Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 5 Phục sinh năm B
Ga 15, 1-8
“Thầy là cây nho, anh em là cành”. (Ga 15, 5)
Thiếu nhi chúng con yêu quý.
Chúng con còn nhớ tuần vừa qua Chúa nói gì với chúng ta không?
- Dạ nhớ.
- Chúa nói gì nào?
- Chúa bảo Chúa là mục tử, là người chăn chiên.
- Khi Chúa bảo Chúa là mục tử thì Chúa muốn nói gì nào?
- Dạ thưa Chúa muốn nói đến mối giây liên hệ giữa chúng ta và Chúa.
- Chúng con rất giỏi. Chúng con trả lời rất hay. Đúng là mỗi người chúng ta có một mối giây liên hệ rất mật thiết với Chúa. Chính vì thế mà hôm nay Chúa còn dùng một hình ảnh cụ thể hơn nữa, rõ rệt hơn để chỉ sự kết hiệp mật thiết giữa Chúa và những ai tin vào Ngài. Chúa bảo giữa Chúa và những kể tin vào Chúa có một sự kết hợp sống chết như cây nho và cành nho.
1. Đây chúng con hãy nghe lời Chúa nói
“Thầy là cây nho thật, các con là cành nho. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy thì người ấy sinh nhiều hoa trái” (Ga 15, 5).
Khi nói như thế Chúa muốn nhấn mạnh đến điều gì? Thưa Chúa muốn bảo rằng: Chúng ta không phải chỉ sống bên Chúa, nhưng còn phải kết hợp với Chúa, phải sống trong Chúa, sống bằng sự sống của Chúa như lời Thánh Phaolô nói: “Tôi sống nhưng không phải là tôi sống mà là Chúa Kitô sống trong tôi.”
Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 1, 20). Đúng là phải liên kết với Chúa Giêsu đến mức độ như thế.
Chúng con thấy chỉ trong một bài Tin Mừng thật ngắn mà hai động từ “ở lại” và “gắn liền” được dùng tới gần một chục lần. Điều đó chứng tỏ Chúa muốn nhấn mạnh đến ý tưởng người tin Chúa phải kết hợp chặt chẽ với Chúa Kitô như thế nào! Có kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu như cành gắn liền vào thân, chúng ta mới có thể sống và sinh hoa trái được.
Cha kể cho chúng con câu chuyện này để chúng con dễ hiểu ý của Chúa.
Một linh mục truyền giáo tại Phi châu, sống trong một trung tâm truyền giáo hẻo lánh ở một miền quê. Ngài có một nhà máy phát điện nhỏ dùng để cung cấp điện cho thánh đường và nhà xứ. Một hôm có một người địa phương tới thăm cha, ông trông thấy bóng điện treo từ trần nhà rủ xuống phòng khách của ngài. Ông ta bỡ ngỡ hết sức khi thấy ngài chỉ bật một nút nhỏ ở vách tường thì ngọn đèn sáng ngay. Thấy khoái quá, ông ta xin ngài cho ông ta một bóng đèn. Vị linh mục lập tức đi lấy tặng cho ông ta một bóng.
Ít lâu sau, nhân dịp đến thăm gia đình ông, vừa vào nhà, ngài rất bỡ ngỡ khi thấy ông ta dùng dây thừng treo bóng đèn lủng lẳng giữa trần nhà. Thấy vẻ ngạc nhiên của cha, ông ta bèn phân bua với cha rằng:
- Thưa cha, mấy bóng đèn cha cho chẳng sao sáng được... Vị linh mục mỉm cười và từ từ giải thích cho ông ta hiểu rằng: Bóng đèn chỉ có thể thắp sáng với điều kiện là nó phải được gắn liền với nguồn điện phát ra từ máy phát điện.
Chúng con có thấy bóng điện trong nhà thờ đang sáng không?
- Dạ có.
- Muốn sáng thì phải làm sao?
- Thưa phải được nối với nguồn điện.
- Chúng con thấy bóng đèn trong nhà thờ của chúng ta được nối với nguồn điện bằng những dây điện. Chỉ khi được nối với nguồn điện như thế thì bóng điện mới sáng được.
Giả như Chúa Giêsu có mặt trong nhà thờ với chúng ta hôm nay thì cha sẽ xin Chúa nói lại với chúng ta như thế này: Ta là cái máy phát điện, chúng con là những ngọn đèn điện. Đèn nào muốn sáng thì phải nối với ta bằng giây.
Giá Chúa nói như thế thì chúng ta sẽ dễ hiểu hơn. Tiếc rằng vào thời của Chúa… chưa có điện nên, Chúa phải dùng hình ảnh cây nho.
Tóm lại là Chúa muốn nói gì nào?
- Thưa Chúa muốn bảo: Ai muốn có sự sống của Chúa thì phải liên kết với Chúa, giống như cành nho nào muốn có trái thì phải gắn với cây nho.
2. Làm thế nào để thực hiện được sự liên kết đó
Thưa trước hết là bằng việc đọc, suy gẫm và tập sống Lời Chúa. Ông bà ta nói vô tri bất mộ. Thánh Hiêronimô nói: “Ai không biết Tin Mừng là không biết Chúa Kitô”! Ít ra mỗi ngày hãy dành ra mấy phút để đọc một đoạn Tin Mừng rồi kiểm điểm đời sống. Đọc xong hãy tự hỏi: Lời Chúa mà tôi vừa đọc, Chúa muốn dạy tôi điều gì? Rồi tự xét xem Lời Chúa dạy thế, nhưng tôi đã sống như thế nào? Và tôi còn phải làm gì để sống đúng Lời Chúa dạy hơn. Tìm một việc gì thích hợp rồi quyết thực hành trong ngày để tập sống Lời Chúa. Đến tối, trước khi đi ngủ hãy xét xem mình đã thực hiện thế nào. Dần dần chúng ta sẽ thấy mình gắn bó với Chúa hơn.
Đây chúng con hãy nghe lời khuyên của Thánh Phaolô: “Dù anh em ăn uống, ngủ nghỉ hay làm bất cứ điều gì, anh em hãy làm cho Chúa vì Chúa, với Chúa để danh Chúa được cả sáng. Ví Chúa là cây nho, chúng ta là ngành. Ngành nào kết hợp với cây sẽ sinh nhiều bông trái” bông trái đó là hạnh phúc đời này nhất là hạnh phúc vĩnh cửu mai sau. (Theo “Phút Cầu Nguyện Cuối Ngày” tập III).
Thứ đến là kết hiệp với Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể. Chúa nói: “Ai ăn Thịt Ta và uống Máu Ta thì ở lại trong Ta và Ta ở lại trong người ấy” (Ga 6, 56). Không có cách kết hợp nào với Chúa Kitô một cách mật thiết cho bằng tham dự thánh lễ và rước Chúa. Ngoài ra việc viếng Thánh Thể và chầu Thánh Thể cũng giúp chúng ta ngày càng sống kết hiệp với Chúa nhiều hơn. Thánh Têrêsa Calcutta, Đấng sáng lập dòng Thừa sai Bác ái được phong thánh ngày 16.10.2003, khi sang Liên Xô cũ để xin mở chi nhánh dòng, bà được các vị lãnh đạo đồng ý ngay. Nhưng khi bà xin cho có linh mục ở tại trụ sở dòng, thì họ không cho. Thánh Têrêsa Calcutta giải thích: Nguồn sức mạnh của các nữ tu chúng tôi là có Mình Thánh Chúa. Do đó chúng tôi cần có linh mục dâng lễ mỗi ngày cho chúng tôi.
Lịch sử Giáo Hội có ghi lại chuyện bà Marthe Robin một trong những người được in năm dấu thánh. Trên 30 năm, bà không ăn uống gì, chỉ sống bằng Mình Thánh Chúa. Cha linh hướng thuật lại mỗi lần đem Mình Thánh Chúa cho bà thì ngài có cảm tưởng y như Mình Thánh bay từ tay mình vào thẳng nơi miệng bà thật sự. Bà âm thầm sống trong một căn nhà nho nhỏ, chỉ có cha linh hướng săn sóc, đi đâu cha cũng khóa cửa lại, vì bà chẳng cần ăn uống gì hết.
Tuy mắt đã mù, không đọc sách báo cũng chẳng nghe đài phát thanh, nhưng mỗi lần có ai vấn an bà việc gì, thì bà trả lời như thể bà đang nghe thấy tất cả những tin tức cuối cùng và mới mẻ nhất về nơi chỗ diễn tiến của sự việc vừa xảy ra.
bài liên quan mới nhất
- Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa Nhật 27 thường niên năm B
-
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa Nhật 26 thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 25 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 24 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 23 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 22 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 21 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 20 mùa Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 19 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 18 Thường niên năm B
bài liên quan đọc nhiều
- Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 29 Thường niên năm A: Khánh nhật truyền giáo
-
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 2 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 3 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật Phục sinh -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 Phục sinh năm B - Chúa nhật Chúa chiên lành -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 5 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 34 Thường niên năm A - Lễ Chúa Kitô Vua -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 5 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 2 Mùa Chay năm B