ngu xây nhà trên cát, khi mưa sa bão táp ập vào, ngôi nhà sẽ vỡ tan tành, còn người khôn xây nhà trên đá thì dù cho mưa sa hay bão táp ập vào, ngôi nhà cũng không lay chuyển..." (Mt 7, 24-27) hoặc như "có vua nào sắp đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên không ngồi suy nghĩ xem mình có thể đem mười ngàn quân ra đương đâu với đối phương dẫn hai mươi ngàn quân tiến đánh mình chăng?" (Lc 14, 31)

Đối với thành công cũng vậy, điều quan trọng để đạt được là ta cần phải định hướng vì định hướng giúp cho ta:

- Đi đúng đường đã lựa chọn

- Vững bước để thành công và vươn đến tương lai

- Hạn chế thời gian vô ích

- Không bị "lầm"

- Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì được ích gì.

Tóm lại, để hiểu rõ hơn về thành công, chúng ta cần làm một số bước cụ thể như sau:

Xác định mục đích sống:

- Tôi đang tìm kiếm mục đích gì?

- Tại sao tôi được tạo ra?

- Tôi có tin vào năng lực tiềm năng của mình không?

- Khi nào tôi nên bắt đầu.

Hiểu rõ mục đích của bạn:

- Bạn muốn đi đâu?

- Bạn có thể đi bao xa?

- Làm thế nào để đi đến đích?

Phát triển tối đa tiềm năng của bạn:

- Hành trang mang theo

- Xác định phương hướng

Hãy giúp đỡ mọi người:

-  Cuộc hành trình không phải chỉ có một mình ta mà là của cả gia đình với những sự động viên

- Lựa chọn một người đồng hành đáng tin tưởng.

Cách riêng, đối với các bạn trẻ công giáo, nếu muốn thành công thì không bao giờ được thiếu yếu tố Cầu nguyện. Cầu nguyện để nhận biết và hiểu rõ hơn về giá trị bản thân. Cầu nguyện để khiêm tốn nhận biết vị trí của mình trong vũ trụ bao la này thật bé nhỏ mà vẫn được Chúa yêu thương và nhất là cầu nguyện để biết được rằng "Tôi được sinh ra trong cuộc đời là có một không hai do tình yêu nhưng không của Chúa, tôi hoàn toàn có tự do tìm kiếm hạnh phúc và sự toàn hảo. Chúa luôn muốn tôi thành công và đóng góp phần của mình vào công trình sáng tạo của Ngài".

3. Lý do bạn phải thành công:

Thiên Chúa đã sinh ra chúng ta trong đời và đồng thời Ngài trao cho mỗi người một tài sản là những nén bạc. "Ai có mười nén phải làm lợi mười nén. Ai có năm nén phải làm lợi năm nén. Ai có một nén cũng phải làm lợi một nén". Vì vậy, chính bản thân ta sẽ mang trách nhiệm nặng nề nếu ta từ chối học hỏi và phát huy những tài năng Chúa ban khi có thể được. Thiên Chúa mời gọi sự cộng tác của con người. Nếu Chúa làm một mình, chắc chắn công trình sẽ hoàn hảo hơn nhưng con người sẽ kém "cao cả".

Chúa sinh con người vào đời và ban cho sự tự do đích thực. Tuy nhiên, con người đã quên "Đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng" qua cách hiểu sai lạc rằng: "Tôi có tự do, tôi muốn làm gì thì làm. Chỉ khi tôi hành động theo ý riêng tôi thì tôi mới cảm thấy tự do. Cũng chính vì những ý tưởng đó mà bao nhiêu những tệ đoan đã xảy ra, bao nhiêu chết chóc đã đưa tới" (Dongcong.net - Một thoáng suy tư Tầm Xuân, CMC).

Bạn cần phải thành công vì đó chính là bổn phận làm người Công giáo của bạn. Bạn cần phải thành công vì nhân loại đang quay cuồng và mất phương hương trong cơn lốc của cuộc cách mạng đang cần bạn đưa họ vào "Đường hy vọng".

II. Tọa đàm:

Sau phần trình bày về những vấn đề xoay quanh hai chữ "Thành công" là buổi trò chuyện, chia sẻ kinh nghiệm và giải đáp thắc mắc giữa các khách mời với các bạn trẻ. Các bạn trẻ đã đưa ra những câu hỏi rất thực tế như sau:

Làm thế nào để biết được mình đã định hướng đúng? Và một khi định hướng sai thì làm cách nào để quay lại?

Anh Hậu trả lời: Có một nhà văn đã nói: "Nếu không có mục đích bạn không làm được gì và bạn cũng không thể làm được điều gì cao cả nếu như mục đích tầm thường". Như đã chia sẻ thì ta biết thành công làm một hành trình chứ không phải là đích đến. Xã hội ngày nay thay đổi liên tục và điều đó đòi hỏi con người cũng cần phải thay đổi cho phù hợp với xu hướng đó. Tất nhiên đó là sự hòa nhập chứ không phải hòa tan. Bạn thay đổi để thích ứng với hiện tại chứ không thể áp dụng luật cũ cho hoàn cảnh mới. Bạn phải xác định được "Tôi là ai?", "Tôi đang ở đâu?", trả lời được những câu hỏi này là bạn có thể xác định được vị trí hiện tại của bạn đối với định hướng của bạn đề ra, để bạn biết bạn ở gần hay đã đi quá xa so với định hướng ban đầu nhưng điều cốt lõi là vẫn phải giữ nền tảng của Đức tin vì có như vậy bạn mới không bị cuốn hút vào những vòng xoáy vô cùng của xã hội.

Vậy để biết được mình có định hướng đúng hay không, bạn phải có một người tư vấn đáng tin (mentor) như là một người anh tinh thần khôn ngoan để giúp bạn nhận ra thực tại vấn đề và cho bạn những lời khuyên tốt nhất.

Khi bị đối phương, đồng nghiệp hại vì ghen tỵ hoặc xung đột thì phải làm sao?

Thầy Hoài trả lời: Theo kinh nghiệm của riêng tôi thì trước hết tôi tạm gác công việc đó lại, tìm nơi thinh lặng để cầu nguyện. Sau đó tôi sẽ tìm đối tượng đó để đối thoại một cách chân thành cởi mở, nêu lên những nguyện vọng của mình để thuyết phục họ và hàn gắn mối quan hệ.

Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp ta không nên nhát gan quá, có những trường hợp cần phải giải quyết triệt để theo đức công bằng thì phải cân nhắc, dự định trước xem tình huống xấu nhất xảy ra sẽ là gì và ta sẽ được gì? Nếu thật sự cần thì đừng sợ va chạm vì một hòn sỏi có va chạm, có lăn lóc bên cạnh những hòn sỏi khác mới được sáng bóng và tròn trĩnh.

Có phải lúc nào ta cũng phải thay đổi để chạy đua theo xã hội ? 

Anh Hậu trả lời: Cuộc sống vốn dĩ luôn là chuỗi dài những lựa chọn. Quan trọng là bạn lựa chọn ở thời điểm nào mà thôi. Ta thay đổi là thay đổi phương hướng, cách làm để đạt được mục tiêu đặt ra chứ không phải thay đổi mục tiêu. Chẳng hạn khi bạn sản xuất một mặt hàng nào đó, bạn phải tìm hiểu xem xã hội bây giờ đang cần gì, họ ưa chuộng loại nào hơn để có thể cho ra sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của họ, ta chỉ sản xuất cái họ cần chứ không sản xuất cái họ đã có. Vấn đề của bạn chính là tự kiểm tra để biết mình cần hòa nhập ở một mức độ nào là đủ. Ngoài ra, khi tham khảo ý kiến ta đừng nên hỏi những người thông minh với những lý thuyết mà hãy hỏi những người từng trải với nhiều kinh nghiệm. Và đừng quên cầu xin ơn Chúa để có thể NGỘ ra mình có gì để lấy đó làm thế mạnh và phát triển.

Đã định hướng rất nhiều nhưng không thể thành công vì không được sự ủng hộ của bố mẹ thì phải làm sao?

Thầy Hoài trả lời: Riêng tôi, tôi không thể đưa ra cho bạn một câu trả lời chính xác nhưng vẫn theo kinh nghiệm của tôi thì có một điều chắc chắn rằng bố mẹ luôn yêu thương mình. Bố mẹ luôn muốn điều tốt nhất cho mình. Chính bố mẹ cũng là những người từng trải, từng gặp nhiều sóng gió trong cuộc đời nên sẽ cho mình được những lời khuyên hết sức khôn ngoan.  Vấn đề còn lại của bạn chính là phải thuyết phục như thế nào? Bạn phải lựa thời điểm thích hợp, nơi chốn thích hợp, và nên lựa cách nói làm sao để bố mẹ thấy được tích cực trong dự định của mình. Bạn nên cầu nguyện trước và xác định điều mình cần với điều mình muốn. Có khi điều mình muốn không phù hợp và không mang lại kết quả tốt cho bằng mang lại hậu quả xấu nào đó. Hãy cố gắng tìm sự đồng thuận trong cuộc trao đổi với bố mẹ bởi vì bố mẹ luôn dạy con cái mình bằng cả trái tim chứ không chỉ là tri thức của sách vở.

Kết thúc buổi tọa đàm với một bầu khí hứng khởi vì các bạn trẻ đã có thêm nhiều kinh nghiệm cho bản thân mà từng bước tiến đến thành công trên hành trình cuộc sống. Thầy Giuse Mai Thanh Hoài đã đúc kết lại bằng một câu nói: "Khi đã đạt được thành công ta còn phải thành nhân, thành nhân mới chính là thành công tuyệt vời".

(Nguồn: chuongtrinhchuyende.com)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top