Tông thư nhân dịp kỷ niệm 400 năm ngày sinh của Blaise Pascal
TÔNG THƯ NHÂN DỊP KỶ NIỆM 400 NĂM NGÀY SINH CỦA BLAISE PASCAL
Jean-Charles Putzolu
Blaise Pascal sinh ngày 19/6/1623. Là một nhà toán học và vật lý học, ông đã cống hiến cuộc đời mình để tìm kiếm Thiên Chúa, đưa đức tin và lý trí lại gần nhau hơn trong thái độ tôn trọng sự cao cả của đức tin. Ngày 19/6/2023, Đức Phanxicô đã bày tỏ lòng tôn trọng đối với ông trong một Tông thư có tựa đề “Sublimitas et miseria hominis” (“Sự cao cả và sự khốn khổ của con người”), nhân kỷ niệm 400 năm ngày sinh của ông.
“Một người tìm kiếm chân lý không biết mệt mỏi”, Đức Thánh Cha Phanxicô đã xác định Blaise Pascal, nhà toán học, vật lý học, triết gia và thần học gia, như thế, vào ngày kỷ niệm 400 sinh nhật của ông 19/6/1623 ở Clermont Ferrand, miền trung nước Pháp, ở trung tâm của Auvergne và những ngọn núi lửa đã tắt của nó. Đức Phanxicô đã dành một Tông thư cho ông và khởi đi từ câu sau đây của Thánh vịnh 8, 5: “Con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm?”.
Một câu hỏi hiện sinh, ở trung tâm của mỗi con người, mà Pascal đã tự hỏi và trả lời như sau: “Vì cuối cùng thì người ta trong cảnh vật này là gì? Đối với thái cực thì người ta là một cái hư vô, đối với cái hư vô thì người ta là một cái thái cực”[*]. Câu hỏi phản ánh nơi nhà toán học, người luôn cởi mở với thực tại, một sự cởi mở khác “với các chiều kích của tri thức và tồn tại, cởi mở với người khác, cởi mở với xã hội”.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh, Pascal cũng là nguồng gốc của phương tiện giao thông công cộng đầu tiên ở Paris; điều này cho thấy con người này, trong quá trình tìm kiếm Thiên Chúa, và sau khi hoán cải, đã không bao giờ tách mình ra khỏi những vấn đề vật chất của xã hội thời bấy giờ. Do đó, Pascal đã không khép mình trước người khác, và ngay cả khi suy yếu vì bệnh tật, ông đã hứa cống hiến hết mình cho người nghèo, nếu Chúa cho phép ông bình phục. Đức Thánh Cha Phanxicô viết: “Thật cảm động khi ghi nhận rằng, trong những ngày cuối đời của mình, một nhà tư tưởng lỗi lạc như Blaise Pascal không thấy điều gì cấp bách hơn là dồn hết năng lực của mình để phục vụ lòng thương xót: “Đối tượng duy nhất của Thánh Kinh là đức ái””.
Một người bạn đồng hành đối với các Kitô hữu ngày nay
Đức Thánh Cha giải thích rằng chứng tá của Pascal là một khích lệ cho các Kitô hữu ngày nay. Ông vẫn là “người bạn đồng hành” trong “việc chúng ta tìm kiếm hạnh phúc đích thực và, theo hồng ân đức tin, trong việc chúng ta khiêm tốn và hân hoan nhận ra Chúa đã chết và sống lại”. Pascal đã nói một cách “tuyệt vời” về thân phận con người, và cuốn “Pensées” của ông là một “tượng đài” vốn “không thể hiểu được nếu người ta không biết rằng Chúa Giêsu Kitô và Thánh Kinh vừa là trung tâm vừa là chìa khóa của nó”. Và nếu Pascal được thúc đẩy viết về con người và Thiên Chúa, thì đó là vì ông đã đi đến chỗ xác tín rằng con người sẽ chẳng là gì nếu không có Thiên Chúa. Ông viết trong cuốn “Pensées” của mình: “Chúng ta chỉ biết sự sống, sự chết nhờ Chúa Giêsu Kitô. Ngoài Chúa Giêsu Kitô, chúng ta không biết sự sống hay sự chết của mình là gì, không biết Thiên Chúa hay chính chúng ta là gì”.
Tuy nhiên, Đức Thánh Cha nói tiếp, chúng ta phải tránh xa cám dỗ phô trương đức tin của mình như là một “sự chắc chắn không thể chối cãi”. Pascal biết rằng ân sủng của Thiên Chúa chỉ có thể được đón nhận nơi một con tim tự do. “Tôi đề nghị tất cả những ai muốn tiếp tục tìm kiếm chân lý – một nhiệm vụ không có hồi kết trong cuộc đời này -, hãy lắng nghe Blaise Pascal, một người có trí thông minh phi thường muốn nhắc nhở chúng ta rằng bên ngoài mục đích của tình yêu thì không có chân lý nào đáng giá […] vì chân lý bên ngoài tình yêu không phải là Thiên Chúa, và là hình ảnh của Ngài và là một thần tượng không được yêu mến hay tôn thờ”, Đức Thánh Cha viết như thế, mà đối với ngài, Pascal bảo vệ chống lại những học thuyết sai lầm và mê tín dị đoan. Khi nhìn thấy sự xấu xa và chọn lựa nó, chỉ có sức mạnh của Chúa Thánh Thần mới có thể giải thoát chúng ta khỏi sự yếu hèn và, trích dẫn cuộc phỏng vấn với M. de Sacy, Đức Phanxicô nói tiếp: “Nếu không có sự khôn ngoan phân định, chúng ta có thể dễ dàng trở thành những con rối phó mặc cho các xu hướng của chốc lát”. Đối với Đức Thánh Cha, trí thông minh và đức tin sống động của Blaise Pascal có thể giúp tiến bộ xuyên qua những tối tăm và bất hạnh của thế giới này.
Một đứa trẻ thông minh phi thường
Pascal trải qua thời thơ ấu với chị và em gái, được cha nuôi dưỡng sau khi mẹ ông qua đời lúc ông chỉ mới 3 tuổi. Từ khi còn nhỏ, ông đã bộc lộ trí thông minh phi thường và chứng mình được các công thức toán học mà không hề biết rằng những định lý này đã tồn tại. Ông thường lui tới các học giả cùng thời lúc ông 17 tuổi, và hai năm sau, ông đã phát triển chiếc máy tính đầu tiên. Đắm chìm trong thế giới của lý trí con người, “ông mời gọi chúng ta sử dụng nó để giải mã thế giới xung quanh chúng ta”. Đức Thánh Cha nhận định: “Việc thực hành tin tưởng vào lý trí tự nhiên này, điều khiến ông liên đới với tất cả các anh em đồng loại của mình trong việc tìm kiếm chân lý, sẽ cho phép ông nhận ra giới hạn của chính trí tuệ và, đồng thời, mở ra cho những lý do siêu nhiên của Mặc Khải”.
Triết gia
Theo Đức Thánh Cha, nhiều tác phẩm của Pascal, chẳng hạn như “Pensées”, thuộc phạm vi diễn ngôn triết học. Cần phải lưu ý điều này để hiểu các tác phẩm của ông về Kitô giáo. Pascal là một người ngưỡng mộ các triết gia Hy Lạp, như Platon và Aristote, nhưng ông nhận ra giới hạn của các triết gia này là những giới hạn của lý trí. Tự nó mà thôi, lý trí không thể mang lại câu trả lời cho tất cả các vấn đề như vấn đề, mà hôm qua cũng như hôm nay, có tầm quan trọng nhất, “về ý nghĩa trọn vẹn của số phận, cuộc sống và hy vọng của chúng ta”. Đức Phanxicô tìm thấy trong “Pensées” nguyên tắc theo đó thực tại lớn hơn ý tưởng, nguyên tắc “dạy chúng ta tránh xa những cách khác nhau che khuất thực tại”, và do đó tránh xa “những ý thức hệ chết chóc mà chúng ta tiếp tục đau khổ trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, nhân chủng học hay luân lý” vốn “kìm giữ những người theo chúng trong bong bóng niềm tin trong đó ý tưởng đã thay thế hiện thực”.
Triết lý của Pascal nằm ở một khái niệm khác: con người vừa cao cảo vừa khốn khổ. Cao cả bởi lý trí của nó, và cũng cao cả bởi vì nó biết mình khốn khổ. Giữa hai thái cực của mình, con người chọn quên đi bằng công việc, bằng giải trí hay các mối tương quan gia đình hay bằng hữu, nhưng cũng bằng những tật xấu mà một số đam mê hướng tới. Đức Thánh Cha viết: “Tuy nhiên, sự giải trí không xoa dịu cũng như không lấp đầy khát vọng lớn lao của chúng ta về cuộc sống và hạnh phúc”. Vậy mà, vực thẳm vô tận này chỉ có thể được lấp đầy bởi Thiên Chúa. Đi đến kết luận này, Đức Thánh Cha viết, Pascal “là người Kitô hữu muốn nói về Chúa Giêsu Kitô cho những người hơi vội vàng quyết định rằng không có lý do vững chắc để tin vào những chân lý của Kitô giáo”.
Đêm lửa sáng, sự hoán cải
Vào ngày 23/11/1654, Pascal đã sống một trải nghiệm thần bí mãnh liệt, “đêm lửa sáng”, mà ông đã ghi lại ngày tháng và kể lại trong một Bản ký sự được tìm thấy trong áo khoác của ông sau khi ông qua đời. Cuộc “gặp gỡ” này của Pascal với Thiên Chúa khiến ông tràn ngập “niềm vui sống động và vô tận”. “Pascal làm chứng điều này cho toàn thể Giáo hội cũng như cho bất kỳ người tìm kiếm Thiên Chúa nào: đó không phải là Thiên Chúa trừu tượng hay Thiên Chúa vũ trụ. Đó là Thiên Chúa của một ngôi vị, của một tiếng gọi, Thiên Chúa của Abraham, Isaac và Giacóp, vị Thiên Chúa là sự chắc chắn, là cảm xúc, là niềm vui”.
Và Đức Thánh Cha Phanxicô trích dẫn lời vị tiền nhiệm là thánh Gioan-Phaolô II trong thông điệp về mối tương quan giữa đức tin và lý trí: các triết gia như Pascal “đã cảm nghiệm rằng đức tin giải thoát lý trí khỏi tính tự phụ”.
Tiếp đến, lấy lại Đức Bênêđíctô XVI, Đức Phanxicô tiếp tục nói về chủ nghĩa duy tín, nói cách khác là ý chí tin tưởng chống lại lý trí, vốn bị bác bỏ bởi truyền thống Công giáo, và giải thích sự gắn bó sâu sắc của Pascal với “tính hợp lý của đức tin vào Thiên Chúa”. Đức tin hợp lý là một món quà của Thiên Chúa, Đấng không áp đặt, và đối với Pascal, “có đủ ánh sáng cho những ai chỉ ao ước nhìn thấy, và đủ bóng tôi cho những ai có khuynh hướng ngược lại”. Ông nói, “đức tin” khác với “bằng chứng”; cái này “thuộc về con người”, cái kia là “một hồng ân của Thiên Chúa”.
Và vì trong lời khẳng định này, nơi Pascal, một lần nữa có mối liên hệ thường hằng giữa đức tin và lý trí, nên Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi làm quen với công trình của ông để “đặt mình vào trường học của một Kitô hữu có tính lý trí phi thường, biết rất rõ ý thức đến một trật tự được thiết lập bởi hồng ân của Thiên Chúa trên lý trí”. “Cái nhìn rất rõ ràng” về thế giới và chính mình mà Blaise Pascal đạt được là kết quả của “trí tuệ tinh xảo” của ông vốn đặt chúng ta trên con đường của “trái tim”. Ông viết trong “Pensées”: “Chúng ta biết được chân lý không chỉ bằng lý trí mà còn bằng trái tim, chính bằng cách sau cùng này mà chúng ta biết được các nguyên lý đầu tiên và thật vô ích khi sự lý luận cố gắng chống lại chúng, mà không có phần nào trong đó”. Đức Phanxicô nói thêm: “Các chân lý thần linh, chẳng hạn như việc Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng chúng ta, là tình yêu, việc Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần, việc Ngài đã nhập thể trong Chúa Giêsu Kitô, chết và phục sinh để cứu độ chúng ta – không thể chứng minh được bằng lý trí, nhưng có thể được biết bằng sự chắc chắn của đức tin, và tiếp đến chuyển từ trái tim thiêng liêng sang khối óc lý trí, nơi công nhận chúng là chân thật”.
Thuyết Jansen (Jansénisme)
Đức Phanxicô dành một đoạn trích từ thư mục vụ của mình cho giai đoạn tranh cãi này trong cuộc đời của Pascal. Jacqueline, em gái của ông, gia nhập một dòng tu chịu ảnh hưởng bởi Cornélius Jansen. Chính Pascal, sau khi trở lại, đã tỉnh tâm ở đan viện Port Royal vào tháng 1/1655, nơi em gái ông đang ở. Tuy nhiên, vì không thuộc dòng ở Port Royal, nên vào năm 1656 và năm tiếp sau, ông được giao nhiệm vụ bảo vệ những người theo thuyết Jansen trong cuộc tranh cãi của họ với các tu sĩ Dòng Tên, đặc biệt xung quanh vấn đề về ân sủng của Thiên Chúa. Đức Thánh Cha viết: “Nếu một số đề nghị được gọi là “theo thuyết Jansen” thực sự trái ngược với đức tin, điều mà Pascal đã nhìn nhận, thì ông đã phản đối rằng chúng có mặt trong tác phẩm Augustinus, và được mọi người của Port-Royal theo đuổi. Tuy nhiên, một số khẳng định riêng của ông, chẳng hạn liên quan đến sự tiền định, được rút ra từ thần học của thánh Augustinô, mà các công thức của nó đã được Jansénius trau chuốt, là không đúng. […] Lúc đó, Pascal chân thành tin rằng ông đang tấn công chủ thuyết Pêlagiô hay chủ thuyết bán-Pêlagiô mà ông nghĩ rằng ông đã xác định được trong các học thuyết được theo đuổi bởi các tu sĩ Dòng Tên theo thuyết Molina, được đặt theo tên của nhà thần học Luis de Molina, qua đời vào năm 1600 nhưng ảnh hưởng của ông vẫn còn sống động vào giữa thế kỷ XVII”. Và Đức Thánh Cha kết luận về chương này: “Chúng ta hãy tin tưởng vào ông vì sự thẳng thắn và chân thành trong các ý định của ông. […] Lập trường cuối cùng của Pascal về ân sủng, và đặc biệt là về việc Thiên Chúa muốn tất cả mọi người được cứu độ và nhận thức đầy đủ về sự thật, đã được phát biểu bằng những thuật ngữ Công giáo hoàn hảo vào cuối đời của ông”.
Những dòng cuối cùng trong Tông thư của Đức Thánh Cha nhấn mạnh “sự phong phú và hiệu quả phi thường” của cuộc đời ngắn ngủi của Pascal. Bị bệnh nặng, ông qua đời lúc mới 39 tuổi, vào ngày 19/8/1662 với ước nguyện “Xin Chúa không bao giờ bỏ rơi con”.
Tý Linh
(theo Jean-Charles Putzolu, Vatican News)
Nguồn: xuanbichvietnam.net (19.06.2023)
Theo nhật báo La Croix, năm 2017, trong một cuộc phỏng vấn trên nhật báo La Repubblica của Ý, vị Giáo hoàng người Argentina cho rằng Pascal có thể được phong chân phước. Thủ tục đáng lẽ phải được thực hiện bởi giáo phận Paris, nhưng vẫn chưa được xúc tiến.
[*] Câu đầy đủ của Pascal như sau: “Vì cuối cùng thì người ta trong cảnh vật này là gì? Đối với thái cực thì người ta là một cái hư vô, đối với cái hư vô thì người ta là một cái thái cực, nghĩa là một khoảng giữa cái có với cái không. Người ta còn xa lắm mới hiểu được cái cùng cực, cho nên cái nhẽ cứu cánh cùng cái nguyên lý vạn vật còn bí mật không tài nào khám phá được; không thể biết được cái hư vô ở đấy mà ra, mà cũng không thể biết được cái thái cực tiêu diệt về đấy” (“Car enfin qu’est-ce que l’homme dans la nature? Un néant à l’égard de l’infini, un tout à l’égard du néant, un milieu entre rien et tout. Infiniment éloigné de comprendre les extrêmes, la fin des choses et leur principe sont pour lui invinciblement cachés dans un secret impénétrable; également incapable de voir le néant d’où il est tiré, et l’infini où il est englouti”, bản dịch của Phạm Quỳnh).
bài liên quan mới nhất
- Sứ vụ của Sơ Luke Boiarsk: xây dựng cộng đồng, biến đổi cuộc sống tha nhân
-
Sơ Pia và sứ vụ mang lại ánh sáng cho trẻ em khiếm thị ở Rwanda -
Nữ tu Công giáo Nigeria được trao giải thưởng Opus trị giá 1,2 triệu đô la -
Bà Nancy và ông Patrick, triệu phú Canada bỏ tất cả để trở thành thừa sai tại đền thánh Mễ Du -
Di chúc đức tin của Sammy Basso, thanh niên bị bệnh lão hoá sớm -
Đức cha François Pallu: Chứng nhân của tình yêu -
Chứng tá truyền giáo của cha Ignazio Lastrico ở Brazil: Điều quan trọng là luôn hiện diện và ở mọi nơi -
Những nữ thừa sai ở bang Meghalaya, Ấn Độ -
Đức cha Giuse Maria Nguyễn Quang Tuyến, vị giám mục phá tan băng giá -
Khi đức tin là sự lan toả nhen lại tâm hồn chán nản
bài liên quan đọc nhiều
- Cuộc hội nhập văn hóa của Giáo hội Công Giáo Việt Nam (1533-2019)
-
Vị Tôi Tớ Chúa, Đức cha Pierre Lambert de La Motte, những thành quả truyền giáo và tiến trình xin phong thánh -
Phong thánh: Chỉ cần một phép lạ thôi -
Đức cha Pierre Lambert De La Motte người môn đệ yêu mến “Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh” -
Đức Gioan Phaolô II: Vị Giáo hoàng của giới trẻ -
Cỗ tràng hạt quý chôn theo Công nương Diana -
Gia đình có một Hồng y, một Giám mục, hai Linh mục và bốn Tu sĩ -
Đời sống tâm linh của Đức Gioan Phaolô II -
"Hãy theo Thầy": Trở về với đức tin nhờ các vị Giáo Hoàng đương đại -
400 năm ngày sinh Đức cha Lambert de la Motte, Giám mục đầu tiên Việt Nam