Các bước trong tiến trình tuyên phúc và tuyên thánh

Các bước trong tiến trình tuyên phúc và tuyên thánh

Các bước trong tiến trình tuyên phúc và tuyên thánh

CÁC BƯỚC TRONG TIẾN TRÌNH TUYÊN PHÚC VÀ TUYÊN THÁNH

Chuyển ngữ: Lm. Vinhsơn Trần Minh Thực, PSS.

Tiến trình tuyên thánh gồm bốn bước:

1 – Bậc Tôi tớ Chúa

Đức Giám mục địa phận và cáo thỉnh viên vụ án thỉnh cầu khởi sự vụ án tuyên phúc và tuyên thánh, đồng thời trình lên Tòa Thánh một bản tường trình về đời sống và các nhân đức của đương sự.

Tòa Thánh, qua Bộ Phong Thánh, xem xét bản tường trình và công bố một sắc lệnh rằng không có gì trở ngại đối với việc khởi sự vụ án (sắc lệnh này được gọi là “Nihil Obstat”). Sắc lệnh này là trả lời chính thức của Tòa Thánh cho các cấp có thẩm quyền trong địa phận là những người đã xin khởi sự tiến trình tuyên phúc và tuyên thánh. 

Khi nhận được sắc lệnh “Nihil Obstat”, Đức Giám mục đương quyền của địa phận công bố sắc lệnh chính thức mở án ở cấp địa phận để điều tra về đời sống thánh thiện và các nhân đức của Tôi tớ Chúa.

2 – Đấng đáng kính

Bước này gồm năm giai đoạn:

a) Giai đoạn đầu tiên là tiến trình điều tra về đời sống của Tôi tớ Chúa. Một tòa án được Đức Giám mục thiết lập, đón nhận chứng từ của các nhân chứng từng biết Tôi tớ Chúa. Tòa án địa phận không đưa ra phán quyết mà chuyển hồ sơ lên Bộ Phong Thánh. 

b) Giai đoạn thứ hai là tiến trình soạn thảo. Một ủy ban gồm các kiểm duyệt viên cũng được Đức Giám mục chỉ định sẽ phân tích tính chính thống của các tài liệu đã được Tôi tớ Chúa biên soạn.

c) Giai đoạn ba khởi sự bằng việc đóng hồ sơ của hai giai đoạn kể trên. Báo cáo viên của vụ án được Bộ Phong Thánh bổ nhiệm sẽ chuẩn bị một tài liệu mang tên “tích cực”. Tài liệu này bao gồm những khía cạnh chính yếu liên quan đến đời sống, các nhân đức và các bản văn của Tôi tớ Chúa, cùng với những chứng từ của các nhân chứng.

d) Giai đoạn bốn là việc thảo luận về “Positio”. Khi tài liệu này được ấn hành, tài liệu sẽ được một ủy ban gồm các nhà thần học, do Bộ Phong Thánh bổ nhiệm, cùng nhau thảo luận. Sau đó trong cuộc họp long trọng gồm các Đức Hồng Y và Giám mục, đến lượt mình, Bộ Phong Thánh sẽ thảo luận về ý kiến của ủy ban các nhà thần học. 

e) Giai đoạn thứ năm là sắc lệnh của Đức Giáo Hoàng. Nếu Bộ Phong Thánh đã chấp thuận bản “Positio”, Tòa Thánh công bố sắc lệnh về các nhân đức anh hùng. Tôi tớ Chúa được coi là “Đấng đáng kính”.

3 – Bậc chân phúc

a) Giai đoạn đầu tiên là giới thiệu “Đấng đáng kính” với cộng đoàn tín hữu như là một mẫu gương trong đời sống và như là người chuyển cầu trước nhan Thiên Chúa. Để điều này có thể diễn ra, cáo thỉnh viên phải chứng minh cho Bộ Phong Thánh hai điều:

 + Danh tiếng thánh thiện của Đấng đáng kính: Để làm điều này, cáo thỉnh viên thiết lập một danh sách những ân huệ và những sự che chở mà các tín hữu đã kêu xin với Thiên Chúa qua Đấng đáng kính.

 + Việc đạt được một phép lạ nhờ lời chuyển chuyển cầu của Đấng đáng kính: Tiến trình xem xét điều “được xem” là phép lạ diễn ra ở địa phận nơi phép lạ diễn ra và nơi mà các nhân chứng đang sống. 

Nhìn chung, cáo thỉnh viên của vụ án trình bày những sự kiện gắn liền với sức khỏe và y khoa. Tiến trình xem xét điều “được coi” là phép lạ sẽ phải bao gồm hai khía cạnh:

 + Sự hiện hữu của một sự kiện (ơn chữa lành) mà các nhà khoa học (các thầy thuôc) phải nhìn nhận rằng vượt khỏi những lí giải khoa học.

 + Và sự chuyển cầu của Đấng đáng kính và Tôi tớ Chúa trong việc thực hiện sự kiện này với chứng từ của các nhân chứng về vụ việc này.

b) Trong giai đoạn thứ hai, Bộ Phong Thánh xem xét phép lạ được trình lên.

Hai chuyên gia y tế được Bộ chỉ định sẽ xem xét liệu những điều kiện của vụ việc có đáng được nghiên cứu chi tiết hay không. Quan điểm của họ sẽ được Ủy ban y tế của Bộ Phong Thánh (gồm năm chuyên gia y tế) thảo luận.

Biến cố ngoại thường, được Ủy ban y tế trình lên, sẽ được Hội nghị các nhà thần học của Bộ Phong Thánh thảo luận. Tám nhà thần học sẽ nghiên cứu mối liên hệ giữa sự kiện được Ủy ban y tế xem xét với lời chuyển cầu được gán cho Tôi tớ Chúa.  

Tất cả những hồ sơ và những thẩm định của Ủy ban y tế và Hội nghị các nhà thần học sẽ được một Đức Hồng Y (ĐHY “Chủ tịch”) xem xét và báo cho những thành viên khác của Bộ trong một phiên họp. Sau đó, trong một phiên họp long trọng, các Đức Hồng Y và Giám mục của Bộ Phong Thánh ban hành phán quyết cuối cùng về “phép lạ”. Nếu phán quyết là tích cực, Bộ trưởng của Bộ ra lệnh soạn thảo một sắc lệnh tương ứng với việc xin Đức Thánh Cha chuẩn nhận.

c) Trong giai đoạn thứ ba và dựa theo những gì đã diễn ra, Đức Giáo Hoàng chuẩn nhận sắc lệnh Tuyên phúc.

d) Trong giai đoạn thứ tư, Đức Giáo Hoàng ấn định ngày diễn ra các nghi lễ phụng vụ.

e) Giai đoạn thứ năm là nghi thức Tuyên phúc.

4 – Đấng thánh

a) Giai đoạn thứ nhất là việc chuẩn nhận phép lạ thứ hai.

b) Trong giai đoạn thứ hai, Bộ Phong Thánh xem xét phép lạ thứ hai được trình lên. Phép lạ thứ hai này cần phải xảy ra vào một thời điểm sau khi tuyên phúc. Để xem xét phép lạ này, Bộ Phong Thánh cũng tiến hành những bước giống như đối với phép lạ thứ nhất.

c) Trong giai đoạn thứ ba, Đức Giáo Hoàng, chiếu theo những gì đã diễn ra, chuẩn nhận sắc lệnh tuyên thánh.

d) Giai đoạn thứ tư là Mật Nghị công khai thông thường được Đức Thánh Cha triệu tập nhằm thông tri cho tất cả các Đức Hồng Y và sau đó ấn định ngày tuyên thánh.

e) Giai đoạn sau cùng là nghi lễ tuyên thánh.

Chuyển ngữ: Lm. Vinhsơn Trần Minh Thực, PSS
Trích dịch từ: bienheureuxcharlesdautriche.com

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org (19.10.2023)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top