Bài giảng Thánh lễ tại Foyer Cao Thái (06.02.2015)

Bài giảng Thánh lễ tại Foyer Cao Thái (06.02.2015)

MẦU NHIỆM THÁNH GIÁ
(Pl 3, 8-14; Ga 12,23-28)

CHỊ MARTHE ROBIN ĐƯỢC NÂNG LÊN BẬC ĐÁNG KÍNH

1. Hôm nay, chúng ta cùng nhau cử hành Thánh Lễ Tạ ơn Thiên Chúa, vì chị Marthe Robin, là người chủ xướng việc sáng lập các Foyers de Charité, được nâng lên bậc đáng kính. Chúng ta tin rằng, trong Thánh lễ này, chị Marthe sẽ cùng cầu nguyện với chúng ta, và cầu nguyện cho chúng ta nữa.

Chúng ta cùng nhau suy niệm mầu nhiệm ‘cuộc Khổ nạn và Phục Sinh’ của Chúa Giêsu trong 2 bài đọc Thánh Kinh mà Cộng Đoàn Foyer Cao Thái đã chọn.

2. Bài Tin Mừng Gioan đề cập đến “Giờ của Chúa Giêsu”, Giờ Người phải rời bỏ thế gian, ra đi về cùng Chúa Cha như đã dự định. Giờ ấy cũng là Giờ Người được tôn vinh, như Người đã thổ lộ với các môn đệ: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh” (Ga 12,23). Cái chết của Chúa Giêsu, về mặt con người, thật là bi thảm, vì là hậu quả của một vụ án bất công, thi hành một cách thô bạo, hết sức đau đớn cho người tử tội. Nhưng đối với Chúa Giêsu trong Tin Mừng Gioan, thì đó là một sự Tôn Vinh: Chúa Cha tôn vinh Chúa Giêsu, vì Chúa Giêsu đã không ngừng vâng phục và tôn vinh Chúa Cha. Cái Chết của Chúa Giêsu, là tột đỉnh của sự vâng phục và tôn vinh của Chúa Giêsu dành cho Chúa Cha: “Lạy Cha, xin hãy làm vinh danh Cha” (Ga 12,28a). Chúa Cha đã nhậm lời cầu xin tha thiết của Chúa Giêsu: “Ta đã làm Vinh Danh Ta và Ta còn làm Vinh Danh Ta nữa” (Ga 12,28b).

3. Tin Mừng Gioan không những mạc khải ý nghĩa siêu việt của cái Chết của Chúa Giêsu, mà còn mời gọi các môn đệ can đảm thông phần “cuộc Khổ nạn của Chúa”. Chúa Giêsu đã ngỏ lời với các môn đệ: “Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời” (Ga 12,25). Và Người đã hứa với các ông: “Ai phụng sự Ta, Cha Ta sẽ tôn vinh nó” (Ga 12,26). Cái chết của Chúa Giêsu là cái Chết Cứu độ, cái Chết đưa tới “Sự sống viên mãn” Người ví cái chết của Người giống như hạt lúa mì rơi xuống đất, phải thối đi, thì mới sinh nhiều bông hạt.

4. Thư thánh Phaolô gởi tín hữu Philipphê thì diễn tả “kinh nghiệm nghiệm sâu xa của Phaolô” về việc khám phá về sự nhận biết Đức Kitô, Đấng đã trở thành, không những là Lẽ sống, mà còn là “Sự Sống” của ông. Sự khám phá đó là một niềm vui khôn tả của Phaolô, một niềm vui choáng hết mọi chỗ trong cuộc đời của ông: “Tôi coi tất cả mọi sự như thua thiệt trước cái lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô, Chúa tôi” (Pl 3,8). Sự công chính của Phaolô, không dựa vào Lề Luật, mặc dù ông là người Do Thái, nhưng là một ân sủng mà Thiên Chúa ban cho ông, do lòng tin vào Đức Giêsu Kitô.

5. Phaolô cũng nói tới kinh nghiệm cá nhân được thông phần cuộc Khổ nạn của Chúa Giêsu và nhận ra “Quyền Năng Phục Sinh” của Người, và niềm Hy vọng của ông sẽ được sống lại với Chúa. Phaolô rất ý thức thân phận lữ thứ của con người, và thú nhận rằng ông chưa đạt tới cùng đích, chưa trở nên hoàn hảo, nhưng đang cố gắng, đang đuổi theo mục tiêu để chiếm lấy. Để đoạt giải thưởng Thiên Chúa ban từ trời cao trong Đức Giêsu Kitô.

6. Chứng từ của chị Marthe Robin là một chứng từ rất sống động, không những về phương diện thiêng liêng, mà còn về phương diện thể lý nữa. Chị đã được thông phần 5 dấu thánh của Chúa Giêsu chịu đóng đinh, giống như Cha Thánh Phanxicô Assisi, hay Cha Thánh Pio 5 dấu trong thời đại của chúng ta. Về cuối đời, chị chỉ sống bằng Mình và Máu Thánh Chúa, không còn ăn uống gì khác. Và sứ điệp chị gởi đến cho mỗi Kitô hữu chúng ta là “sứ điệp về lòng tin cậy mến”: một lòng tin hết sức mãnh liệt vào mầu nhiệm Khổ nạn của Chúa; một lòng yêu mến nồng nàn dành cho Chúa Giêsu bị đóng đinh giống như thánh Phaolô; một lòng trông cậy vững vàng, vượt qua mọi thử thách, hoàn toàn phó thác vào Tình yêu của Thiên Chúa.

Foyer Cao Thái, thứ Sáu ngày 06-02-2015

+ Phaolô BÙI VĂN ĐỌC
Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn

Top