Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 5 Mùa Chay năm B
Ga 12,9-32
“Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất,
tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi”.
(Ga 12,32)
Thiếu nhi chúng con yêu quý,
1. Cha đố chúng con hôm nay là Chúa Nhật thứ mấy của Mùa Chay Thánh ?
- Dạ thưa là Chúa Nhật thứ năm, Chúa Nhật cuối cùng của Mùa Chay Thánh.
- Thử hỏi trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta điều gì nào ? Hơi khó phải không chúng con ? Cha trả lời thay cho chúng con. Chúa muốn nói với chúng ta về điều mà người ta gọi là qui luật của sự sống. Khó hiểu quá phải không chúng con ?
Cha hỏi chúng con, chúng con học ở trường chúng con có bao giờ thấy những cái mà người ta gọi là luật, là định luật, là qui luật chưa ?
- Dạ thưa có.
- Cho cha một ít thí dụ nào!
- Thưa cha... định luật vật lý, định luật tình yêu, định luật Ampère, định luật chi phối vũ trụ Murphy, luật đi đường, luật đường bộ, luật đường thủy v.v. và v.v.
- Thôi thôi! Nhiều quá rồi, Chúng con giỏi! Nói như thế để chúng con thấy cái gì trong cuộc sống sống cũng có luật hết. Chính vì thề mà hôm nay Chúa muốn nói với chúng ta và mọi người về quy luật của cuộc sống.
Quy luật này được Chúa diễn tả bằng một công thức rất hay: “Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời” (Ga 3,24-25).
Chúng con có hiểu Lời Chúa muốn nói không ? Đây cha cắt nghĩa cho chúng con.
Qua những lời này Chúa muốn bảo chúng ta biết: Muốn sống thì phải biết chết. Cha cho chúng con một thí dụ:
Mùa xuân năm ấy, có hai hạt giống nằm cạnh nhau trong thửa đất màu mỡ. Hạt giống thứ nhất hăng hái nói: “Tôi muốn mọc lên! Tôi muốn cắm rễ sâu xuống lòng đất, và đâm chồi xuyên qua lớp đất cứng bên trên. Tôi muốn vươn những búp non mơn mởn như những lá cờ loan báo mùa xuân đã đến... Tôi muốn cảm nhận hơi ấm của mặt trời mơn man trên mặt và hơi nước mát lạnh của sương mai trên những cánh hoa”. Và nó tự làm cho mình chết đi để trở thành một mầm sống rồi thành một cây mọc lên xanh tốt.
Hạt giống thứ hai tự nhủ: Mình sợ lắm! Nếu cắm rễ xuống đất, mình chẳng biết sẽ gặp gì trong lòng đất tối tăm. Nếu mình tìm đường xuyên qua lớp đất cứng bên trên, biết đâu những chồi non yếu ớt của mình sẽ bị thương tổn. Làm sao mình có thể cho búp non xòe lá khi một chú sâu đang chờ sẵn để xơi tái đọt lá xanh non ? Và nếu mình nở hoa, một em bé có thể nhổ đứt mình lên! Không, tốt hơn mình nên đợi cho đến lúc an toàn hơn”. Và nó tiếp tục đợi chờ... Một sáng đầu xuân, cô gà mái bới đất kiếm ăn đã thấy hạt giống đang nằm chờ đợi. Cô chẳng đợi gì mà không mổ lấy, nuốt ngay.
Vâng để có được sự sống đời đời, những người môn đệ của Chúa cũng phải bước vào một một cuộc lột xác thay hình đổi dạng để có thể trở nên giống Chúa Giêsu.
Như hạt giống phải mục nát đi mới sinh nhiều bông hạt thì những ai muốn được ở một nơi với Chúa cũng phải làm như thế.
2. Chính vì thế mà Chúa bảo những người theo Chúa phải biết can đảm chấp nhận những thử thách trong cuộc sống: “Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời” (Ga 12,25). “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12,32).
Với những lời như thế Chúa muốn bảo cho mọi người biết rằng: Chúa phải đổ máu, phải chịu chết trên Thánh Giá, thì thế gian mới được cứu rỗi. Và nhờ việc cứu rỗi các linh hồn, mà Chúa Giêsu mới trở nên “Đấng Cứu Thế”.
Như vậy, mỗi người chúng ta hãy tập cho mình biết sống như Chúa Giêsu. Hãy để cho Chúa uốn nắn biến đổi mình. Có như thế chúng ta mới có thể trở nên môn đệ của Chúa được. Đây không phải là việc dễ dàng. Phải kiên trì can đảm lắm mới có thể làm được.
Cha kể cho chúng con nghe câu chuyện này. Đây là câu chuyện Friedrich Nietzsche viết ra để dạy cho mọi người phải biết dũng cảm trước mọi thử thách của cuộc đời. Truyện nói về một chiếc cốc sứ. Chiếc cốc sứ tâm sự: “Tôi không là một cốc sứ mà chỉ là một cục đất sét nhỏ. Người thợ làm ra tôi đã nhào nặn, lặn, đập vào tôi. Lần đầu tiên cảm thấy những đau đớn trong đời, tôi hét lên “Đừng, đừng đập tôi nữa, hãy nhẹ nhàng hơn với tôi”. Nhưng ông chỉ cười và nhẹ nhàng nói: “Chưa đủ đâu!”.
Sau đấy, tôi được đặt trên một bánh xe quay và tôi quay cuồng trong đó, tôi cảm thấy mình hoàn toàn mất phương hướng. “Dừng lại! Làm ơn dừng lại”, tôi gào lên. Nhưng ông chỉ lặng lẽ làm và bảo: “Chưa đâu!”.
Rồi ông đưa tôi vào lò nướng. Tôi chưa bao giờ cảm thấy mình bị đốt cháy trong nỗi đau đớn đến như vậy. Tôi tuyệt vọng và gào thét: “Giúp tôi với, làm ơn giúp tôi ra khỏi đây”. Nhưng người thợ nhìn tôi và vẫn… lắc đầu.
Khi tôi nghĩ mình không thể chịu đựng thêm một phút nào nữa, cánh cửa bỗng mở ra. Ông cẩn thận đưa tôi ra và đặt trên kệ, bắt đầu làm mát cho tôi. Tôi cảm thấy mọi thứ dường như đã tốt lên và tôi nghĩ rằng mình đã qua những đớn đau. Nhưng người thợ lại nhìn tôi, lắc đầu và nói: “Chưa!”.
Sau đó, đột nhiên ông đưa tôi trở lại vào lò nướng. Không giống như lần đầu tiên. Vì đã trải qua những phút trong chiếc lò nướng đó và tôi biết mình sẽ chết ngạt. Tôi sợ hãi. Tôi cầu xin. Tôi khóc. Tôi đã sẵn sàng từ bỏ, muốn buông xuôi và bỏ cuộc. Nhưng người thợ vẫn lạnh lùng thả tôi vào lò. Tôi muốn chết ngay để thoát khỏi tất cả những đớn đau đang thiêu đốt từng tế bào của mình. Nhưng ngay khi tôi tuyệt vọng nhất thì cánh cửa lại mở ra.
Một lần nữa tôi, được đặt trên kệ, được làm lạnh, chờ đợi và… chờ đợi, tự hỏi “Cuộc sống sẽ thế nào với mình tiếp theo ?”. Một giờ sau, người thợ đưa cho tôi một tấm gương và nói: “Bây giờ hãy nhìn vào chính mình”. Tôi ngỡ ngàng đến lặng câm “Đó không phải tôi, không thể là tôi và không còn là tôi nữa - cục đất sét. Một hình ảnh hoàn toàn khác, một hình ảnh đẹp, hoàn hảo và nhiều màu sắc.
Người thợ điềm tĩnh nói: “Khi tôi nhào nặn bạn, tôi biết điều đó làm tổn thương nhưng nếu tôi phải để bạn lại một mình, bạn phải khô cạn. Khi tôi đặt bạn lên guồng quay, tôi biết nó làm bạn hoàn toàn mất phương hướng, nhưng nếu tôi dừng lại quá sớm, bạn sẽ sụp đổ. Tôi biết ở trong lò, bạn thấy đau đớn đến từng tế bào nhưng nếu không có những đau đớn đó, bạn sẽ không bao giờ cứng cỏi và không có bất kỳ sắc màu nào của cuộc sống. Vì thế, hãy dũng cảm đón nhận tất cả những thử thách đến với bạn, bởi điều gì không thể giết chết chúng ta, sẽ làm chúng ta mạnh mẽ và hoàn hảo hơn. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 2 Thường niên năm C
-
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Lễ Thánh Gia năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa Giáng Sinh (+video) -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 2 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 34 Thường niên - Lễ Đức Giêsu Kitô Vua vũ trụ -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 33 Thường niên - Các thánh tử đạo Việt Nam
bài liên quan đọc nhiều
- Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 33 Thường niên - Các thánh tử đạo Việt Nam
-
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 29 Thường niên năm A: Khánh nhật truyền giáo -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 Phục sinh năm B - Chúa nhật Chúa chiên lành -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 2 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 3 Phục sinh năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 5 Phục sinh năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 6 Phục sinh năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 3 Mùa Chay năm B