Bài giảng Thánh lễ Khấn trọn - Nữ Đan viện Biển Đức

Bài giảng Thánh lễ Khấn trọn - Nữ Đan viện Biển Đức

NỮ ĐAN VIỆN BIỂN ĐỨC
LỄ TUYÊN KHẤN TRỌN ĐỜI

(Lễ Chúa Hiển Dung)

1. Anh chị em rất quý mến, chúng ta tụ họp nhau đây để tham dự lễ tuyên khấn trọn đời của một số chị em trong nữ Đan viện Biển Đức. Chúng ta muốn tìm hiểu ý nghĩa cuộc đời đan sĩ dưới ánh sáng Lời Chúa, để cầu nguyện cho các chị cách sốt sắng hơn. Vậy, các chị đi tìm gì ở Đan viện? Một truyền thống trong Giáo hội gọi các chị là những người đi tìm Thiên Chúa.

2. Thiên Chúa vô hình, không ai thấy bao giờ. Nhưng con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, giống Thiên Chúa, nên con người được mời gọi nhận biết Thiên Chúa, như Chúa Giêsu nói trong Tin mừng Gioan: Sự sống đời đời là nhận biết Cha là Thiên Chúa Chân thật và Duy nhất và Đức Giêsu Kitô, Đấng Cha đã sai (Ga 17,3). Các chị đi tìm Thiên Chúa, để gặp gỡ và nhận biết Thiên Chúa, để được “sống đời đời”. Cuộc sống trần gian này như “bông hoa sớm nở tối tàn”, một cơn gió thoảng đủ làm cho nó biến đi, nơi nó mọc không còn lại vết tích.

3. Xa lánh cuộc sống trần gian, bước vào đời sống đan viện, các chị tìm gặp Thiên Chúa ở đâu? Đan viện tạo điều kiện cho các chị gặp Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô, vì như lời Chúa Giêsu nói với môn đồ Philipphê khi ông xin được thấy Chúa Cha: Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha (Ga 14,9). Muốn thấy Thiên Chúa, hãy chiêm ngắm Chúa Giêsu! Đó là bài học cơ bản nhất mà Chúa Giêsu dạy cho các môn đồ. Ngài mời gọi các môn đồ “hãy đến mà xem” (Ga 1,39). Các ông đã đến và đã ở lại với Ngài.

4. Các đan sĩ chắc chắn có một ước muốn sâu xa được chiêm ngắm Chúa Kitô trong đời sống đức tin thường nhật, để mai ngày được hưởng kiến, diện đối diện với Chúa trên thiên đàng. Các chị chiêm ngắm Chúa trong bí tích Thánh Thể. Câu nói của Chúa “ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9) chỉ có thể áp dụng thực tế cho chúng ta, các Kitô hữu của ngày hôm nay, nhờ Bí tích Thánh Thể. Ước gì khi được ở gần Chúa Kitô Thánh Thể, chúng ta có được tâm tình như thánh Phêrô trong bài Tin Mừng hôm nay: “Lạy Ngài, chúng con ở đây thật là hay!” (Mt 17,4)

5. Thánh Phêrô thấy được sự rạng rỡ trên gương mặt của Chúa Giêsu, vì Người được tiếp xúc với Chúa Cha. Vinh Quang của Chúa Giêsu không những làm nổi bật Thần tính của Người, mà còn chiếu tỏa trên thân xác của Chúa, báo trước “Ngày Phục Sinh”. Chúa cho ba môn đệ Phêrô, Giacôbê và Gioan, thưởng thức trước Vinh Quang Phục Sinh của Người. Chính vì thế mà các môn đệ lấy làm sung sướng như mình đang ở trên thiên đàng. Mà quả thật, đó là thiên đàng, vì ở đâu có Chúa, đó là thiên đàng.

6. Chúa là “Thiên Đàng” của chúng ta, không có thiên đàng nào khác, không có gì, không có nơi nào xứng đáng làm thiên đàng cho chúng ta đâu! Đối với những tâm hồn thánh thiện thì ở bên Chúa, đã là ở trên thiên đàng rồi. Chúa mời gọi chúng ta không những ở bên Chúa, mà thậm chí ở lại trong Ngài, ở lại trong Tình Yêu của Ngài. Ở trong Chúa là ở trong Thiên Đàng, chỉ có điều khác biệt cho cuộc sống tại thế, còn lữ thứ của chúng ta, là mọi sự diễn ra “trong đức tin, trong lòng mến”.

7. Các đan sĩ là “những con người của đức tin”, những “con người của lòng mến”. Các chị còn là những con người của lòng trông cậy, vì đang chờ đợi sự “Quang lâm” của Chúa, sự Quang lâm mà thánh Phêrô nói đến trong lá thư II của ngài. Nhưng các chị cũng như chúng ta được Thiên Chúa Cha mời gọi bước vào “mầu nhiệm Chúa Kitô”, Người Con Duy nhất của Ngài: “Đây là Con Yêu Dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe Lời Người.” (Mt 17,5)

8. Mầu nhiệm sâu thẳm nhất của Chúa Kitô, chính là mối tương quan tình yêu giữa Ngài với Chúa Cha: Ngài yêu mến Chúa Cha bằng Tình Yêu vô hạn, cũng như Chúa Cha yêu Ngài bằng Tình Yêu vô hạn. Và Tình Yêu đó là một Ngôi Vị thần linh, là Chúa Thánh Thần. Chính Tình Yêu vô hạn đó trong lòng Chúa Cha và Chúa Giêsu, làm cho các Ngài hạnh phúc vô cùng. Chúng ta được mời tham gia vào hạnh phúc đó. Và  cách  tham gia vào là “vâng nghe Lời Chúa Giêsu”, vì Lời của Chúa thì chứa đựng “ý của Chúa”, “tâm tình của Chúa”. Lời của Chúa là Mạc Khải, sẽ đưa chúng ta vào “Sự Thật về Tình Yêu của Thiên Chúa”. Chúa Thánh Thần sẽ giúp chúng ta hiểu Lời Mạc Khải, Ngài đưa dẫn chúng ta vào tất cả Sự Thật; Sự Thật đó là Mạc Khải, là Chúa Kitô, Đấng Mạc Khải Thiên Chúa.

9. Trong thân phận lữ thứ, chúng ta hãy chấp nhận thông phần cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu trước khi Ngài Phục Sinh. Để cho ba môn đệ can đảm thông phần cuộc khổ nạn, Chúa Giêsu đã “Hiển Dung trên núi”, biến đổi chính mình trở nên sáng láng đẹp đẽ vô vàn. Sự biến đổi ấy là do “sự tiếp xúc với Chúa Cha trong Vinh Quang Tình Yêu”. Sự biến đổi đó cũng có thể xảy ra cho chúng ta, tùy sự tiếp xúc của chúng ta với Chúa Giêsu và Thiên Chúa trong Tình Yêu. Tình Yêu của Thiên Chúa biến đổi chúng ta, Chúa Thánh Thần biến đổi chúng ta, đó là bài học sâu sắc nhất của ngày lễ “Chúa Hiển Dung”. Ba lời khấn “khó nghèo, vâng phục và khiết tịnh” của các chị sẽ trở nên dễ dàng, nếu các chị để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn và biến đổi hằng ngày, trở nên “đồng hình đồng dạng” với Chúa Kitô.

Nữ Đan viện Biển Đức (Thủ Đức), thứ Tư ngày 06/08/2014, Lễ Chúa Hiển Dung

+ Phaolô BÙI VĂN ĐỌC
Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top