Camillo: Vết thương nối kết ơn gọi

Camillo: Vết thương nối kết ơn gọi

Camillo: Vết thương nối kết ơn gọi

TGPSG -- Mái ấm Naza là một trong những mái ấm thuộc dòng Camillo Việt Nam, nơi chăm sóc những bệnh nhân HIV/AIDS, lao và ung thư giai đoạn cuối. Nơi đây, những bệnh nhân mang căn bệnh vô phương cứu chữa và không nơi nương tựa được nghỉ dưỡng, dưới sự trợ sức của các linh mục, tu sĩ Camillo và nhân viên y tế để vơi bớt những đau khổ về thể xác lẫn tinh thần, và tìm sự bình an cuối đời.

Tôi thường đến mái ấm Naza để tham dự lễ lớn, mỗi lần đến đều có những kỷ niệm đáng nhớ. Gần đây nhất vào tối 14/7/2023, thánh lễ mừng kính Thánh Camillo - Đấng sáng lập Dòng Tá viên Mục vụ Bệnh nhân (Camillo).

Hôm ấy, mái ấm tổ chức một bữa tối trong tâm tình chia sẻ với các bệnh nhân và bà con lối xóm trong hẻm. Trong khi Thánh lễ còn chưa kết thúc thì sự cố mất điện toàn khu vực. Cuối cùng Thánh lễ kết thúc dưới vài đốm sáng của nến trên bàn thờ quyện lời bài hát kết lễ. Lm Vincent Vũ Quốc Toản, MI nói lời cám ơn và mời tất cả bà con cùng ở lại chia sẻ bữa cơm với bệnh nhân và các tu sĩ Camillo trong hoàn cảnh đặc biệt này.

Chưa biết sẽ dọn chỗ cho mọi người mừng lễ chỗ nào, lúc ấy, may mắn có ánh sáng của cây đèn dự phòng bên đường nên các thầy nhanh chóng dọn bàn dưới ánh đèn đường. Chẳng được bao lâu, một cơn mưa to bất ngờ ập tới khiến cho quang cảnh trở nên náo động. Vội vàng giúp bệnh nhân vô nhà tránh mưa, khách mời cũng nhanh chân tìm chỗ trú ẩn không quên cầm theo tô mì Quảng, ly nước ngọt đang dùng dang dở. Tiếng cười nói xôn xao. Các thầy dí dỏm: “giống y chang như trong lễ vượt qua, chỉ khác chăng là vừa chạy vừa vui vẻ ríu rít”. Cha thì cho rằng Hồng Ân của Chúa đúng là như mưa”. Bà con “đứng trú mưa trong góc tối, ai cầm mì húp mì, ai cầm nước uống nước, ai nhanh tay cầm bịch trái cây thì ăn tráng miệng vậy”. Một buổi tối thật vui tươi và hạnh phúc trong hoàn cảnh bất lợi chưa từng được lên kế hoạch.

Đôi nét về lịnh sử hình thành mái ấm Naza.

Trong những năm 2000, tình trạng dịch bệnh HIV/AIDS bùng phát mạnh tại Sài Gòn và nhiều nơi trên thế giới. Trong bối cảnh đó, Đức Hồng Y (ĐHY) Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn đã khởi xướng thành lập nhóm các tu sĩ phục vụ bệnh nhân HIV/AIDS. Năm 2004, ĐHY đã giao cho Dòng Camillo sứ vụ đồng hành cùng nhóm Văn Hoá Đức Tin thành lập phòng khám Mai Khôi để khám và chữa các bệnh cơ hội cho bệnh nhân HIV/AIDS.

Tuy nhiên, những bệnh nhân HIV/AIDS cuối đời quá nhiều và phòng khám Mai Khôi không thể lo hết được. Vì vậy, năm 2007, Dòng Camillo đã lập thêm Mái ấm Naza để chăm sóc và đồng hành với các bệnh nhân HIV/AIDS cuối đời không nơi nương tựa.

Mái ấm Naza được thành lập năm 2007 tại một nhà trọ trên đường Nguyễn Sơn, quận Tân Phú. Hoạt động được một thời gian thì chủ trọ không cho thuê chỗ nữa vì các bệnh nhân đến đây quá đông, lại mắc bệnh nặng nên khiến họ e ngại. Trong tình hình đó, mái ấm Naza phải xoay xở nhiều cách để có nơi cho bệnh nhân nghỉ ngơi tĩnh dưỡng, cũng như để trút hơi thở cuối cùng. Nhờ ơn Chúa quan phòng, Tu hội Naza đã rộng lòng đón tiếp các bệnh nhân và các tu sĩ Dòng Camillo, cho mượn chỗ để hoạt động. Nơi đây, mái ấm đã phục vụ bệnh nhân được 10 năm. Đến tháng 3 năm 2019, mái ấm Naza dời về cơ sở mới nơi cuối hẻm 165 thuộc giáo xứ Tam Hải, Thủ Đức.

Trong 15 năm qua, mái ấm Naza đã đón tiếp, chăm sóc và hỗ trợ rất nhiều cho các bệnh nhân HIV/AIDS. Nhiều bệnh nhân đã hồi phục sức khoẻ và trở về với cộng đồng và cũng có rất nhiều bệnh nhân đã ra đi trong an bình. Bên cạnh đó, có nhiều bệnh nhân khi khoẻ đã tình nguyện ở lại mái ấm để giúp đỡ các bệnh nhân khác. Hiện nay, mái ấm Naza có gần 40 bệnh nhân đang được các tu sĩ Camillo và các tình nguyện viên chăm sóc.

Tâm tình tu sĩ mang Thánh giá đỏ.

Thầy Phêrô  bén duyên với Dòng Camillo từ lời giới thiệu của một nữ tu có người em trai là tu sĩ dòng Camillo. Thầy Phêrô đã khởi chọn dòng Camillo vì linh đạo đặc biệt là chăm sóc bệnh nhân nhưng thầy lại chẳng có chút kiến thức nào về ngành y. Vì vậy, thầy đã băn khoăn liệu mình có đủ kĩ năng để được tuyển chọn?

Lần đầu tiếp xúc các bệnh nhân với những vết thương khủng khiếp, thầy thật sự sợ hãi và bối rối. Với niềm tin “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước” cùng những kiến thức chăm sóc bệnh nhân, xử lý vết thương từ các cha, thầy chỉ dẫn, thầy dần chế ngự nỗi sợ hãi, tìm tòi học hỏi cách chăm sóc vết thương, giúp bệnh nhân chóng lành bệnh, bớt đi nỗi đau thể xác.

Với thầy Gioan, ơn gọi Dòng Camillo như đã được định sẵn. Một lần đến bệnh viện, nhìn thấy cảnh nhân viên y tế đối xử thiếu đạo đức với bệnh nhân đáng tuổi cha mẹ, thầy chạnh lòng, nghĩ mai đây mình sẽ chọn học ngành y. Duyên với Camillo lớn dần khi thầy gặp gỡ linh mục đàn anh dẫn dắt.

Thầy Gioan tìm thấy niềm hạnh phúc đời tận hiến nơi những bệnh nhân mà thầy phục vụ, cách họ hằng ngày mạnh mẽ chiến đấu với nỗi đau thể xác nhưng vẫn luôn nhớ đến Chúa để cầu nguyện đã động viên cho thầy. Thầy Gioan cho rằng chính thầy là người được đón nhận nhiều hơn trao ban. Bệnh nhân tạo cho thầy động lực phấn đấu, cho thầy thấy giá trị của bản thân, giá trị về thánh hiến. Thầy cho biết, nếu có chọn lại ngã rẽ cuộc sống, thầy vẫn muốn làm tu sĩ Camillo.

Phần thầy Giacôbê, thuở bé thơ là một lễ sinh hay theo phụ lễ và từng mong muốn trở thành linh mục. Thế nhưng, khi trưởng thành lại bén duyên ơn gọi cách tréo ngoe. Đậu đại học ngành y nhưng thầy lại chọn học chuyên ngành khối A. Khăn gói vô Sài Gòn học hành, tiền sinh hoạt và các khoản chi phí đắt đỏ nên thầy nản chí muốn trở về quê. Rồi cơ duyên mở lối, người quen chỉ chỗ nhà sinh viên với tiền phí chỉ khoảng một trăm nghìn mỗi tháng kèm điều kiện phải làm việc công ích mỗi khi rảnh rỗi. Khi được dẫn đến gặp cha đặc trách để xin trọ thì cha yêu cầu phải có giấy giới thiệu của cha xứ nơi quê nhà. Thầy Giacobê đinh ninh giấy giới thiệu để được ở trọ, nhưng không ngờ đó là giấy giới thiệu để đi tu. Đến khi chính thức dọn đến ở Giacôbê mới biết đó là nhà tìm hiểu ơn gọi.

Bệnh nhân đầu tiền của thầy Giacôbê khi phụ việc phòng khám là một chú bệnh nhân lao. Cảm thương hoàn cảnh khó khăn và bệnh tình của chú, sau khi thăm khám và ra về tay không vì không có tiền, thầy liền xin cha cho chú ít tiền và chở chú về chung cư, nơi chú đang ở nhờ. Trên đường về lòng thầy nặng trĩu âu lo. Vì vậy, sáng hôm sau, vừa tan lễ, thầy lấy xe đảo thử ra chỗ chú ở xem ngóng tình hình thì thấy chú cứng hết người giống như đột quỵ nhẹ, quần áo đã vấy bẩn do đi ngoài không kiểm soát. Nhanh chóng thầy và người bạn đi chung bế chú lên xe và thẳng tiến đến bệnh viện Phạm Ngọc Thạch cấp cứu. Tới đầu cổng bệnh viện, phải cõng chú vào trong, thầy mới biết sợ khi nước dãi, nước mắt chú cứ chảy dài trên người thầy. Ngày ra viện, chú bệnh nhân được rước về Naza tịnh dưỡng. Cứ hễ thấy thầy Giacôbê là chú lại khoe với mọi người rằng thầy cõng con đó.

Thầy Giacôbê tuy không có chuyên môn về ngành y nhưng thầy giỏi trong việc gắn quạt, gắn đèn điện,… tạo cho bệnh nhân thoải mái nhất có thể. Thầy cũng nhận biết ngoài nỗi đau thể xác họ vẫn cần lời an ủi, động viên, giúp họ hiểu thông suốt mà chữa bệnh cách hiệu quả nhất. Thầy cho rằng Chúa đã vẽ bức tranh của Ngài đầy màu sắc, màu nào cũng quan trọng và có nét đẹp riêng. 

Cũng có ơn gọi cách đặc biệt ‘tréo ngoe’ như thầy Giacôbê, thầy Antôn  những muốn thánh hiến nơi dòng Tên, dòng Đaminh nhưng lại gặp biến cố về bệnh tật nên đã chuyển hướng qua dòng Camillo từ lời giới thiệu của  người bạn cùng quê. Trải qua những khó khăn về khác biệt ngôn ngữ vùng miền, trình độ văn hoá,… thầy dần thích nghi với đời sống tu sĩ Camillo và trở nên kiên trì học hỏi những kiến thức phục vụ bệnh nhân.

Vết Thương nối kết ơn gọi.

Lần đầu tiếp xúc một vết thương to ở mông của một bệnh nhân, vết thương sần sùi như miếng thịt bò lại có mùi hôi thối đã khiến thầy Phêrô cảm thấy sợ hãi nên không biết cách xử lí.

Thầy Gioan, chăm sóc cho các bệnh nhân phong cùi, giúp họ việc cắt móng tay, móng chân, có bệnh nhân bị mất chi trên (bàn tay) họ đã khóc vì xúc động khi thầy Gioan giúp vệ sinh mũi. Mỗi khi làm vậy, thầy hay nghe bệnh nhân nói: thầy thông cảm nhé, chân tay con chẳng ra hình gì, xấu lắm.

Thầy Giacôbê  hăng hái giúp đỡ một bệnh nhân trong lần đầu gặp tại phòng khám. Thấy chú kêu mệt nên đo huyết áp và nói chú ngồi nghỉ ngơi đợi bác sĩ tới khám. Lát sau, khi khám bệnh xong, bác sĩ mới khuyến cáo với thầy rằng chú ấy đang bị lao nặng và nhiều loại bệnh khác.

Thầy Antôn chính là một vết thương.

Lời kết.

Chia sẻ trong thánh lễ mừng bổn mạng của Dòng, Lm Vincent Vũ Quốc Toản, MI đã chia sẻ: “Thánh Camillo mở ra cho chúng ta một mẫu gương, một hướng đi mới và một sự phục vụ bệnh nhân như một người mẹ chăm sóc đứa con mình đau bệnh. Ngài mở ra một ngôi trường dạy Đức Ái, tu luyện Đức Ái và thực hành Đức Ái …”.

Sau thánh lễ, tôi có dịp nói chuyện với một thầy và được biết:

“Em chọn dòng này vì muốn làm điều gì đó cho người khác, em thấy mình vui vì điều đó. Nhìn sâu hơn trong cuộc sống không ai sống cho riêng mình, sống vì nhau và cho nhau. Nhờ tình yêu ấy con người được kết hợp với Chúa và trở nên một trong Ngài. Qua việc chăm sóc bệnh và sự đau khổ. Chúa đánh thức tình yêu trong mỗi con người, cái tình yêu tha nhân bị che khuất bởi cơm áo gạo tiền và sự ích kỉ. Chúa giúp ta nhận ra sự yếu đuối mỏng dòn và  nhận ra sự huyền nhiệm của cuộc sống, để từ đó đưa ta đến sự hoán cải và bình an.”

Lời ngỏ.

Với những bạn đang tìm hiểu ơn gọi, muốn theo linh đạo chăm sóc bệnh nhân như người mẹ chăm sóc con mình đang đau ốm (người mẹ chăm con ốm không cần trình độ hay kĩ năng về ngành y chỉ cần tình yêu và cảm nghiệm mỗi ngày) hãy liên hệ với Dòng Camillo để khám phá ơn gọi của đời mình.

 Dòng Camillo Việt Nam:

165/2 Tam Châu, Tam Bình, Thủ Đức, TPHCM

ongoicamillo@gmail.com

097 864 39 69( Lm. Đaminh Đinh Trần Thanh Tú, MI.)

093 443 84 42 (Lm. Giuse Nguyễn Quốc Hùng, MI.)

                                                                   Bài: Maria Quỳnh Linh (TGPSG)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top