Bài giảng Chúa nhật Lễ Lá 2025 của Đức Thánh Cha
TGPSG/Aleteia.org --- Trong bài giảng Chúa nhật Lễ Lá, Đức Thánh Cha tập trung vào nhân vật Simôn thành Kyrênê, làm nổi bật sự tương phản giữa hai người cùng mang tên Simôn: “Simôn thành Galilê nói mà không làm; còn Simôn thành Kyrênê làm mà không nói.”
Thánh lễ Chúa nhật Lễ Lá do Đức Hồng Y Leonardo Sandri chủ tế, thay mặt Đức Thánh Cha Phanxicô. Sau Thánh lễ, Đức Thánh Cha hiện diện tại Quảng trường Thánh Phêrô để chào Đức Hồng Y, ban huấn từ cho các tín hữu và gặp gỡ cộng đoàn hiện diện.
Vào thứ Bảy, ngày 12 tháng Tư, Đức Thánh Cha cũng đã ra ngoài, viếng nhà thờ Đức Bà Cả và hình ảnh Đức Mẹ mà Ngài hằng yêu mến. Với chuyến viếng thăm này, cùng với cuộc gặp gỡ Vua Charles và Hoàng hậu Camilla, thời gian cầu nguyện tại Mộ Thánh Phêrô và sự xuất hiện bất ngờ tại Quảng trường Thánh Phêrô vào Chúa nhật trước đó, có thể nói rằng Đức Thánh Cha đã hoàn toàn ra khỏi tình trạng cách ly. Tuy nhiên, vẫn cần chờ xem khi nào giọng nói và sức khỏe hô hấp của Ngài đủ mạnh để có thể giảng dạy trực tiếp trở lại.
Nội dung bài giảng
“Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa” (Lc 19,38). Đám đông hô vang khi Đức Giêsu tiến vào Giêrusalem. Đấng Mêsia bước qua cổng thành thánh, cánh cổng mở rộng để đón Người. Chỉ vài ngày sau, chính Người sẽ ra đi qua cổng ấy, nhưng lần này là Đấng bị kết án và chịu nguyền rủa, vác thập giá trên vai.
Hôm nay, chúng ta cũng bước theo Đức Giêsu: trước là cuộc rước trong niềm hân hoan, sau đó là hành trình đau khổ - khi cùng nhau bước vào Tuần Thánh, thời gian chuẩn bị để tưởng niệm cuộc Thương Khó, cái chết và sự Phục Sinh của Chúa.
Khi chiêm ngắm gương mặt các người lính và những giọt nước mắt của các phụ nữ trong đám đông, ánh mắt của chúng ta hướng về một người: Simôn xứ Kyrênê. Ông là người bị các lính bắt và họ “đặt cây thập giá lên vai ông và bắt ông vác đằng sau Đức Giêsu” (Lc 23,26). Khi ấy, ông vừa từ ngoài đồng về, tình cờ đi ngang qua và bất ngờ bị cuốn vào một biến cố thương đau mà ông hoàn toàn không chuẩn bị trước.
Khi chính chúng ta đang trên hành trình tiến về đồi Canvê, hãy dừng lại một chút để suy niệm về hành động của ông Simôn, cố gắng nhìn vào tâm hồn ông và bước theo dấu chân ông bên cạnh Đức Giêsu.
Thoạt nhìn, hành động của ông có vẻ bị ép buộc. Nhưng chính lúc ấy, ông thực sự được tham dự vào cuộc Thương Khó của Chúa. Ông không giúp Đức Giêsu vì xác tín, mà vì bị cưỡng bức. Tuy nhiên, thập giá của Đức Giêsu đã trở thành thập giá của ông. Ông không phải là Simôn, người đã từng tuyên bố: “Lạy Chúa, con sẵn sàng đi tù và chết với Thầy” (Lc 22,33), nhưng rồi đã bỏ trốn trong đêm phản bội. Người vác thập giá theo Đức Giêsu lúc này là một người xa lạ đến từ Kyrênê. Và chính Chúa đã nói: “Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mỗi ngày mà theo” (Lc 9,23).
Simôn xứ Galilê đã nói nhưng không làm. Simôn xứ Kyrênê đã làm nhưng không nói. Giữa ông và Đức Giêsu không có một lời đối thoại nào, không một lời nào được thốt ra. Giữa ông và Đức Giêsu, chỉ có thập giá.
Nếu muốn biết liệu Simôn xứ Kyrênê đã trợ giúp hay oán ghét Đức Giêsu - Đấng mà ông buộc phải chia sẻ nỗi đau khổ - liệu ông đã “vác lấy” thập giá của Chúa hay chỉ đơn giản mang nó, điều ấy chỉ có thể hiểu được khi chiêm ngắm cõi lòng ông. Trái tim Thiên Chúa luôn rộng mở, bị đâm thâu bởi nỗi đau - một nỗi đau mạc khải lòng thương xót của Người. Trái lại, lòng con người thường khép kín. Chúng ta không biết điều gì đã diễn ra trong tâm hồn Simôn.
Hãy thử đặt mình vào vị trí của ông: chúng ta sẽ cảm thấy giận dữ hay xót xa? Cảm thương hay khó chịu? Khi suy nghĩ về điều Simôn đã làm cho Đức Giêsu, chúng ta cũng được mời gọi suy nghĩ về điều Đức Giêsu đã làm cho ông - và cho từng người: cho tôi, cho bạn. Người đã cứu chuộc thế gian.
Thập giá bằng gỗ mà Simôn xứ Kyrênê vác chính là thập giá của Đức Kitô - Đấng đã mang lấy tội lỗi của toàn thể nhân loại. Người mang lấy tất cả vì yêu thương chúng ta, trong sự vâng phục thánh ý Chúa Cha (x. Lc 22,42). Người đã chịu đau khổ với chúng ta và vì chúng ta. Một cách nhiệm mầu và sâu thẳm, Simôn xứ Kyrênê đã trở thành một phần của lịch sử cứu độ - nơi không ai là người xa lạ, không ai là kẻ ngoài cuộc.
Vì thế, chúng ta hãy bước theo dấu chân Simôn, vì ông dạy cho ta biết rằng Đức Giêsu đến gặp gỡ mọi người, trong mọi hoàn cảnh. Khi chúng ta nhìn thấy những đoàn người nam nữ đang bị hận thù và bạo lực buộc phải bước đi trên con đường thập giá, hãy nhớ rằng Thiên Chúa đã biến con đường ấy thành con đường cứu độ - vì chính Người đã đi trên con đường đó và hiến dâng mạng sống mình vì chúng ta.
Biết bao Simôn xứ Kyrênê vẫn đang hiện diện trong thế giới hôm nay, đang vác thập giá của Đức Kitô trên vai. Chúng ta có nhận ra họ không? Chúng ta có thấy được dung mạo của Chúa nơi khuôn mặt họ - những khuôn mặt bị tàn phá bởi chiến tranh, bất công và thiếu thốn? Đứng trước sự dữ khủng khiếp, thập giá Đức Kitô mà ta vác không bao giờ là vô ích; trái lại, đó là cách cụ thể nhất để chúng ta được hiệp thông với tình yêu cứu độ của Người.
Chúa Giêsu chịu nạn trở nên lòng thương xót mỗi khi chúng ta giơ tay ra với những ai tưởng chừng không thể tiếp tục bước đi, khi chúng ta nâng đỡ những người ngã quỵ, khi chúng ta ôm lấy những người đang tuyệt vọng.
Anh chị em thân mến,
Để được cảm nghiệm phép lạ vĩ đại của lòng thương xót, trong Tuần Thánh này, chúng ta hãy chọn cách thế để mang lấy thập giá của mình: nếu không thể trên vai, thì hãy mang trong tâm hồn. Và không chỉ là thập giá của chính mình, mà còn là thập giá của những người đang đau khổ quanh ta - thậm chí là của một người xa lạ mà định mệnh - hay đúng hơn, là sự quan phòng - đã đặt họ trên hành trình đời ta. Hãy chuẩn bị tâm hồn cho Mầu nhiệm Phục Sinh bằng cách trở nên một Simôn xứ Kyrênê cho anh chị em mình.
Tác giả: Kathleen N. Hattrup
Xuân Đại (TGPSG) biên dịch từ Aleteia.org
bài liên quan mới nhất

- Cầu nguyện cho các linh mục trong Tuần Thánh
-
Những người giữ bình an nơi cổng nhà thờ -
Lý do Thánh Gioan Phaolô II chọn Lễ Lá làm Ngày Giới trẻ Thế giới -
Lễ Lá: Sự chiến thắng của khiêm tốn và hy vọng -
Mầu nhiệm Cứu độ: Lễ Lá và con đường Thương Khó -
Suy niệm Tuần Thánh: Đặt mình vào Cuộc Thương Khó của Chúa -
Đức Thánh Cha Phanxicô nói về Con đường dẫn đến Hạnh phúc -
Sống hết lòng với cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu -
Cho đi không tính toán -
Noi gương Chúa Giêsu yêu thương kẻ thù
bài liên quan đọc nhiều

- An tử và Trợ tử trong Giáo lý Công Giáo
-
Phẩm giá của mỗi nhân vị và các quyền con người -
Dụ ngôn Người Con Hoang Đàng: lời mời gọi trở về trong Mùa Chay -
Ba mầu nhiệm làm nên phẩm giá con người -
Chọn ngôn sứ Giêrêmia đồng hành với bạn trong mùa Chay -
Tại sao người Công giáo lại che các thánh giá và ảnh tượng trong Mùa Chay? -
Về Tuyên ngôn “Dignitas infinita” -
Ngày 05 tháng 03: Thứ Tư Lễ Tro -
Cảm ơn "các Thánh Giuse" trong đời tôi -
Suy niệm Tuần Thánh: Đặt mình vào Cuộc Thương Khó của Chúa