Ban Mục Vụ Truyền Thông
BAN TRUYỀN THÔNG TỔNG GIÁO PHẬN TP.HCM
NHỮNG CHỈ DẪN CỦA ĐỨC HỒNG Y GIOAN BAOTIXITA PHẠM MINH MẪN
I. MỤC TIÊU & HOẠT ĐỘNG (VISION & MISSION)
A. MỤC TIÊU CHÍNH (VISION, VIỄN TƯỢNG)
Trong Lời Chủ Chăn tháng 4.2009, Đức Hồng Y GB. Pham Minh Mẫn đã nêu lên ba mục tiêu của Truyền Thông Công Giáo theo Công đồng Vatican II . Đây cũng chính là ba mục tiêu chính (vision) mà Ban Truyền Thông Tổng Giáo Phận TP.HCM phải nhắm đến trong mọi hoạt động của mình, đó là:
1. Chân lý toàn vẹn là Tin Mừng Đức Kitô được loan báo và thực thi mọi nơi mọi lúc;
2. Văn hóa Sự Sống và văn minh Tình Thương của Tin Mừng được phát huy trong mọi môi trường;
3. Dòng chảy hiệp thông trong Tổng Giáo Phận được khai thông tốt đẹp nhờ việc tích cực chia sẻ kinh nghiệm sống-đức-tin và làm-chứng cho Đức Kitô.
Khởi đi từ ba mục tiêu (viễn tượng) trên, Đức Hồng Y đã vạch ra các hoạt động chính (sứ mạng) và các kế hoạch làm việc dưới đây để Ban Truyền Thông Tổng Giáo Phận TP.HCM nghiên cứu và thực hiện. Kế hoạch này có tính cách lý tưởng, là một định hướng để thực hiện dần dần, tuỳ hoàn cảnh để thực hiện từng bước vững chắc trong thực tế.
B. HOẠT ĐỘNG CHÍNH (MISSION, SỨ MẠNG)
Để đi tới viễn tượng (ba mục tiêu chính) trên, Ban Truyền Thông TGP.TPHCM có sứ mạng:
1. Sử dụng mọi phương tiện truyền thông (media);
2. Thực hiện công tác Quan hệ Quần chúng (PR) cho Giáo Hội, đồng thời cộng tác với mọi cá nhân và tập thể trong lãnh vực truyền thông;
3. Tổ chức huấn luyện về truyền thông cho các thành viên của Tổng Giáo Phận, đồng thời thường xuyên nghiên cứu sâu rộng hơn về truyền thông;
4. Lên lịch trình truyền thông và thường xuyên nhận định đánh giá về việc thực hiện lịch trình truyền thông của Tổng Giáo Phận.
II. KẾ HOẠCH
Để thực hiện viễn tượng và sứ mạng của mình, Ban Truyền Thông thành lập bốn Nhóm Hoạt Động:
- Nhóm Phương Tiện Truyền Thông (Media)
- Nhóm Quan Hệ Công Chúng (PR)
- Nhóm Huấn Luyện (Training)
- Nhóm Kế Hoạch (Planning)
Mỗi nhóm cần hiểu rõ nhiệm vụ của nhóm mình, sau đó lên chương trình và kế hoạch thích hợp cho nhóm của mình. Nhóm Kế Hoạch sẽ liên kết phối hợp chương trình của cả bốn nhóm để làm thành một Chương trình Truyền Thông duy nhất cho Ban Truyền Thông TGP.TPHCM.
A. NHIỆM VỤ CỦA NHÓM MEDIA (PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG)
Để thực hiện việc loan báo Tin Mừng, phát huy văn hoá sự sống & tình thương, và phát triển sự hiệp thông, Nhóm Media có nhiệm vụ nghiên cứu, sử dụng và hỗ trợ các thành viên của TGP sử dụng mọi phương tiện truyền thông trong công tác mục vụ và truyền giáo của TGP.TPHCM. Những phương tiện truyền thông này gồm có:
- In ấn: sách báo, tạp chí, tập san, bản tin, sổ tay, tờ bướm, lịch Công giáo, hình ảnh, và các vật dụng có in hình và chữ như: bích chương, băng-rôn, áo thun, mũ, túi xách, ly tách… (có in hình/chữ kỷ niệm);
- Hội họa, Điêu khắc, Nhiếp ảnh, Video và Băng Hình;
- Phim ảnh;
- Podcasting;
- Phương tiện truyền thông hiện đại: vi tính, internet, website, blog, social media, cellphone, iPhone, iPod…
- Phương tiện truyền thông văn hoá dân gian: ca vũ nhạc kịch dân tộc (chèo, cải lương, chiêng trống…), kể chuyện, ngâm thơ, tục ngữ, ca dao, câu hò đối đáp…
Trong hoàn cảnh xã hội hiện nay ở Việt Nam, nhóm Media cần lên kế hoạch phù hợp trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông này một cách thực tiễn như sau:
1. In ấn
- Những sách Công giáo và những sách có nội dung tốt cần phải được cổ võ nhiều hơn để được biên soạn, xin phép ấn hành và tiêu thụ, thưởng thức, nhằm mở mang và đào sâu kiến thức nhân bản, đức tin, Kinh thánh, thần học, linh đạo… So sánh với sách báo của Phật giáo được bầy bán ở các nhà sách công cộng, thì sách báo của Công giáo được phát hành còn quá ít.
- Cần cổ võ việc lập thêm những thư viện, nhà sách, phòng đọc sách trong Tổng Giáo Phận và cả trong các giáo xứ. Nhờ các thư viện lớn nhỏ được điều hành tốt, sách, tạp chí, băng đĩa có thể được mượn miễn phí, hoặc với chi phí rất thấp, sẽ rất hữu ích cho các chuyên gia, sinh viên, học sinh, và những người có nhu cầu.
- Có một hai tạp chí Công giáo đang được phép phát hành tại Việt Nam. Người tín hữu cũng cần được kêu mời đón mua, đọc và cho những nhận xét để làm cho nội dung của những tạp chí đó mỗi ngày một tốt hơn.
- Tờ Tin (hàng tuần) và Đặc San (hàng năm) của các giáo xứ cần được hỗ trợ và khuyến khích thực hiện để gửi đến cho giáo dân. Đây là những phương tiện tuyệt vời làm cho cộng đoàn giáo xứ được phong phú với những thông tin về các hoạt động của giáo xứ và các lời giáo huấn. Tờ Tin và Đặc San của TGP và các cộng đoàn cũng rất cần được thực hiện.
- Những sách nhỏ và tờ bướm có hình ảnh và bài viết giới thiệu về Tổng Giáo Phận cần được ấn hành và luôn có sẵn để gửi đến cho những nhà nghiên cứu và các khách tham quan Nhà thờ Chánh tòa, Tòa Giám mục, Chủng viện, Trung tâm Mục vụ…
- Các loại lịch Công giáo vẫn thường được in ra và bầy bán vào các ngày cuối năm. Cần cổ võ để nội dung và hình ảnh được chất lượng hơn.
- Các vật dụng có in hình và chữ như: hình ảnh, bích chương, băng-rôn, áo thun, mũ, túi xách, ly tách (có in hình/chữ kỷ niệm)… cũng cần được nghiên cứu sử dụng cách hữu hiệu cho việc mục vụ và truyền giáo.
- Cần thực hiện và phổ biến những bài viết nhận xét phê bình các tác phẩm như: điểm sách, điểm báo, điểm phim và kịch nghệ, nhận xét các chương trình TV, các websites…
- Cần tổ chức những cuộc gặp gỡ giao lưu dành cho những người làm việc trong ngành in viết sách báo, thư viện, nhà sách… Nên có những giải thưởng hoặc những hình thức vinh danh dành cho những nhân vật xuất sắc trong ngành.
- Phát huy văn-hoá-đọc (sách): cổ võ việc đọc sách, giới thiệu sách hay, sách đẹp, bảo vệ sự tinh tuý của tiếng Việt.
2. Hội họa, Điêu khắc, Nhiếp ảnh, Video và Băng Hình
Đây là những phương tiện tạo hình (tĩnh hoặc động) có giá trị truyền thông lôi cuốn sâu đậm và lâu bền (vd. các tác phẩm mỹ thuật trong các đại giáo đường ở Vatican, các băng đĩa tôn giáo được xem trong các gia đình và các lớp giáo lý), vì thế rất cần được cổ động phát huy để sử dụng cách thích hợp và hữu hiệu trong phụng vụ, mục vụ và truyền giáo:
- Cần tổ chức những cuộc triển lãm nhiếp ảnh, hội họa Công giáo để phát huy tài năng và phổ biến những tác phẩm Công giáo có giá trị.
- Cần thực hiện và phổ biến nhiều băng hình tôn giáo và nhân bản có nội dung và chất lượng cao. TGP cần có studio để thực hiện những băng đĩa cần thiết.
- Cần tổ chức những cuộc gặp gỡ giao lưu dành cho các nghệ sĩ nhiếp ảnh, hội họa, điêu khắc và video. Nên có những giải thưởng hoặc những hình thức vinh danh dành cho những nghệ sĩ và những nhân vật xuất sắc trong ngành.
3. Phim ảnh
Đây là một phương tiện truyền thông có sức lôi cuốn phi thường khiến người xem say mê thưởng thức quên cả mệt mỏi. Vì thế cần có kế hoạch mục vụ đặc biệt về phim ảnh cho TGP, nhất là cho các giáo xứ.
a. Mục vụ phim ảnh giáo xứ
Mục vụ phim ảnh giáo xứ có thể bao gồm:
- Sử dụng film clips trong bài giảng, giáo lý, phụng vụ, huấn luyện, công tác xã hội…;
- Xây dựng phòng chiếu phim cho giáo xứ;
- Lập Câu lạc bộ Phim ảnh;
- Thực hiện chương trình giáo dục về phim ảnh cho giáo dân.
• Film Clips
Những film clips, được lựa chọn kỹ lưỡng và với độ ngắn thích hợp, sẽ là phương tiện rất tốt để minh họa cho:
- Các bài giảng trong Thánh lễ (film clips phải rất ngắn và cực kỳ phù hợp);
- Các bài giảng trong các lớp giáo lý, các khóa huấn luyện;
- Các buổi nói chuyện cổ võ công tác xã hội, tham gia sinh hoạt giáo xứ…
Nhờ hình ảnh sống động, nhạc nền và câu chuyện lôi cuốn trong film clips, các bài giảng sẽ tác động trên cử tọa cách mãnh liệt và sâu đậm hơn rất nhiều.
• Phòng chiếu phim
Tông huấn Vigilanti số 25 của ĐTC Pio XI đề nghị các giáo xứ xây dựng phòng chiếu phim để cổ võ những phim có giá trị. Ngày nay, nhiều gia đình cũng có phòng chiếu phim riêng, nên việc xây dựng phòng chiếu phim cho giáo xứ cũng là chuyện bình thường, nhưng lại rất cần thiết và hữu ích cho giáo dân. Tất nhiên cũng tùy theo hoàn cảnh và tùy theo mối quan hệ với chính quyền địa phương để có thể thực hiện được điều này. Phòng chiếu phim có thể là:
- “Full time” với chương trình chiếu phim định kỳ đều đặn dành cho những cử toạ có đăng ký, hoặc dành cho các Câu lạc bộ Phim ảnh giáo xứ, hay cho những người tham gia Chương trình huấn luyện về phim ảnh của giáo xứ
- “Part time” với chương trình chiếu phim bất thường dành cho những cử toạ đặc biệt như giáo lý viên, sinh viên…
Phòng chiếu phim cần phải nhờ chuyên viên để có những kỹ thuật cần thiết, và có bộ sưu tầm phim ảnh theo các chủ đề: tôn giáo, Kinh thánh, Chúa Giêsu, “nhân vật giống Giêsu”, Đức Mẹ, các Thánh, đời tu, các nhân đức, hôn nhân và gia đình…
Phòng chiếu phim cần phối hợp với Câu lạc bộ phim ảnh và Chương trình giáo dục về phim ảnh của giáo xứ để có những hoạt động thích hợp.
• Câu lạc bộ phim ảnh
Câu lạc bộ phim ảnh gồm những nhóm người yêu thích phim ảnh, gặp gỡ nhau định kỳ để xem phim với nhau và chia sẻ với nhau về: những nhận định phê bình, những thông tin về phim ảnh, những ảnh hưởng của phim ảnh và mục vụ phim ảnh.
Những mục tiêu của Câu lạc bộ phim ảnh:
- Tạo điều kiện cho những cuộc bàn luận về những kinh nghiệm thưởng thức phim ảnh.
- Hiểu biết và nhận thức rõ hơn về phim ảnh.
- Phát triển khả năng phát hiện những ý nghĩa tâm linh và tôn giáo trong phim.
Câu lạc bộ phim ảnh cần phối hợp với Phòng chiếu phim và Chương trình giáo dục về phim ảnh của giáo xứ để có những hoạt động thích hợp. Và những sinh hoạt như thế của Câu lạc bộ phim ảnh tất nhiên là rất hữu ích cho các tín hữu.
• Chương trình giáo dục về phim ảnh
Huấn thị “Communio et Progressio” nói rất nhiều và rất kỹ về việc giáo dục phim ảnh cho các tín hữu. Dựa vào những giáo huấn này, Chương trình giáo dục về phim ảnh của giáo xứ có thể được thực hiện như sau:
Nội dung huấn luyện:
- Kỹ thuật và ngôn ngữ phim ảnh.
- Khả năng thưởng thức, phê bình và tinh thần trách nhiệm trong việc xem phim.
- Phương pháp phát hiện các ý nghĩa tâm linh và tôn giáo trong phim.
Thời khoá biểu:
- Cần có thời khoá biểu huấn luyện cho từng giới trong giáo xứ về phim ảnh.
- Thời khoá biểu ghi rõ: đối tượng, phương pháp, thời gian, nơi chốn.
- Cổ vũ tài năng bằng những cuộc thi đua và giải thưởng.
b. Mục vụ phim ảnh giáo phận
- Giáo phận hỗ trợ các giáo xứ và các cộng đoàn khác trong việc thực hiện mục vụ phim ảnh.
- Giới thiệu phim ảnh và đưa ra những nhận định hướng dẫn.
- Tổ chức những cuộc thi đua và giải thưởng nhằm phát hiện và cổ vũ tài năng.
4. Podcasting (Audio & Video trên Internet)
Cần khuyến khích các tín hữu sử dụng phương tiện thích hợp để xem/nghe podcast Công giáo (video và audio Công giáo trên Internet), đồng thời cần cổ võ các website Công giáo thực hiện các chương trình podcast (video & audio) trên website của mình. Những chương trình podcasting này nên được ghi lại trên VCD & DVD để dễ phổ biến và thưởng thức.
Truyền thanh và Truyền hình, hiện nay hoàn toàn do Nhà Nước quản lý. Tuy nhiên, các tín hữu có thể góp ý để những chương trình radio và TV này được cải tiến chất lượng hơn. Và các tín hữu cũng cần được giới thiệu đón nghe những chương trình phát thanh công giáo quốc tế bổ ích như Radio Vatican, Radio Veritas Asia…
5. Phương tiện truyền thông hiện đại
Phương tiện truyền thông hiện đại (new media) là danh từ dùng để chỉ những phương tiện truyền thông chỉ có thể được tạo lâp hoặc sử dụng nhờ vi tính, thường có tính giao lưu trực tuyến và mang dạng kỹ thuật số như: internet, website, email, blog, social media, những chương trình internet có thể thu lại và sử dụng trên cellphone, iPhone, iPod…
Gần đây, các ĐGH Gioan Phaolô II và Bênêđictô XVI thường xuyên lên tiếng nhắc nhở con cái Giáo Hội sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại để loan báo Tin Mừng.
Đối với những phương tiện truyền thông hiện đại, nhóm Media nhiệm vụ:
a. Vi tính và Internet
- Cần cổ võ tín hữu học và sử dụng vi tính và Internet (vì ngày nay người ta thường nói: mù vi tính chẳng khác gì mù chữ).
- Cần phổ biến những ích lợi cũng như những cạm bẫy của Internet để có thể sử dụng nó cách hữu ích.
b. Website, Email, Blog và Social Media
- Website, Email, Blog và Social Media là những phương tiện truyền thông hiện đại rất hữu hiệu để công bố Lời Chúa và hiệp thông với nhau. Vì thế, các giáo xứ cũng như các cộng đoàn cần được khuyến khích có website riêng. Các giáo xứ và các cộng đoàn có thể vào Social network Titoco của website tgpsaigon.net để tạo “web miễn phí” cho mình.
- Con cái Giáo Hội được mời gọi viết blog vì blog ghi lại những cảm nghiệm diễn ra trong đời thường, những cảm nhận rất thật và rất mãnh liệt của cá nhân, nên có sức hút rất mạnh.
c. Cell phone, iPhone, iPod
Cell phone, iphone, iPod đã trở nên phổ biến, đặc biệt nơi giới trẻ. Giới trẻ thường dùng những phương tiện này để thu nhận những chương trình như podcast, MP3, những hình ảnh, video clips thú vị… từ các websites. Vì thế các websites Công giáo cần có những chương trình thích hợp để có thể đến được với các cell phone, iPhone, iPod…
6. Phương tiện truyền thông văn hoá dân gian
Phương tiện truyền thông văn hoá dân gian rất phong phú đa dạng, bao gồm rất nhiều thể loại: ca vũ nhạc kịch dân tộc (chèo, cải lương, chiêng trống…), kể chuyện, ngâm thơ, tục ngữ, ca dao, câu hò đối đáp… Những phương tiện này chuyển tải những tình tự ngọt ngào của quê hương, thấm đẫm hồn dân tộc.
Các tín hữu Việt Nam cần được đào luyện nhuần nhuyễn về việc sử dụng những phương tiện tuyệt diệu này để chuyển tải Lời diễm lệ của Chúa đến với dân tộc Việt.
B. NHIỆM VỤ CỦA NHÓM PR (QUAN HỆ CÔNG CHÚNG)
Để thực hiện việc loan báo Tin Mừng, phát huy văn hoá sự sống & tình thương, và phát triển sự hiệp thông, Nhóm PR có nhiệm vụ:
- Thu thập kinh nghiệm truyền thông, hỗ trợ và liên kết các hoạt động truyền thông của mọi thành viên của TGP.
- Cộng tác và mời gọi sự hợp tác của các chuyên viên truyền thông từ: các cộng đoàn Công giáo, không Công giáo, luật sư, khuyết tật…
- Tăng cường mối quan hệ và hợp tác (trong những hoạt động tốt đẹp) với mọi cá nhân, mọi cộng đoàn, và với chính quyền.
- Thực hiện công tác Quan hệ Công chúng (PR) cho Giáo Hội.
Nhiệm vụ này được triển khai trong những nét chính yếu sau đây:
1. Liên kết các hoạt động truyền thông
Ban Truyền Thông TGP không thể và cũng không cần thiết phải làm mọi sự về truyền thông cho TGP. Mỗi cộng đoàn của TGP đều có những hoạt động truyền thông của riêng mình. Một trong những nhiệm vụ chính của Ban Truyền Thông là thu thập những kinh nghiệm truyền thông quý giá ấy, đồng thời hỗ trợ và liên kết các hoạt động truyền thông của mọi thành viên của TGP. Nhóm PR của Ban Truyền Thông có nhiệm vụ lên kế hoạch để thực hiện được công việc thu thập và liên kết này.
2. Phát huy sự hợp tác của các chuyên viên truyền thông
Truyền thông là việc của mọi người, đặc biệt là nghề nghiệp của các chuyên viên truyền thông. Vì lãnh vực truyền thông rất mênh mông đa dạng, nên sự hợp tác với nhau của các chuyên viên truyền thông là hết sức cần thiết để nhiệm vụ truyền thông của TGP có thể chu toàn. Nhóm PR cần lên chương trình phát hiện, gặp gỡ, giao lưu, tạo một môi trường tốt cho sự hợp tác của các chuyên viên truyền thông.
3. Tăng cường các mối quan hệ tốt đẹp
Nhóm PR cần nghiên cứu cách tăng cường mối quan hệ và hợp tác (trong những hoạt động tốt đẹp) với mọi cá nhân, mọi cộng đoàn, và với chính quyền. Chỉ khi mối quan hệ này được tốt đẹp, những hoạt động truyền thông mới đạt được những kết quả mong muốn.
4. Thực hiện công tác Quan hệ Công chúng (PR) cho Giáo Hội
Nhiệm vụ chính của nhóm PR là nghiên cứu công chúng và công luận với những phương pháp chuyên môn của ngành PR.
Từ việc hiểu biết về công chúng và công luận, Nhóm PR sẽ:
- Cộng tác với nhóm Kế Hoạch (Planning) để cùng lên một kế hoạch truyền thông thực sự hữu ích cho công chúng và tạo được một công luận thuận lợi.
- Cộng tác với nhóm Media (Phương Tiện Truyền Thông) để gửi tin đến cho những cơ quan truyền thông và những ai có nhu cầu, nhằm giúp họ nhận được những tin tức và sứ điệp của Giáo Hội, nhờ vậy họ sẽ có được hình ảnh tốt đẹp chân thực về Hội Thánh Chúa.
- Cộng tác với nhóm Huấn Luyện (Training) để làm cho chương trình huấn luyện Mục vụ Truyền Thông thích hợp và hữu ích tối đa cho công chúng.
- Cộng tác với nhóm Kế Hoạch (Planning) để thường xuyên nhận định đánh giá việc thực hiện chương trình Truyền Thông.
- Lên kế hoạch “Tiếp thị Tin Mừng” cho Giáo Hội.
C. NHIỆM VỤ CỦA NHÓM HUẤN LUYỆN (TRAINING)
Để thực hiện việc loan báo Tin Mừng, phát huy văn hoá sự sống & tình thương, và phát triển sự hiệp thông, Nhóm Huấn Luyện (Training) có nhiệm vụ tổ chức việc đào tạo và huấn luyện Truyền Thông cho các thành phần khác nhau của TGP về:
- Cách tiếp thu và phê bình các nội dung truyền thông dưới ánh sáng Tin Mừng và giáo huấn của Hội Thánh.
- Cách sử dụng phương tiện truyền thông để loan báo Tin Mừng và cổ võ văn hoá sự sống và tình yêu.
- Giáo lý, thần học và linh đạo Truyền Thông.
- Phương pháp “làm PR” và “Tiếp thị Tin Mùng” cho Giáo Hội.
Các kiến thức này được hệ thống hoá trong các môn học về Mục vụ Truyền Thông sau đây:
1. Tổng quan về Truyền Thông
a. Ý niệm Truyền Thông
b. Lịch sử Truyền Thông
c. Các lý thuyết về Truyền Thông
d. Các phương tiện truyền thông
2. Truyền Thông và Văn Hoá
a. Các ý niệm: Văn Hoá và Truyền Thông
b. Cơ cấu xã hội, giao lưu vô ngôn và hữu ngôn
c. Những giá trị, quan điểm và cảm thức
d. Vai trò của Truyền Thông trong việc giao lưu văn hoá
e. Truyền thông dân tộc dân gian
f. Giáo Hội và Truyền thông giao lưu văn hoá
g. Hội nhập văn hoá và toàn cầu hoá
3. Thần học và Linh đạo Truyền Thông
a. Thần học Truyền Thông
b. Linh đạo Truyền Thông
c. Giáo Hội và Truyền Thông
d. Đạo đức Truyền Thông
e. Huấn luyện Truyền Thông
4. Giáo huấn của Giáo Hội về Truyền Thông
a. Giáo huấn về Truyền Thông trước thời Gutenberg
b. Giáo huấn về Truyền Thông ngay sau thời Gutenberg
c. Các sắc lệnh và tông huấn quan trọng về Truyền Thông
d. Các huấn thị của Hội đồng giáo hoàng về Phương tiện truyền thông
e. Giáo huấn của các Đức Giáo Hoàng về Truyền Thông.
5. Mục vụ tổng quan về các phương tiện truyền thông
a. Mục vụ Truyền Thông cho các cấp trong Giáo Hội
b. Mục vụ In ấn
c. Mục vụ Phim ảnh, Video và Băng Hình
d. Mục vụ Phát sóng
e. Mục vụ về các Phương tiện truyền thông hiện đại
f. Mục vụ về các Phương tiện truyền thông văn hoá dân gian
6. Mục vụ chuyên biệt về Phim ảnh
a. Lịch sử Phim ảnh
b. Những khả năng và thách đố của Phim ảnh
c. Các giáo huấn của Giáo Hội về Phim ảnh
d. Mục vụ Phim ảnh
e. Những phim về Chúa Giêsu
f. Đạo đức Phim ảnh
g. Phương pháp phát hiện ý nghĩa tâm linh và tôn giáo khi xem phim
7. Mục vụ chuyên biệt về Phát sóng và Podcating
a. Mục vụ Truyền Thanh
b. Mục vụ Truyền Hình
c. Mục vụ Podcasting
8. Mục vụ chuyên biệt về Truyền thông hiện đại
a. Định nghĩa New Media
b. Lý thuyết về Xã hội Tin học (Information Society)
c. Tin Mừng trong thế giới Internet (Cyberspace)
d. Tin Mừng trong thế giới thị trường
e. Giáo huấn của Giáo Hội về New Media và New Forum
f. Đạo đức trong thế giới Tin học
9. Mục vụ chuyên biệt về Internet, Blog và Social Media
a. Mục vụ Internet
b. Mục vụ Blog
c. Mục vụ Social Media
10. Quan hệ Công chúng (PR) và Tiếp thị Tin Mừng cho Giáo Hội
a. Quan hệ Công chúng (PR) cho Hội Thánh
b. Tiếp thị Tin Mừng.
Đấy là các môn học Truyền Thông mang tính trường lớp và kinh điển, được dạy trong các học viện. Từ các nội dung này, nhóm Huấn Luyện sẽ tuỳ nghi, tuỳ đối tượng và tuỳ nhu cầu để tổ chức các khoá học ngắn ngày (với nội dung nhẹ nhàng hơn), các cuộc hội thảo chuyên đề (symposium, seminar, workshop), các buổi tĩnh tâm mang chủ đề Truyền Thông…
Ngoài ra, nhóm Huấn Luyện cần phải tổ chức việc thường xuyên nghiên cứu sâu rộng hơn về Truyền Thông.
D. NHIỆM VỤ CỦA NHÓM KẾ HOẠCH (PLANNING)
Để thực hiện việc loan báo Tin Mừng, phát huy văn hoá sự sống & tình thương, và phát triển sự hiệp thông, Nhóm Kế Hoạch (Planning) có nhiệm vụ:
- Lên một kế hoạch tổng quát cho cả Ban Truyền Thông.
- Nhận xét về kế hoạch chi tiết của các Nhóm Media, PR và Training, sau đó đôn đốc thực hiện.
- Phối hợp kế hoạch của ba nhóm này để làm thành một Thời khoá biểu duy nhất (Thời khoá biểu từng năm năm, ba năm, một năm, lục cá nguyệt, tam cá nguyệt…) cho cả Ban Truyền Thông, và theo dõi cũng như đôn đốc để mọi việc diễn tiến đúng với thời khoá biểu.
- Điều chỉnh kế hoạch và thời khoá biểu cho đúng với thực tế, nếu cần.
- Lên chương trình cho những biến cố đặc biệt như: Ngày Quốc tế Truyền Thông, các buổi hội thảo, tĩnh tâm, lễ hội, lên kế hoạch kịp thời để giải quyết những khủng hoảng, những xì-căng-đan…
- Thường xuyên nhận định đánh giá việc thực hiện kế hoạch và chương trình.
Việc nhân định đánh giá sinh hoạt, kế hoạch và chương trình của Ban Truyền Thông không phải là việc sau cùng của nhóm Kế Hoạch. Đó là nhiệm vụ chính của nhóm, cần được thực hiện ngay từ đầu và thực hiện thường xuyên luôn mãi để có thể điều chỉnh mọi việc kịp thời. Có thể phân chia thành 3 loại nhận định đánh giá:
- Đánh giá việc thực hiện: Nhận xét xem việc thực hiện có theo đúng kế hoạch hay không. Phân tích nguyên nhân để đưa ra những quyết định thích hợp
- Đánh giá việc điều chỉnh thích nghi: Nhận xét theo định kỳ mọi hoạt động, phát hiện những hậu quả chưa lường trước, đưa ra giải pháp chỉnh sửa kịp lúc, và đánh giá xem việc chỉnh sửa này được thực thi như thế nào.
- Đánh giá hiệu quả: Nhận xét về hiệu quả sau cùng của từng giai đoạn.
E. DIỄN TIẾN CỦA VIỆC SOẠN THẢO KẾ HOẠCH VÀ THỰC HIỆN
Sau khi nhận định rõ mục tiêu (loan báo Tin Mừng, phát huy văn hoá sự sống & tình thương, phát triển sự hiệp thông) và nhiệm vụ của mình, mỗi nhóm sẽ soạn thảo kế hoạch cho nhóm mình qua những giai đoạn sau đây:
1. Nghiên cứu hoàn cảnh
Nghiên cứu hoàn cảnh trong ngoài để nhận định những thuận lợi tích cực cũng như những cản trở, thách đố tiêu cực.
2. Tiên liệu những bất ngờ
Tiên liệu những bất ngờ tích cực hoặc tiêu cực có thể xẩy ra, vd. những thay đổi chính sách, thay đổi nhân sự đột xuất, những mất mát nhân sự, những tai ương, rủi ro hoặc những may mắn bất ngờ…
3. Soạn thảo kế hoạch
Soạn thảo kế hoạch chi tiết, kèm theo những giải pháp nhằm giải quyết hoặc thích nghi những cản trở, thách đố và những thay đổi bất ngờ nói trên.
4. Biên soạn thời khoá biểu
Biên soạn thời khoá biểu vài năm, một năm, hoặc vài tháng…
5. Nhận định đánh giá theo định kỳ
Nhận định đánh giá theo định kỳ nhằm phát hiện những hậu quả chưa lường trước được để điều chỉnh kịp thời.
Tổng Giáo Phận TP.HCM, ngày 30 tháng 12 năm 2009
Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn
Hồng Y, Tổng Giám Mục TGP. TP.HCM
BAN TRUYỀN THÔNG: NGÀY THÀNH LẬP & HOẠT ĐỘNG
Ban Truyền Thông TGP.TPHCM được thành lập từ đầu tháng 4-2009 với Thư Mục Tử tháng 4-2009 của ĐHY GB. Phạm Minh Mẫn, và hoạt động dưới sự hướng dẫn của ĐHY, được đúc kết lại trong những chỉ dẫn trên đây.
Trưởng ban Truyền Thông TGP.TPHCM hiện tại: Lm. Giuse Vũ Hữu Hiền.
Điện thoại:
08.39304523
bài liên quan mới nhất
- Mười hai lời khuyên của Đức Thánh Cha Phanxicô để trở thành người cừ khôi trong việc loan báo Tin Mừng
-
Chủ đề được chọn cho Ngày Thế giới Truyền thông xã hội lần thứ 58 năm 2024 -
ĐTC nhắc rằng các nhà báo không được đưa tin giả và hùng biện kiểu hiếu chiến -
Người đàn ông theo đạo Hindu trở lại Công giáo sau khi gặp gỡ Carlo Acutis -
Lòng yêu mến bí tích Thánh Thể của Chân phước Carlo Acutis -
Bộ Truyền thông: 9 cách để mạng xã hội trở nên hữu hiệu hơn -
MV “Nói Bằng Trái Tim” và tầm quan trọng của sự dịu dàng -
Đấng Đáng kính Fulton John Sheen (1895 - 1979): nhà truyền giáo bằng truyền thông -
Người Kitô hữu trước vấn nạn tham gia mạng xã hội -
Đức Giám mục Giuse Nguyễn Tấn Tước: 3 cột trụ trong truyền thông
bài liên quan đọc nhiều
- 17 điều mọi người Công Giáo nên biết về Carlo Acutis
-
Mười hai lời khuyên của Đức Thánh Cha Phanxicô để trở thành người cừ khôi trong việc loan báo Tin Mừng -
Tuyệt tác “Thần Khúc” của Dante và bản dịch của Đình Chẩn -
Lòng yêu mến bí tích Thánh Thể của Chân phước Carlo Acutis -
ĐTC nhắc rằng các nhà báo không được đưa tin giả và hùng biện kiểu hiếu chiến -
Cài đặt Ứng dụng TGP SAIGON trên điện thoại di động -
Đức Giám mục Giuse Nguyễn Tấn Tước: 3 cột trụ trong truyền thông -
Chủ đề được chọn cho Ngày Thế giới Truyền thông xã hội lần thứ 58 năm 2024 -
Thức dậy trong thời dịch bệnh Covid -
Khi dâm ô gõ cửa nhà bạn