Sức mạnh của Điện ảnh: 10 bộ phim làm thay đổi thế giới
TGPSG -- Điện ảnh thường bị đánh giá là một dạng giải trí cho khuây khỏa, cho quên đi những gánh nặng của cuộc đời. Nhưng cho dù phim ảnh chủ yếu được tạo ra để giải trí, sẽ là rất sai lầm nếu phủ nhận tiềm năng 'thay đổi thế giới' của nó.
Phim ảnh có thể có tác động lớn hơn nhiều so với sự tưởng tượng ban đầu của người ta. Nó có thể ảnh hưởng đến văn hóa, chính trị, luật pháp, và quan trọng hơn, nó có thể thay đổi tiến trình lịch sử. Như Haifaa Al Mansour, nữ giám đốc đầu tiên của Ả Rập Xê Út, đã nói một cách hoàn hảo: "Nghệ thuật có thể chạm vào mọi người và khiến họ cởi mở hơn."
Những bộ phim dưới đây đã làm được điều đó. Dù tốt hay xấu, chúng cũng đã đóng vai trò như chất xúc tác cho sự thay đổi.
1. Cá đen (Blackfish)
Khi ra mắt vào năm 2013, phim ‘Cá đen (Blackfish)’ đã gây chấn động thế giới. Hàng triệu khán giả lơ đãng bất ngờ được xem bộ phim chú cá voi Tilikum trên màn ảnh ti vi trong nhà mình. Bộ phim tài liệu này tiếp nối câu chuyện bi thảm về một chú cá voi bị ngược đãi bởi công viên giải trí Seaworld, một nơi chật chội và đối xử vô nhân đạo đã khiến chú cá voi Tilikum phản ứng và giết chết 3 huấn luyện viên của mình.
Tiết lộ về cách những sinh vật biển đáng thương này bị đối xử sau những cánh cửa đóng kín đã dẫn đến làn sóng phản đối kịch liệt trên toàn cầu. Một cơn sóng thần gồm các dòng tweet, lượt chia sẻ video trên Facebook và các kiến nghị đã lan tràn trên internet, phơi bày cái giá quá đắt của cảnh tượng ‘giải trí’ này.
Seaworld bị ảnh hưởng nặng nề; hàng triệu người tẩy chay khu nghỉ dưỡng của họ, danh tiếng của họ bị suy giảm, doanh số bán vé giảm đáng kể và giá cổ phiếu giảm một nửa. Kết quả cuối cùng ra sao? Seaworld đã hủy bỏ chương trình nhân giống cá voi sát thủ của họ và dừng tất cả các chương trình trực tiếp nổi tiếng có sự tham gia của chú cá voi Shamu. Tính nhân văn đã được đề cao. Sự tàn ác với động vật đã bị lên án nặng nề.
2. Cô gái trong dòng sông (A Girl in the River)
Ai cũng thấy rằng những vụ giết người vì danh dự là một nỗi ô nhục của thế giới. Cướp đi sinh mạng của 5.000 phụ nữ mỗi năm, những vụ giết người máu lạnh này vẫn còn hợp pháp ở nhiều quốc gia.
Người đoạt giải Oscar là cô Obaid-Chinoy đã quyết tâm thay đổi điều này. Bộ phim của cô, ‘Cô gái trong dòng sông (A Girl in the River)’, kể về câu chuyện của một người phụ nữ suýt bị cha mình giết chết vì chạy theo một tình yêu bị ngăn cấm. Và phần gây sốc là gì? Không một chút hối hận, cha cô không hiểu được những hành động của ông tội lỗi đến mức nào. Ngược lại, ông đã cảm thấy hợp lý khi giết con gái của mình để bảo vệ gia đình khỏi sự ô nhục.
Tuy nhiên, may mắn thay, lý do của ông không được Nawaz Sharif, Thủ tướng Pakistan, chấp nhận. Một thời điểm quan trọng cho nữ quyền: Sharif tuyên bố rằng sau khi xem bộ phim, ông quyết tâm thay đổi luật giết người vì danh dự.
Trong bài phát biểu nhận giải Oscar của mình, cô Obaid-Chinoy tuyên bố rằng sự thay đổi này phản ánh ‘sức mạnh của điện ảnh’. Không còn gì có thể đúng hơn nữa.
3. Kí sinh trùng (Parasite)
Bức tranh Hàn Quốc do bộ phim ‘Kí sinh trùng (Parasite)’ mô tả đã làm sáng tỏ một loạt các vấn đề xã hội quan trọng, tập trung vào sự rạn nứt ngày càng gia tăng giữa người giàu và người nghèo và tính di động xã hội của các tầng lớp thấp hơn.
Các nhà làm phim đã thành công trong việc thuyết phục chính quyền Seoul xem xét kỹ hơn những căn hộ dưới tầng hầm mà gia đình Kim trong phim sinh sống. Thành phố đã sớm đưa ra chương trình cải tạo 1.500 căn hộ ở tầng hầm, trong khi chính phủ cam kết tăng số lượng ngôi nhà sẽ được đưa vào chương trình cải tạo.
Ngoài ra, bộ phim cũng gây ra một cuộc tranh luận trên toàn quốc về sự gia tăng bất bình đẳng xã hội cũng như chất lượng cuộc sống của người dân sống trong những căn hộ dưới tầng hầm.
4. Bảy năm ở Tây Tạng (Seven Years in Tibet)
'Bảy năm ở Tây Tạng (Seven Years in Tibet)' là một bộ phim đầy tham vọng và tươi đẹp xoay quanh chuyến đi của một vận động viên leo núi kiêu ngạo người Áo do Brad Pitt thủ vai, người đã khám phá ra bản thân và học cách sống vị tha từ vị Đạt Lai Lạt Ma trẻ tuổi.
Đó là một câu chuyện gây xúc động về mối quan hệ nảy sinh giữa hai người xa lạ và về việc Harrer khám phá ra một thế giới vượt ra ngoài bản ngã của chính mình. 'Bảy năm ở Tây Tạng' quả là một hành trình tâm linh mà bạn không nên bỏ qua.
5. Tôi ơi, quá cỡ rồi (Super Size Me)
Mặc dù chỉ là một ý tưởng đơn giản, nhưng bộ phim tài liệu này đã là một thành công đột phá - khiến cả nước Mỹ choáng váng. Nhà sản xuất phim tài liệu, Morgan Spurlock, đã trở nên nổi tiếng chỉ qua một đêm sau khi ra mắt bộ phim gây bức xúc về những sự thật đen tối đằng sau chuỗi cửa hàng ăn uống McDonald’s. Trong phim, anh ấy không ăn gì ngoài McDonald’s trong cả tháng. Kết quả là một sự ngạc nhiên đến kinh hoàng: Spurlock không chỉ tăng hơn 20 cân mà còn bị suy gan và trầm cảm.
Bộ phim này đã thay đổi cách nhìn của công chúng về thức ăn nhanh; nó khơi lại cuộc tranh luận về khủng hoảng béo phì và nền văn hóa ăn uống vô trách nhiệm do thức ăn nhanh gây ra. Trong vòng sáu tuần, McDonald’s đã loại bỏ tùy chọn ‘Super Size’ của họ và hiện đã cố gắng thay đổi thực đơn của họ với các tùy chọn ‘lành mạnh hơn’. Không nghi ngờ gì nữa, bộ phim là một thành công về mặt đạo đức.
6. Đường mỏng màu xanh lam (The Thin Blue Line)
‘Đường mỏng màu xanh lam (The Thin Blue Line)’ nhanh chóng trở thành một trong những bộ phim có tác động mạnh nhất hiện nay.
Năm 1988, Errol Morris đã dựng lại vụ án Randall Dale Adams - một phiên tòa nổi tiếng về một người đàn ông bị kết án tử hình sau khi bị buộc tội oan là đã giết một sĩ quan cảnh sát. Diễn tiến của bộ phim cho thấy, rõ ràng là Adams vô tội, nhưng lại bị kết tội sau một loạt các cáo buộc sai trái của các cá nhân với những âm mưu của họ.
Bộ phim ngay lập tức thu hút sự chú ý của giới truyền thông và gây ra tranh cãi lớn, dẫn đến việc Adam được xét xử lại và sau đó được tuyên trắng án. Bộ phim tài liệu này là một trong hàng triệu phim có thể tự hào rằng chúng đã cứu sống một người theo đúng nghĩa đen.
7. Phim Ngắn Về Giết Người (A Short Film About Killing)
‘Phim Ngắn Về Giết Người (A Short Film About Killing)’ của Krzysztof Kieślowski đã có ảnh hưởng trên các nhà lập pháp của một quốc gia. Lấy bối cảnh là thành phố Warsaw ảm đạm, hậu Chiến tranh Lạnh, một người đàn ông bị hành quyết dã man vì tội giết người.
Bộ phim cho thấy tội ác của người đàn ông trẻ tuổi, nhưng đồng thời nó cũng khéo léo tạo ra sự đối chiếu giữa hai hành vi - tội ác giết người và việc thi hành luật pháp để xử tử cách lạnh lùng. Bằng cách đặt hai hành động này cạnh nhau, bộ phim buộc khán giả phải tự đặt cho mình một câu hỏi xác đáng: Có sự khác biệt nào giữa hai hành động này không?
Sau màn đón nhận bộ phim gây tranh cãi tại LHP Cannes, các nhà lập pháp Ba Lan đã sớm xóa bỏ án tử hình. Và các quốc gia khác cũng buộc phải suy nghĩ lại. ‘Phim Ngắn Về Giết Người’ là bằng chứng sống động về sức mạnh của bộ phim; nó có khả năng làm lung lay chính những luật lệ từng được coi là nền tảng của xã hội.
8. Hận thù (Volhynia)
Bộ phim tiếp theo của Ba Lan gây tranh cãi chính là phim Volhynia (Hận thù) phát hành năm 2016 của Wojciech Smarzowski. Cho đến nay, vẫn chưa xác định được hiệu ứng của bộ phim này là tích cực hay tiêu cực.
Phim kể về một cô gái Ba Lan và một người đàn ông Ukraina sống trong vụ thảm sát Volhynia. Đây là vụ người Ukraina giết hàng loạt người Ba Lan trong thời gian 1943 và 1944 khi Đức Quốc xã chiếm đóng. Bộ phim mô tả sự tàn bạo vô nhân tính của một số người Ukraina, và ở quy mô nhỏ hơn, những hành động trả thù cũng đáng ghê tởm không kém của một số người Ba Lan. Nội dung ghê rợn của bộ phim đã đào sâu những vết thương cũ và dẫn đến căng thẳng gia tăng giữa Ba Lan và Ukraina.
Ngoài việc mở lại lịch sử, Volhynia đã gây ra sự bất hòa lớn giữa các quốc gia láng giềng. Mô tả thẳng thừng về người Ukraina là những kẻ phát xít tàn nhẫn có thể dễ dàng bị Moscow khai thác và củng cố những định kiến sai lầm đã tồn tại trong giới truyền thông châu Âu và Nga. Do đó, để ngăn chặn sự tiếp sức của bộ máy tuyên truyền Nga, bộ phim đã bị chính phủ Ukraina cấm chiếu. Tuy nhiên, việc Nga thao túng nội dung phim không phải là mối đe dọa nghiêm trọng duy nhất. Một bức chân dung phóng đại về vụ thảm sát Volhynia là công cụ hoàn hảo cho những kẻ phát xít cánh hữu đang trỗi dậy ở Ba Lan truyền bá chủ nghĩa bài ngoại.
Mặc dù Smarzowski thừa nhận những vấn đề này, nhưng ông lập luận rằng ‘sẽ không bao giờ có thời điểm tốt’ để phát hành bộ phim này. Tuy nhiên, ông khẳng định rằng tầm quan trọng của việc ghi nhớ các nạn nhân vẫn là một lý do hợp lệ để trình chiếu nó. Hiệu quả phim này của Volhynia đã lan ra thật xa. Nhưng liệu những lợi ích có lớn hơn những tiêu cực? Hiện tại, quá khó để đánh giá.
9. Sự ra đời của một quốc gia (The Birth of A Nation)
Trong khi phần lớn các bộ phim trong danh sách này đều tạo ra ảnh hưởng vì những lý do chính đáng, thì bộ phim ‘Sự ra đời của một quốc gia (The Birth of A Nation)’ phát hành năm 1915 của DW Griffith lại chắc chắn không được như thế.
Lấy bối cảnh cuộc nội chiến Hoa Kỳ, phim mô tả hai gia đình: Stoneman ở miền Bắc và Cameron ở miền Nam. Khi gia đình Cameron bị những người lính da đen tấn công, họ được các thành viên của Ku Klu Klan giải cứu. Điều này thúc đẩy người con trai cả gia nhập KKK, được tăng cấp bậc cho đến khi trở thành thủ lĩnh của họ.
Bộ phim ca ngợi công việc của KKK, kích động các cá nhân cực hữu tham gia nhóm cực đoan này. Thật không may, bộ phim đã làm cho KKK trông ‘hợp thời trang’, khiến số lượng thành viên (của một nhóm gần như tuyệt chủng) tăng lên 4 triệu người vào những năm 1920. Trong tay kẻ xấu, điện ảnh có thể là một phương tiện nguy hiểm.
10. Chú nai Bambi (Bambi)
Vào ngày phát hành phim Bambi (năm 1942), người xem đã xót xa khi chứng kiến cảnh chú nai con đáng yêu bị mồ côi sau khi mẹ của nó bị giết chết. Tuy nhiên, khán giả không phải là những người duy nhất thảng thốt hét lên những tiếng xúc động khi ngồi xem trong rạp hát. Những người đi săn giải trí dường như cũng cảm động trước chú nai con trong phim hoạt hình này.
Nhiều người trong số họ sau khi xem xong đã sớm từ bỏ sở thích của mình, khiến số lượng thợ săn giảm hơn 50%. Bambi nhanh chóng trở thành biểu tượng của quyền động vật, thay đổi tiến trình của ngành công nghiệp săn bắn.
Vi Hữu (TGPSG) phỏng dịch và tổng hợp
từ raindance và papayayoungdirectors
bài liên quan mới nhất
- Mở án phong chân phước cho Sơ Clare Crockett
-
Phim ngắn ‘Hãy cho tôi vào’: Tiếng cầu cứu nhức nhối -
Gặp gỡ vị linh mục đóng vai Chúa Giêsu trong phim ngắn ‘The Word’ của Ấn Độ -
Tình bạn trong phim ngắn “Sứ Mệnh 2” -
"Kinh Dâng Hiến": Hành trình trở về từ vực sâu -
Tình bạn với Chúa và với nhau trong Phim ngắn “Sứ mệnh 2” -
Giải tỏa nỗi niềm cùng với Đức Giêsu trong phim ngắn “Sứ Mệnh 1” -
Phim “Bức Tượng”: Hành trình dẫn đến niềm tin -
Cấu trúc phim “Cuộc Gọi” và hình ảnh Đức Mẹ -
Giới thiệu loạt phim ngắn ‘Những Nẻo Đường Phục Vụ’: Trailer ‘Sứ Mệnh’
bài liên quan đọc nhiều
- Trong sương mù của “vỏ kén vàng”
-
Đạo đàm mùa Chay 2023 với Phim ảnh -
Thập niên 2010: Những bộ phim tốt nhất cho người Công Giáo xem để chiêm niệm -
Video hay nhất về sự sống trong bụng mẹ -
Phim “For Love Alone - Chỉ vì yêu thương” -
Tình bạn trong phim ngắn “Sứ Mệnh 2” -
Bộ phim 'Linh mục Stu' phát hành vào cuối tuần Phục Sinh 2022 -
Chuỗi Mân Côi và MV “Giêsu, Chúa bên con” -
Phim ngắn 2 phút mô tả sức mạnh từ gương sáng của người cha -
Nhà làm phim 20 tuổi giành giải thưởng phim dài 1 phút về hôn nhân