Ban Mục Vụ Gia đình: Vô cảm, căn bệnh trầm kha của thời đại

Ban Mục Vụ Gia đình: Vô cảm, căn bệnh trầm kha của thời đại

WGPSG -- Chiều thứ Bảy ngày 28 tháng 4 tại Trung tâm Mục vụ TGP Sài Gòn đã diễn ra buổi gặp gỡ giao lưu giữa Lm. Giuse Nguyễn Trọng Viễn, OP và gần 200 tham dự viên với đề tài: Vô Cảm - căn bệnh trầm kha của thời đại.

Sau phần khởi động, cả hội trường lặng đi khi được xem những video clip nói về sự vô cảm đến nhẫn tâm xảy ra trong cuộc sống hằng ngày ở xã hội Việt Nam.

Cha Giuse, với lối nói chuyện bình dị mà sâu sắc, hóm hỉnh mà tế nhị bằng những câu chuyện rất đời thường đã dẫn dắt mọi người đi tìm mầm bệnh vô cảm sâu xa từ thời trước Chúa Giêsu ra đời trong văn hóa Hy Lạp trong quan niệm Thượng Đế khôn ngoan (ataraxia) đối lập với Thiên Chúa của người Do Thái; một Thiên Chúa sáng tạo ra con người trong yêu thương, tuyển chọn Dân, quyến luyến với Dân, tự buộc mình vào lời hứa, vào giao ước và giữ sự trung tín với lời hứa, với giao ước; một Thiên Chúa của lòng từ bi, thương xót. Ngài dẫn giải Kinh Thánh để giúp cử tọa hiểu hơn về ý nghĩa của sống - với theo tinh thần Kitô giáo, tinh thần Tin Mừng là sống trọn bản chất của mình khi sống hiệp thông với Chúa và với nhau, tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời mình là vì ai, cho ai, với ai. Thái độ vô cảm là một thái độ trái với Kinh Thánh, trái với Tin Mừng của Chúa Giêsu. Cha giúp mọi người nhận ra dấu hiệu, nhận ra người có bệnh vô cảm: đó là người đón nhận thế giới và người khác qua sự vật (vật chất) hoặc chỉ qui về mình. Còn ai, vượt qua những sự vật trung gian để chạm được đến tâm hồn của người khác, người đó có sự nhạy cảm, có khả năng thông hiệp.

Cha chỉ ra 3 căn nguyên chính của bệnh vô cảm trầm trọng trong xã hội Việt Nam hiện nay; đó là:

1. Xã hội hiện đại: giải quyết mọi vấn đề cách hợp lý, cái Lý lấn cái Tình, sợ những hành vi sai luật, tìm sự an toàn cho mình, tránh dính dáng đến người khác.

2. Xã hội nhiễu nhương: luật pháp không nghiêm minh, nhiều sự dò xét, đe dọa, hiện tượng chụp giựt, mánh khóe, chà đạp luân thường đạo lý và người khác đã tạo nên một tâm lý đối phó làm bệnh vô cảm xuất hiện.

3. Xã hội nhiễm độc: do chủ trương vô thần “bạn ra bạn, thù ra thù” được nhấn mạnh thành đường lối giáo dục, tuyên truyền tạo ra những thế hệ chỉ biết căm thù, làm tiêu tan mối thương cảm tự nhiên giữa người với người.

Cha cũng đưa ra 2 phương thuốc chữa bệnh vô cảm:

1. Tìm ra mối tương quan nhân thân với người khác: Qua suy niệm bài thương khó của Chúa Giêsu theo thánh Máccô, ta nhận thấy con người bị những qui luật xã hội, qui luật chính trị và áp lực xã hội đè nặng và điều khiển hành vi của mình. Chỉ khi có một mối tương quan nhân thân (mối tình thân cụ thể với ai đó) mới giúp con người tìm lại bản chất người trong tự do, tìm lại thái độ đúng đắn của một con người biết yêu thương (như Phêrô òa lên khóc khi nghe gà gáy, như Chúa Giêsu thiết tha thực hiện ý Chúa Cha).

2. Tìm lại ý nghĩa của lòng từ bi thương xót là lòng nhân từ, dấu hiệu thứ hai của Tình Yêu. Khám phá ra điều căn cốt của vận hành yêu thương trong Kitô giáo bắt nguồn từ lòng nhân hậu, từ bi, thương xót của Thiên Chúa.

Vô cảm đã trở thành bệnh của quần chúng, đã đụng đến cốt lõi của phẩm chất làm người, đã phá hủy chữ Nhân của Khổng giáo, lòng từ bi của Phật giáo, lòng bác ái của Kitô giáo, Vô cảm là cám dỗ sâu xa nhất của cuộc đời con người khi người ta ngại sống với người khác, sợ bị thua lỗ mất mát lúc phải sống vì người khác, khi người ta từ chối để lòng mình được rung cảm vì ai khác…

Kitô hữu được mời gọi bắt chước Chúa Giêsu, kết nối với tình yêu quảng đại, nhân hậu của Thiên Chúa để xây dựng tình yêu giữa con người với con người cách bền vững quảng đại, nhân từ; thể hiện thật rõ đức bác ái của mình.

Buổi giao lưu thêm phần sôi nổi và thú vị khi Cha Giuse đặt những câu hỏi gợi mở và phần quà cho ai trả lời đúng là một đĩa đọc chuyện cho các gia đình của Lm. Nguyễn Văn Mễn, khi thầy Giuse Hà Đình Tuấn dùng giọng đọc diễn cảm của mình giúp mọi người hiểu rõ hơn về những clip được trình chiếu và hướng dẫn cộng đoàn múa hát tập thể.

Top