Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Lễ Thánh Gia năm C
Lc 2,41-52
Chúng con yêu quí,
Chúng ta đang sống trong những ngày mừng Chúa Giáng sinh.
Nhìn vào máng cỏ Belem, chúng ta thấy một gia đình. Gia đình này cũng giống như những gia đình khác trên thế giới từ trước đến nay. Chúng con thấy gia đình này gồm những ai? Nếu nhìn với đôi mắt bình thường của một con người thì chúng ta thấy có một người làm cha. Đó là ông Giuse. Có một người làm mẹ. Đó là bà Maria và có một người làm con . Đó là trẻ Giêsu.
Một gia đình có cha, có mẹ và có con. Đúng là một gia đình thật sự. Một gia đình có một người được gọi là cha, một người được gọi là mẹ và một người nữa được gọi là con và nếu phải xếp hạng theo cái nhìn thông thường của chúng ta thì chúng ta thấy:
Người giữ vai trò số một trong gia đình này nhất định phải là thánh Giuse
Sau đó mới đến Đức Mẹ và cuối cùng mới là Chúa Giêsu.
Có phải đúng như vậy không chúng con?
Nhưng nếu đưa mắt nhìn cao và nhìn xa hơn một chút thì chúng ta sẽ thấy suy nghĩ như thế xem ra chưa hợp lý lắm.
Bây giờ chúng ta hãy nhìn vào bài Tin Mừng hôm nay. Nhìn và suy nghĩ một chút chúng ta sẽ thấy có một điều gì đó hơi khác thường.
Điều khác thường đầu tiên đó là việc Chúa Giêsu tự ý ở lại đền thờ sau khi đã thi hành các điều luật đòi hỏi.
Chúa Giêsu tự ý ở lại đền thờ.
Chúa Giêsu tự ý ở lại đền thờ mà không có phép của cha mẹ. Chúng con có thấy Chúa Giêsu xin phép cha mẹ để ở lại hay không? Tin Mừng không cho chúng ta thấy điều đó. Rồi sau khi Thánh Giuse và Đức Mẹ trở lại và tìm thấy Chúa, thì Chúa cũng không một lời xin lỗi. Lúc Đức mẹ đưa ra lý do: "Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!" Chúng ta tưởng Chúa Giêsu sẽ lên tiếng xin lỗi rối rít! Nhưng không! Chúa Giêsu không làm như chúng ta tưởng mà ngài lại còn trả lời như là ngài có quyền làm như vậy. Đây chúng con nghe: "Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao? "Lạ quá! Chúa Giêsu không phải là con mình sao? Tại sao ngài nói thế. Và chúng con thấy Tin Mừng chỉ còn biết cách ghi lại. "Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói." Vâng! khó hiểu thật. Chúa Giêsu nói về công việc của Thiên Chúa Cha và Chúa Giêsu coi công việc của Thiên Chúa Cha mới là công việc chính mình phải chu toàn.
Đó là điều khác thường thứ nhất. Và điều khác thường thứ hai còn khó hiểu hơn.
Hãy nhìn lại bài Tin Mừng chúng ta sẽ thấy. Đây nguyên văn trong Tin Mừng: "Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nagiaréth và hằng vâng phục các ngài."(Lc 2,51)
Hãy đọc lại từng chữ những lời mà thánh Luca ghi lại: "Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nagiaréth và hằng vâng phục các ngài."(Lc 2,51)
Chúa Giêsu về sống trong gia đình ở Nagiareth. Ở đó Chúa Giêsu sống như thế nào trong suốt 30 năm trời chúng con? Chúa Giêsu đã vâng lời thánh Giuse và Đức Maria. 30 năm trời, Chúa Giêsu Con của Thiên Chúa hay nói chính xác hơn Ngài cũng chính là Thiên Chúa, Thiên Chúa nhập thể làm người. Thiên Chúa vâng lời hai ông bà. Một Thiên Chúa, Đấng Tạo Hoá vâng lời những thụ tạo! Vâng lời suốt 30 năm trời như vậy, như một người con hiếu thảo. Điều đó có lạ lùng không? Quá lạ lùng chứ! Một Thiên Chúa vâng lời những thụ tạo suốt 30 năm trời. Lạ lùng quá!
Cha hỏi chúng con Chúa Giêsu làm như thế để làm gì? Có nhiều cách trả lời nhưng cách hay nhất cha tưởng đó là để làm gương cho chúng ta.
Chúa Giêsu trong gia đình Nagiareth, mặc dù là Thiên Chúa nhưng theo sự xếp đặt của Thiên Chúa Cha, Ngài cũng là một người con. Mà đã là con thì có bổn phận là phải vâng lời cha mẹ. Đức Maria và thánh Giuse tuy chỉ là những con người nhưng trong chương trình cứu độ, Thiên Chúa đã xếp đặt để các ngài đóng vai trò làm cha làm mẹ của một gia đình. Đó là ý định của Thiên Chúa cho nên tất cả phải khiêm tốn chu toàn.
Như vậy chúng con thấy bài học Chúa để lại là một bài học quan trọng như thế nào.
Sự vâng lời rất quan trọng trong cuộc đời, nhất là cuộc đời của những người làm con Thiên Chúa.
Vì không vâng lời Thiên Chúa mà tổ tiên của loài người đã để lại những hậu quả đau buồn cho cả nhân loại!
Ngược lại, vì biết vâng lời Thiên Chúa mà Abraham đã trở thành cha của những người tin.
Giả như Đức Mẹ đã không nói lên hai tiếng Xin Vâng thì không biết lịch sử nhân loại và thế giới sẽ ra sao.
Trong một làng kia, ở bên Italia, có một người nông dân rất khô khan nguội lạnh, không sống đạo theo đức tin của mình. Một sáng Chúa Nhật nọ, ông bảo đứa con trai lên 11 tuổi rằng:
- Sáng nay, con ra đồng làm việc với ba nhé!
Cậu bé điềm tĩnh trả lời:
- Thưa ba! hôm nay là Chúa Nhật mà!
Người Cha ngạc nhiên hỏi lại:
- Chúa Nhật thì đã làm sao nào? Bộ Chúa Nhật là không làm việc được hả? Ý con thế nào?
- Thưa Ba, con muốn nói là giới răn thứ 03 Chúa dạy phải thánh hoá ngày Chúa Nhật, phải cầu nguyện và nghỉ ngơi trong ngày này.
Nghe vậy, người Cha bực tức gắt lên:
- Giới răn là cái quái gì! Các giới răn là để cho mấy đứa con nít kìa. Còn mày đã lớn rồi, đâu cần nữa!
Một ý tưởng loé lên trong trí, cậu bé nhanh nhẩu thưa lại:
- Thưa ba, nếu ba nghĩ vậy thì con không phải tuân giữa các giới răn của Chúa nữa. Điều đó cũng có nghĩa là con khỏi phải tuân giữ giới răn thứ 04 Chúa dạy phải vâng lời cha mẹ phải không?
Người Cha đành im lặng, không biết phải trả lời con làm sao, và ông không bắt đứa con ra đồng làm việc nữa. Trong bụng, ông nghĩ thầm là con mình có lý!
Cha xin kết thúc bằng lời khuyên của Thánh Tông đồ gửi cho Giáo đoàn Colosé: "Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa."(Col 3,22)
Ngày Đức Roncalli (về sau là Giáo Hoàng Gioan XXIII) thụ phong Giám mục, ngài được vào yết kiến Đức Piô X để tạ ơn. Đức Giáo Hoàng hỏi:
- Con chọn khẩu hiệu nào?
- Thưa "Vâng phục và bình an".
- Tại sao con chọn khẩu hiệu đó?
- Thưa Đức Thánh Cha, lúc con còn là học sinh, chiều nào con cũng thấy Hồng Y Daronius đã già cả đi qua công trường Thánh Phêrô. Mỗi lần như thế, ngài đều lấy một ít tiền tặng cho các người nghèo, đoạn vào thẳng đền thờ Thánh Phêrô, đến ngay trước tượng Thánh nhân và hôn chân ngài, rồi gục đầu vào chân tượng, đọc thực lớn tiếng: "Vâng phục và bình an", Ai ở gần đó đều có thể nghe được. Đọc xong, Hồng Y khả kính đó đến quỳ gối cầu nguyện trước mồ thánh Phêrô, tỏ lòng cung kính, vâng phục và trung thành với Hội Thánh rồi ra về. Hình ảnh cao đẹp và tiếng nói đanh thép ấy đã ghi sâu vào tâm trí con, nên con chọn câu nói ấy làm khẩu hiệu.
Nghe qua Đức Thánh Cha rất cảm động, hài lòng và đưa bàn tay chúc lành cho tân Giám mục Roncalli. Khẩu hiệu ấy đã được vị Giám mục thực hiện trong suốt cả đời ngài, kể cả lúc ngài trở thành Giáo Hoàng. Chính khẩu hiệu này đã giúp ngài trở thành thánh: Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII sau này. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa Giáng Sinh (+video)
-
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 2 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 34 Thường niên - Lễ Đức Giêsu Kitô Vua vũ trụ -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 33 Thường niên - Các thánh tử đạo Việt Nam -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 32 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 31 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi ngày 01/11: Lễ Các Thánh Nam Nữ
bài liên quan đọc nhiều
- Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 29 Thường niên năm A: Khánh nhật truyền giáo
-
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 33 Thường niên - Các thánh tử đạo Việt Nam -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 Phục sinh năm B - Chúa nhật Chúa chiên lành -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 5 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 2 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 3 Phục sinh năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 5 Phục sinh năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 3 Mùa Chay năm B