BMV Gia đình: Chung kết cuộc thi “Viết và thuyết trình về người bạn đời”

BMV Gia đình: Chung kết cuộc thi “Viết và thuyết trình về người bạn đời”

WGPSG -- Trong những năm gần đây, thực trạng xã hội đã khiến giới trẻ sống “Như những con thiêu thân”, mất phương hướng nên sống buông thả, thác loạn trong cờ bạc, đua xe, hút chích, gây bạo lực... khiến cho không ít người chỉ biết sống cho riêng mình, các giá trị nguyên thủy về tình yêu, hôn nhân - gia đình đang bị hoen ố và xói mòn, nền tảng gia đình đang bị lung lay.

Nhằm góp phần khơi dậy và nâng cao những giá trị nền tảng trong đời sống hôn nhân gia đình, vòng Chung kết cuộc thi “Viết và thuyết trình về người bạn đời” đã diễn ra lúc 14g30 ngày 10/12/2012 tại Trung tâm Mục vụ TGP TP.HCM để lại cho tham dự viên một “dấu lặng” trong cuộc sống gia đình, đồng thời cũng khép lại một năm hoạt động tích cực và hữu hiệu của Chương trình Chuyên đề, thuộc Ban Mục vụ Gia đình.

Đặc biệt có sự hiện diện của Đức cha Giuse Châu Ngọc Tri - Giám mục Giáo phận Đà Nẵng, Chủ tịch Ủy Ban Mục vụ Gia đình của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, cha Luy Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng Ban MVGĐ TGP TP.HCM. Thành phần Ban Giám khảo gồm các linh mục, tu sĩ và chuyên viên đến từ TP.HCM, Phan Thiết và Nha Trang. Gần 400 tham dự viên với 21 thí sinh được vào vòng chung kết. Cuộc thi đã diễn ra hết sức căng thẳng và đầy ấn tượng.

Ngồi lắng nghe những tâm tư, tình cảm “rất thật” của các tác giả qua các bài văn, bài thơ ca ngợi người bạn đời, tình nghĩa vợ chồng, chung tay xây dựng mái ấm gia đình, để gia đình thật sự là nền tảng của xã hội, là cứ điểm loan báo Tin Mừng... hồi ức “thuở ban đầu” của tham dự viên, cho dù còn trẻ hay đã cao niên vẫn cứ ùa về, tái hiện trong mỗi người tưởng như mới ngày nào:

Thời mới yêu

Tham dự viên thật ngỡ ngàng, khi tác giả Xuân Thái đã ở lứa tuổi “Thất thập cổ lai hy”, nhưng với tác phẩm “Thư gửi vợ, nhớ về cái tát tai”, tác giả đã không e dè kể về tình huống khi đang yêu, bị người yêu (nay là vợ tác giả) tặng cho một cái tát tai, để từ chối sự đòi hỏi cuồng nhiệt của người yêu, chỉ vì muốn giữ gìn cho nhau đến khi bước lên bàn thánh đọc lời thề hứa. Khi bình tâm trở lại, tác giả mới ngộ ra rằng: “... Em đã giữ gìn luật Chúa và luật Chúa đã giữ gìn em... ”.

Phải chăng, đó là ánh sáng của tình yêu đã được tác giả An Thiện Minh ca ngợi qua bài thơ: “Ánh sáng Tình yêu”:

Anh sẽ chẳng bao giờ hiểu biết
Điều kỳ diệu từ nguồn sáng thiêng biến đổi
Bản tình ca dịu như làn gió thổi
Mãi trong xanh như thế giới vẫn ngời trong xanh.

Vâng, thời mới yêu của các bậc ông bà, họ đến với nhau sao khác xa và trái ngược với lớp trẻ bây giờ! Ngày nay, giới trẻ quan niệm tình yêu phải trải qua năm lần bảy lượt hẹn hò, kén chọn, rồi thậm chí phải sống thử thì đó mới là tình yêu!

Cuộc sống lứa đôi

Thế nhưng, cuộc sống lứa đôi không chỉ toàn mầu hồng. Một chị ở Quận 3 (xin được giấu tên) đã nhiều lần lấy khăn lau nước mắt, và đã nở nụ cười thật tươi sau khi lắng nghe bà cố Hoàng Thị Kim Gương thuyết trình tác phẩm “Người bạn đời của tôi”. Từ khi yêu nhau và lấy nhau, bà cố phải chịu hàng trăm lần nhẫn nhục đối với chồng con, gia đình và bản thân! Ông cố là người “tốt có và xấu có”. Ông cố hay say rượu, ngoài xã hội ai ai cũng khen ông cố cư xử tốt, nhưng về gia đình thì nghiêm khắc với vợ con, và là nơi để trút giận... Thế nhưng, khi người con trai lớn thụ phong linh mục tại thành phố Nice (Pháp) - linh mục Phaolô Maria Phạm Hoàng Trí Dũng - ai ai cũng chào là ông bà cố. Ông cố Phạm Minh Ngô giật mình nhìn lại bản thân: “Mình là cố ư?!”. Từ đó, ông cố quên rượu, sống tốt với gia đình, quan tâm đến vợ con nhiều hơn. Những tràng vỗ tay kéo dài với nụ cười tươi nở trên môi mọi người, khi ông cố bước lên diễn đàn, khẳng định những điều bà cố thuyết trình là đúng, và xin lỗi vợ con, gia đình cùng mọi người về quá khứ của mình.

Song song đó, cũng không thiếu những mái ấm gia đình sống khó khăn, thiếu trước hụt sau, nhưng họ vẫn chung thủy, cùng nhau giữ vững tay chèo để bảo vệ và giữ gìn hạnh phúc gia đình. Sự thật này đã được tác giả Đỗ Văn Tích mô tả qua bài thơ “Tình nghèo”, để ca ngợi người vợ thủy chung của mình:

Rủi may, đời chỉ một chồng
Yêu thương, chung thủy quyết không đổi dời!
Chồng người nhà rộng, xe hơi
Chồng em manh áo tả tơi... chung tình.

Khi đời xế bóng

Rồi năm tháng qua mau, qua bao thăng trầm trong cuộc sống, tuổi già ập đến khiến con người trở nên “tĩnh hơn” để lo cho người bạn đời, như lời cha ông đã nói: “Gừng càng già càng cay”. Phải chăng, khi về già tình yêu càng mặn nồng, lãng mạn mà tuổi trẻ không có được! Điều này đã được tác giả Nguyễn Khắc Thư diễn giải qua tác phẩm “Tình trăm năm”, kể về mối tình già của ông bà nội mình: “... Khi bà ngã bệnh, ông chăm sóc bà với cả tấm lòng yêu thương, ông tự tay múc từng muỗng cháo bón cho bà, sắc thuốc cho bà...”. Đặc biệt, khi xưng hô “Mình ơi”, tình nghĩa vợ chồng sao quá thân thương và gần gũi, sao như tan biến và hòa trộn vào nhau, để rồi tác giả Nguyễn Nghĩnh, qua bài thơ “Mình ơi” đã miêu tả:

Trăm năm tóc bạc da mồi
Trong ân nghĩa thánh “Mình – Tôi” hiệp hòa
Bởi “Mình” là nửa của “Ta”
Còn “Ta” hơn một phần ba nơi “Mình”.

Rất nhiều điều sẽ được nói lên khi lắng nghe những nỗi niềm sâu lắng, khát vọng mưu cầu hạnh phúc chính đáng với thông điệp về tình yêu, hôn nhân không chỉ hưởng dùng mà còn là vun vén, xây dựng, sẵn sàng chấp nhận lẫn nhau, hy sinh mất mát để đạt đến điều gì đó tốt đẹp ở tương lai. Đó chính là sự nuối tiếc của tham dự viên, là hồi chuông cảnh tỉnh những gia đình đang có nguy cơ đổ vỡ, là bệ phóng tương lai để các nhà giáo dục tìm ra phương pháp giáo dục nhân bản và giáo dục đức tin cho các thế hệ tương lai.

Cuộc thi Chung kết “Viết và thuyết trình về người bạn đời” kết thúc lúc 18g00 với kết quả như sau:

Thể loại Văn:

1/ Giải nhất: “Thư gửi vợ, nhớ về cái tát tai”. Tác giả: Xuân Thái, Giáo phận TP.HCM.
2/ Giải nhì: “Người bạn đời của tôi”. Tác giả: Hoàng Thị Kim Gương, Giáo phận Phan Thiết.
3/ Giải ba: “Tình trăm năm”. Tác giả: Nguyễn Khắc Thư, Giáo phận Nha Trang.
4/ Giải khuyến khích: “1 + 1 = ?”. Tác giả: Khổng Kim Ngân, Giáo phận TP.HCM.
5/ Giải khuyến khích: “Bóng mát cuộc đời”. Tác giả: Nguyễn Thị Nhàn, Giáo phận TP.HCM.

Thể loại Thơ:

1/ Giải nhất: “Tình nghèo”. Tác giả: Đỗ Văn Tích, Giáo phận Xuân Lộc.
2/ Giải nhì: “Ánh sáng tình yêu”. Tác giả: An Thiện Minh, Giáo phận TP.HCM.
3/ Giải ba: “Viết cho Mình”. Tác giả: Cao Danh Viện, Giáo phận Xuân Lộc.
4/ Giải khuyến khích: “Bu mình”. Tác giả: Nguyễn Văn Vậng, Giáo phận Long Xuyên.
5/ Giải khuyến khích: “Mình ơi”. Tác giả: Nguyễn Nghĩnh, Giáo phận Phan Thiết.

Vài con số ghi nhận:

- Chương trình được khởi xướng ngày 15/7/2011, đã nhận được 173 bài gồm: 93 bài thơ, 73 bài văn và 4 kịch bản. Có 22 bài không hợp lệ. Trong 68 tác giả tham dự, có gần 90% là người có đời sống gia đình, đa số là người về hưu. Tác giả lớn tuổi nhất 72 tuổi. Tác giả nhỏ tuổi nhất 16 tuổi.

- Các bài thi được gửi về từ hầu hết các Giáo phận trong cả nước. Miền Bắc có các Giáo phận: Vinh, Phát Diệm, Thái Bình; các Giáo phận Miền Trung có Huế, Đà Nẵng, Phan Thiết, Nha Trang; lên miền núi có sự tham gia của thí sinh thuộc Giáo phận Đà Lạt, Buôn Mê Thuột, Xuân Lộc; về miền đồng bằng sông nước có Mỹ Tho, Long Xuyên, và đa số các tác giả ở Giáo phận TP.HCM.

Top