Chúng tôi là thượng khách

Chúng tôi là thượng khách

Thứ bảy 11 tháng 12 năm 2010 vừa qua quả là một ngày khó quên của Ban Mục Vụ Đối thoại Liên tôn: chúng tôi cùng nhau đi tĩnh tâm Mùa Vọng. Ngày hôm nay còn mang nhiều ý nghĩa khác đối với chúng tôi, thiết nghĩ vui quá nên phải kể ra để mong nhiều người thương mà vui lây. Xin cảm ơn quý vị trước!

Số là: lý do thứ nhất: Mừng ngày Thôi Nôi của Ban MVĐTLT TGP Tp. HCM. Lý do kế: Nhóm chúng tôi chỉ có 20 người, mà nhờ Trung Tâm quy tụ là Thầy Giêsu, nên chỉ sau một năm sinh hoạt, đã có những bước tiến khả quan. Kết quả này do sự liên đới và cộng tác của nhiều thành phần lắm: linh mục triều và dòng, tu sĩ của 7 dòng tu và cả giáo dân chúng tôi; đặc biệt nhất là sự dẫn dắt tận tình của Đức Hồng y Tổng Giám Mục và Đức Cha Phêrô, Giám đốc Trung Tâm Mục Vụ (TTMV). Lý do út: Tập 3 của Nhịp Cầu Tâm Giao (3 tháng một kỳ) cũng được chính thức ra mắt ngày hôm nay.

Hơn 8 giờ, hai xe taxi 7 chỗ chở nhóm chúng tôi từ TTMV đến tu viện Phanxicô. Đến 9 giờ, chúng tôi đã tập họp tại nhà nguyện Emmaus. Cha trưởng Ban nói lời khai mạc buổi tĩnh tâm với các nội dung trên và thông báo chương trình tĩnh nguyện. Chị Hồng Đỉnh phụ trách gõ chuông điểm giờ cho nhóm. Cả nhóm bắt đầu giờ cầu nguyện với bài “Để Chúa đến” của linh mục Nguyễn Duy.

Bạn hãy tưởng tượng, nhà nguyện thì ấm cúng và xinh xinh, chung quanh thì tĩnh lặng, tiếng hát của chúng tôi được cất lên vang vang… Thiên Chúa nghe thấu hết và tuôn đầy Thần Khí cho đoàn con đang nài xin. Mọi người ngồi, tùy ý chọn chỗ, ngồi trên ghế hay thảm nhỏ dưới đất tùy thích. Cha Phanxicô mời mọi người đối diện với Thầy Giêsu và xin cho được nghe tiếng Người trong 15 phút thinh lặng…

Tôi tranh thủ mô tả nhà nguyện Emmaus cho quý bạn: nho nhỏ, mộc mạc, một cây đàn organ, khoảng 10 hàng ghế gỗ, mà mặt ghế là những tấm ván được xẻ từ thân cây để nguyên phần giác, quết dầu bóng cho nổi vân gỗ, ngồi thích lắm. Kế đến là cung thánh thật ấn tượng, vì chưa thấy nơi nào có cung thánh lạ như thế. Bàn thờ bằng gỗ với mặt bàn là một thân cây cưa ngang còn để nguyên những đường nét gẫy khúc tự nhiên. Mặt bàn ấy đặt trên bộ chân là một gốc cây khác có ba nhánh xòe ra đỡ mặt bàn, nhưng cái độc đáo đó là trên khúc cây ấy hướng về phía cộng đoàn có chạm khắc hình bốn mẹ con nhà chim với dáng điệu cảm động: chim mẹ giang rộng đôi cánh hướng lên trời, dưới bụng là bốn chú chim non thật dễ thương đang rỉa thịt mẹ để no lòng. Ôi Lạy Chúa cao cả quá Hy Tế của Chúa! Mặt tiền của cung thánh lại càng gây ấn tượng sâu sắc cho tôi ngay lúc mới nhìn cho đến kết thúc buổi tĩnh tâm. Nó là bộ rễ và mặt cắt thân của một cây đại thụ. Thân cây có đường kính khoảng 1,5 mét và các rễ của nó vươn ngang ra chiếm hết mặt tiền với rễ to, rễ nhỏ đan quyện vào nhau tạo thành nguyên tấm phông chỉ dầy khoảng hơn nửa mét.

Tôi nghĩ khi tạo ra cây này, Chúa đã định sẵn sứ mạng của nó, Ngài khéo ép rễ phát triển rộng bề mặt để giờ nó được hiện diện nơi trang trọng và thánh thiêng nhất của nhà cầu nguyện này. Thế nhưng, điều thú vị nhất là ở bố cục và ý nghĩa mà nó được mang: ở mặt cắt ngang của lõi được chạm hình ba nhân vật ngồi hàng ngang, vị ở giữa tay cầm bánh và đang bẻ ra. Đây có thể được xem như yếu tố động khiến tác phẩm luôn ở thì hiện tại. Đó là biểu tượng cho Ba Ngôi Thiên Chúa đang hướng về Thánh Thể. Ba Vị được bao bọc trong thân cây dạng tròn ấy như gợi lên ý nghĩa về “sự tròn đầy, sung mãn của Thiên Chúa”. Tôi lại càng thích thú thêm khi khám phá ra hình tướng của những rễ cây xung quanh: chúng tỏa ra hướng ly tâm chẳng khác nào như muôn vạn hào quang phát ra từ Ba Ngôi Thiên Chúa. Đây là yêu tố động bất ngờ khiến tôi ngỡ ngàng, tôi có tâm thái như đang cố đứng thẳng và căng người để hứng đón tràn đầy vinh quang Thiên Chúa. Đã lắm quý vị ơi! Cuối cùng là tượng Chúa Chịu Nạn nằm trên cái giá khác người của Dòng Phanxicô. Suốt ngày tịnh tâm, chúng tôi được mặc sức sử dụng Nhà Nguyện.

Để giúp chúng tôi củng cố tâm linh, ba vị “trưởng lão” đã lần lượt hướng dẫn 3 đề tài:
1. Linh mục Antôn, linh hướng dòng Phanxicô với đề tài: Xây dựng cái Tâm an định để đón Chúa.
2. Linh mục Giuse, dòng Đa Minh với đề tài: Kinh nghiệm thiền trong đời sống Kitô giáo.
3. Trưởng Lão thứ ba Linh mục Phanxicô Xavie với đề tài: Cầu nguyện với hơi thở.

Một người nhiều kinh nghiệm dự tĩnh tâm nói với tôi: ngày tĩnh tâm của nhóm mình đặc biệt lắm đấy vì có đến ba vị giảng thuyết, thông thường thì chỉ có một linh mục thôi. Nghe thế, mình cũng cảm thấy ngọt đoạn ruột.

Từ 11g30 ăn cơm trưa và nghỉ ngơi đến 13g30. Nói không phải khoe chứ, ai chưa từng được ăn cơm tại dòng Phanxicô là một “sự thiếu” rất lớn trong đời người. Tôi xin tranh thủ giới thiệu một tí thôi nhé: Bếp trưởng kiêm nhân viên là linh mục Giám đốc Nhà tĩnh tâm: cha Hoàng (một mình), bới cơm và tiếp thức ăn cho chúng tôi là linh mục… Trúc, để cho bữa ăn thắm tình và vui vẻ thì quý cha và các xơ gợi chuyện. Cơm trắng dẻo, rau xanh vườn sau nhà mới hái nấu canh, thịt kho tàu với trứng, cá basa cuộn giấy bạc nướng lò, trứng chiên có thịt sung túc, mực tươi xào rau, chuối tráng miệng và trà nóng định thần … ngon ơi là ngon! Chúng con cảm ơn cha Giám đốc nhiều nhiều lắm! À quên, ai ăn xong, nhớ đem chén bát của mình đi úp vào kệ sau khi rửa sạch nhé!

Ăn xong, đi ngủ thì uổng lắm, sao không đi thăm nhà bạn để mở rộng tầm mắt nhỉ, chúng tôi tự nhủ. Thế là xưởng điêu khắc của nghệ nhân kiêm nhạc sỹ Trần Thế Mừng (một thành viên của Ban MVĐTLT) ở gần nhà cơm, đã đón tiếp chúng tôi vào giờ ngọ. Cha con chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến thích thú khác khi được chiêm ngắm những tác phẩm chưa xuất xưởng, có một không hai: tượng mẹ con thánh Monica và thánh Augustinô, bức “kêu trời” về thảm họa khai thác quặng bôxít, tượng chim câu hòa bình, nét đẹp phụ nữ Việt Nam. Ngạc nhiên nhất là bức phù điêu Phật Bà Quan Âm bằng đồng …. Đến chiều, chúng tôi còn được nhạc sỹ tặng cho đĩa CD 10 ca khúc đắc ý nhất mang tựa đề “Bài ca tri ân”. Xin cảm ơn Thầy nhiều. Thầy đã có quà tặng rồi, mà Cha Bề trên Dòng còn hỏi tới: “Thầy có tác phẩm gì để tặng cho mọi người chưa?”. Thầy lúng túng chưa biết trả lời thế nào cho ngắn và rõ ràng. Riêng tôi thì biết rằng: Thầy sẵn sàng cho nhiều hơn rồi, vì Thầy đã đồng thuận sáng tác một biểu tượng bằng gốm sứ cho Ban Mục Vụ ĐTLT theo lời nhờ cậy của Cha trưởng Ban. Cảm ơn Thầy lắm.

Tiếp đến, chúng tôi lại còn được thăm viếng đan viện Clara. Đến đây thì chẳng thấy một tu sĩ nào khác ngoài soeur mở cổng. Tôi hỏi: “sao ở đây vắng vậy? Soeur Ngọc lan trả lời: “Dòng chiêm niệm thì làm gì có người nói chuyện với mình”. Thôi thì thăm Chúa ở đây vậy! Nhà nguyện nho nhỏ với trần gỗ, ngoài cung thánh ra còn có hai khu vực: phía gần bàn thờ dành cho các tu sĩ, khu vực sau dành cho giáo dân trong vùng dự lễ. Có một hàng dậu thấp bằng sát đặt để phân cách hai khu vực (tôi hỏi: sao lại có cái hàng rào này ở đây nhỉ? Ơ hay, đã bảo đây là dòng kín mà còn hỏi! Soeur bạn nhắc. “Ờ hé!”).

Bàn ghế trong Nhà Nguyện bằng gỗ, nghiêm chỉnh sạch sẽ và đầy sách. Chào Chúa xong, chúng tôi ra sân vãn cảnh, có lẽ chào Chúa nên Chúa vui, vì thế Chúa tặng cho tôi một kinh nghiệm về dòng Clara. Số là ở giữa sân có một thảm cỏ xanh mát mắt hình tròn, chung quanh thảm cỏ được xây bờ gạch thấp chừng ba tấc, trên bờ gạch này có để tám chậu nhỏ có cắm các cành cây bông sứ Thái Lan xếp rải đều nhau (chắc là mới giăm nên chưa có cọng lá nào) Nhìn thảm cỏ tròn, tôi liên tưởng đến vầng trán thanh thản và ngời sáng của quý nữ tu dòng chiêm niệm. Vòng bờ gạch bao quanh có tám chậu sứ không lá được xếp rải đều, tôi liên tưởng đến vòng gai Chúa bị đặt trên đầu. Ý nghĩa tổng thể của cảnh bài trí đã gợi lên trong tôi là Chị em Dòng nhắc nhớ và động viên nhau thông phần đau khổ với Chúa Giêsu qua hình ảnh Chúa đội mão gai. Ôi! Đẹp quá những tân nương mỹ miều của Thiên Chúa. Xin cảm ơn các Chị, “Những buồng phổi Thánh Linh của chúng em” Hình ảnh thứ hai gây ấn tượng cho tôi là: ở mặt tiền Nhà nguyện có trồng 2 cây tùng cành lá xanh tươi, cao lắm và rất thẳng. Cạnh mỗi cây tùng có một cây hoa ngọc lan cổ thụ cũng cao, xanh lá và thơm lắm. Tôi thầm phục tài bố trí phối cảnh của vị nào để gợi mở cho người xem ý tưởng: Chúa là Đấng Lang Quân đầy uy tín như dáng cây tùng, và Giáo Hội như cây hoa ngọc lan mượt mà dáng vẻ và ngào ngạt hương thơm. Tuyệt vời. Con cảm tạ Chúa đã tặng quà cho chúng con.

Đã nói đến khu vườn tu viện Clara, thì không thể không nói đến cảnh vườn dòng Phanxicô, vì hai bên hai sắc thái khác biệt. Bên phía nữ đan viện thì đằm thắm, nhẹ nhàng, thanh thoát. Còn khu vườn của các tu sĩ Phanxicô như một mảng rừng, với nhiều tầng sinh thái: cây cao vút có, cây tầm trung có, cây thấp có, hoa thân ống có, dĩ nhiên cỏ cũng có và dây leo, bèo sen súng cũng có mặt. Một đặc điểm nữa của mảng rừng là có những cây lâu năm với thân gộc cành cụt tạo cảm giác rừng cao tuổi. Hay lắm, bạn có thể tựa thân bên gốc đa để thiền, nhích sang một tí, bạn lại có thể nhìn cá lội thanh nhàn mà xả stress. Bạn thích bất ngờ không? Mời bạn đến căn đình nghinh phong để ngắm bình hoa lạ “một cây bèo tây” với dáng vẻ rât thật, rất bùn của nó. Nếu bạn thích ngồi ghế đá vừa thư giãn với khí trời vừa có chút Lời Chúa ư? Mời bạn đến với Nhà Nguyện trong rừng, ở phía đầu hồi có ghế đá với những tấm đá ghi Huấn Ngôn bằng nét chữ thư pháp như phượng múa rồng bay. Tôi thấy có nhóm khoảng hơn 10 người đã đến Dòng để sống một tuần lễ, lại nghe nói: các cộng đoàn, các nhóm muốn tĩnh tâm tại đây có khi phải liên hệ cả năm trước.… Tóm lại vườn của Dòng có duyên lắm, ở đâu bạn cũng có cảm giác thiên nhiên hấp dẫn, gần gũi và hết mực chiều chuộng lòng người. Tôi thích cách thể hiện vườn của nhà dòng vì thiết kế diễn tả mối quan hệ thân thiết huynh đệ giữa con người và tạo vật mà thánh tổ đã khơi mở, được anh em hèn mọn lưu truyền đến nay và còn tiếp tục dày công kiến tạo nên một vườn thiền cho nhân loại. Ai băn khoăn thao thức, ai khổ tâm lao trí, ai thất vọng âu sầu hãy đến nơi đây để nghe trường ca tạo vật an ủi và chia sẻ .. bảo đảm các bạn không thất vọng.

Xin tóm tắt những “cái được” của chúng tôi:

- Toàn quyền sử dụng Nhà Nguyện Emmaus.

- Được ba vị “thiền sư” truyền thụ cho biết thế nào là “hồn thiền” và cách thực hành để kết hợp mật thiết hơn với Thiên Chúa Ba Ngôi.

- Được Cha Bề Trên, Cha Hoàng và Quý Cha, Quý Thầy tiếp đón và chăm sóc nồng hậu từ hoạt động tập thể đến nhu cầu cá nhân.

- Được tham quan nhiều nơi và được tiếp xúc gần gũi với thiên nhiên ở “vườn thiền” của tu viện. Được ăn được nói được gói đem về.

- Những cảm xúc sâu đậm cùng tâm tình đạo đức đã trải nghiệm làm cho chúng tôi “lớn thêm” cùng với tuổi đời của Ban MCĐTLT

Tất cả những ân huệ trên, chúng tôi nhận được từ Thiên Chúa qua tay mọi người có liên quan. Đây chính là quà tặng của Chúa dành cho chúng tôi khi chúng tôi nhiệt tâm khao khát yêu và phụng sự Chúa.

* * *

Từ đầu bài đến giờ, có lẽ quý bạn đọc không hài lòng vì những điều tôi viết so với tựa đề xem ra lạc đề! Dạ thưa, xin thanh minh qua lời cuối: Đi tĩnh tâm quen được hiểu là đi sửa mình, vào nơi kham khổ thiếu thốn hoặc nhiệm nhặt mới phải! Thế mà chúng tôi lại được nhiều “đặc cách” quá: vậy chẳng phải Thiên Chúa đã đối xử với chúng tôi như thượng khách là gì !

Top