Caritas TGP-TPHCM: Tường trình chuyến cứu trợ nạn nhân lũ lụt tại tỉnh Quảng Bình
CARITAS TGP Tp HCM
Tường trình chuyến Cứu trợ nạn nhân lũ lụt
tại Tỉnh Quảng Bình
(từ ngày 20 đến 24/10/2010)
Ngày 05/10, sau khi được tin về cơn mưa lụt vừa hoành hành trên đất Quảng Bình - Hà Tĩnh, gây thiệt hại nặng nề về nhân mạng và tài sản, Caritas Tổng giáo phận Tp HCM đã gom tất cả số tiền là 50 triệu trong quĩ cứu trợ của mình để gửi cho Caritas giáo phận Vinh. Liền sau đó, văn phòng Caritas đã gửi thư Chia Sẻ đến những bạn bè thân quen trong gia đình Caritas, mời gọi tham gia cứu trợ. Sau hơn một tuần lễ, đã có nhiều người tham gia tích cực, văn phòng Caritas đã nhận được 170 triệu đồng tiền mặt. Và cũng ngay sau đó, được tin cơn lũ thứ hai tiếp tục hoành hành và đồng bào giáo phận Vinh lại càng khốn khổ hơn. Trong tình thế đó, văn phòng Caritas quyết định tổ chức một đoàn cứu trợ đến tận nơi để chia sẻ vật chất và tình thần với đồng bào, và để chính mình cảm nhận được nỗi thống khổ của những người anh em. Đoàn quyết định khởi hành vào chiều tối ngày Thứ Ba 19/10. Cũng trong thời gian này, tin tức từ Quảng Bình và Hà Tĩnh cho biết mưa lũ hoành hành càng dữ dội hơn, đường sá bị ngập, có những xe bị nước cuốn mất tích. Vào ngày Đoàn cứu trợ dự tính lên đường, thì được điện từ Quảng Bình cho biết là mưa rất lớn không thể đến được. Đoàn đã đành tạm ngưng chương trình, chờ thông tin mới.
Sau khi được tin thời tiết tạm ổn, phái đoàn Caritas TGP đã quyết định lên đường vào lúc 18g20 ngày 20/10/2010. Phái đoàn gồm Cha Giám Đốc Vinh Sơn Vũ Ngọc Đồng, Soeur Lucia Nguyễn Thị Như Lai - phụ trách cứu trợ, Các Ông Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Hội - Cố vấn Ban Cứu Trợ, Gioan Baotixita Phan Đình Thi và Giuse Lê văn Nam - Liên kết viên Caritas đại diện các Giáo Hạt và quý bà Cêcilia Nguyễn Thị Kim Sang và Cécilia Nguyễn Thị Bích Hồng, nhân viên Ban cứu trợ Caritas.
Trước giờ khởi hành, Cha Giám đốc chia sẻ vắn tắt chương trình cứu trợ tại Tỉnh Quảng Bình: một tỉnh với diện tích 8.000 km2 và khoảng 815.000 cư dân. Trong đó, người Công Giáo chiếm khoảng hơn 10% (86.000 giáo dân) phân bổ trong 4 Giáo Hạt với 27 Giáo xứ, sinh sống dọc theo hai bờ sông Gianh và gối lưng lên dãy Trường sơn, bắc giáp tỉnh Hà Tĩnh và nam giáp tỉnh Quảng Trị, hầu như không có tài nguyên thiên nhiên nào khác ngoài biển và nhiều dãy núi đá vôi, vì thế cư dân địa phương phần nhiều sống dọc theo bờ biển hoặc các trục lộ giao thông bằng nghề buôn bán nhỏ, đánh bắt cá hoặc trồng rừng cũng như làm nhân công trong hai nhà máy xi măng.
Cha Giám đốc cũng chuyển tới các thành viên phép lành của Đức Hồng Y Gioan Baotixita Tổng Giám Mục và những lời chào thăm và khích lệ của các thành viên Caritas. Các thành viên cũng dâng chuyến cứu trợ cho Chúa Giêsu qua lời bầu cử và sự hướng dẫn đầy tình thương của Mẹ Maria. Dọc đường đoàn luôn dâng những tràng Kinh Mân côi cầu nguyện cho Đức Cha Emmanuel vừa an nghỉ trong Chúa, cầu cho những nạn nhân bão lụt, cầu cho các ân nhân đã và đang đóng góp công sức và vật chất cũng như đang dõi theo các nạn nhân bão lụt với một tình thương chia sẻ.
Hai bên đường, những khu dân cư đông đúc, những cánh rừng bạt ngàn cao su của miền đông Nam bộ xen kẽ những nhà máy khuất dần trong bóng đêm nhường chỗ cho những cánh đồng lúa, những vườn nho, thanh long, các vuông nuôi tôm và những ruộng muối của các tỉnh trung du miền trung. Vượt qua tỉnh Quảng Trị, các thành viên cứu trợ đã cảm nhận được phần nào sức tàn phá của trận lũ lụt vừa qua khi nhìn hai bên đường các cánh đồng đang ngập chìm trong biển nước: lùm cây và cột điện là những thứ duy nhất còn nhìn thấy được ngoài mặt nước đục ngầu. Từ Ngã Tư Ba Đồn, vượt thêm 50km đường nhựa sạch đẹp mới làm lại của Quốc lộ 15 (nối liền quốc lộ 1 và quốc lộ 1A) tới Thị Trấn Đồng Lê, chiếc xe rẽ vào con đường nhỏ với những đoạn đường bị nước lũ xói mòn chơ vơ đá. Đi thêm 12km nữa đoàn đã tới Giáo Xứ Kim Lũ - nơi dừng chân đầu tiên của đoàn cứu trợ vào lúc 22g20 ngày 21/10/2010 sau 28 giờ liên tục trên đường. Đoàn đã được Cha Sở và một số quý chức trong Hội đồng Mục vụ chờ đón.
Kim Lũ, một Giáo xứ nằm trên thượng nguồn sông Gianh, con sông lớn nhất của tỉnh Quảng Bình. Kim Lũ cách Sài Gòn 1300km, cách quốc lộ 1A khoảng 62km và cách biên giới Lào 50km, với 3600 giáo dân chiếm khoảng 65% dân số trong vùng, được chia thành 6 Giáo họ: Xuân Hòa, Xuân Ninh, Đò Vàng, Kim Tiến, Khe Nét và sống tập trung nhiều nhất tại Họ -Xứ Kim Lũ. Các Giáo họ cách nhau từ 5 tới 7km trải dài trên một đường kính 20km. Tại Kim Lũ, cộng đoàn giáo dân đầu tiên bắt đầu từ năm 1886, qua một thời gian dài, mãi tới năm 1945 mới có một Nhà thờ nhỏ bằng gỗ với các Linh Mục phụ trách cả mấy năm mới có mặt một lần. Năm 1990 Nhà thờ gỗ bị sập nên giáo dân dựng lại một Nhà thờ bằng gỗ lớn hơn, mãi tới năm 2002 mới có Linh Mục Chánh xứ đầu tiên tại chỗ và Cha Chánh xứ hiện nay là Linh Mục Micae Hoàng Xuân Hường đã cho xây dựng ngôi Nhà thờ mới khang trang từ năm 2007 và hy vọng sẽ sớm hoàn thành. Vì không tài nguyên, không có đất ruộng để canh tác ngoài những rẻo nhỏ bên cạnh các hẻm núi, nên người dân ở đây đa số sống bằng nghề đi rừng (bẻ măng, lượm củi) hoặc trồng và giữ rừng, những người khác vượt biên giới đi làm thuê tại nước Lào hoặc vào nam làm thuê. Toàn xã có khoảng 1000 em học sinh học trường cấp 1 và 2 tại xã và cấp 3 tại huyện cách xã 12km.
Sáng 22.10.2010, từ 5g00 trống Nhà thờ đã đổ vang và lúc 5g45, Cha Chánh xứ Micae và Cha Giám đốc Vinh Sơn đã hiệp dâng Thánh lễ đồng tế kính Thánh Tâm Chúa Giêsu cầu nguyện cho Cộng đoàn và những nạn nhân bão lụt. Sau lời giới thiệu của Cha Chánh xứ về phái đoàn Caritas TGP, Cha Giám đốc Vinh Sơn đã gợi lên tình thương chia sẻ của một Giáo hội Mầu nhiệm, Hiệp thông và Sứ vụ, đã đoan chắc với cộng đoàn địa phương về sự lo lắng và tình thương hiệp thông của Đức Hồng Y Gioan Baotixita, Đức Cha Phụ Tá Phêrô, các Linh Mục, Cộng đoàn Tổng Giáo phận Saigon và các ân nhân khắp nơi đối với cộng đoàn Giáo xứ Kim Lũ mà phái đoàn Caritas hiện diện chỉ là những người được ủy quyền để đến tận nơi sẻ chia.
Đúng 08g00, sau lời chào hỏi của Cha Giám đốc Vinh Sơn với những gia đình gặp nạn, Ngài nhắc lại tinh thần hiệp thông của Giáo hội, đặc biệt của Tổng Giáo phận TGP mà những anh chị em hiện diện đang có vinh dự thay mặt thực hiện tại chỗ, 400 phần quà: mỗi phần gồm 10kg gạo, 150.000 đồng đã được trao tới tận tay các gia đình nạn nhân không phân biệt tôn giáo có hoàn cảnh khó khăn theo danh sách đã được các Tổ tuyển chọn và Giáo xứ duyệt xét. Thêm vào đó, một số công ty có gởi tặng cho bà con vùng lũ 3 bao quần nỉ và 380 áo thun hoàn toàn mới. Công việc chia sẻ đã được thực hiện một cách khoa học và trật tự tại hai địa điểm tập trung khác nhau để thuận tiện cho những gia đình ở xa : người trao luôn với nụ cười đồng cảm trên môi và hai tay trân trọng, còn người nhận cảm động với lời cám ơn. Có những cụ già sống neo đơn, không còn sức để nhận phần quà thì các anh chị em trong phái đoàn đã thay nhau đỡ giúp rồi dìu các cụ và quà về tới tận nhà. Những hình ảnh đỡ nâng thật cảm động và thể hiện tình người một cách trọn vẹn. Sau đó, Cha Chánh xứ đã hướng dẫn phái đoàn đến tận nơi để thăm hỏi những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhân dịp nầy Cha Giám đốc đã thay mặt phái đoàn chào hỏi sẻ chia, trao thêm quà và động viên gia đình : những gia đình có người thân đã vĩnh viễn ra đi vì bão lũ hay trong quá trình xây dựng Nhà thờ Giáo xứ, những gia đình mà bệnh tật đã cản trở các sinh hoạt thường ngày hay những gia đình trắng tay vì mưa lũ vừa qua. Các thành viên đã thật sự cảm động khi tận mắt chứng kiến những khổ đau mất mát mà các anh chị em của mình đang phải đối diện, ước chi có nhiều tài vật hơn nữa để được sẻ chia với nhau.
Sau khi thăm một vài khu vực bị lũ lụt tàn phá: định giá mực nước cơn lũ cũng như trao đổi với Cha Chánh xứ về lý do lũ lụt, đoàn đã rời Giáo xứ Kim Lũ vào lúc 13g30 cùng ngày để đến 2 địa điểm khác cách đó khoảng 55km - đại diện cho 24 Giáo xứ nằm tại hạ nguồn sông Gianh với khoảng 60.000 giáo dân. Cư dân vùng nầy phần lớn sinh sống dọc theo hai bờ sông Gianh, khi mưa lũ về, mực nước lên nhanh, đất vườn, nhà cửa lập tức bị nhấn chìm trong biển nước, nên chỉ biết nhanh chân tìm về trú tại những địa điểm cao, phó mặc nhà cửa, của cải cho lũ cuốn trôi, nhiều gia đình không kịp di tản chỉ biết bám chặt nóc nhà chờ cứu viện. Mực nước cơn lũ lụt vừa qua có nơi lên tới gần 3 mét nên việc di chuyển và công tác cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn vì phương tiện không có và dòng nước chảy quá mạnh. Nhiều gia đình đành nhìn gia súc gia cầm, những của cải ít ỏi góp nhặt bao năm trôi theo giòng nước lũ, bản thân các thành viên gia đình trông chờ và sống lây lất bằng các nắm cơm, gói mì, bịch nước mà Cha Chính xứ, các Thầy giúp xứ và các tình nguyện viên đã can đảm mang tới trên chiếc bè tự tạo ghép bằng những cây chuối. Chiếc bè thật mong manh, sẵn sàng vỡ tan và nhấn chìm những người sử dụng trong dòng nước chảy xiết, nhưng cũng thật hữu dụng vì là phương tiện duy nhất để nối kết tình thương và mang lại sự trợ giúp cần thiết. Đoàn đã thăm hỏi về tinh hình thiệt hại (các gia đình đã mất hầu như tất cả những gì đã tích góp được do lũ cuốn trôi hoặc vì bị nhấn chìm lâu ngày trong nước), học hỏi những kinh nghiệm đối phó với lũ lụt cũng như tìm hiểu những nhu cầu thực tế giúp người dân sống với lũ cũng như cứu người bị nạn ví dụ như: máy phát điện dự phòng để bảo đảm nguồn thông tin liên lạc, thuyền nan để tiếp tế lương thực cũng như giúp di chuyển người bị nạn, áo phao, mì tôm, thuốc tiêu chảy cũng như các loại thuốc giúp hô hấp và chống cảm cúm thông thường và nhất là thuốc giúp lọc nước sạch …. Đoàn chuyển giao 25 tấn gạo trị giá 225 triệu đồng tại 2 địa điểm để nhờ Cha Hạt trưởng Giáo Hạt Hướng Phương và Cha Phêrô Trần Văn Thành, Chánh xứ Kinh Nhuận, đặc trách Caritas vùng Quảng Bình, giúp chuyển tới các gia đình nạn nhân lũ lụt trong địa bàn 24 Giáo xứ trong vùng mà việc di chuyển tới tận nơi hiện đang rất khó khăn. Việc chuyển giao kết thúc lúc 23g30 đêm 22/10/2010 và sau những lời từ biệt, đoàn đã lên xe trở về lại. Sau hơn 28 giờ dong duỗi đoàn đã về đến Saigon bình an lúc 03g00 sáng Chúa Nhật ngày 24/10/2010.
Ra đi với những băn khoăn vì chưa biết tình hình thiệt hại thực tế của cư dân vùng lũ lụt. Ra đi với lòng mong mỏi mau tới nơi để tận tay chuyển giao những món quà cứu trợ quý báu mà các ân nhân đã tín nhiệm ủy thác. Ra đi để học hỏi kinh nghiệm làm công tác cứu trợ một cách khoa học và hiệu nghiệm. Ra đi để kết nối tình thân giữa những người làm công tác bác ái với nhau cũng như với những anh em chưa hề quen biết. Nay trở về, mặc dầu mệt nhọc nơi thân xác, vì trong suốt quảng thời gian gần 81 tiếng đồng hồ, các thành viên chỉ thực sự được 5 giờ nghỉ ngơi, thời gian còn lại dành cho di chuyển và công tác, nhưng với một tâm hồn thư thái hân hoan vì cảm nhận được tình yêu thương nồng ấm từ cá nhân mỗi thành viên trong đoàn. Mọi người hiệp nhất và sẵn sàng chia sẻ với nhau từ ly nước, món ăn đơn sơ cho tới tâm tình rộng mở, vì cảm nhận được tấm lòng quảng đại của các ân nhân xa gần : từ những cụ già luôn chắt bóp từng đồng lẻ, từ những em học sinh nhịn quà sáng, hy sinh không mua những đồ dùng chưa thật sự cần thiết, từ các anh chị em lao động đã hy sinh bớt một phần những đồng lương ít ỏi nuôi sống gia đình của mình, cho tới các Thầy của Đại chủng viện Thánh Giuse bớt một phần số tiền mà gia đình và những người thân chuyển cho chi dùng cá nhân, để dành tiền giúp đỡ các nạn nhân, và vì sự chia sẻ đã được thực hiện một cách hoàn chỉnh : đúng người, đúng nơi và với lòng trân trọng những người thụ hưởng cũng như những của cải được giao phó. Tất cả chỉ có được trong tình thương nối kết với Đức Kitô, Đấng đã đổ đến giọt máu cuối cùng vì yêu.
Cầu mong ngày càng có nhiều tâm hồn rộng mở hơn nữa để công việc bác ái mà Caritas đang đảm nhận sẽ mang lại hiệu quả đích thực làm vơi bớt những khổ đau mất mát mà anh em đồng loại đang gánh chịu và giúp cho mỗi người sống xứng đáng phẩm giá con người.
bài liên quan mới nhất
- Giáo chức hạt Sàigòn - Chợ Quán hành hương và họp mặt mừng ngày Nhà Giáo Việt Nam
-
Tĩnh tâm Mùa Vọng & Giáng Sinh của giới Nghệ sĩ Công giáo -
Tháng 11 là tháng báo hiếu -
Ban bác ái Doanh nhân Công giáo thăm quý nữ tu Dòng Kín và Mái ấm -
Gia đình Chăm Sóc Bệnh Nhân liên xứ Sài Gòn cầu nguyện cho các linh hồn -
Ca đoàn Hương Chiều, 49 năm một chặng đường đầy ơn Chúa -
Chuyến đi tĩnh tâm của ca đoàn Cécilia giáo xứ Thánh Linh, Thủ Đức - Kỷ niệm 50 năm thành lập (1974 – 2024) -
Thánh lễ cầu nguyện cho các Linh hồn và an táng các thai nhi -
Giáo Chức Công Giáo sinh hoạt chuyên đề và mừng Ngày Nhà Giáo Việt Nam -
Hội Các Bà Mẹ Công Giáo cầu nguyện cho Các Đẳng Linh hồn
bài liên quan đọc nhiều
- Giáo dân trong mùa dịch: Những điều Nên và Không Nên
-
MV “Tình Ngài Thôi Thúc Ta” - một món quà từ người trẻ Việt Nam dành cho Đại hội Giới trẻ Thế giới 2023 -
Dòng Đa Minh Việt Nam -
Giáo hạt Xóm Mới: Thánh lễ luân phiên Hội Lòng Chúa Thương Xót 2023 -
Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng thăm Hội nghị Toàn quốc Tuyên úy - Huynh Trưởng -
Sa mạc Huấn luyện Huynh trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể - cấp I (Vươn Lên 53) -
Doanh nhân Công giáo trẻ: Bữa ăn Yêu thương ngày 13.11.2023 -
Chuyên đề 185: Tư duy phản biện, nhân tố phát triển xã hội -
Mái ấm Thiên Ân -
Bổ nhiệm cha Tân Giám đốc Caritas Việt Nam và tri ân cha nguyên giám đốc