Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 3 Mùa Chay năm B
Ga 2,13-25
“Ðem tất cả những thứ này ra khỏi đây,
đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán”. (Ga 2,16)
Thiếu nhi chúng con yêu quý.
Cha hỏi chúng con Chúa Giêsu đã làm gì trong bài Tin Mừng hôm nay nào ?
- Dạ thưa cha, Chúa thanh tẩy đền thờ.
- Thế chúng con thấy Chúa Giêsu của chúng ta hôm nay có thái độ như thế nào ?
- Dạ thưa Chúa nổi giận.
- Chúng con trả lời rất đúng. Cha khen chúng con. Chúng con giỏi.
Cha đọc trong Tin Mừng, cha thấy hiếm khi Chúa nổi giận.
Có nhiều trường hợp trong Tin Mừng chúng ta thấy điều đó. Chúa luôn kiềm chế. Thí dụ như:
Chúa bình thản đón lấy nụ hôn phản bội của Giuđa.
Chúa lặng lẽ trước những lời cáo gian buộc tội Chúa.
Chính Chúa đã mời ta học nơi Chúa bài học hiền lành và khiêm nhượng.
Vậy mà hôm nay cha thấy Chúa đã dùng roi để đuổi những người buôn bán bồ câu, chiên bò. Ngài còn lật nhào bàn ghế của những người đổi bạc! Cha hỏi chúng con, Chúa làm như thế để làm gì ?
1. Chúa Giêsu làm như vậy vì nhà của Thiên Chúa đã bị xúc phạm
Chúa nói thật rõ: “Nhà Cha Ta là nhà cầu nguyện thế mà các ngươi đã biến thành hang trộm cướp” (Ga 2,16).
Rõ ràng là người đã thiếu lòng tôn kính đối với Đền thờ là nơi thờ phượng Thiên Chúa.
Nhà nghệ sĩ Edwacd Seago kể lại có lần ông dẫn hai đứa bé du mục vào một thánh đường lớn ở Anh. Hai đứa bé này bình thường rất ngỗ nghịch, nhưng khi vào trong đại giáo đường, chúng trở nên im lặng cách kỳ lạ, trên đường về chúng tỏ ra trang trọng cách khác thường, cho đến tối chúng mới trở nên nghịch ngợm bình thường.
Lòng tôn kính nằm sẵn trong trái tim của chúng ta. Thờ phượng mà thiếu tôn kính là việc khủng khiếp. Đó là sự thờ phượng hình thức, chiếu lệ. Những lời cầu nguyện trang trọng nhất có được đọc lên thì cũng chỉ là những lời trống rỗng, cầu nguyện mà không biết mình đang cầu nguyện với ai.
Tại sân đền thờ Giêrusalem lúc đó, chắc cũng đã có những tiếng cãi vã về giá cả, về đồng tiền dày mỏng, cũ mới, tiếng ồn ào huyên náo của một nơi chợ búa.
Phần chúng ta, chúng ta hãy làm việc thờ phượng Thiên Chúa với tất cả tấm lòng kính trọng của chúng ta.
Bởi vậy, mỗi khi tới nhà Chúa, mỗi khi bước chân vào nhà thờ, chúng con phải có đức tin. Chúng con phải có lòng kính cẩn.
Hôm ấy, Alexander Đại Đế chủ sự một cuộc lễ dâng hương. Mà theo tục lễ cũ của người xứ Macédoine, trong lúc nhà vua dâng hương, thì có những trẻ em đứng thành hàng hai bên để phụ việc. Còn một em nữa đứng trước mặt ngài cầm bình hương.
Chẳng may, một miếng than hồng từ bình hương rơi xuống tay em nhỏ. Miếng than đỏ, làm bỏng tay đứa bé. Vậy mà em nhỏ tuyệt nhiên không cựa quậy. Tay em vẫn như thường, vì em không muốn làm rớt cái bình hương, cũng chẳng muốn cho buổi lễ mất phần trang nghiêm. Thấy em bé gan dạ như thế, Alexander đại đế rất cảm phục. Muốn thử em, nhà vua đã kéo dài buổi lễ ra. Nhưng em nhỏ cũng không vì thế mà nao núng. Em cứ bình thản đứng như thế cho đến khi lễ xong.
Đó thực là một tấm gương tinh thần tôn giáo rất đáng khen. Còn nhiều người trong chúng ta, chưa có được những hành động để biểu lộ đức tin và lòng kính cẩn cho đủ. Đến nhà Chúa, mà nhiều khi còn cười cợt truyện trò, quay ngang quay dọc, ngáp vắn thở dài. Nhiều người đến nhà thờ cách chiếu lệ, trông cho chóng xong, chứ không phải vì mến Chúa, để xin ơn và lập công phúc. Hãy nhớ lời của Chúa: “Nhà Ta là nhà cầu nguyện, đừng lấy làm nơi buôn bán họp chợ”.
- Chúa Giêsu làm như thế để chứng minh rằng toàn thể việc dâng thú vật làm lễ tế không còn thích đáng nữa
Chúa đã nói cho người phụ nữ Samaria bên bờ giếng Giacob biết rõ: “Nhưng giờ đã đến và chính là lúc này đây giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật. Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật” (Ga 4,23-24).
Từ nhiều thế kỷ trước, các tiên tri cũng đã nói. Tiên tri Isaia: Đức Chúa phán: “Ngần ấy hy lễ của các ngươi, đối với Ta, nào nghĩa lý gì ? Lễ toàn thiêu chiên cừu, mỡ bê mập, Ta đã ngấy. Máu chiên dê, Ta chẳng thèm” (Is 1,11), Còn Giêrêmia thì bảo: “Vì khi đưa cha ông các ngươi ra khỏi Ai Cập, Ta đã chẳng nói gì với chúng, chẳng truyền dạy chúng điều chi về lễ toàn thiêu và lễ hy sinh cả” (Gr 7,22). Tv 50: “Chúa chẳng ưa thích gì tế phẩm, con có thượng tiến lễ toàn thiêu, Ngài cũng không chấp nhận” (Tv 50,16). Chúa Giêsu làm như vậy là để chứng tỏ rằng, không có lễ vật nào của loài người có thể làm cho loài người hòa thuận lại với Thiên Chúa được.
Ngày nay chúng con thấy người ta không còn dâng con vật làm lễ tế cho Chúa nữa, nhưng họ lại đồng hóa việc phục vụ Thiên Chúa với việc lắp đặt những chùm đèn sáng, việc có thêm một cây đàn phong cầm vang tiếng hơn, việc tốn hao trong việc thực hiện nhiều công trình chạm trổ trên đá, trên thạch cao, gỗ quý… trong khi việc thờ phượng đích thực đã biến mất. Chúng ta không lên án những việc đó, trái lại cảm tạ Chúa, điều đó thường là do những tấm lòng yêu mến Chúa dâng hiến. Chúng được dùng hỗ trợ cho việc thờ phượng chân thật, là những việc được Chúa chúc phúc, nhưng khi chúng ta thay thế cho lòng thờ phượng chân thật thì lại khiến Chúa phải ghê tởm.
- Còn một lý do nữa khiến Chúa Giêsu làm như vậy.
Đó là việc Chúa muốn tâm hồn chúng ta trở thành đền thờ sống động của Chúa.
Chính vì thế khi Chúa thanh tẩy Ðền thờ Giêrusalem, thì Ngài còn muốn thanh tẩy đền thờ tâm hồn của chúng ta nữa.
Chúng con hãy nhớ rằng: Sau khi chịu phép rửa tội, thân xác chúng ta đã trở nên đền thờ dâng kính Chúa Ba ngôi. Đó là một điều thánh Phaolô đã dạy giáo hữu thành Côrinhtô (2 Cr 6,16).
Vua Trajano là hoàng đế cai trị nước Roma từ năm 98 đến năm 117. Nhà vua đã cấm đạo, và đã bắt thánh Ignatiô giám mục thành Antiochia. Tại tòa án, nhà vua đã chế nhạo đạo Công giáo, rồi gọi thánh Ignatio là thằng quỷ xấu xa, thánh Ignatiô Giám mục thưa lại rằng:
- Tâu đức vua, chẳng có ai gọi người mang Thiên Chúa trong mình là thằng quỷ dữ được.
Nhà vua hỏi lại:
- Vậy ông mang Thiên Chúa trong mình ư ?
Thánh Ignatiô Giám mục trả lời:
- Tâu đức vua, phải. Tôi mang Thiên Chúa trong mình, vì những người đã chịu phép rửa tội, sống đời sạch tội, đều là đền thờ của Thiên Chúa. Bởi vậy, không hạnh phúc nào lớn lao cho bằng người Công giáo, bằng được trở nên đền thờ Thiên Chúa; và cũng không có gì can hệ cho con người bằng phải luôn là đền thờ cho Thiên Chúa ngự.
Nghe xong, hoàng đế Trajano đã lên án rằng:
- Ignatio thành Antiochia là người đã cậy mình vì mang Thiên Chúa trong mình nên phải điệu đến Roma, để làm của ăn cho thú dữ.
Không lạ gì, mà Léonide là cha của nhà hiền triết Origène, đã hôn ngực con, mà nói với những người tỏ vẻ ngạc nhiên rằng:
- Tôi thờ lạy và hôn kính Thiên Chúa, đang ngự trong trái tim đứa nhỏ con tôi đã chịu phép rửa tội.
bài liên quan mới nhất
- Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm C
-
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 2 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 34 Thường niên - Lễ Đức Giêsu Kitô Vua vũ trụ -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 33 Thường niên - Các thánh tử đạo Việt Nam -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 32 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 31 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi ngày 01/11: Lễ Các Thánh Nam Nữ -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 30 Thường niên năm B - CN truyền giáo -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa Nhật 29 thường niên năm B
bài liên quan đọc nhiều
- Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 29 Thường niên năm A: Khánh nhật truyền giáo
-
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 33 Thường niên - Các thánh tử đạo Việt Nam -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 Phục sinh năm B - Chúa nhật Chúa chiên lành -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 5 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 2 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 3 Phục sinh năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 5 Phục sinh năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 3 Thường niên năm B