Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 2 Thường niên năm B
Ga 1, 35-42
“Chúng tôi đã gặp Ðấng Mêsia”. (Ga 1,42)
Thiếu nhi chúng con yêu quý,
Chúng ta vừa nghe một câu chuyện hết sức đẹp trong Tin Mừng của thánh Gioan.
Qua câu chuyện hôm nay, Chúa cho chúng ta thấy đâu là mục đích của cuộc sống của chúng ta trên cõi đời này là gì.
A- Bối cảnh
1. Chúng con hãy nhớ lại một chút hoàn cảnh lúc ấy
Hôm ấy Gioan Tẩy Giả đang rao giảng và làm Phép Rửa cho dân chúng. Bất ngờ Chúa Giêsu xuất hiện trước mắt ông cũng như mọi người.
Thấy Chúa Giêsu đi ngang qua ông vội chỉ vào Ngài và giới thiệu Chúa với mọi người. Ông mạnh dạn đưa tay chỉ về phía Chúa đang đi và nói: “Đây là chiên Thiên Chúa” (Ga 1,36).
Được Thầy của mình giới thiệu như thế, hai môn đệ của ông đã bỏ đám đông mà đi theo. Chúa đi trước và họ theo sau. Xem chừng như Chúa cốt ý đi chậm lại để họ có thể bắt kịp Ngài. Và khi thấy họ đã ở gần bên, Chúa quay lại và mở lời trước: “Các ngươi tìm gì ?” (Ga 1,38).
Họ ngỡ ngàng trước câu hỏi của Chúa. Thay vì trả lời bằng một câu khẳng định thì họ lại trả lời bằng một câu nghi vấn: “Thưa Thầy, Thầy ở đâu ?” (Ga 1,38).
Chúa hỏi: “Các ngươi tìm gì ?”.
Họ trả lời: “Thưa Thầy, Thầy ở đâu ?”.
Rõ ràng là câu trả lời còn bị treo. Bị treo nhưng không có nghĩa đã bế tắc. Một lần nữa Chúa lại đi bước trước để khai thông vấn đề. Chúa bảo họ: “Hãy đến mà xem” (Ga 1,39).
2. Kết quả câu chuyện
Không biết Chúa đã nói với họ những gì. Chỉ biết sau khi sống với Chúa một ngày, vâng chỉ có một ngày, họ ra về và tuyên bố: “Chúng tôi đã gặp thấy Đấng Messia nghĩa là Đấng Cứu Thế” (Ga 1,41).
Một khám phá bất ngờ nhưng tuyệt diệu!
+ Lúc đầu Chúa hỏi: “Các ngươi tìm gì ?”, khởi đầu cuộc hành trình họ chưa thấy được mục tiêu.
+ Vào cuối cuộc hành trình thì đích điểm đã rõ ràng: Chính họ cũng không thể ngờ tới. Họ đã tìm thấy Chúa và sau đó một thời gian họ đã trở thành môn đệ của Ngài.
B- Bây giờ đến lượt chúng ta
Giả như Chúa hỏi mỗi người chúng ta: “Bạn, bạn tìm gì” Chúng ta sẽ trả lời với Chúa thế nào ?
1. Tìm danh
Có người đã để cả cuộc đời của mình đi tìm danh vọng. Họ sẵn sàng trả mọi giá để có được nó.
Hêrôđê là một thí dụ. Ông đã trả một giá khá cao để có được ngai vàng và để bảo vệ ngai vàng đó ngay từ lúc vừa mới lên ngôi ông đã cho thủ tiêu các thành viên trong Tòa Án Tối Cao của người Do Thái. Sau đó ông đã không ngần ngại tàn sát các nhân viên trong tòa án mà không cần suy tính trước. Chưa hết vì sợ cả những người trong gia đình có thể làm nguy hại đến ngai vàng của mình ông đã giết luôn người vợ là bà Mariamne và người mẹ nàng là bà Alexandra. Giết như vậy cũng chưa đủ, ông giết luôn người con trưởng là Antipater, và sau đó là hai người con trai thứ: đó là Alexander và Aristobolus. Giết như vậy ông cũng chưa an tâm, ngay khi còn trị vì ông đã lên kế hoạch để tàn sát hết các nhân sĩ tại thành Giêrusalem khi ông lâm chung.
Và chắc hẳn chúng con đã không thể nào quên việc ông đã cho lệnh giết hết các trẻ thơ từ hai tuổi trở xuống tại thành Bêlem và các vùng phụ cận chỉ vì sợ sau này một trong những đứa trẻ ấy sẽ chiếm mất ngai vàng của ông!
Vâng đó là một thí dụ trong muôn ngàn thí dụ cho chúng ta thấy cái giá phải trả cho một cho một cuộc săn tìm danh vọng. Thế nhưng rồi cuộc đời của ông sẽ đi về đâu ? Có sống mãi để ngự trên cái ngai vàng mà ông đã phải trả một giá quá đắt để bảo vệ nó không ? Lịch sử cho chúng ta thấy kết cục cuộc đời của ông cũng là chốn lao tù và ông đã phải nhận một cái chết không toàn thây!
2. Tìm tiền
Có người dành suốt đời để tìm tiền bạc. Để biện minh cho việc tìm kiếm tiền bạc là một điều chính đáng nhiều người đã mặc cho tiền bạc một giá trị hầu như thần thánh, có một sức mạnh vô song như:
Tiền là Tiên là Phật.
Là sức bật của lò xo.
là thước đo của lòng người.
Là nụ cười của tuổi trẻ.
Là sức khỏe của người già.
Tiền là hy vọng.
Là cái lọng che thân.
Là cái cân công lý.
Tiền là hết ý.
Tiền bạc cần thật. Rất cần là đàng khác nhưng nó không phải là thần, là thánh như nhiều người tưởng.
Vua Louis XV thăm thống chế De Saxe trong cơn hấp hối.
- Nhà ngươi muốn xin gì thì cứ xin, ta sẽ ban cho.
- Tâu hoàng thượng xin hoàng thượng cho hạ thần được sống thêm một giờ nữa để thanh toán các việc cho xong.
Vua Louis quyền thế nhưng cũng phải ngậm ngùi rút lui.
Ngày kia, một nhà tỷ phú trên giường chết đã phải tuyên bố:
- Trong 40 năm trời, tôi đã làm việc như người nô lệ để chất đống của cải lên; sau đó tôi lại phải coi giữ như một thám tử và tất cả những của cải đó đã cho tôi cái gì ? Thức ăn, nhà ở và quần áo…, chỉ có thế chứ không còn gì hơn nữa.
Tiền bạc cần nhưng chỉ cần như một giá trị trao đổi chứ không cần như là mục đích.
3. Tìm lạc thú
Có người cả đời đi săn tìm lạc thú
Cha Michel Quoist bảo: “Lạc thú là một cơn đói không bao giờ biết no, một cơn khát không bao giờ thỏa”.
Augustinô lúc còn trai trẻ đã nếm đủ hết mọi thứ lạc thứ ở trên đời. Nhưng rồi cũng chính chàng thanh niên đó sau khi đã chán ngán với những thứ mình đã hưởng thụ phải thốt lên: “Hỡi Augustinô! Khi săn đuổi lạc thú ngươi đã tìm thấy cái gì ?”.
- Thomas Merton: Thomas Merton mồ côi cha mẹ lúc 16 tuổi. Ông hoàn toàn không tin gì về những sự siêu nhiên và sống một nếp sống chạy theo vật chất, lạc thú. Một đêm kia khi đang ở trong một khách sạn, tự dưng ông nhìn lại đời mình, thấy nó quá trống rỗng và cũng quá nhầy nhụa, đến nỗi ông chê chán chính mình. Lúc đó chẳng biết làm gì khác, Thomas Merton quỳ gối xuống và cầu nguyện: “Lạy Chúa, từ trước tới nay tôi chẳng hề tin Chúa và ngay bây giờ tôi cũng chẳng biết có Chúa hay không. Nhưng nếu thật có Chúa thì xin Ngài hãy giúp kéo tôi ra khỏi vũng bùn nhầy nhụa của đời tôi hiện tại”. Đêm hôm đó lần đầu tiên Thomas Merton cầu nguyện. Ông đã gặp được Chúa và từ đó mãi mãi gắn bó với Chúa. Sau đó ông đi tu dòng Trappe. Mọi sự bắt đầu từ một đêm gặp Chúa.
Vâng! Danh vọng, tiền bạc và lạc thú... là điều mà các nhà tu đức học thường gọi là danh lợi thú.
Nếu chúng con theo dõi những biến chuyển xảy ra ở một số nơi trên thế giới, chúng con sẽ thấy rằng những con người luôn tìm kiếm danh lợi thú cho mình, thì kết thúc cuộc đời của họ cũng không được bình an và hạnh phúc thực sự như họ mong muốn.
Còn hai môn đệ của Gioan thì sao ?
Hai môn đệ của Gioan đã gặp được Chúa.
Chúa không dẫn họ đến giàu sang
Nhưng cho họ thấy thế nào là một cuộc đời có ý nghĩa để họ tự chọn.
Charles Fox: “Những người tư cách như thế sẽ lưu danh muôn thuở trong khi bọn vua chúa và mũ miện của họ đội trên đầu đều đã trở thành cát bụi”.
Họ không tìm của cải nhưng hỏi có gia tài nào sánh được với gia tài Nước Trời của họ hay không ?
Họ đã không đi tìm danh vọng nhưng thử hỏi còn có chỗ nào cao trọng hơn địa vị mà họ có hôm nay trên thiên quốc hay không ?
Họ không đi tìm lạc thú nhưng thử hỏi có niềm vui hạnh phúc nào so sánh được với niềm vui và hoan lạc mà họ đang có hôm nay không ?
Xin được kết thúc bằng lời khuyên của Mẹ Têrêsa: “Hãy tìm Chúa Giêsu, bạn sẽ tìm thấy sự an bình. Ngài là niềm vui và sức mạnh của bạn. Hãy đến với Ngài để được yêu thương, được thông cảm và có được lòng can đảm đáp lại tiếng gọi của Ngài bằng một từ giản dị: “xin vâng”.
Lm. Giuse Đinh Tất Quý
bài liên quan mới nhất
- Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm C
-
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 2 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 34 Thường niên - Lễ Đức Giêsu Kitô Vua vũ trụ -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 33 Thường niên - Các thánh tử đạo Việt Nam -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 32 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 31 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi ngày 01/11: Lễ Các Thánh Nam Nữ -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 30 Thường niên năm B - CN truyền giáo -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa Nhật 29 thường niên năm B
bài liên quan đọc nhiều
- Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 29 Thường niên năm A: Khánh nhật truyền giáo
-
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 33 Thường niên - Các thánh tử đạo Việt Nam -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 Phục sinh năm B - Chúa nhật Chúa chiên lành -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 5 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 3 Phục sinh năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 5 Phục sinh năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 3 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 3 Thường niên năm B