Caritas TGP.TPHCM: họp mặt đại diện các cơ sở hoạt động Bác Ái Công giáo

Caritas TGP.TPHCM: họp mặt đại diện các cơ sở hoạt động Bác Ái Công giáo

TƯỜNG TRÌNH BUỔI HỌP MẶT ĐẠI DIỆN
CÁC CƠ SỞ BÁC ÁI TRÊN TOÀN GIÁO PHẬN TPHCM
Chúa nhật 28/11/2009

Chương trình sắp xếp giờ khai mạc là 8 giờ 15. Sáng hôm nay trời đẹp. Trời không nắng lắm mà mát dịu làm người đi đường cũng cảm thấy thoải mái.

Đến 8 giờ thì số các đại biểu đã đến khá đông. Theo như dự tính thì có khoảng 150 đại biểu của gần 100 cơ sở lớn nhỏ sẽ tham dự buổi họp mặt này.

Đến giờ khai mạc thì số ghế sắp sẵn dành cho các Đại biểu đã đầy kín.

Phần khai mạc được thực hiện cách đơn sơ nhưng sâu lắng: Các Đại biểu đươc mời gọi hướng lòng về Chúa cùng với lời ca xin Thánh Thần ngự xuống. Lời Chúa trong Mt 25,40 nhắc lại lời của vị Đức Vua như rót vào tâm hồn mỗi người:“mỗi lần các ngươi làm như thế cho những anh em bé nhỏ nhất của Ta là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”.

Tiếp đó là đôi lời giới thiệu thành phần các tham dự. Gồm 150 người đến từ gần 100 cơ sở bác ái xã hội trong địa bàn Tổng Giáo phận, được chia làm 8 thành hình thức hoạt động bác ái khác nhau: Khuyết tật; Trẻ mồ côi, đường phố; Bảo vệ Sự Sống; Người già neo Đơn, nhóm thiện nguyện; HIV/AIDS; Lớp Học Tình Thương; Phòng khám, phát thuốc từ thiện; Lưu xá Sinh viên.

Sau đó, Cha Trưởng ban Caritas Tổng Giáo phận dựa vào Thông điệp Thiên Chúa là Tình yêu của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trình bày đề tài: “Trách nhiệm phục vụ bác ái của người Kitô hữu.” Ngài nhắc lại trách nhiệm tình yêu của Hội Thánh và cũng là của mọi Kitô hữu là loan báo Tin Mừng, cử hành Bí tích và phục vụ bác ái. Như vây, phục vụ bác ái cũng là một nhiệm vụ căn bản của người Kitô hữu, đó cũng là một cách rao giảng Tin Mừng và là hành vi thờ phượng Thiên Chúa. Ngài đề cập đến việc Caritas Việt Nam được tái hoạt động và được hội nhập với Caritas quốc tế và là thành viên thứ 163. Đến lượt mình, Caritas TGP đang nỗ lực gầy dựng lại mạng lưới Caritas các giáo xứ, tạo mối liên kết giữa các cơ sở bác ái của dòng tu, anh chị em giáo dân, để đồng hành và hỗ trợ việc phục vụ bác ái trong Tổng Giáo phận được hiệu quả hơn.

Trước giờ thảo luận nhóm, các thành viên được các Sơ dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô hướng dẫn Suy Niệm – Cầu Nguyện. Tất cả được mời gọi gặp gỡ Đức Kitô Tình yêu. Với hành trang đó, các thành viên bước vào phần thảo luận nhóm, với những câu gợi ý xoay quanh đề tài đã được trình bày.

Các thành viên được chia làm 11 nhóm, theo như loại hình hoạt động bác ái của mình. Mỗi nhóm từ 10 đến 15 thành viên. Các nhóm đã sôi nổi thảo luận trong 1 giờ.
  1. Lý do nào Hội dòng, tổ chức, hoặc cá nhân bạn đã khởi sự công việc hoặc chương trình mục vụ bác ái hiện nay? (do nhận thức trách nhiệm Kitô hữu hay do nhu cầu ngoại tại)
  2. Đối với bạn, việc thực thi bác ái có phải là việc thờ phượng Thiên Chúa không? Như vậy, việc đó được thực hiện như thế nào?
  3. Việc thực thi bác ái cũng chính là việc rao giảng Tin Mừng. Xin nêu một vài chứng từ minh họa trong công tác bác ái bạn đang thực hiện.
  4. Bạn (hoặc cơ sở của bạn) đang có những thuận lợi và gặp những thách thức nào trong sứ vụ hiện nay?
  5. Theo bạn, Caritas Sài Gòn có thể đóng góp vai trò nào đối với sứ vụ hiện nay của bạn, để cho hình ảnh và căn tính của Đức Kitô được rõ nét hơn?
  6. Theo bạn, Caritas Sài Gòn cần có những hoạt động cụ thể nào để tạo sự liên đới giữa các hoạt động mục vụ bác ái trong giáo phận, nhưng vẫn tôn trọng tính độc lập của từng tổ chức?

Đến phần chia sẻ thảo luận, các thành viên đã được chào đón Đức Hồng Y TGM giáo phận. Ngài hiện diện và chăm chú lắng nghe những tâm tư, thao thức, những thuận lợi, những khó khăn trong công tác phục vụ bác ái, cả những quyết tâm của con cái mình trong công tác Thi hành nghĩa vụ bác ái. Có rất nhiều những góp ý, đề nghị phong phú được Caritas Giáo phận ghi nhận để nghiên cứu hầu tìm ra phương thế hỗ trợ có hiệu quả.

Phần trình bày của các nhóm được đúc kết như sau:
  - Mọi người khẳng định rằng việc thành lập và hoạt động tại các cơ sở bác ái này phát xuất từ ý thức rằng: thực hành bác ái là nhiệm vụ của mỗi Kitô hữu, là tôn chỉ của các dòng tu và cũng là do nhu cầu xã hội thôi thúc. Thực hành bác ái là một phương cách hữu hiệu để rao giảng Tin Mừng và cũng là hành vi thờ phượng Thiên Chúa.
  - Có một số những thuận lợi, nhưng cũng còn nhiều thách thức. Rất cần có sự liên đới giữa các nhóm. Cần có sự đồng hành của Caritas Giáo phận để hỗ trợ về thông tin, về chuyên môn, về nhân sự và về tài chánh.

Sau hơn một giờ lắng nghe những giãi bày của những người con đang làm công tác bác ái, Vị Cha chung Giáo phận đã có những lời khích lệ và chỉ dẫn: Về mục tiêu, chúng ta có những mục tiêu trước mắt, những mục tiêu lâu dài. Về động lực, chúng ta là những người con cùng một Cha, vì thế tấm lòng của chúng ta sẽ phải luôn rộng mở đón tiếp những mảnh đời kém may mắn, cho dù có những trường hợp xét ra không hợp lý. Cần phân biệt bác ái Kitô giáo khác với những việc từ thiện thuần túy.

Sau đó, các thành viên buổi họp mặt được hân hạnh chào đón Đức Hồng Y Roger Etchegaray, cựu Chủ tịch Thánh bộ Giáo hoàng về Công lý và Hòa Bình đến thăm. Ngài cũng có những lời rất thân tình. Ngài cho biết, Caritas là tổ chức đã được khởi sự từ nước Pháp. Trong một thời gian Ngài cũng đã hoạt động trong lãnh vực này. Ngài đã được Đức Phaolo VI khuyến khích để đưa Caritas vào trong hoạt động của Giáo hội Toàn cầu. Và hôm nay, Ngài rất vui được gặp gỡ đông đào các tu sĩ và thiện nguyện của Giáo phận họp mặt để thảo luận về Caritas. Ngài khích lệ mọi thành viên và nhắc nhở rằng, Giáo phận này là Giáo phận quan trọng trong công tác bác ái của Giáo hội Việt Nam.

Sau đó, mọi người tham dự dùng bữa ăn trưa đơn sơ nhưng thân mật cùng với hai ĐHY, cha Tổng Đại diện và một số bạn bè thân hữu. Bữa ăn được công ty Mina chiêu đãi.

Khoảng 13 giờ trưa, các thành viên ra về mang theo những quyết tâm và những mong ước mới.

Tạ ơn Chúa. Xin Chúa chúc lành cho thiện chí chúng con, và nâng đỡ, bù đắp cho những giới hạn của chúng con. Xin Chúa duy trì lòng hăng say hoạt động bác ái nơi mỗi người chúng con.


Caritas TGP TPHCM

Top