Chuyên đề 169: Trên đường Emmau

Chuyên đề 169: Trên đường Emmau

WGPSG -- Lời mở

Giữa biển đời đầy sóng gió, hằng ngày, con người luôn phải đối diện với bao gian nan, lo toan cho cuộc sống… Và lắm lúc, ta cảm thấy mệt mỏi, chán ngán. Hình ảnh của hai môn đệ trên đường Emmau chính là một phản ánh rất thực về thân phận của những con người theo Chúa.

Trong lúc buồn chán, hai môn đệ đã không thể nào nhận ra Chúa Giêsu đang đồng hành với họ. Chúa Giêsu đã kiên nhẫn dùng Kinh Thánh giải thích, đánh tan sự sợ hãi nơi các ông (Phụng vụ Lời Chúa) và rồi họ đã nhận ra Chúa khi Ngài bẻ bánh (Phụng vụ Thánh Thể). Thánh lễ chính là sự mô phỏng lại hành trình của người môn đệ trên đường Emmau. Nhờ Chúa Giêsu, Thánh lễ sẽ là nơi con người được nối kết với Thiên Chúa, nối kết với nhau và cùng quy tụ dưới một mái nhà.

Chuyên đề 169 “Trên đường Emmau” được tổ chức vào lúc 14g30 ngày 20.04.2013, tại giảng đường Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, TTMV TGP Sài Gòn, do Lm. Giuse Lê Quang Uy, C.Ss.R thuyết trình, đã giúp cử tọa tìm thấy phương thế hữu hiệu để có thể vượt qua những cơn sóng gió cuộc đời.

Giới thiệu khái quát

Sau khi cầu nguyện khai mạc, Cha Giuse công bố đoạn Tin Mừng Lc 24,13-35 và mời gọi mọi người cùng hát bài: “Trên đường Emmau”. Tiếp theo, Cha giới thiệu khái quát ý nghĩa các phần Phụng vụ trong Thánh lễ:

1. Phần phụ mở đầu, Phụng vụ Tập Hợp (Liturgie du Rassemblement)

2. Phần chính thứ nhất, Phụng vụ Lời Chúa (Liturgie de la Parole)

3. Phần chính thứ nhì, Phụng vụ Tạ Ơn (Liturgie de l’ Eucharistie)

4. Phần phụ kết thúc, Phụng vụ Sai Đi (Liturgie du Renvoi)

Như vậy, ngoài hai phần chính yếu trong Thánh lễ là Phụng vụ Lời Chúa và Phụng vụ Thánh Thể, cha còn giới thiệu thêm hai phần phụ: Phụng vụ Tập Hợp và Phụng vụ Sai Đi, một phần để mở đầu và một phần để kết thúc Thánh lễ.

Do thời gian có hạn, cha không thể trình bày hết bốn phần trong chuyên đề hôm nay. Theo ý kiến chung, cử tọa muốn tìm hiểu kỹ từng phần nên cha đã đào sâu mục 1 và mục 2. Hai mục còn lại, mọi người hẹn gặp lại nhau vào một buổi khác.

Phụng vụ Tập Hợp (Liturgie du Rassemblement)

Với hình ảnh thân thương trong khung cảnh một gia đình vùng quê Việt Nam, Cha Giuse đã giúp mọi người khám phá ra ý nghĩa sâu xa của phần Phụng vụ Tập Hợp.

Trong phần phụ mở đầu Thánh lễ, Giáo hội muốn diễn tả tâm tình của những người con đã từng tin và gắn bó với Chúa nhưng đã bị những vấn nạn của cuộc sống làm đuối sức. Bước vào Thánh lễ, với bài ca nhập lễ, cộng đoàn phụng vụ cần có tâm tình vui sướng khi được trở về ngôi nhà thân yêu, được gặp lại Cha và anh em của mình. Nơi đây, mọi người không chỉ giống nhau trong tư cách là con của Thiên Chúa, mà còn giống nhau vì… đã từng phạm tội!!! Vì thế, phần này còn được gọi là Phụng vụ Sám Hối.

Một mái nhà, một tổ ấm, một cuộc họp mặt bên nhau, một cuộc trở về, sám hối, giao hòa là những tâm tình mà cộng đoàn cần có để nhờ vào Chúa Giêsu và Hội Thánh mà cùng hiệp dâng Thánh lễ.

Phụng vụ Lời Chúa (Liturgie de la Parole)

Sau khi trở về nhà, mọi người cùng được Chúa Cha thiết đãi một bữa tiệc với các món ăn trong “thực đơn” gồm một bài đọc Cựu ước, một bài Thánh vịnh đáp ca, một bài Tân ước, một câu Tung hô và đỉnh cao là chính Lời của Giêsu, trích từ một trong bốn sách Tin Mừng, sau đó là bài giảng của linh mục.

Bữa đại tiệc này, Thiên Chúa đã giao cho Hiền thê của Đức Kitô, là chính Giáo hội, dọn ra cho tất cả đàn con yêu dấu của mình. Bữa đại tiệc gồm những món “cao lương mỹ vị” vô giá, vừa là chất bổ dưỡng lại vừa là linh dược chữa lành mọi bệnh tật tâm hồn và thể xác. Thực đơn sẽ gồm ít hay nhiều món là tùy theo các ngày trong tuần hay là Chúa nhật và đặc biệt long trọng sẽ là bữa tiệc đêm Vọng Phục Sinh, mỗi năm chỉ có một lần.

Trong phần này, cha lưu ý đến vai trò của những người được ủy thác cho việc đọc sách. Những người này cần có tư cách đàng hoàng, ăn mặc chỉnh tề kín đáo, giọng đọc tốt, có tập luyện, chuẩn bị trước.

Về phía cộng đoàn, cần thay đổi những thói quen xấu như thờ ơ không nghe Lời Chúa, nhưng lại mải mê lần chuỗi Mân Côi, lo làm những việc khác trong giờ này…

Lời kết

Nhờ khả năng diễn giải hùng hồn, lôi cuốn và… “đầy lửa”, Cha Giuse đã giúp cử tọa thấy được ý nghĩa sâu xa của từng chi tiết nhỏ trong phụng vụ. Với những câu chuyện minh họa từ kinh nghiệm làm mục vụ của chính mình, cha đã giúp mọi người ý thức hơn về những sai lầm có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng trong khi cử hành phụng vụ.

Chuyên đề tạm khép lại vào lúc 17g30, mọi người hẹn gặp lại nhau vào một buổi khác, để cùng tìm hiểu tiếp hai phẩn phụng vụ còn lại trong Thánh lễ. Thế nhưng, với những gì biết được về Thánh lễ trong buổi nói chuyện của Cha Giuse Lê Quang Uy, người tham dự đều có thể khám phá ra những giá trị tuyệt vời của Thánh lễ trong đời sống người môn đệ Chúa, để rồi từ đây sẽ tham dự Thánh lễ một cách tích cực hơn.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top