Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 3 Phục sinh năm B
Lc 24, 35-48
“Chính anh em là chứng nhân của những điều này”.
(Lc 24, 48)
Thiếu nhi chúng con yêu quí,
Lại một lần nữa chúng ta được nghe câu chuyện về Chúa Phục sinh.
Câu truyện hôm nay thật đẹp và mang nhiều ý nghĩa. Câu truyện như thế nào thì chúng con đã được nghe và còn được xem qua video clip nữa.
Đúng là một câu chuyện đẹp thật. Đẹp như mơ.
Cha hỏi chúng con: Qua câu truyện này Chúa muốn nói với mọi người điều gì?
Câu trả lời cha nghĩ là không khó lắm.
Theo cha thì lại một lần nữa Chúa muốn chứng tỏ cho các môn đệ thấy rằng Đức Giêsu Phục sinh đang đứng ở trước mặt họ cũng chính là Đức Giêsu đã sống với họ trước kia.
Để làm đó, Chúa mời họ kiểm chứng về việc Ngài đang sống.
Cha hỏi chúng con muốn biết được cái gì là có thật thì con người được Thiên Chúa cho dùng những phương thế nào?
- Dạ thưa Chúa cho con người năm giác quan!
- Rất đúng! Chúng con giỏi quá! Đúng thế! Nhờ năm giác quan mà con người có thể nhận ra điều gì là thật. Chính vì thế mà trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa mời gọi các Tông Đồ sử dụng tất cả năm giác quan để biết Chúa đang có mặt giữa các ông là Chúa thật chứ không phải là ma như các ông tưởng.
Đây chúng con xem. Chúa bảo các Tông Đồ hãy nhìn (thị giác). Khi nghe Chúa nói các Tông Đồ đã sử dụng đôi tai của mình (thính Giác). Chúa bảo cứ rờ xem (xúc giác). Rồi Chúa còn xin các ông ấy cho Ngài ăn. Bánh các ngài đưa cho Chúa có mùi thơm (khứu giác) và khi ăn chắc chắn sẽ thấy ngon (vị giác).
Như vậy qua video clip chúng ta vừa xem, Chúa đã cho các môn đệ của Ngài dùng đủ năm giác quan Chúa ban để kiểm chứng về Chúa.
Khi làm thế, Chúa muốn họ tin: Tin rằng Chúa của họ đang sống. Cuộc sống của Ngài chỉ khác với cuộc sống của con người ở chỗ thân xác của Chúa không còn bị chi phối bởi hai định luật về thời gian và không gian. Vì từ khi sống lại, Chúa không còn bị lệ thuộc thời gian và không gian nơi chốn nữa.
Cha nhớ trước đây người ta đã cho trình chiếu một cuốn phim mang tựa đề là “Thế giới trong tối tăm”. Nội dung câu chuyện nói về việc một nhà khảo cổ danh tiếng đã tổ chức một cuộc khai quật ở Giêrusalem và tìm được xác của Chúa Giêsu.
Vâng! Sau bao công khó đào bới, một ngày kia nhà khảo cổ đã dõng dạc tuyên bố:
- Tôi đã tìm ra được xác ông Giêsu.
Thế rồi ông tổ chức một cuộc họp báo rầm rộ qui tụ hàng trăm ký giả và nhiếp ảnh viên để trình bày kết quả mỹ mãn của bao ngày đào bới và khảo cứu vất vả.
Trong cuộc họp báo này, nhà khảo cổ đã trưng ra trước mắt mọi người một xác người đã khô đét nhưng còn có thể nhận ra tay, chân của người này bị đâm thủng, cạnh sườn bị đâm thâu.
Cuốn phim đang quay lại cảnh mọi người đang im lặng, chăm chú theo dõi lời thuyết trình của nhà khảo cổ về cái xác mà ông bảo là xác của ông Giêsu thì tình cờ có một phụ nữ đứng lên phát biểu lớn tiếng.
- Đây là một sự thật hiển nhiên rồi. Ông ta đã bị đóng đinh, đã chết và đã được mai táng.
Và nhà khảo cổ tiếp lời:
- Vâng đúng thế, bị đóng đinh, chết và được mai táng, và bây giờ chúng tôi khám phá ra xác của ông ấy đây, vì thế làm gì có chuyện ông ấy phục sinh?
Tiếp ngay sau đó cuốn phim cho thấy hậu quả của việc tìm ra xác ông Giêsu: đó là không còn chỗ nào và không còn ai mừng lễ Phục Sinh nữa. Những ngọn đèn chầu trong các nhà thờ tắt ngúm. Nhà thờ đóng cửa. Chuông nhà thờ im tiếng. Thánh Giá trong các nhà thờ bị hạ xuống! Thế giới đắm chìm trong một màn đêm dày đặc. Thật là một cảnh kinh khủng!
Rồi sau đó điều gì sẽ xảy ra? Cuốn phim trình chiếu cận cảnh cảnh hấp hối của nhà khảo cổ. Và đây mới là điều đáng ghi nhớ: Trước khi trút hơi thở cuối cùng ông ta đã đau đớn thú nhận:
- Tôi đã đánh lừa thế giới. Chính tôi đã làm ra cái xác giả của ông Giêsu rồi bí mật đặt vào trong mộ mấy năm trước, trước khi khởi sự công việc đào bới tìm xác ông.
Sau lời tuyên bố của nhà khảo cổ, cuốn phim lại quay lại cảnh hàng ngàn người tuôn đến mộ thánh ở Giêrusalem như người ta thường thấy trong những dịp Tuần Thánh.
Những ngọn nến lại được thắp lên và những tín hữu, tay mang những ngọn nến được thắp sáng giương lên thật cao.
Chuông các nhà thờ lại đổ để báo tin Chúa Giêsu đã phục sinh.
Vâng! Cuộc phục sinh của Chúa Giêsu không chỉ liên hệ đến cuộc đời của Ngài, nhưng nó ảnh hưởng trực tiếp đến vận mạng của toàn thể nhân loại cũng như ảnh hưởng mật thiết đến cuộc sống, lòng tin và niềm hy vọng của chúng ta nữa.
Cha muốn kết thúc bài suy niệm hôm nay bằng câu truyện này: Đây là câu truyện ngụ ngôn. Chuyện kể rằng: Sau khi chịu nạn chịu chết trên thập tự giá, Chúa Giêsu đã phục sinh trở về trong vinh hiển. Ngài vẫn còn mang những dấu vết của sự đau thương. Một trong những vị thiên sứ nói với Ngài rằng:
- Chắc là Chúa đã phải chịu thống khổ vô cùng vì loài người dưới đó?
Chúa Giêsu đáp:
- Đúng vậy!
Thiên sứ hỏi tiếp:
- Có phải tất cả mọi người đều biết những gì Ngài làm cho họ không?
Chúa Giêsu trả lời:
- Chưa, chỉ mới có một số ít người biết mà thôi.
Thiên sứ hỏi tiếp:
- Thế thì Ngài đã làm gì để giúp mọi người biết?
Chúa Giêsu đáp:
- Ta đã trao cho Phêrô, Giacôbê và Gioan trách nhiệm đi nói với những người khác, rồi những người này lại nói cho những người khác, rồi cho những người khác này lại nói cho những người khác nữa, nói cho đến lúc mọi người ở những nơi xa xôi nhất trên địa cầu đều được nghe.
Thiên sứ nhìn với vẻ nghi ngờ, vì vị này hiểu rõ con người như thế nào, nên nói tiếp:
- Vâng, nhưng nếu Phêrô, Giacôbê và Gioan quên đi thì sao? Nếu họ mệt mỏi không thể rao giảng nữa thì sao? Hoặc nếu những người ở thế kỷ XX không thực hiện được trọng trách thuật lại câu chuyện tình yêu của Ngài cho họ thì sao? Như thế thì sao? Ngài không lập những chương trình khác sao?
Chúa Giêsu trả lời:
- Ta không sắp đặt một chương trình nào khác cả. Ta đặt tin tưởng nơi họ.
Chúa Giêsu đã chết để ban cho chúng ta Tin Mừng và hiện nay Ngài đang tin cậy nơi chúng ta để chuyển đạt Tin Mừng về một Đức Giêsu đang sống và đang đồng hành với chúng ta để cuộc sống của mọi người được tràn đầy niềm vui và hạnh phúc mỗi ngày. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa Nhật 27 thường niên năm B
-
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa Nhật 26 thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 25 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 24 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 23 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 22 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 21 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 20 mùa Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 19 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 18 Thường niên năm B
bài liên quan đọc nhiều
- Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 29 Thường niên năm A: Khánh nhật truyền giáo
-
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 2 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 3 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật Phục sinh -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 Phục sinh năm B - Chúa nhật Chúa chiên lành -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 5 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 34 Thường niên năm A - Lễ Chúa Kitô Vua -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 5 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 2 Mùa Chay năm B