Âm thanh và ánh sáng Kitô hữu trong đại dịch

Âm thanh và ánh sáng Kitô hữu trong đại dịch

Âm thanh và ánh sáng Kitô hữu trong đại dịch

TGPSG – “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian (Mt 5,14)

Giữa những tăm tối của đại dịch Covid 19, dù rất giới hạn và nhỏ bé, nhiều Kitô hữu vẫn nỗ lực theo lời Đức Kitô mời gọi trở nên ‘ánh sáng cho trần gian’. Họ cố gắng mang ánh sáng của tình thương và hy vọng đến phục vụ ở những bệnh viện dã chiến, hoặc quảng đại chia sẻ vật chất, nâng đỡ tinh thần các nạn nhân Covid và những nhân viên y tế ở tuyến đầu…

Có những Kitô hữu, vì lý do sức khỏe không thể bước ra khỏi nhà trong thời giãn cách, cũng đang thường xuyên khiêm tốn tha thiết dâng lời cầu nguyện, dâng lên những hy sinh nhỏ bé - như nỗ lực sống bao dung hài hòa với thân nhân trong nhà, làm việc online, hoàn tất những công việc còn dang dở, đồng thời tiếp tục học hỏi, trau dồi khả năng chuyên môn của mình để có thể cống hiến tốt hơn. Đây cũng là trường hợp của nhiều thành viên mục vụ truyền thông, sống giãn cách với ý thức thân phận yếu đuối, nhưng vẫn nỗ lực theo ý Chúa để mong trở thành ánh sáng cho trần gian bằng cách: sinh hoạt phục vụ trực tuyến, sống yêu thương thắm thiết với thân nhân trong nhà, và không quên trau dồi khả năng chuyên môn truyền thông của mình. Ý thức được rằng, dù yếu đuối hèn kém thế nào đi nữa thì mình cũng cần là ‘ánh sáng cho trần gian’, họ dành thời gian để nghiên cứu thêm về điện ảnh - trong đó có kỹ thuật ‘ánh sáng và âm thanh’ - hầu mỗi ngày một rành rẽ hơn trong nghệ thuật làm phim loan báo Tin Mừng. Đồng hành với tinh thần học hỏi cầu tiến ấy, dưới đây là một vài nét kỹ thuật về ‘ánh sáng và âm thanh điện ảnh’, mong được chia sẻ để khích lệ nhau thi hành sứ mạng làm ‘ánh sáng cho trần gian’ một cách tốt đẹp hơn.

ÁNH SÁNG ĐIỆN ẢNH

Đèn chiếu

Một trong những khâu cốt yếu của điện ảnh là quay phim. Và xét cho cùng, quay phim cũng có thể được định nghĩa là dùng ánh sáng để viết thành một câu chuyện. Vì thế các đèn chiếu dùng để tạo sáng trong phim có vai trò rất quan trọng. Trong quá trình quay phim, khi các đèn chiếu được sử dụng và phối hợp đúng cách với ánh sáng tự nhiên bên ngoài, thì toàn bộ hiệu ứng ánh sáng điện ảnh có thể truyền tải tâm trạng và ý nghĩa bộ phim một cách đáng kể.

Các nhà quay phim và những người phụ trách ánh sáng phải nỗ lực rất nhiều để chiếu sáng các vật thể và các nhân vật sao cho có được những hình ảnh và chân dung hấp dẫn trong phim. Họ cần phải để ý đến 3 thuộc tính của ánh sáng phát ra từ đèn chiếu: chất lượng (mạnh hoặc yếu), vị trí (hướng ánh sáng chiếu vào đối tượng) và độ tương phản (nhiều hay ít).

Chính ánh sáng chiếu xuống trên phim trường và trên các nhân vật sẽ đưa bộ phim vào bối cảnh chính xác của truyện phim.

Ánh sáng trong phim cho người xem cảm nhận được tình huống của câu chuyện, đồng thời thêm màu sắc, độ tương phản, điểm nhấn và bóng đổ cho cảnh trí và các nhân vật, khiến cho bộ phim trở nên hấp dẫn hoặc kinh hoàng hơn. Vì vậy, để đánh giá bộ phim, người xem phim cũng cần có những hiểu biết về kỹ thuật phối hợp những yếu tố cơ bản của ánh sáng phim trường, đi kèm với những kỹ thuật chiếu sáng bổ sung.

Ba yếu tố cơ bản của ánh sáng phim trường là: ánh sáng chính (key light), ánh sáng phụ (fill light) và ánh sáng ven (backlight).

Ánh sáng chính (key light) - đi liền với máy quay và nhân vật - tạo nên tâm trạng và ý nghĩa của bộ phim. Ánh sáng chính (key light) chiếu sáng quang cảnh và tạo bóng tương xứng trên đối tượng để làm nên một tình huống kịch tính gây xúc động.

Ánh sáng phụ (fill light) sẽ làm giảm bớt độ tương phản và đảm bảo khả năng hiển thị nét mặt của các nhân vật. Ánh sáng phụ (fill light) không được mạnh hơn ánh sáng chính (key light).

Ánh sáng ven (backlight) được sử dụng để chiếu sáng phía sau đối tượng nhằm tách đối tượng ra khỏi hậu cảnh. Ánh sáng này tạo ra chiều sâu, nhấn mạnh phần tóc, viền và tăng độ tương phản… Khi ấy ánh sáng mạnh (hard light) có thể được dùng để làm rõ các đường cong và đường nét của đối tượng.

Chiếu sáng mạnh (hard lighting), chiếu sáng dịu (soft lighting), chiếu sáng ven (back lighting), chiếu sáng trên (top lighting), chiếu sáng dưới (bottom lighting), chiếu sáng bên (side lighting), chiếu sáng trực diện (frontal lighting), chiếu sáng hai điểm (two-point lighting), sắc thái (shades) và bóng đổ (shadows) là một số loại kỹ thuật chiếu sáng khác mà nhóm kỹ thuật ánh sáng tận dụng để nâng cao tâm trạng của nhân vật và để truyền thông điệp đến người xem.

Khi quay phim ngoài trời, nhà làm phim luôn để ý: Trong những nguồn sáng được nhắc đến trên đây, nguồn sáng nào cần được bổ sung để hình ảnh của các đối tượng ngoài trời đạt được yêu cầu của truyện phim.

Màu sắc

Nhờ ánh sáng, con người nhìn thấy muôn màu sắc khác nhau trong vũ trụ. Trong lãnh vực điện ảnh, các nhà làm phim sử dụng màu sắc để thể hiện tâm trạng của các nhân vật và bối cảnh của truyện phim: các đạo diễn nghệ thuật bố trí màu sắc ở phim trường, các nhà quay phim điều chỉnh ống kính và các đèn chiếu, các nhà dựng phim thì sử dụng các phần mềm đặc biệt như DaVinci Resolve để điều chỉnh màu sắc của các cảnh quay…

Khi chọn một màu cụ thể cho phim, họ để ý điều chỉnh ba thành phần chính (HBS): màu cơ bản (Hue), độ sáng (Brightness) và độ bão hòa (Saturation). Họ thực hiện ‘bảng màu của phim’ (movie color palette) sao cho cân bằng để gợi lên tâm trạng cần có nơi người xem và tạo nên giai điệu thích hợp cho toàn thể bộ phim.

Có một số cách khác nhau để tạo sự cân bằng cho bảng màu của phim, bao gồm: phối màu đơn sắc (monochromatic color scheme), phối màu bổ sung (complementary color scheme), phối màu tương tự (analogous color scheme) và phối màu bộ ba (triadic color scheme).

Phối màu đơn sắc (monochromatic color scheme), là khi một màu cơ bản (hue) được pha thêm màu trắng ở các mức độ khác nhau để có được những sắc độ nhẹ hơn (tints) của cùng một màu này, hoặc được pha thêm màu đen ở các mức độ khác nhau để có được những sắc độ sậm hơn (shades) của cùng một màu ấy. Phối màu đơn sắc tạo ra một cảm giác hài hòa, mềm mại và êm dịu.

Phối màu bổ sung (complementary color scheme) là khi hai màu tương phản - nằm ở hai phía đối nghịch trong bánh xe màu (color wheel) - được kết hợp với nhau để tạo thành bảng màu của phim. Mục tiêu của các ‘bảng màu bổ sung’ là tạo ra sức sống trực quan hoặc sự căng thẳng sôi động trong khung hình, ví dụ màu đỏ và xanh lá cây được dùng trong các cảnh quay dưới đây của phim Amélie.

Phối màu tương tự (analogous color scheme) là sử dụng các màu nằm cạnh nhau trên bánh xe màu: màu thứ nhất được chọn để ‘thống lĩnh’ cả màn hình, màu thứ hai để hỗ trợ, và màu thứ ba (cùng với tông màu đen, trắng và xám) được chọn để làm nổi bật chủ đề. Ví dụ, ‘Phối màu tương tự’ được sử dụng trong phim Children of Men để diễn tả tình trạng nguy hiểm của thế giới không có thêm trẻ em nào được sinh ra: Nhờ ‘phối màu tương tự’, tình huống thảm khốc của thế giới không trẻ em đã được thể hiện rõ nét bằng bảng màu thảm khốc xuyên suốt bộ phim.

Phối màu bộ ba (triadic color scheme) là kết hợp ba màu cách đều nhau xung quanh bánh xe màu: một màu chủ đạo kết hợp với hai màu bổ sung. Cách phối màu bộ ba ít được sử dụng vì chúng làm cho bộ phim trông hơi giống với phim hoạt hình, ví dụ như phim Superman.

Để tạo tính cách biểu tượng của phim, các nhà làm phim còn sử dụng một số cách phối màu đặc biệt như:

- Màu trái ngược (discordant color): làm nổi bật một đối tượng có màu trái ngược với toàn thể bối cảnh, ví dụ: màu xanh trong phim Amélie, hoặc màu đỏ trong phim The Sixth Sense (Giác quan thứ sáu).

- Màu liên kết (associate color) là màu được đạo diễn đặc biệt sử dụng nhiều lần trong phim - trùng lặp với một điều gì đó - để tạo sự liên tưởng, liên kết với một chủ đề hoặc một đối tượng trong phim, ví dụ: phim Bố Già 1 đã sử dụng màu cam của những trái cam, là thứ trái cây luôn có mặt khi có một sự cố giết người xảy ra.

- Màu chuyển tiếp (transitional color): chuyển hoàn toàn qua một bảng màu mới, cho thấy sự thay đổi hoàn toàn về tâm trạng, giọng điệu, thể loại phim, hoặc cho thấy tính cách trái ngược của cùng một nhân vật, ví dụ nhân vật Walter White sống đời hai mặt trong phim Breaking Bad (Biến chất)

ÂM THANH ĐIỆN ẢNH

Để đi từ kỷ nguyên ‘phim câm’ sang kỷ nguyên ‘phim có âm thanh’, điện ảnh đã phải vượt qua một chặng đường khá dài. Và khi bước vào được kỷ nguyên ‘phim có âm thanh’, chất lượng của phim ảnh đã đi vào một tầm cao chưa từng có trước đây, nhất là khi có kỹ thuật số surrounding của Dolby Atoms trong các rạp hát.

Người xem phim cần coi âm thanh và âm nhạc là những yếu tố quan trọng để qua đó đánh giá một bộ phim. Họ cần phải để ý xem: nhạc nền và hiệu ứng âm thanh có phù hợp với hành động của nhân vật không, bố cục âm nhạc có đi theo tình huống của câu chuyện không, nhịp cầu âm nhạc được sử dụng như thế nào…

Kỹ sư âm thanh (sound engineers) cùng đạo diễn âm nhạc (music directors) chịu trách nhiệm về âm thanh trong phim. Và âm thanh trong phim bao gồm: âm giọng (vocals), hiệu ứng âm thanh (sound effects), âm nhạc (music) và khoảng lặng (silence).

Âm giọng (Vocals)

Âm giọng (vocals) bao gồm lời thoại và các giọng hát. Hầu hết các lời thoại được ghi lại trong các studio. Lời thoại mang lại sức sống cho nhân vật nên có vai trò rất lớn trong phim. Âm giọng (vocals) có thể bao gồm cả diegetic và non-diegetic. Diegetic là âm thanh phát ra từ các nguồn nhìn thấy trong màn hình, còn Non-Diegetic là âm thanh không đến từ các nguồn nhìn thấy trong màn hình. Âm giọng (vocals) trong phim phải phù hợp với thông số của 5P: Power (âm lượng), Pitch (âm vực), Pronunciation (phát âm), Pace (nhịp độ) và Pause (khoảng lặng). Như vậy, để đánh giá một bộ phim, người xem phim còn cần phải để ý đến âm lượng, giai điệu giọng nói, cách nói, tốc độ và nhịp điệu lời nói (phát biểu xen kẽ với những khoảng lặng) của các nhân vật.

Hiệu ứng âm thanh (sound effects)

Hiệu ứng âm thanh (sound effects) là tiếng động có âm lượng nhỏ đi theo âm nhạc hoặc lời thoại. Hiệu ứng âm thanh được tạo ra tại hiện trường và phòng thu. Hiệu ứng âm thanh được sử dụng để tăng cường tâm trạng trong bối cảnh và nâng cao nội dung hài hước hoặc nghiêm túc của câu chuyện. Tiếng chim kêu, tiếng đập cửa sổ, nhịp tim, chuyển động của lá cây, âm thanh của ô tô, tiếng chó sủa, âm thanh sinh học và âm thanh xung quanh là một số hiệu ứng âm thanh bổ sung cho chi tiết của nhóm cảnh phim (scene).

Âm nhạc (music)

Âm nhạc trong phim có nhiệm vụ làm gia tăng cảm xúc và phạm vi tâm lý của các nhân vật, bao trùm và thu hút khán giả theo những cách thức mà các yếu tố khác trong phim không thể làm được: Âm nhạc của phim góp phần tạo nên bản chất của truyện phim. Đó là tiếng nói âm thầm của trái tim và tâm trí. Biểu cảm và phản ứng của các nhân vật được nâng cao và phong phú cách đặc biệt nhờ nhạc nền. Nhạc nền và bài hát của phim giúp cho các nhân vật và truyện phim chiếm được trái tim và tâm hồn của người xem. Nhạc phim tăng cường cảm xúc, biểu cảm, tâm trạng, tình huống, hành động của các nhân vật cũng như sức sống đầy linh hoạt của các địa điểm trong phim.

Khoảng lặng (silence)

Khoảng lặng đóng một vai trò đặc biệt trong việc nâng cao chất lượng của các bộ phim. Sự vắng mặt đột ngột của âm thanh trong một bộ phim âm thanh (sound film) sẽ tạo nên cảm giác ngỡ ngàng về thực tế của một tình huống nhất định. Mani Ratnam được coi là một trong rất ít nhà làm phim đạt được đỉnh cao trong việc sử dụng khoảng lặng để truyền đạt những ý nghĩa và thông điệp khó truyền đạt. Khoảng lặng tạo cảm giác ngỡ ngàng đồng thời cung cấp một khoảng thời gian vừa đủ để người xem liên tưởng lại cuộc sống và ngôn ngữ của các nhân vật trong phim.

KẾT LUẬN

Cho dù đang nỗ lực thực hiện các nghĩa cử phục vụ yêu thương ngoài tuyến đầu, hoặc đang phải ở nhà làm việc online, hay đang xem phim để đánh giá và học hỏi những cái hay từ phim, hoặc đang làm phim để chuyển tải các giá trị Tin Mừng, một thành viên truyền thông luôn phải nhớ mình chính là ‘ánh sáng cho trần gian’. Ánh sáng đó tỏa ra từ một tâm hồn luôn kết hợp với Đức Kitô là nguồn sáng, luôn yêu thương phục vụ cùng với Đức Kitô, và không ngừng học hỏi cùng với Đức Kitô, để có thêm nhiều khả năng mang được ánh sáng yêu thương và âm thanh của Tin Mừng đến cho một xã hội đang có nhiều bóng tối và nhiều thanh âm hoảng loạn do đại dịch Covid gây ra…

Vi Hữu (TGPSG) tổng hợp và biên soạn
Tham khảo: SACD Cineliteracy TOT eHandbook và Studio Binder

 

Top