Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa Giêsu chịu phép Rửa năm B
CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA - B
Thiếu nhi chúng con yêu quí,
Chúng ta vừa trải qua một thời gian thật đẹp trong năm Phụng vụ: Thời gian chúng ta mừng kính mầu nhiệm nhập thể của Ngôi Hai Thiên Chúa làm người. Trong suốt thời gian vừa qua, chúng ta đã đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Từ việc Con Một Thiên Chúa được sinh ra làm người trong một khung cảnh quá nghèo khó đến việc các nhà đạo sĩ sang trọng giàu có mãi từ một phương trời thật xa tìm đến để thờ lạy và dâng cho Người những lễ vật cao quí nhất. Tất cả những sự kiện đó làm cho chúng ta phải ngạc nhiên.
Hôm nay chúng ta lại phải ngạc nhiên một lần nữa. Có thể nói những sự việc xảy ra trong bài Tin Mừng hôm nay là những sự việc ít ai có thể ngờ tới.
1. Bất ngờ thứ nhất là Gioan Tẩy Giả
Cả trong Mùa Vọng vừa qua chúng ta đã thấy Gioan Tẩy Giả là người như thế nào. Có lúc dân chúng đã tưởng ông chính là đấng Kitô - Đấng Cứu thế.
Công bằng mà nói trong thâm tâm Gioan không thể ngờ được rằng dân chúng lại có thể nghĩ về ông cao như thế. Ông chỉ là một con người, một con người bình thường nhưng Thiên Chúa yêu thương ông chọn ông và trao cho ông một sứ mệnh đặc biệt: Sứ mệnh dọn đường cho Đấng Cứu thế khi Ngài xuất hiện. Chính vì thế mà khi nói về mình:
Ông bảo ông chỉ là cát hoang trải dài sa mạc còn Chúa mới là nẻo đường thênh thang đi tới.
Ông bảo ông là người dẫu đến trước nhưng lại có sau - Còn Chúa thì dầu có đến sau nhưng Ngài lại hằng có từ trước đời đời.
Ông bảo phép rửa của ông chỉ là phép rửa trong nước - Còn Chúa mới là Đấng sẽ rửa chính thức trong nước và Thánh thần.
Tóm lại ông chỉ là tiếng kêu bên ngoài - Còn Chúa mới là Lời làm nên ý nghĩa.
Gioan còn tự hạ hơn khi cho mình là người không xứng đáng cúi xuống cởi dây dép cho Chúa.
Vậy mà bất ngờ thay: Chúa Giêsu một Đấng mà Gioan hết lời ca tụng lại đến với ông và đòi cho bằng được là ông phải làm phép rửa cho mình: Chủ sự bước xuống làm thụ nhân. Thụ nhân thì miễn cưỡng đóng vai chủ sự.
2. Sự bất ngờ thứ hai còn kỳ lạ hơn.
Hãy nhìn Chúa Giêsu khi Ngài bước xuống dòng sông để chịu phép rửa từ tay ông Gioan.
Tại sao Ngài lại làm thế nếu không phải là để cho con người hiểu rõ hơn về chương trình cứu độ của Ngài. Ngài đã đến để cùng sống giữa con người, sống với con người trong cuọäc sống làm người của họ. Nhưng sống như thế Ngài cũng vẫn chưa cảm thấy là đủ. Ngài còn muốn sống cho con người một cách trọn vẹn hơn nữa bằng cách sẵn sàng đón nhận vào đời sống của mình những gì là bi đát nhất trong cuộc sống của con người. Đó là cái thân phận tội lỗi của họ.
Khi Chúa Giêsu vừa bước lên từ dòng sông Giordan đục ngàu thì Ngài lại tỏ mình ra một lần nữa: rất công khai. Đức Giêsu bỗng nhiên trở thành một Người Con tuyệt diệu: Ngài được tiếng từ trời xác nhận là Con chí ái - được Thánh thần tấn phong làm đấng qui tụ tất cả nhân loại về một đầu mối cứu độ. Đất bỗng được gặp Trời. Người tôi tớ đau khổ bỗng hóa nên Người con chí ái và người tự hạ xóa mình ra không lại bất ngờ trở nên Đấng vừa làm đẹp lòng Cha vừa làm thỏa lòng mong ước của bao thế hệ đợi chờ.
Như vậy chúng ta thấy dòng sông nơi Chúa được chịu Phép rửa đã trở nên điểm hẹn bất ngờ để Chúa Giêsu tỏ mình ra cho nhân loại
3. Bài học
Chúng ta học được bài học gì qua biến cố hôm nay. Có nhiều bài học nhưng tôi chỉ xin nói đến một bài học này: Đó là việc thi hành một cách trọn vẹn thánh ý Thiên Chúa.
a- Nơi Chúa Giêsu thì sự việc đã quá rõ. Mục đích của Ngài ở nơi trần gian là để chu toàn thánh ý của Thiên Chúa “Lạy Cha này con đến để thi hành thánh ý của Cha”.
Việc thi hành này được thể hiện qua thái độ Ngài sẵn sàng làm mọi điều Thiên Chúa Cha mong muốn.
b- Gioan cũng vậy. Gioan được Thiên Chúa trao cho một sứ mạng và Gioan đã hoàn thành thật tốt đẹp sứ mạng cao cả đó. Rõ ràng Gioan không có một tham vọng gì cho riêng mình. Tất cả những gì ông làm đều chỉ nhắm đến một điều duy nhất này là dọn đường cho Chúa Cứu thế và khi nhiệm vụ dọn đường đã xong ông sẵn sàng lui vào bóng tối.
Sau khi ông làm phép rửa cho Chúa Giêsu, ông thấy nhiệm vụ của mình đã hoàn tất, ông dần dần khôn khéo tế nhị chuyển giao các môn đệ của ông cho Chúa và ông sau đó ông sẵn sàng lui vào trong bóng tối như lời ông nói với mọi người: “Người cần phải lớn lên còn tôi cần phải nhỏ đi”. Và như Tin Mừng thuật lại khi danh tiếng của Chúa lên tới tột đỉnh thì Gioan kết thúc cuộc đời của mình trong chốn lao tù. Thế là chấm dứt cuộc đời của một con người. Cái chết của Gioan là cái chết thật đớn đau nhưng là cái chết cao cả vì là cái chết sau khi đã hoàn thành được trọn vẹn sứ mạng cao cả của mình.
c- Và bây giờ đến lượt mỗi người chúng ta kính thưa anh chị em. Tôi cũng như anh chị em đều được Thiên Chúa ban cho mỗi người một cuộc sống với hai chiều kích. Vừa phải sống cuộc sống nơi trần thế với tất cả bổn phận của một sinh vật sống trên đất vừa phải sống cuộc sống của một người công dân trong nước trời. Đó là sứ mệnh Chúa trao cho của mỗi người chúng ta.
Vấn đề đặt ra ở đây là làm sao chu toàn được cả hai.
Trong cuốn “Người lữ hành” có một câu chuyện tôi rất thích. Truyện kể về một gia đình sống ở Luân đôn thủ đô của nước Anh. Một gia đình công nhân kia vừa nghèo khó mà lại vừa dông con: Cả thảy 13 đứa. Bố của chúng phải đi làm suốt ngày tại xí nghiệp. Bà mẹ ở nhà làm nghề phụ và lo nội trợ. Dù bận bịu đầu tắt mặt tối suốt ngày đêm nhưng bà Vaughan vẫn vui vẻ thay chồng dạy dỗ con cái và nhất là trưa nào bà cũng thay cho cả gia đình đến với Chúa Giêsu Thánh Thể trong nhà tạm. Láng giềng bà con quen biết hỏi bà: “Một bầy con 13 đứa, bận rộn từ sáng đến tối vậy mà làm sao trưa nào chị cũng phải đi chầu Thánh thể như thế” Bà tươi cười trả lời: “Thấy một bày con lúc nhúc, chưa ăn bữa mai đã phải nghĩ đến việc chạy gạo bữa hôm, tôi lo lắm. Hơn thế chúng nó còn phải đi học. Ở trường thiếu gì những bạn bè xấu rủ rê chúng nó đi chơi hoặc giữa đường giữa chợ thiếu gì cảnh nguy hiểm, tôi lại càng thao thức hơn. Chính vì thế mà mỗi ngày dù bận bịu đến đâu tôi cũng bỏ ra một giờ để chầu Mình Thánh Chúa, sốt sắng xin Người ban ơn cho vợ chồng tôi nuôi nấng các cháu hằng ngày đủ và dạy dỗ chúng nên người đạo đức”.
Kết quả thật tốt đẹp. Chúa đã nhậm lời và ân thưởng cho lòng tin cùng sự hy sinh của bà Vaughan. Trong 13 người con, một người sau này làm hồng y Tổng Giáo phận Luân đôn, một người khác làm Tổng Giám mục, hai người làm Linh mục, hai nam tu sĩ, hai nữ tu sĩ còn 5 người nữa ở thế gian lập gia đình để lưu truyền nòi giống nhưng tất cả đều sống một đời sống rất tốt lành thánh thiện.
bài liên quan mới nhất
- Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Lễ Thánh Gia năm C
-
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa Giáng Sinh (+video) -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 2 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 34 Thường niên - Lễ Đức Giêsu Kitô Vua vũ trụ -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 33 Thường niên - Các thánh tử đạo Việt Nam -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 32 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 31 Thường niên năm B
bài liên quan đọc nhiều
- Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 29 Thường niên năm A: Khánh nhật truyền giáo
-
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 33 Thường niên - Các thánh tử đạo Việt Nam -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 Phục sinh năm B - Chúa nhật Chúa chiên lành -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 5 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 2 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 3 Phục sinh năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 5 Phục sinh năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 3 Mùa Chay năm B