Vị Giáo hoàng Dòng Tên đầu tiên: từ vùng ngoại biên đến trung tâm
TGPSG/Oursundayvisitor.com --- Vào ngày Đức Phanxicô được bầu chọn, cha Timothy P. Kesicki, SJ đang giữ chức Giám Tỉnh Dòng Tên khu vực Chicago - Detroit. Khi làn khói trắng bay lên vào buổi trưa theo giờ miền Trung nước Mỹ, cả nhóm tại văn phòng giám tỉnh liền chạy đến chiếc TV trong văn phòng để theo dõi vị tân Giáo hoàng sẽ là ai.
Khi Hồng y Jean-Louis Tauran công bố câu Latinh quen thuộc: “Annuntio vobis gaudium magnum: Habemus Papam” - "Tôi loan báo cho anh em một niềm vui lớn: Chúng ta đã có giáo hoàng" - mọi người vỡ oà. Nhưng khi tên Jorge Mario Bergoglio được xướng lên, căn phòng gần như im bặt vì sốc. Không ai từng nghĩ rằng một tu sĩ Dòng Tên lại có thể trở thành Giáo hoàng. Trên thực tế, Giáo hội chưa từng chọn một vị giáo hoàng thuộc dòng tu kể từ năm 1831, khi Hồng y đoàn bầu chọn Đức Grêgôriô XVI, một tu sĩ Camaldolese. Vào buổi chiều hôm ấy tại văn phòng, tất cả đều nhận ra mình đang sống trong một khoảnh khắc lịch sử.
Chỉ vài phút sau, điện thoại của cha Kesicki reo liên tục, và văn phòng giám tỉnh bắt đầu nhận được nhiều yêu cầu từ giới truyền thông. Sau một vài cuộc phỏng vấn, cha đi đến Nhà thờ chính toà Holy Name ở Chicago, nơi Tổng Giáo phận tổ chức Thánh lễ cầu nguyện cho vị tân Giáo hoàng. Trong phòng thánh, khi cha giới thiệu mình là Giám tỉnh Dòng Tên với Đức Giám mục Raymond Goedert, người chủ sự Thánh lễ, ngài đáp lại: “Tốt, cha giảng luôn nhé.” Lấy lại bình tĩnh, cha Kesicki xem lại các bài đọc và cầu nguyện xin ơn giảng Lời Chúa cách xứng đáng.
Cha tự hỏi: liệu những người hiện diện tại nhà thờ hôm ấy có tò mò về tên mà Đức tân Giáo hoàng đã chọn cho mình không. Có thể họ nghĩ đó là tên của một vị thánh Dòng Tên chăng — chẳng hạn như thánh Phanxicô Xaviê? Nhưng rồi cha nhớ đến cuốn Tự thuật của thánh I-nhã Loyola, trong đó thánh nhân kể về cuộc hoán cải của mình và ước muốn noi gương các thánh lớn. Trong tác phẩm ấy, thánh I-nhã nhiều lần tự hỏi: “Phanxicô và Đa Minh sẽ làm gì?” Và trong bài giảng hôm ấy, cha đã trình bày với xác tín rằng: Đức Phanxicô đã chọn tên của thánh Phanxicô Assisi — một tu sĩ dòng Phanxicô sống ở thế kỷ XIII, và xem vị thánh này là nguồn cảm hứng cho sứ vụ giáo hoàng của ngài, dù ngài xuất thân là một tu sĩ Dòng Tên.
Lãnh đạo bằng Tình Yêu
Ngay từ đầu triều đại, Đức Phanxicô đã cho thấy một tầm nhìn rõ ràng: một Giáo hội bước ra vùng ngoại biên, thay vì hướng vào bên trong. Ngài sử dụng nhiều hình ảnh mạnh mẽ để diễn tả điều ấy. Có lần ngài so sánh Giáo hội như một “bệnh viện dã chiến,” nơi điều đầu tiên cần làm là chăm sóc những người đau khổ nhất, cả thể lý lẫn thiêng liêng. Ngài từng khuyên các linh mục nên có “mùi chiên,” hàm ý sự gần gũi thiết thân với cộng đoàn mà họ được sai đến phục vụ.
Cha Kesicki nhớ lại lần đầu gặp Đức Phanxicô sau Thánh lễ tại Nhà trọ Thánh Marta năm 2014 - hôm ấy, cha cố tình không đánh bóng giày. Cha biết Đức Thánh Cha quý trọng những đôi giày sờn mòn vì đã bước ra khỏi con đường dễ dãi để đi đến với những nơi khó khăn.
Là một tu sĩ, cha Kesicki cảm thấy được an ủi khi Đức Thánh Cha thường xuyên nêu bật vai trò và đặc sủng của đời sống thánh hiến trong Giáo hội. Ngài thấy rõ ảnh hưởng của linh đạo Dòng Tên trong cung cách lãnh đạo và cái nhìn của Đức Phanxicô. Khi Đức Giáo hoàng Phaolô III chuẩn nhận Dòng Tên năm 1540, Dòng được thiết lập để “mưu ích cho linh hồn trong đời sống Kitô giáo và giáo lý, và truyền bá đức tin qua lời rao giảng, linh thao và các hành động bác ái.” Dù những hoạt động này không chỉ dành riêng cho Dòng Tên, chúng lại là nét nổi bật trong sứ vụ giáo hoàng của Đức Phanxicô suốt 12 năm qua.
Ngài muốn chiếu ánh sáng Tin Mừng vào cõi sâu thẳm của khát vọng con người. Ngài luôn đặt con người lên trên ý thức hệ, và đặt đức khiêm nhường trên cả lòng kiêu hãnh. Về lâu dài, người ta có thể quên lời ngài giảng dạy, nhưng sẽ không quên cách ngài đã đối xử với họ. Ngài lãnh đạo bằng tình yêu và để phần còn lại cho Chúa thực hiện.
Trong thông điệp cuối cùng, Dilexit Nos (“Ngài đã yêu chúng ta”), Đức Phanxicô suy tư về lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Ngài nhấn mạnh ý nghĩa trái tim như biểu tượng cho tình yêu cứu độ của Chúa Kitô. Trong đó, ngài trích dẫn Linh Thao của Thánh I-nhã, một tác phẩm mà Đức Bênêđictô XVI từng gọi là “món quà của Thánh I-nhã cho toàn thể Giáo hội.” Ở gần cuối Linh Thao là bài Chiêm niệm để đạt được tình yêu, nơi người tĩnh tâm dâng hiến “trí nhớ, trí hiểu và ý chí” cho Thánh Tâm. Đức Phanxicô nhấn mạnh: đây không phải là thành quả của lý trí hay nỗ lực, nhưng là ân sủng cần phải khẩn cầu.
Tinh thần khó nghèo
Cha Kesicki xác tín rằng Đức Phanxicô đã dâng trọn trí nhớ, trí hiểu và ý chí của mình cho Thánh Tâm Chúa Giêsu. Ngài cũng ý thức rõ rằng ơn gọi của mình là ân ban từ Thiên Chúa. Trong một thế giới mà sự nghiệp và tham vọng có thể trở thành tiêu chuẩn định giá con người, ngài đã nêu gương bằng một chuẩn mực cao hơn. Ngài trân quý hoạt động xã hội của Giáo hội nhưng không bao giờ xem đó như một tổ chức phi chính phủ. Ngài yêu quý học thuật và giáo dục, nhưng cũng từng so sánh sự uyên bác của Đại học Giáo hoàng Gregoriana ở Rôma với sự khôn ngoan của chính người bà nội của mình.
Dù rất yêu quý hàng giáo sĩ, ngài không bao giờ để họ dừng lại ở sự thoả mãn — ngài luôn thôi thúc họ tiến xa hơn. Điều này đôi khi gây ra chỉ trích, nhưng cũng thể hiện chiều sâu ơn gọi linh mục nơi Đức Phanxicô. Ngài đã hoàn toàn hiến thân cho sứ vụ.
Thánh Bernard thành Clairvaux, một Tiến sĩ Hội Thánh thuộc thế kỷ X, từng viết về đời sống dòng tu như sau: “Tôi ngưỡng mộ tất cả các dòng. Tôi sống theo một dòng về luật lệ, nhưng thuộc về tất cả trong đức ái. Chúng ta cần nhau: điều thiêng liêng tôi không có, tôi nhận được nơi người khác.” Cha Kesicki tin rằng Đức Phanxicô đã sống tinh thần ấy cách sâu sắc. Ngài dựa trên nền tảng Dòng Tên để phục vụ Giáo hội hoàn vũ, nhưng đồng thời ý thức rõ giới hạn của chính dòng mình.
Bối cảnh tại Tổng Giáo phận Buenos Aires có thể đã hình thành phong cách giảng dạy và lãnh đạo của ngài, nhưng ngài đã ôm lấy thế giới rộng lớn hơn bằng một tâm hồn quảng đại. Dù phần lớn sử dụng tiếng Tây Ban Nha và tiếng Ý trong các bài giảng, ngài vẫn can đảm phát biểu trước Quốc hội Hoa Kỳ bằng tiếng Anh khi đã 79 tuổi. Ngài biết rõ mình thiếu điều gì, và sẵn sàng đón nhận từ người khác. Ngài không ngần ngại tiếp nhận các ân huệ thiêng liêng của toàn thể Giáo hội.
Khi được bầu chọn, các hãng truyền thông gọi ngài là “vị giáo hoàng đầu tiên đến từ Châu Mỹ Latinh, đầu tiên là tu sĩ Dòng Tên, đầu tiên mang tên Phanxicô.” Những điều này là dấu mốc lịch sử đáng ghi nhận - nhưng không định nghĩa triều đại của ngài. Là người kế vị Thánh Phêrô, Đức Phanxicô đã sống trọn vẹn sứ vụ Phêrô - và sứ vụ ấy sẽ được tiếp nối nơi người kế nhiệm.
Tác giả: Cha Timothy P. Kesicki, SJ
Xuân Đại (TGPSG) biên dịch từ Oursundayvisitor.com
bài liên quan mới nhất

- Khóa học "Tìm hiểu Tông Huấn Lời Chúa" (Verbum Domini)
-
Khoá học “Sự phát triển của trẻ từ sơ sinh đến vị thành niên” -
Tu đoàn Bác ái Bình Triệu khai mạc Tuần Thánh -
Một ngày của ánh sáng và tình người dành cho người Khiếm thị -
Khóa học: Thông điệp Laudato Si' (Chăm Sóc Ngôi Nhà Chung) và Đời sống Gia đình -
Ai tín: Linh mục Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J. - Nguyên Giám tỉnh Dòng Tên Việt Nam - qua đời -
Nhạc hội "Laudato si' - Lạy Chúa, ngợi khen Chúa!" -
Cha Fabio Attard được bầu làm tân Bề trên Cả dòng Salêdiêng -
Thánh lễ Truyền chức Linh Mục cho 4 tu sĩ dòng Cát Minh -
Chuyên đề “Gia Đình sống Bí Tích Hòa Giải và Bí Tích Thánh Thể”
bài liên quan đọc nhiều

- Cung hiến nhà nguyện Dòng Kín Cát Minh Sài Gòn
-
Có thật là có “quỷ nhập” và “trừ quỷ”? -
Đan viện Cát Minh Sài Gòn: Lễ Thánh Têrêsa Hài đồng & Lễ Thánh Têrêsa Avila -
Dòng Mến Thánh Giá Gò Vấp: Lễ an táng nữ tu Têrêsa Phan Thị Thanh Nhì và nữ tu Maria Trần Thị Kim Chi -
Lễ Khánh Thành Nhà dưỡng lão Vị Hoàng: “Yêu thương- Sống khỏe - Sống vui” -
Dòng Thánh Thể - Tỉnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam: Thánh lễ Truyền Chức Linh mục và Phó tế ngày 02/12/2023 -
Lễ Truyền Chức phó tế và linh mục tại Học viện Phanxicô Thủ Đức -
Tân Giám tỉnh Dòng Salêdiêng Bosco Việt Nam -
Văn phòng Đặc Trách Tu Sĩ Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo hướng dẫn cử hành Phụng vụ -
Hội Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán: Thông báo về việc tin giả mạo ngày 4-8-2021