Bài Giảng lễ của Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống trong Thánh lễ Tạ ơn mừng Bạch-Ngọc-Kim-Ngân khánh tu dòng của các nữ tu Dòng thánh Phaolô thành Chartres – Tỉnh dòng Sài Gòn (10/6/2011)

Bài Giảng lễ của Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống trong Thánh lễ Tạ ơn mừng Bạch-Ngọc-Kim-Ngân khánh tu dòng của các nữ tu Dòng thánh Phaolô thành Chartres – Tỉnh dòng Sài Gòn (10/6/2011)

Bài Phúc âm được chọn cho Thánh Lễ hôm nay được mở ra bằng những ngọn đèn cháy sáng của mười trinh nữ - cứ như là trong công nghệ của tiệc cưới thời hiện đại vậy - nhưng được khép lại bằng một tỷ lệ 50 – 50. Năm mươi cho những ngọn đèn còn cháy sáng để bước vào phòng cưới, còn năm mươi khác lận đận mãi tới khi thắp lại được đèn của mình thì bị từ chối. Và đi đi về về giữa những lối mở và lối khép lại đặc trưng như thế của bài Phúc âm, người ta thấy sáng lên giáo huấn của Chúa Giêsu về sự thủy chung. Thủy chung trong ơn gọi theo Chúa. Cách riêng thủy chung cho ơn gọi của một Hội Dòng như Hội Dòng Thánh Phaolô thành Chartres của chúng ta đây, nhân dịp lễ cưới Bạch - Ngọc - Kim - Ngân khánh (theo thói quen của các soeurs trong nhà dòng vẫn gọi).

Mở đầu Thánh lễ, cộng đoàn cũng thấy những ngọn đèn cháy sáng. Có những ngọn đèn đỏ, những ngọn đèn vàng, những ngọn đèn hồng và những ngọn đèn trắng, nói lên thời gian chủ nhân của những ngọn đèn này đã theo Chúa 70 năm, 60 năm, hoặc 50 năm và 25 năm. Vì vậy, cũng xin khởi đi từ những ngọn đèn cháy sáng của trang Tin mừng và những ngọn đèn cháy sáng của Thánh Lễ hôm nay, để chia sẻ với mọi người, cách riêng với 24 các bà và các chị em mừng những lễ lớn trong đời mình hôm nay.

Trước hết là hình ảnh của ngọn đèn cháy sáng của cuộc đời dâng hiến.

Chắc chắn rằng mười người trinh nữ trong dụ ngôn hôm nay phải thỏa đáp được những điều kiện khách quan. Chẳng hạn như là ngoại hình, thước tấc phù hợp với nhu cầu buổi lễ. Chẳng hạn như có những ngọn đèn đã được thắp sáng. Cũng chẳng hạn như có những ngọn đèn đã được tuyển lựa từ cấu trúc vào trong ban lễ nghi đón tiếp chàng rể đến. Phúc âm không để lại một câu nói nào diễn tả bầu khí lúc khởi đầu khi các cô thắp sáng đèn của mình, nhưng chúng ta cũng dễ dàng chẩn đoán là các cô vui lắm. Vui như chưa bao giờ vui thế bởi vì được đón tiếp người mình yêu mến, người mình mong đợi. Niềm vui ắt hẳn phải ắp đầy trái tim của các cô.

Ngày hôm nay, 24 các bà và các chị em - vai chính của Thánh Lễ - nhớ lại quãng đường dài mình đã trải qua theo như thiệp ghi. Đây là những dịp khánh - dịp mừng ơn gọi của các chị em ngày tu dòng. Các bà các chị nhớ lại những ngày đầu mình dấn bước trong Hội Dòng này: động lực nào đã thúc đẩy mình đến đây? Và khi được tiếp nhận để bước vào trong ơn gọi của Hội Dòng này, ắt hẳn các bà các chị mừng vui lắm?! Động lực thúc đẩy có thể là hình ảnh của người đã giúp mình, một soeur đi trước nâng đỡ mình, nên mình cảm phục, mình muốn tiếp bước. Có thể trong một lần cầu nguyện nào đó, mình được Chúa soi dẫn và những bước chân tự nhiên đưa mình đến đây và dừng lại. Dù là kiểu nào đi nữa, chủ quan hay khách quan, cũng vẫn là niềm vui khi mình được tiếp nhận vào trong Hội dòng này.

Đó là ngày đi tu. Rồi ngày khấn cũng thế, ngày chính mình đọc lên công thức tuyên khấn giữa long trọng cộng đoàn phụng vụ, ở đó mình quyết tâm dâng hiến đời mình cho Chúa và phục vụ Giáo Hội theo linh đạo của Hội Dòng, ngày mình quyết tâm: dâng là dâng cho trót, đã hiến là hiến cho trọn. Có lần tôi chủ sự lễ khấn tại nguyện đường này và đã chứng kiến những tiếng nấc, những khoảng lặng khi đọc lên công thức khấn dòng. Sau này mới hiểu, theo kiểu nói của một linh mục thi sĩ, ngài bảo đó là những giọt lệ đồng trinh. Không biết trong 24 các bà và các chị em đây, có giọt lệ nào nhỏ ra cho ngày mình vĩnh khấn, có giọt lệ nào rớt xuống cho nỗi niềm mình thao thức, và còn nằm trong nỗi nhớ hôm nay, nhớ về ngày mà mình chính thức nói lên quyết tâm dấn bước cho cuộc đời dâng hiến không? Nhưng cứ nhìn vào ngọn nến cháy của các bà và các chị em lúc khởi đầu Thánh lễ, có những nụ cười hom hem của những bà đã khấn 70 năm, 60 năm, và không thiếu những nụ cười tươi của những chị em trẻ trung hơn hôm nay mừng Ngân khánh, tất cả đều là những ngọn nến nói lên tâm tình dâng hiến, đã khởi đầu và đã dấn bước đi trong đời sống dâng hiến một thời gian dài. Ngọn đèn ấy vẫn cháy sáng và ngọn đèn ấy muốn nói lên tâm tình tạ ơn của buổi lễ hôm nay.

Đó là ghi nhận thứ nhất về những ngọn đèn cháy sáng.

Điều ghi nhận thứ hai: những ngọn đèn trong thánh lễ hôm nay phản ảnh bình an của những tâm hồn theo Chúa.

Chúng ta ghi nhận trong bài Phúc Âm, có một hoạt cảnh xem ra chùng xuống. Nhưng lại rất tự nhiên và dễ thương. Đó là cảnh cả mười cô mòn mỏi đợi chờ chàng rể đến, nhưng không biết cách nào, lúc nào, cuối cùng - như Phúc âm mô tả - các cô đều thiếp đi và ngủ cả. Cả mười cô, những giây phút trước nhộn nhịp, vui tươi là thế; những phút sau đợi chờ lâu quá, đã ngủ hết, chẳng còn cô nào thức cả. Có thể người ta thấy đây là khoảng lặng của bài Phúc Âm, nhưng thực ra lại diễn tả một nét rất thật ở trong hành trình theo Chúa, đó là sự chờ đợi. Hoạt cảnh từ đầu của tiệc cưới này, mô tả trong bài dụ ngôn, cũng nói lên sự chờ đợi khi theo Chúa trong đời dâng hiến.

Thưa cộng đoàn, 24 bà và chị em mừng ngày bước vào đời dâng hiến hôm nay, hơn ai hết, cảm nhận được tất cả hạnh phúc của đời dâng hiến được diễn tả qua những nét nắng mưa của cuộc sống. Ở đây điều quan trọng không phải là nắng hay mưa. Nắng mưa là bệnh của trời, luôn luôn có. Điều quan trọng mà tất cả đều trải qua, trong sự lựa chọn mình, đó là sự bình an. Nếu như hình ảnh ngủ thiếp đi của mười cô trinh nữ, mang một nét đáng trách nào đó trong hành trình chờ đợi, thì đồng thời cũng lại nói lên cách rất dễ thương một tâm hồn bình an. Dẫu chàng rể đến trễ đi nữa, các cô vẫn an tâm đợi chờ, vẫn an tâm đi vào giấc ngủ. Giấc ngủ của sự bình an, giấc ngủ của sự phó thác và giấc ngủ của một cuộc đời dâng hiến. An tâm đợi chờ. Đã quyết đi là đi đến cùng.

Nếu như nắng mưa đời dâng hiến vẫn luôn có trong nhịp sống của các bà và các chị em đây, các bà các chị em, khi bên nhau, cần giữ khoảng cách đừng quá xa để trở thành lạnh lẽo, đừng quá gần để trở thành nóng nực cho nhau. Những điều ấy, mỗi năm ta vẫn có cơ hội để nhìn lại. Đặc biệt là trong những tháng ngày tĩnh tâm, trong những ngày tĩnh huấn, các chị em đã dần dần nhận ra những khoảng tối khoảng sáng, khoảng nắng khoảng mưa, trong đời mình. Để rồi lại vẫn đi tiếp những bước chân bình an trong đời dâng hiến. Để hôm qua bình an, hôm nay vẫn tiếp tục an bình. Và cứ bình an - an bình, nối tiếp nhau làm thành hai nhịp hạnh phúc của hành trình dâng hiến. Vâng, bước đi trong nhịp chân bình an của đời hiến dâng, chắn hẳn các bà và các chị em ở đây đều cảm nhận như vậy.

Điều ghi nhận thứ ba nữa gắn liền với ngọn đèn cháy sáng, đó chính là: ngọn đèn - hình bóng của sự thủy chung.

Thủy là khởi đầu, chung là kết thúc. Từ khởi sự cho đến hoàn thành, tất cả vẫn còn cháy sáng. Phúc âm hôm nay mô tả một biến cố và một sự cố. Tức là, với năm cô được gọi là khôn ngoan, việc được vào phòng cươi với chàng rể là một biến cố hạnh phúc. Còn với năm cô gõ cửa mà không được mở, thì đây là một sự cố bất ngờ. Bất ngờ bởi vì các cô đâu có chờ đợi như thế. Điều này nói lên sự vui buồn trong việc đón chờ chàng rể.

Hôm nay, nhìn những ngọn đèn cháy sáng, ắt hẳn cộng đoàn cũng nhận ra niềm hạnh phúc thủy chung của 24 nhân vật chính của Thánh lễ này. Ngọn đèn, trải qua 70 năm, 60 năm, 50 năm hoặc 25 năm, mà vẫn cháy sáng, thì hẳn là một niềm hạnh phúc lớn, đem lại tâm tình tạ ơn, đem lại niềm vui và sự hiệp thông, như cộng đoàn chúng ta đang thấy.

Nhưng nói đến ánh sáng, cùng lúc - một cách nào đó, cũng phải liếc qua bóng tối. Mà bóng tối không ở đâu xa. Bóng tối nhiều khi đọng lại ngay dưới chân đèn. Ngay trong cuộc sống đang thắp sáng của một tu sĩ, cũng luôn hiện diện - một cách nào đó - những khoảng tối ở ngay đế đèn đời dâng hiến của mình. 24 bà và chị em trong vai chính, khi bước vào Thánh lễ với những ngọn đèn sắc màu khác nhau - từ trắng qua đỏ, đến vàng rồi hồng - nói lên cả một quãng đời dài theo Đức Kitô với lời vĩnh khấn trong Hội Dòng. Ngọn đèn màu sắc ấy chính là ngọn đèn mang sắc màu của tấm lòng thủy chung. Điều quan trọng là ngọn đèn ấy luôn được thắp sáng.

Đầu lễ, Đức Cha Tôma đã nhắc đến ánh sáng này. Ngài đã hình dung về ánh sáng của những người hôm nay mừng các lễ khánh trong đời của mình. Năm xưa thắp sáng, năm nay cũng tiếp tục thắp sáng. Chưa mừng lễ, đã thắp sáng rồi. Mừng lễ xong, còn phải thắp sáng nhiều hơn nữa cho chính bản thân mình. Rồi, ngài cũng nói, hình ảnh của ánh sáng này còn diễn tả gương sáng của đời nữ tu dành cho cộng đoàn của mình. Dành cho các chị em ít tuổi hơn. Dành cho các tín hữu đang chung chia niềm vui với mình. Thiết nghĩ, đó là ánh sáng của sự thủy chung.

Nếu như trong quá khứ, ta vận dụng thần lực và ngoại lực do Hội Dòng tặng, để làm cho ngọn đèn luôn đuôc thắp sáng, thì trong niềm tri ân Thiên Chúa, trong niềm vui hiệp thông với cộng đoàn, ta cũng quyết tâm giữ cho ngọn đèn dâng hiến mãi được thắp sáng. Mãi mãi cháy lên trong niềm thủy chung. Thủy chung trong lời Vĩnh khấn khiến ta gắn bó với Hội Dòng này.

Ngọn đèn được thắp sáng nhờ “ngoại lực” do Hội Dòng tạo điều kiện, nhờ “thần lực” là ơn Chúa, và nhờ “nội lực” do các bà và chị em khơi lên trong đời sống của mình nhằm đáp trả ơn Chúa và thắp sáng sự thủy chung đời mình.

Nhìn vào lễ cưới hôm nay, lễ cưới Bạch-Ngọc-Kim-Ngân, có lẽ cộng đoàn chúng ta cũng thấy những vai chính hôm nay rất vui, cho dẫu chúng tôi thấy có đến năm người đang làm chủ những chiếc xe lăn và phần đông khác còn vững bước trên đôi chân của mình. Dù thế nào đi nữa, ngọn đèn của quý vị trọng tuổi hay trẻ tuổi, của xe lăn hay những đôi chân vững chắc, vẫn cứ nói lên niềm vui. Niềm vui tạ ơn vì đời mình vẫn luôn sáng lên trong ơn gọi. Niềm vui được hiệp thông. Để ngày lễ hôm nay, dù là điểm kết cho một giai đoạn đã qua và khởi đầu cho một giai đoạn đi tới, sẽ luôn là niềm vui toả sáng cho mình, cho Hội Dòng và cho mọi người. Chúc cho các bà và chị em trăm năm hạnh phúc.
 

Top