Toàn văn Tuyên ngôn "Dignitas Infinita" – Về phẩm giá con người

Toàn văn Tuyên ngôn "Dignitas Infinita" – Về phẩm giá con người

Toàn văn Tuyên ngôn "Dignitas Infinita" – Về phẩm giá con người

Bộ Giáo lý Đức Tin

TUYÊN NGÔN “DIGNITAS INFINITA”
VỀ PHẨM GIÁ CON NGƯỜI


Giới thiệu

Trong Hội nghị ngày 15 tháng 3 năm 2019, Bộ Giáo lý Đức tin đã quyết định khởi xướng “việc soạn thảo một bản văn nhấn mạnh đến tính chất không thể tránh khỏi của khái niệm phẩm giá của nhân vị trong nhân học Kitô giáo và minh họa tầm quan trọng cũng như những ngụ ý tích cực về mặt xã hội, chính trị và kinh tế, bằng cách quan tâm đến những phát triển mới nhất của chủ đề này trong phạm vi học thuật và những hiểu biết đôi chiều của nó trong bối cảnh ngày nay”. Trong đường hướng này, một dự án đầu tiên được soạn thảo vào năm 2019 này với sự giúp đỡ của một số Chuyên gia đã được Hội đồng Tư vấn hạn chế (Consulta ristretta) của Bộ, được tổ chức vào ngày 8 tháng Mười cùng năm, đánh giá là không đạt yêu cầu.

Bản văn này đã được Bộ phận Giáo thuyết soạn thảo lại từ đầu, dựa trên sự đóng góp của nhiều Chuyên gia khác nhau. Phiên bản này đã được trình bày và thảo luận trong Consulta ristretta ngày 4 tháng 10 năm 2021. Vào tháng 1 năm 2022, dự án mới được đệ trình lên Phiên họp toàn thể của Bộ, đã được các Thành viên rút ngắn và đơn giản hóa.

Bản văn sửa đổi mới đã được xem xét vào ngày 6 tháng 2 năm 2023 bởi một Consulta ristretta và Hội đồng này đã thực hiện các sửa đổi khác. Phiên bản mới này đã được đệ trình để xem xét tại Phiên họp thường lệ của Bộ (Feria IV) vào ngày 3 tháng 5 năm 2023. Các thành viên đã đồng ý rằng tài liệu, với một số sửa đổi, có thể được xuất bản. Trong buổi tiếp kiến dành cho tôi, vào ngày 13 tháng 11 năm 2023, Đức Thánh Cha Phanxicô đã phê chuẩn Deliberata (nghị quyết) của Feria IV này. Nhân dịp này, ngài cũng yêu cầu tôi làm nổi bật hơn trong bản văn những vấn đề gắn liền với chủ đề nhân phẩm, chẳng hạn như thảm kịch về nghèo đói, tình trạng người di cư, bạo lực đối với phụ nữ, nạn buôn người, chiến tranh và những chủ đề khác tương tự. Khi thực hiện chỉ dẫn này của Đức Thánh Cha, Bộ phận Giáo thuyết của Bộ đã dành một Hội nghị để nghiên cứu sâu về thông điệp Fratelli tutti, trong đó đề xuất một phân tích độc đáo và nghiên cứu sâu sắc về vấn đề nhân phẩm "trong mọi hoàn cảnh".

Nhắm đến Feria IV vào ngày 28 tháng 2 năm 2024, một bản văn dự thảo mới, được sửa đổi rộng rãi đã được gửi, bằng thư đề ngày 2 tháng 2 năm 2024, tới các Thành viên của Bộ, với lời giải thích rõ ràng như sau: “Phiên bản mới này được coi là cần thiết để đáp ứng một yêu cầu cụ thể của Đức Thánh Cha. Ngài rõ ràng yêu cầu chú ý đến những vi phạm nghiêm trọng đối với phẩm giá con người trong thời đại chúng ta, theo đường hướng của thông điệp Fratelli tutti. Do đó, Bộ phận Giáo thuyết đã tiến hành rút gọn phần đầu của bản văn […] và khai triển chi tiết hơn những gì Đức Thánh Cha đã chỉ ra”. Sau một thời gian dài soạn thảo, Phiên họp thường kỳ của Bộ cuối cùng đã phê chuẩn, vào ngày 28 tháng 2 năm 2024, bản văn của Tuyên ngôn này. Do đó, trong buổi tiếp kiến vào ​​ngày 25 tháng 3 năm 2024, dành cho tôi và Đức ông Armando Matteo – Thư ký của Bộ phận Giáo thuyết -, Đức Thánh Cha đã phê chuẩn Tuyên ngôn này và ra lệnh công bố nó.

Việc soạn thảo bản văn kéo dài 5 năm này cho phép chúng ta hiểu rằng đây là một tài liệu, do tính nghiêm túc và trọng tâm của vấn đề phẩm giá trong tư tưởng Kitô giáo, đã đòi hỏi một quá trình chín muồi lâu dài để đạt được phiên bản cuối cùng mà chúng tôi công bố hôm nay.

Trong ba phần đầu tiên, Tuyên ngôn nhắc lại các nguyên tắc cơ bản và các giả định về mặt lý thuyết nhằm đưa ra những soi sáng quan trọng giúp tránh những nhầm lẫn thường xuyên xảy ra khi sử dụng khái niệm “phẩm giá”. Phần thứ tư phân tích một số hoàn cảnh có vấn đề hiện nay trong đó phẩm giá vô hạn và bất khả tước bỏ của mỗi con người không được nhìn nhận một cách thích đáng. Việc tố cáo những vi phạm nghiêm trọng và hiện hành này đối với phẩm giá con người là một bổn phận, bởi vì Giáo hội tin chắc rằng chúng ta không thể tách rời đức tin khỏi việc bảo vệ phẩm giá con người, việc rao giảng Tin Mừng khỏi việc thăng tiến một cuộc sống có phẩm giá và linh đạo khỏi sự dấn thân cho phẩm giá của mọi người.

Thực ra, phẩm giá này của mọi người có thể được hiểu là “vô hạn” (dignitas infinita), như thánh Gioan Phaolô II đã tuyên bố trong một cuộc gặp gỡ với những người bị một số hạn chế hoặc khuyết tật [1], để cho thấy giá trị được công nhận cho tất cả mọi người này vượt xa mọi hình dáng bên ngoài hoặc những đặc điểm của cuộc sống cụ thể của con người như thế nào.

Trong thông điệp Fratelli tutti, Đức Thánh Cha Phanxicô muốn nhấn mạnh một cách đặc biệt rằng phẩm giá này tồn tại “trong mọi hoàn cảnh”, mời gọi mỗi người bảo vệ nó trong mỗi bối cảnh văn hóa, vào mọi thời điểm của cuộc sống của một nhân vị, độc lập với bất kỳ khiếm khuyết thể lý, tâm lý, xã hội hoặc thậm chí là luân lý. Về vấn đề này, Tuyên ngôn cố gắng cho thấy rằng đó là một chân lý phổ quát, mà tất cả chúng ta được kêu gọi thừa nhận, như một điều kiện cơ bản để xã hội của chúng ta thực sự công bằng, hòa bình, lành mạnh và cuối cùng, thực sự là nhân bản.

Danh sách các chủ đề được Tuyên ngôn lựa chọn chắc chắn là không đầy đủ. Tuy nhiên, các chủ đề được bàn đến chính là những chủ đề cho phép thể hiện những khía cạnh khác nhau của phẩm giá con người mà ngày nay có thể bị lu mờ trong ý thức của nhiều người. Một số chủ đề sẽ dễ dàng được chia sẻ bởi các nhóm xã hội khác nhau, một số khác sẽ ít được chia sẻ hơn. Tuy nhiên, tất cả những chủ đề này dường như mang tính quyết định đối với chúng ta bởi vì, khi gộp lại với nhau, chúng cho phép nhận ra sự hài hòa và phong phú của tư tưởng về phẩm giá nảy sinh từ Tin Mừng.

Tuyên ngôn này không có tham vọng tát cạn hết một chủ đề phong phú và mang tính quyết định như vậy, nhưng muốn cung cấp một số yếu tố suy tư có thể được đảm nhận trong thời điểm lịch sử phức tạp mà chúng ta đang trải qua, để giữa rất nhiều mối bận tâm và lo lắng, chúng ta không lạc lối, cũng không chuốc lấy những đau khổ xé lòng và sâu đậm hơn.

Hồng y Víctor Manuel Fernández

Tổng trưởng

 

Dẫn nhập

1. (Dignitas infinita) Một phẩm giá vô hạn, được thiết lập một cách bất khả tước bỏ trong chính hữu thể của nó, đều thuộc về mỗi nhân vị, trong mọi hoàn cảnh và trong bất kỳ trạng thái hay tình huống nào của họ. Nguyên tắc này, hoàn toàn có thể được thừa nhận ngay cả chỉ bằng lý trí, sẽ thiết lập tính tối thượng của nhân vị và việc bảo vệ các quyền của họ. Giáo hội, dưới ánh sáng Mặc Khải, tái khẳng định và xác nhận không chút dè dặt phẩm giá hữu thể này của nhân vị, được tạo dựng theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa và được cứu chuộc trong Chúa Giêsu Kitô. Chính từ chân lý này mà Giáo hội rút ra những lý do cho sự dấn thân của mình đối với những người yếu đuối nhất và những người ít có quyền lực nhất, bằng cách luôn nhấn mạnh đến “tính tối thượng của nhân vị và việc bảo vệ phẩm giá của họ trong mọi hoàn cảnh”.[2]

2. Phẩm giá hữu thể này cũng như giá trị độc nhất và cao quý của mỗi người nữ và mỗi người nam đang sống trên thế giới này đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc nhắc lại một cách uy tín trong Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền (ngày 10 tháng 12 năm 1948).[ 3] Khi kỷ niệm 75 năm Văn kiện này, Giáo hội nhận thấy cơ hội để tuyên bố một lần nữa niềm xác tín của mình rằng, được Thiên Chúa tạo dựng và được Chúa Kitô cứu chuộc, mỗi con người phải được nhìn nhận và đối xử với sự tôn trọng và yêu thương, chính vì phẩm giá bất khả tước bỏ của họ. Việc kỷ niệm nói trên cũng mang lại cho Giáo hội cơ hội làm sáng tỏ một số hiểu lầm thường nảy sinh liên quan đến phẩm giá con người và đề cập một số vấn đề cụ thể nghiêm trọng và cấp bách liên quan đến phẩm giá đó.

3. Ngay từ đầu sứ mạng của mình, được thúc đẩy bởi Tin Mừng, Giáo hội đã nỗ lực khẳng định quyền tự do và thăng tiến các quyền của mọi người.[4] Trong thời gian gần đây, nhờ tiếng nói của các Đức Giáo hoàng, sự dấn thân này đã được trình bày một cách rõ ràng hơn qua lời kêu gọi mới mẻ về việc nhìn nhận phẩm giá căn bản của nhân vị. Thánh Phaolô VI đã nói: “Không có nền nhân chủng học nào sánh bằng nền nhân chủng học của Giáo hội về nhân vị – ngay cả với tư cách là một cá nhân – về tính độc đáo và phẩm giá của nó, về tính bất khả xâm phạm và sự phong phú của các quyền cơ bản của nó, về tính cách linh thiêng và có thể giáo dục của nó, về khát vọng đạt tới sự triển nở toàn diện và sự bất tử của nó”.[5]

4. Thánh Gioan Phaolô II, vào năm 1979, tại Hội đồng Giám mục Châu Mỹ Latinh lần thứ ba ở Puebla, đã tuyên bố: “Phẩm giá con người là một giá trị Tin Mừng không thể bị coi thường mà không xúc phạm nghiêm trọng đến Đấng Tạo Hóa. Phẩm giá này bị chà đạp, ở cấp độ cá nhân, khi người ta không quan tâm đúng mức đến các giá trị như tự do, quyền tuyên xưng tôn giáo, quyền toàn vẹn về thể chất và tâm lý, quyền có những của cải thiết yếu, quyền sống… Nó bị chà đạp, trên bình diện xã hội và chính trị, khi con người không thể thực hiện quyền tham gia của mình hoặc phải chịu những ép buộc bất công và bất hợp pháp, hoặc những cuộc tra tấn về thể lý, tâm lý, v.v. […] Nếu Giáo hội hiện diện để bảo vệ hoặc thăng tiến phẩm giá con người, thì Giáo hội làm như vậy trong đường hướng sứ mạng của mình, dù mang tính chất tôn giáo chứ không phải xã hội hay chính trị, nhưng không thể không coi con người trong sự toàn vẹn hữu thể của nó.”[6]

5. Vào năm 2010, trước Hàn lâm viện Tòa Thánh về Sự sống, Đức Bênêđíctô XVI đã khẳng định rằng phẩm giá con người là “một nguyên tắc cơ bản mà đức tin vào Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh và phục sinh luôn bảo vệ, nhất là khi nó bị coi thường khi đó là những người đơn sơ và không có khả năng tự vệ.”[7] Trong một dịp khác, nói chuyện với các nhà kinh tế, ngài tuyên bố rằng “nền kinh tế và tài chính không tồn tại cho chính chúng, chúng chỉ là một công cụ, một phương tiện. Mục đích của chúng chỉ là nhân vị và sự thể hiện đầy đủ của nó về phẩm giá. Đây là nguồn vốn duy nhất cần được bảo toàn.”[8]

6. Ngay từ đầu triều đại giáo hoàng của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi Giáo hội “tuyên xưng một Người Cha yêu thương mỗi người vô tận” và “khám phá ra rằng “qua tình yêu này Người ban cho họ một phẩm giá vô hạn””,[9] đồng thời nhấn mạnh cách mạnh mẽ rằng phẩm giá vô hạn này tượng trưng cho một dữ kiện nguyên thủy cần được nhìn nhận một cách trung thành và đón nhận với lòng biết ơn. Chính trên sự nhìn nhận và đón nhận này mới có thể thiết lập một cuộc chung sống mới giữa con người với nhau, nhằm phát triển tương quan xã hội trong một chân trời của tình huynh đệ đích thực: chỉ bằng cách “nhận ra phẩm giá của mỗi nhân vị mà chúng ta mới có thể hồi sinh giữa tất cả mọi người một khát vọng toàn cầu về tình huynh đệ”.[10] Theo Đức Thánh Cha Phanxicô, “nguồn gốc của nhân phẩm và tình huynh đệ này được tìm thấy trong Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô,”[11] nhưng đó cũng là một niềm xác tín mà lý trí con người có thể đạt được thông qua suy tư và đối thoại, bởi vì “nếu cần phải tôn trọng phẩm giá của người khác trong mọi hoàn cảnh, thì đó không phải vì chúng ta phát minh ra hay giả định phẩm giá của người khác, nhưng bởi vì thực sự có nơi họ một giá trị vượt xa những thứ vật chất và các hoàn cảnh, và đòi hỏi chúng ta phải đối xử với họ một cách khác. Việc mỗi người đều có một phẩm giá bất khả tước bỏ là một chân lý tương ứng với bản tính con người, bất chấp mọi thay đổi về văn hóa”.[12] Quả thế, Đức Thánh Cha Phanxicô kết luận, “con người có cùng một phẩm giá bất khả xâm phạm trong mọi giai đoạn lịch sử và không ai có thể cảm thấy mình được cho phép bởi các hoàn cảnh để phủ nhận niềm xác tín này hoặc không hành động chống lại nó”.[13] Trong viễn cảnh này, thông điệp Fratelli tutti của ngài đã tạo thành một loại Đại Hiến Chương về các nhiệm vụ bảo vệ và thăng tiến phẩm giá con người hiện nay.

Một sự làm sáng tỏ cơ bản

7. Mặc dù ngày nay có một sự đồng thuận khá chung về tầm quan trọng và ảnh hưởng chuẩn mực của phẩm giá cũng như giá trị duy nhất và siêu việt của mỗi con người,[14] nhưng cách diễn đạt “phẩm giá nhân vị” thường có nguy cơ mang nhiều ý nghĩa và do đó đứng trước những hiểu lầm có thể xảy ra[15] và “những mâu thuẫn khiến người ta tự hỏi liệu phẩm giá bình đẳng của tất cả mọi người […] có thực sự được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và thăng tiến trong bất kỳ hoàn cảnh nào hay không.”[16] Tất cả những điều này đưa chúng ta đến chỗ nhận ra khả năng phân biệt bốn ý nghĩa về khái niệm phẩm giá: phẩm giá hữu thể, phẩm giá luân lý, phẩm giá xã hội và cuối cùng là phẩm giá hiện sinh.

Ý nghĩa quan trọng nhất là phẩm giá hữu thể, liên quan đến nhân vị bởi sự kiện đơn giản là hiện hữu và được Thiên Chúa muốn, tạo dựng và yêu thương. Phẩm giá này không bao giờ có thể bị xóa bỏ và vẫn có giá trị vượt trên mọi hoàn cảnh mà các cá nhân có thể gặp phải. Khi nói đến phẩm giá luân lý, người ta muốn nói đến việc thực thi quyền tự do của con người. Con người, mặc dù có lương tâm, vẫn luôn mở ra khả năng hành động ngược lại lương tâm này. Khi làm như vậy, con người chấp nhận một hành xử “thiếu phẩm giá” (indigne) với bản chất của mình như những thụ tạo được Thiên Chúa yêu thương và được kêu gọi yêu thương người khác. Nhưng khả năng này tồn tại. Và đó không phải là tất cả. Lịch sử cho thấy rằng việc thực thi quyền tự do đi ngược lại luật yêu thương được Tin Mừng mặc khải có thể đạt đến đỉnh cao khôn lường trong sự dữ gây ra cho người khác. Khi điều này xảy ra, chúng ta thấy mình phải đối mặt với những người dường như đã mất hết dấu vết nhân tính, mất hết dấu vết phẩm giá. Về vấn đề này, sự phân biệt được giới thiệu ở đây giúp phân định chính xác giữa khía cạnh phẩm giá luân lý có thể thực sự bị “mất đi” và khía cạnh phẩm giá hữu thể không bao giờ có thể hủy bỏ. Và chính vì phẩm giá hữu thể này mà chúng ta phải nỗ lực hết mình để tất cả những người đã làm điều ác được sám hối và hoán cải.

8. Vẫn còn hai ý nghĩa khả thi khác của phẩm giá: xã hội và hiện sinh. Khi chúng ta nói về phẩm giá xã hội, chúng ta đề cập đến những điều kiện trong đó một người đang sống. Chẳng hạn, trong tình trạng nghèo đói cùng cực, khi những điều kiện tối thiểu không được đáp ứng để một người có thể sống theo phẩm giá hữu thể của họ, chúng ta nói rằng cuộc sống của người nghèo này là một cuộc sống “thiếu phẩm giá”. Cách diễn đạt này không hề hàm ý một sự phán xét đối với con người, nhưng nhằm làm nổi bật sự kiện rằng phẩm giá bất khả tước bỏ của họ bị mâu thuẫn bởi hoàn cảnh mà họ buộc phải sống. Ý nghĩa cuối cùng là phẩm giá hiện sinh. Ngày nay, người ta ngày càng nói nhiều hơn về một cuộc sống “có phẩm giá” và một cuộc sống “thiếu phẩm giá”. Chúng ta đang đề cập đến những hoàn cảnh đúng là hiện sinh: chẳng hạn trường hợp của một người, mặc dù không thiếu thứ gì thiết yếu để sống, nhưng, vì nhiều lý do khác nhau, lại gặp khó khăn để sống trong hòa bình, niềm vui và hy vọng. Trong những hoàn cảnh khác, chính sự hiện diện của các bệnh tật trầm trọng, của các bối cảnh gia đình bạo lực, của một số chứng nghiện bệnh hoạn và những khó chịu khác đã đẩy một người sống điều kiện sống của mình như là “thiếu phẩm giá” khi đối diện với nhận thức về phẩm giá hữu thể không bao giờ có thể bị lu mờ này. Dù sao đi nữa, những khác biệt được đưa ra ở đây chỉ nhắc lại giá trị bất khả tước bỏ của phẩm giá hữu thể này, bắt nguồn từ chính hữu thể nhân vị và tồn tại trong mọi hoàn cảnh.

9. Cuối cùng, thật thích hợp để nhắc lại ở đây rằng định nghĩa cổ điển về nhân vị như một “thực thể cá nhân có bản tính lý trí” [17] giải thích nền tảng của phẩm giá của nó. Thật vậy, với tư cách là một “thực thể cá nhân”, nhân vị có được một phẩm giá hữu thể (nghĩa là ở cấp độ siêu hình của chính hữu thể): đó là một chủ thể, sau khi nhận được sự hiện hữu từ Thiên Chúa, “tồn tại”, nói cách khác, thực hiện sự tồn tại một cách tự trị. Trên thực tế, từ “lý trí” bao gồm tất cả các khả năng của con người: khả năng biết và hiểu cũng như khả năng mong muốn, yêu thương, lựa chọn, ước ao. Do đó, thuật ngữ “lý trí” cũng bao gồm tất cả các khả năng của cơ thể được liên kết mật thiết với những khả năng được đề cập ở trên. Kiểu nói “bản tính” chỉ ra những điều kiện cụ thể đối với con người làm cho những hoạt động và kinh nghiệm nghiệm khác nhau trở nên khả thi: bản tính là “nguyên tắc hành động”. Con người không tạo ra bản tính của mình; họ sở hữu nó như một món quà được nhận và có thể trau dồi, phát triển và làm phong phú thêm các khả năng của mình. Khi thực hiện quyền tự do trau dồi những phong phú của bản tính mình, nhân vị được xây dựng theo thời gian. Ngay cả khi, do những hạn chế hoặc điều kiện khác nhau, không thể sử dụng những khả năng này, nhân vị luôn tồn tại như một “thực thể cá nhân” với tất cả phẩm giá bất khả tước bỏ của mình. Chẳng hạn, đây là trường hợp của một đứa trẻ chưa chào đời, một người vô thức, một người già đang hấp hối.

1. Một nhận thức dần dần về đặc tính trung tâm của phẩm giá con người

10. Ngay từ thời Cổ đại [18], người ta đã tìm thấy một nhận thức đầu tiên về phẩm giá con người, vốn nằm trong viễn cảnh xã hội: mỗi con người được ban cho một phẩm giá đặc biệt, tùy theo hạng bậc của mình và trong một trật tự nào đó. Từ lĩnh vực xã hội, từ này chuyển sang mô tả những phẩm giá khác nhau của các sinh vật hiện diện trong vũ trụ. Theo quan điểm này, mọi sinh vật đều có “phẩm giá” riêng, tùy theo vị trí của chúng trong sự hài hòa của tổng thể. Chắc chắn, một số đỉnh cao của tư tưởng cổ đại đã bắt đầu thừa nhận một vị trí độc nhất dành cho con người, trong chừng mực con người được phú bẩm lý trí và do đó có khả năng đảm nhận trách nhiệm đối với bản thân và những sinh vật khác trên thế giới,[19] nhưng chúng ta vẫn còn xa với một tư tưởng có khả năng thiết lập sự tôn trọng phẩm giá của mỗi con người, trong mọi hoàn cảnh.

Các viễn cảnh Thánh Kinh

11. Mặc Khải Thánh Kinh dạy rằng tất cả mọi người đều có một phẩm giá nội tại bởi vì họ được tạo dựng theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa: “Thiên Chúa phán: “Chúng ta hãy làm nên con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta”. […] Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” (St 1, 26-27). Nhân loại có một phẩm chất đặc thù, khiến nó không thể bị giảm thiểu thành vật chất thuần túy. “Hình ảnh” không xác định linh hồn hay những khả năng trí tuệ, nhưng xác định phẩm giá của người nam và người nữ. Cả hai, trong mối quan hệ bình đẳng và yêu thương nhau, hoàn thành chức năng đại diện Thiên Chúa trong thế giới và được mời gọi chăm sóc và nuôi dưỡng thế giới. Do đó, được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa có nghĩa là sở hữu trong chúng ta một giá trị thánh thiêng siêu vượt mọi sự phân biệt về giới tính, xã hội, chính trị, văn hóa và tôn giáo. Phẩm giá của chúng ta được ban cho chúng ta, nó không được đòi hỏi hay do công trạng. Mỗi con người đều được Thiên Chúa yêu thương và mong muốn vì chính nó và do đó, phẩm giá của họ là bất khả xâm phạm. Trong sách Xuất Hành, tâm điểm của Cựu Ước, Thiên Chúa tỏ ra là Đấng nghe tiếng kêu than của người nghèo, nhìn thấy nỗi khốn cùng của dân mình, chăm sóc những người bé mọn nhất và những người bị áp bức (x. Xh 3, 7; 22, 20 -26). Người ta tìm thấy giáo huấn tương tự trong sách Đệ Nhị Luật (x. Đnl 12-26): ở đây, giáo huấn về các quyền lợi được biến thành một “bản tuyên ngôn” về phẩm giá con người, đặc biệt bênh vực ba nhóm người: trẻ mồ côi, góa phụ và người ngoại kiều. (x. Đnl 24, 17). Những giới luật xưa của sách Xuất Hành được nhắc lại và hiện tại hóa qua lời rao giảng của các ngôn sứ, những người đại diện cho lương tâm phê bình của dân Israel. Toàn bộ các chương của các ngôn sứ Amos, Hôsê, Isaia, Mikha và Giêrêmia đều tố cáo sự bất công. Amos cay đắng chỉ trích sự đàn áp người nghèo, việc không công nhận bất kỳ phẩm giá cơ bản nào của con người đối với những người bị thiệt thòi nhất (x. Am 2, 7; 4, 1; 5, 11-12). Isaia tuyên bố tai họa chống lại những kẻ chà đạp các quyền lợi của người nghèo, phủ nhận mọi công lý của họ: “Khốn thay những kẻ đặt ra các luật lệ bất công, những kẻ viết nên các chỉ thị áp bức, để cản người yếu hèn hưởng công lý!” (Is 10, 1-2). Giáo huấn ngôn sứ này được lấy lại trong văn chương khôn ngoan. Sách Huấn ca so sánh sự áp bức người nghèo với tội giết người: “Cướp phương tiện sống của kẻ khác là giết người; đoạt lương của người làm thuê là gây đổ máu” (Hc 34, 22). Trong các Thánh Vịnh, mối quan hệ tôn giáo với Thiên Chúa bao hàm việc bảo vệ những người yếu đuối và thiếu thốn: “Hãy bênh quyền lợi kẻ mồ côi, người hèn mọn; minh oan cho người khốn khổ, kẻ bần cùng, giải phóng ai hèn mọn, ai nghèo túng, cứu khỏi nanh vuốt bọn ác nhân” (Tv 82, 3-4).

12. Chúa Giêsu sinh ra và lớn lên trong những điều kiện khiêm tốn và đã mặc khải phẩm giá của những người nghèo khổ và những người lao động.[20] Trong suốt sứ vụ của mình, Chúa Giêsu khẳng định giá trị và phẩm giá của tất cả những ai mang hình ảnh của Thiên Chúa, bất kể địa vị xã hội và hoàn cảnh bên ngoài của họ. Chúa Giêsu đã phá bỏ các rào cản văn hóa và tôn giáo, phục hồi phẩm giá cho những người bị loại bỏ hoặc bị coi là bên lề xã hội: người thu thuế (x. Mt 9, 10-11), phụ nữ (x. Ga 4, 1-42), trẻ em (x. Mc 10, 14-15), người phong cùi (x. Mt 8, 2-3), người bệnh (x. Mc 1, 29-34), người ngoại kiều (x. Mt 25, 35), góa phụ (x. Lc 7, 11-15). Người chữa lành, nuôi dưỡng, bảo vệ, giải phóng, cứu rỗi. Người được mô tả như một mục tử quan tâm đến duy chỉ một con chiên lạc (x. Mt 18, 12-14). Người tự đồng hóa với những người anh em hèn mọn nhất của mình: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25, 40). Theo ngôn ngữ Thánh Kinh, “những người bé nhỏ” không chỉ là những trẻ em theo độ tuổi, mà còn là những môn đệ yếu đuối, những người tầm thường nhất, những người bị loại trừ, bị áp bức, bị gạt sang một bên, người nghèo, người bị gạt ra ngoài lề xã hội, người dốt nát, người bệnh tật, người bị hạ thấp bởi các nhóm thống trị. Chúa Kitô vinh hiển sẽ xét xử theo tình yêu đối với người lân cận, hệ tại việc đã giúp đỡ những người đói, khát, khách lạ, trần truồng, bệnh tật, tù đày, những người mà Người tự đồng hóa (x. Mt 25, 34-36). Đối với Chúa Giêsu, việc thiện được làm cho mọi người, bất kể mối liên hệ huyết thống hay tôn giáo, là tiêu chuẩn phán xét duy nhất. Thánh Phaolô Tông đồ, khi viết cho giáo đoàn Galát, đã khẳng định rằng mọi Kitô hữu phải cư xử theo những đòi hỏi về phẩm giá và tôn trọng quyền lợi của mọi người (x. Rm 13, 8-10), phù hợp với điều răn mới về đức ái. (x. 1 Cr 13, 1-13).

Những phát triển trong tư tưởng Kitô giáo

13. Tiếp đến, sự phát triển tư tưởng Kitô giáo đã kích thích và đi kèm với sự tiến bộ trong suy tư của con người về chủ đề phẩm giá. Nhân chủng học Kitô giáo cổ điển, dựa trên truyền thống vĩ đại của các Giáo phụ, đã nhấn mạnh đến học thuyết về con người được tạo dựng theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa và đến vai trò đặc biệt của nó trong công trình tạo dựng.[21] Tư tưởng Kitô giáo thời trung cổ, khi xem xét một cách có phê bình di sản của tư tưởng triết học cổ đại, đã đi đến một tổng hợp về khái niệm nhân vị, thừa nhận trong đó nền tảng siêu hình về phẩm giá của nó, như được chứng thực bằng những lời sau đây của thánh Tôma Aquinô: “Nhân vị biểu thị những gì hoàn hảo nhất trong mọi bản tính: tức là, những gì tồn tại trong một bản tính có lý trí”.[22] Phẩm giá hữu thể này, trong sự biểu hiện ưu việt của nó qua hành động tự do của con người, sau đó đã được nhấn mạnh đặc biệt bởi chủ thuyết nhân bản Kitô giáo thời Phục hưng.[23] Ngay cả trong tầm nhìn của các nhà tư tưởng hiện đại, chẳng hạn như Descartes và Kant, những người cũng đặt vấn đề về một số nền tảng của nhân học Kitô giáo truyền thống, những vang vọng của Mặc Khải vẫn có thể được cảm nhận một cách mạnh mẽ. Dựa trên một số suy tư triết học gần đây hơn về cương vị của chủ thể tính lý thuyết và thực hành, suy tư Kitô giáo đã nhấn mạnh hơn nữa chiều sâu của khái niệm phẩm giá, đạt đến một viễn cảnh độc đáo trong thế kỷ XX, chẳng hạn như với chủ thuyết nhân vị. Viễn cảnh này không chỉ lấy lại vấn đề chủ thể tính, mà còn đào sâu nó theo chiều hướng liên chủ thể và các mối quan hệ gắn kết các nhân vị với nhau.[24] Đề xuất nhân học Kitô giáo đương đại cũng đã được làm phong phú nhờ tư tưởng nảy sinh từ cách tiếp cận cuối cùng này.[25]

Thời hiện tại

14. Ngày nay, thuật ngữ “phẩm giá” chủ yếu được dùng để nhấn mạnh tính cách độc nhất của nhân vị, bất khả sánh với các sinh vật khác trong vũ trụ. Từ viễn cảnh này, chúng ta hiểu cách thức mà thuật ngữ phẩm giá được sử dụng trong Tuyên ngôn của Liên hợp quốc năm 1948, trong đó nói về “phẩm giá gắn liền với tất cả các thành viên trong gia đình nhân loại và các quyền bình đẳng và bất khả tước bỏ của họ”. Chỉ có đặc tính bất khả tước bỏ này của phẩm giá con người mới cho phép nói về nhân quyền.[26]

15. Để làm rõ hơn khái niệm phẩm giá, điều quan trọng là phải nhấn mạnh rằng phẩm giá không được những người khác ban cho nhân vị, dựa trên một số năng khiếu và phẩm chất, đến độ nó có thể bị rút lại. Nếu phẩm giá được những người khác ban cho nhân vị, thì nó sẽ được ban cách có điều kiện và có thể bị tước bỏ, và như thế chính ý nghĩa của phẩm giá (mặc dù rất đáng được tôn trọng) sẽ có nguy cơ bị xóa bỏ. Trong thực tế, phẩm giá là nội tại của nhân vị, nó không được ban cho một cách hậu nghiệm, nó có trước bất kỳ sự thừa nhận nào và không thể bị mất đi. Vì vậy, tất cả mọi người đều có phẩm giá nội tại như nhau, cho dù họ có khả năng thể hiện nó một cách thích đáng hay không.

16. Đây là lý do tại sao Công đồng Vatican II nói về “phẩm giá cao quý của nhân vị, vượt trên mọi sự và các quyền và nghĩa vụ của nó là phổ quát và bất khả xâm phạm” [27] Như những lời đầu tiên của Tuyên ngôn Dignitatis humanae của Công đồng nhắc lại, “phẩm giá của nhân vị là đối tượng của một nhận thức sâu sắc hơn bao giờ hết; ngày càng có nhiều người đòi hỏi cho con người khả năng hành động theo những lựa chọn riêng của mình và hoàn toàn tự do chịu trách nhiệm; không phải dưới áp lực của sự ép buộc, nhưng được hướng dẫn bởi ý thức về bổn phận của mình.”[28] Quyền tự do tư tưởng và lương tâm này, cả cá nhân lẫn tập thể, dựa trên sự nhìn nhận nhân phẩm “như được Lời Chúa và chính lý trí cho biết” [29]. Chính huấn quyền của Giáo hội đã ngày càng suy tư chín chắn hơn về ý nghĩa của phẩm giá này, cũng như những đòi hỏi và ngụ ý liên quan đến nó, khi nhận ra rằng phẩm giá của mỗi con người là như vậy trong mọi hoàn cảnh.

2. Giáo hội công bố, thăng tiến và bảo đảm nhân phẩm

17. Giáo hội công bố phẩm giá bình đẳng của mọi người, bất kể điều kiện sống và phẩm chất của họ. Lời công bố này dựa trên ba niềm xác tín mà, dưới ánh sáng đức tin Kitô giáo, mang lại cho nhân phẩm một giá trị vô giá và củng cố những đòi hỏi nội tại của nó.

Một hình ảnh không thể xóa nhòa của Thiên Chúa

18. Trước hết, theo Mặc Khải, phẩm giá của con người xuất phát từ tình yêu của Đấng Tạo Hóa của nó, Đấng đã in sâu vào con người những nét không thể xóa nhòa của hình ảnh Ngài (x. St 1,26), mời gọi con người nhận biết Ngài, yêu mến Ngài và sống trong mối quan hệ giao ước với Thiên Chúa và trong tình huynh đệ, công lý và hòa bình với tất cả mọi người nam và người nữ khác. Theo tầm nhìn này, phẩm giá không chỉ liên quan đến linh hồn, mà còn đến nhân vị như một thể thống nhất không thể chia cắt, và do đó cũng gắn liền với thân xác của nó, vốn tham dự vào hữu thể của nhân vị theo cách của nó như hình ảnh của Thiên Chúa và cũng được mời gọi chia sẻ vinh quang của linh hồn trong hạnh phúc của Thiên Chúa.

Chúa Kitô nâng cao phẩm giá con người

19. Niềm xác tín thứ hai nảy sinh từ sự kiện là phẩm giá của nhân vị đã được mặc khải trọn vẹn khi Chúa Cha sai Con của mình đến, Đấng đã đảm nhận toàn bộ cuộc sống con người: “Qua mầu nhiệm Nhập Thể, Con Thiên Chúa đã xác nhận phẩm giá của thân xác và linh hồn, vốn làm nên con người” [30] Do đó, bằng cách hiệp nhất một cách nào đó với mọi người qua việc nhập thể của mình, Chúa Giêsu Kitô đã xác nhận rằng mỗi người đều có một phẩm giá vô giá, bằng sự kiện đơn giản là thuộc về cùng một cộng đồng nhân loại, và phẩm giá này không bao giờ có thể bị mất đi.[ 31] Bằng việc công bố rằng Nước Thiên Chúa thuộc về người nghèo, người khiêm nhường, người bị khinh miệt, những người đau khổ về thể xác và tinh thần; bằng cách chữa lành mọi loại bệnh hoạn tật nguyền, ngay cả những bệnh tật nặng nề nhất như bệnh cùi; bằng cách khẳng định rằng những gì chúng ta làm cho những người này, đó là chúng ta đang làm cho Người, bởi vì Người hiện diện nơi những người này, Chúa Giêsu đã mang đến sự mới mẻ tuyệt vời trong việc nhìn nhận phẩm giá của mỗi người, và trên hết, cả của những người bị coi là “thiếu phẩm giá”. Nguyên tắc mới này trong lịch sử nhân loại, theo đó con người càng “xứng đáng” (digne) được tôn trọng và yêu thương hơn khi họ yếu đuối hơn, khốn khổ hơn và đau khổ hơn, đến mức mất đi “dáng vẻ” người của mình, đã làm thay đổi bộ mặt của thế giới, bằng việc khai sinh ra những tổ chức chăm sóc những người có hoàn cảnh khó khăn: trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, trẻ mồ côi, người già bị bỏ rơi một mình, bệnh nhân tâm thần, người mắc bệnh nan y hoặc dị tật nghiêm trọng, người sống trên đường phố.

Ơn gọi hướng tới phẩm giá trọn vẹn

20. Niềm xác tín thứ ba liên quan đến số phận cuối cùng của con người: sau công trình tạo dựng và nhập thể, sự phục sinh của Chúa Kitô mặc khải cho chúng ta một khía cạnh khác của phẩm giá con người. Thật vậy, “khía cạnh cao quý nhất của phẩm giá con người được tìm thấy nơi ơn gọi hiệp thông với Thiên Chúa của con người”, [32] được định sẽ tồn tại đời đời. Như vậy, “phẩm giá của sự sống không chỉ gắn liền với nguồn gốc của nó, với sự kiện nó đến từ Thiên Chúa, mà còn với cứu cánh của nó, với định mệnh của nó là hiệp thông với Thiên Chúa để biết Ngài và yêu mến Ngài. Chính dưới ánh sáng của chân lý này mà thánh Irênê đã nêu rõ và hoàn thành việc tôn vinh con người: “Vinh quang của Thiên Chúa” chính là “con người sống động”, nhưng “sự sống của con người là nhìn thấy Thiên Chúa”” [33].

21. Vì vậy, Giáo hội tin và khẳng định rằng tất cả mọi người, được tạo dựng theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa và được tái tạo [34] trong Ngôi Con làm người, chịu đóng đinh và phục sinh, đều được mời gọi lớn lên dưới tác động của Chúa Thánh Thần để phản ánh vinh quang của Chúa Cha, trong cùng hình ảnh này, thông phần vào sự sống đời đời (x. Ga 10,15-16,17,22-24; 2 Cr 3,18; Êph 1,3-14). Thật vậy, “Mặc Khải […] tỏ lộ toàn bộ phẩm giá của nhân vị” [35]

Dấn thân cho tự do

22. Mặc dù mỗi người đều có một phẩm giá nội tại và bất khả tước bỏ ngay từ đầu cuộc sống của mình như một ân huệ không thể hủy bỏ, nhưng điều đó tùy thuộc vào quyết định tự do và có trách nhiệm của họ để diễn đạt và thể hiện phẩm giá đó một cách trọn vẹn hay làm lu mờ nó. Một số Giáo phụ – như thánh Irênê hay thánh Gioan Đamascô – đã phân biệt giữa hình ảnh và sự giống như mà sách Sáng Thế Ký nói đến, nhờ đó cho phép một cái nhìn năng động về chính phẩm giá con người: hình ảnh Thiên Chúa được ủy thác cho sự tự do của con người để, dưới sự hướng dẫn và tác động của Chúa Thánh Thần, việc giống như Thiên Chúa của con người được lớn lên và mỗi người có thể đạt được phẩm giá cao nhất của mình.[36] Quả thế, mỗi người được mời gọi biểu lộ trên bình diện hiện sinh và luân lý tầm quan trọng hữu thể của phẩm giá của mình trong chừng mực, với sự tự do của mình, họ hướng tới sự thiện đích thực, để đáp lại tình yêu của Thiên Chúa. Như vậy, được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, nhân vị một mặt không bao giờ mất đi phẩm giá của mình và không bao giờ ngừng được mời gọi tự do đón nhận sự thiện; mặt khác, trong chừng mực nhân vị đáp lại sự thiện, phẩm giá của họ có thể được biểu lộ, phát triển và trưởng thành một cách tự do, một cách năng động và tiến bộ. Điều này có nghĩa là con người cũng phải nỗ lực sống xứng với phẩm giá của mình.

Như thế, chúng ta hiểu theo nghĩa nào tội lỗi có thể làm tổn thương và lu mờ phẩm giá con người, như một hành vi trái ngược với phẩm giá này, nhưng đồng thời, nó không bao giờ có thể xóa bỏ được sự kiện rằng con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa. Do đó, đức tin góp phần một cách quyết định vào việc trợ giúp lý trí trong việc nhận thức về phẩm giá con người, đồng thời đón nhận, củng cố và nêu bật những nét thiết yếu của nó, như Đức Bênêđíctô XVI đã nhấn mạnh: “Hơn nữa, nếu không có sự sửa chữa mà tôn giáo mang lại, thì lý trí cũng có thể rơi vào tình trạng méo mó, như khi nó bị ý thức hệ thao túng, hoặc khi nó được sử dụng một cách phiến diện đến mức không còn có thể ý thức về phẩm giá nhân vị một cách đầy đủ nữa. Rốt cục, chính sự lạm dụng lý trí này, là nguồn gốc của việc buôn bán nô lệ và nhiều tệ nạn xã hội khác, trong đó ít nhất có các ý thức hệ toàn trị của thế kỷ XX.”[37]

3. Phẩm giá, nền tảng của các quyền và bổn phận của con người

23. Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc lại, “trong nền văn hóa hiện đại, quy chiếu gần nhất đến nguyên tắc về phẩm giá bất khả tước bỏ của nhân vị là Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền, được thánh Gioan Phaolô II xác định là một “cột mốc được đặt trên con đường đường dài và khó khăn của loài người” và là “một trong những biểu hiện cao nhất của lương tâm con người””.[38] Để chống lại những mưu toan nhằm thay đổi hoặc xóa bỏ ý nghĩa sâu xa của Tuyên ngôn này, điều thích hợp là nhắc lại một số nguyên tắc thiết yếu luôn phải được tôn trọng.

Tôn trọng vô điều kiện phẩm giá con người

24. Trước hết, mặc dù sự nhạy cảm ngày càng tăng đối với chủ đề phẩm giá con người đã trở nên phổ biến, nhưng ngày nay vẫn còn nhiều hiểu lầm về khái niệm phẩm giá, làm sai lệch ý nghĩa của nó. Một số đề nghị sử dụng cách diễn đạt “phẩm giá nhân vị” (và các quyền của “nhân vị”) thay vì “phẩm giá con người” (và các quyền của con người), bởi vì qua nhân vị họ chỉ hiểu một “hữu thể có khả năng suy luận”. Vì vậy, họ lập luận rằng phẩm giá và các quyền được suy ra từ khả năng hiểu biết và tự do, mà không phải con người nào cũng được phú cho. Do đó, đứa trẻ chưa sinh ra sẽ không có phẩm giá nhân vị, cũng như người già không có khả năng tự trị hoặc những người bị khuyết tật tâm trí.[39] Trái lại, Giáo hội nhấn mạnh đến sự kiện rằng phẩm giá của mỗi nhân vị, chính vì nó mang tính nội tại, nên vẫn tồn tại “trong mọi hoàn cảnh”, và việc thừa nhận phẩm giá đó trong mọi trường hợp không thể phụ thuộc vào phán đoán về khả năng hiểu và hành động một cách tự do của một người. Nếu không, phẩm giá sẽ không gắn liền với nhân vị, biệt lập với điều kiện của họ và do đó xứng đáng được tôn trọng vô điều kiện. Chỉ khi nhìn nhận con người có một phẩm giá nội tại, không bao giờ có thể bị mất đi, thì mới có thể bảo đảm được một nền tảng bất khả xâm phạm và an toàn cho phẩm chất này. Nếu không có quy chiếu hữu thể, thì việc thừa nhận phẩm giá con người sẽ bị phó mặc cho những đánh giá khác nhau và tùy tiện. Do đó, điều kiện duy nhất để có thể nói về phẩm giá nội tại gắn liền với nhân vị là việc họ thuộc về loài người, đến độ “quyền của nhân vị là quyền của con người”.[40]

Một quy chiếu khách quan cho tự do của con người

25. Thứ hai, khái niệm phẩm giá con người đôi khi cũng bị lạm dụng để biện minh cho việc nhân rộng một cách tùy tiện các quyền mới, mà nhiều quyền trong số đó thường xung đột với những quyền đã được xác định ban đầu và thường xuyên dẫn đến xung đột với quyền sống cơ bản [41], như thể khả năng diễn tả và thể hiện mỗi sở thích cá nhân hoặc mong muốn chủ quan đều phải được đảm bảo. Như thế, phẩm giá được đồng nhất với một quyền tự do biệt lập và cá nhân chủ nghĩa, có tham vọng áp đặt một số mong muốn và khuynh hướng chủ quan như là “các quyền”, được tập thể bảo đảm và tài trợ. Nhưng phẩm giá con người không thể chỉ dựa trên những tiêu chuẩn thuần túy cá nhân cũng như không thể được đồng hóa với chỉ phúc lợi tâm thể lý của cá nhân đó mà thôi. Trái lại, việc bảo vệ nhân phẩm dựa trên những đòi hỏi mang tính cấu thành của bản tính con người, vốn không phụ thuộc vào sự tùy tiện cá nhân cũng như sự thừa nhận của xã hội. Do đó, các nghĩa vụ nảy sinh từ việc nhìn nhận phẩm giá của người khác và các quyền tương ứng phát sinh từ đó có một nội dung cụ thể và khách quan, dựa trên bản tính chung của con người. Nếu không có sự quy chiếu khách quan này, thì khái niệm phẩm giá trên thực tế sẽ tùy thuộc vào sự tùy tiện và những mối quan hệ quyền lực đa dạng nhất.

Cấu trúc tương quan của nhân vị

26. Phẩm giá con người, dưới ánh sáng đặc tính tương quan của con người, giúp vượt qua quan điểm giản lược về quyền tự do tự quy chiếu và chủ nghĩa cá nhân, vốn có tham vọng tạo ra các giá trị riêng của mình mà không tính đến các chuẩn mực khách quan của sự thiện và mối tương quan với những sinh vật khác. Thật vậy, ngày càng có nguy cơ hạn chế phẩm giá con người ở khả năng tự ý quyết định về bản thân và số phận của mình, bất kể số phận của người khác, không tính đến tư cách thành viên của mình trong cộng đồng nhân loại. Trong quan niệm sai lầm về tự do như vậy, bổn phận và quyền lợi không thể được thừa nhận lẫn nhau để chúng ta quan tâm lẫn nhau. Quả thế, như thánh Gioan Phaolô II nhắc nhở chúng ta, tự do nhằm “để phục vụ nhân vị và sự thành toàn của nhân vị qua việc trao ban chính mình và đón nhận người khác; trái lại, khi chiều kích cá nhân chủ nghĩa của nó bị tuyệt đối hóa, nó mất hết ý nghĩa đầu tiên của nó, chính ơn gọi và phẩm giá của nó cũng bị phủ nhận.”[42]

27. Vì thế, phẩm giá của con người cũng bao gồm khả năng đảm nhận các nghĩa vụ đối với người khác, một khả năng vốn gắn liền với chính bản tính con người.

28. Sự khác biệt giữa con người và các sinh vật khác, được rút ra từ khái niệm phẩm giá, không được làm chúng ta quên đi sự tốt lành của những sinh vật thụ tạo khác, vốn tồn tại không chỉ tùy thuộc con người, mà còn với một giá trị riêng, và do đó như những món quà được giao phó cho con người và phải được trân trọng và vun trồng. Vì vậy, trong khi khái niệm phẩm giá được dành riêng cho con người, thì sự tốt lành của các thụ tạo khác trong vũ trụ cũng phải được khẳng định đồng thời. Như Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh: “Chính vì phẩm giá độc nhất của mình và do được phú ban cho trí tuệ, con người được mời gọi tôn trọng công trình tạo dựng với những quy luật nội tại của nó, […]: “Mỗi thụ tạo đều có sự tốt lành và sự hoàn hảo của riêng mình [… ] Các thụ tạo khác nhau, được mong muốn nơi chính bản thân chúng, mỗi loài đều phản chiếu, theo cách riêng của mình, một tia sáng của sự khôn ngoan và lòng tốt lành vô biên của Thiên Chúa. Đây là lý do tại sao con người phải tôn trọng sự tốt lành riêng của mỗi thụ tạo để tránh việc sử dụng sự vật một cách vô trật tự.”” [43] Hơn nữa, “ngày nay chúng ta buộc phải thừa nhận rằng chỉ có thể duy trì một “nhân trung luận”. Nói cách khác, thừa nhận rằng cuộc sống con người là không thể hiểu được và không bền vững nếu không có các thụ tạo khác.”[44] Theo viễn cảnh này, “không phải là không có tầm quan trọng đối với chúng ta khi nhiều loài đang biến mất và cuộc khủng hoảng khí hậu đang gây nguy hiểm cho cuộc sống của rất nhiều sinh vật”.[45] Việc chăm sóc môi trường thực sự thuộc về phẩm giá của con người, bằng cách đặc biệt quan tâm đến hệ sinh thái nhân bản vốn đang bảo tồn chính sự tồn tại của nó.

Giải phóng con người khỏi những ảnh hưởng tiêu cực trong các phạm vi luân lý và xã hội

29. Những điều kiện tiên quyết cơ bản này, dù cần thiết đến đâu, cũng không đủ để bảo đảm sự triển nở của nhân vị trong sự tôn trọng phẩm giá của họ. Cho dù “Thiên Chúa tạo dựng con người có lý trí bằng cách ban cho họ phẩm giá của một nhân vị có khả năng sáng kiến ​​và làm chủ các hành động của mình”[46] nhắm tới điều thiện, thì ý chí tự do thường thích sự dữ hơn sự thiện. Đây là lý do tại sao quyền tự do của con người cũng cần được giải thoát. Trong Thư gửi tín hữu Galát, khi khẳng định rằng “chính để chúng ta được tự do mà Chúa Kitô đã giải thoát chúng ta” (Gl 5, 1), thánh Phaolô nhắc lại nhiệm vụ đặc thù của mỗi Kitô hữu, trên vai họ có trách nhiệm giải thoát, được mở rộng ra toàn thế giới (x. Rm 8, 19tt). Đó là một sự giải thoát mà, từ trái tim con người, được mời gọi lan tỏa và thể hiện sức mạnh nhân bản hóa của nó trong mọi mối quan hệ.

30. Tự do là một món quà tuyệt vời của Thiên Chúa. Ngay cả khi thu hút chúng ta bằng ân sủng của Ngài, Thiên Chúa làm như vậy để sự tự do của chúng ta không bao giờ bị xâm phạm. Do đó, sẽ là một sai lầm nghiêm trọng khi nghĩ rằng, xa rời Thiên Chúa và sự giúp đỡ của Ngài, chúng ta có thể tự do hơn và, do đó, chúng ta cảm thấy có phẩm giá hơn. Bị tách rời khỏi Đấng Tạo Hóa, sự tự do của chúng ta chỉ có thể trở nên suy yếu và bị lu mờ. Cũng tương tự như thế nếu sự tự do được tưởng tượng độc lập với bất kỳ quy chiếu chiếu nào khác ngoài chính nó và coi bất kỳ mối quan hệ nào với sự thật có trước là một mối đe dọa. Do đó, việc tôn trọng tự do và phẩm giá của người khác cũng sẽ bị suy giảm. Đây là những gì Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI giải thích: “Một ý chí nghĩ mình hoàn toàn không có khả năng tìm kiếm sự thật và sự thiện thì không còn lý do khách quan hay động cơ để hành động, ngoài những lý do và động cơ bị áp đặt bởi những lợi ích nhất thời và tùy tiện của nó, nó không có một “căn tính” để bảo tồn và xây dựng bằng cách đưa ra những lựa chọn thực sự tự do và có ý thức. Do đó, nó không thể đòi hỏi sự tôn trọng từ những “ý chí” khác, những ý chí cũng tách rời khỏi hữu thể sâu xa hơn của họ và, do đó, có thể đòi áp đặt những “lý do” khác hoặc thậm chí không có “lý do” nào. Ảo tưởng cho rằng người ta có thể tìm thấy trong chủ thuyết tương đối luân lý chìa khóa của sự chung sống hòa bình, trên thực tế, là nguồn gốc của sự chia rẽ và của sự phủ nhận phẩm giá con người.[47]

31. Vả lại, sẽ là phi thực tế khi khẳng định một quyền tự do trừu tượng, thoát khỏi mọi điều kiện, bối cảnh hoặc giới hạn. Trái lại, “việc thực thi quyền tự do cá nhân một cách đúng đắn đòi hỏi những điều kiện cụ thể thuộc trật tự kinh tế, xã hội, pháp lý, chính trị và văn hóa”[48], những điều kiện này thường không được thỏa mãn. Theo nghĩa này, chúng ta có thể nói rằng một số người được hưởng “quyền tự do” lớn hơn những người khác. Đức Thánh Cha Phanxicô đặc biệt tập trung vào điểm này: “Một số người sinh ra trong những gia đình giàu có, nhận được một nền giáo dục tốt, lớn lên được ăn uống đầy đủ hoặc tự nhiên có những khả năng đặc biệt. Những người đó chắc chắn sẽ không cần một Nhà nước tích cực và sẽ chỉ đòi hỏi tự do. Nhưng rõ ràng, quy tắc tương tự không có giá trị cho người khuyết tật, cho một người sinh ra trong một gia đình rất nghèo, cho người đã hưởng được một nền giáo dục có chất lượng thấp và nguồn lực hạn chế để chăm sóc bệnh tật của mình cách thích hợp. Nếu xã hội được quản lý chủ yếu bởi các tiêu chí tự do thị trường và hiệu quả, thì sẽ không có chỗ cho họ và tình huynh đệ chỉ là một biểu hiện lãng mạn khác.”[49] Do đó, cần phải hiểu rằng “việc giải phóng khỏi những bất công thúc đẩy tự do và phẩm giá của con người” [50] ở mọi cấp độ và trong mọi mối tương quan của hành động của con người. Để có thể thực hiện được sự tự do đích thực, “chúng ta phải đặt lại phẩm giá con người ở trung tâm và, trên trụ cột này, các cơ cấu xã hội thay thế mà chúng ta cần đến phải được xây dựng”.[51] Tương tự như vậy, sự tự do thường bị che khuất bởi nhiều ép buộc về tâm lý, lịch sử, xã hội, giáo dục và văn hóa. Sự tự do lịch sử và đích thực luôn cần được “giải thoát”. Và quyền cơ bản về tự do tôn giáo cũng phải được tái khẳng định.

32. Đồng thời, rõ ràng là lịch sử nhân loại cho thấy sự tiến bộ trong việc hiểu biết về phẩm giá và tự do của con người, không phải không có những bóng tối và nguy cơ suy thoái. Điều này được chứng minh bằng sự kiện là có một khát vọng ngày càng tăng – cũng dưới ảnh hưởng của Kitô giáo, vốn tiếp tục là men ngay cả trong các xã hội ngày càng thế tục hóa – nhằm xóa bỏ nạn phân biệt chủng tộc, chế độ nô lệ và việc bị gạt ra ngoài lề xã hội đối với phụ nữ, trẻ em, người bệnh và người khuyết tật. Nhưng con đường gay go này còn lâu mới kết thúc.

4. Một số vi phạm nghiêm trọng đối với nhân phẩm

33. Dưới ánh sáng của những suy tư đã được đưa ra cho đến nay về đặc tính trung tâm của phẩm giá con người, phần cuối cùng của Tuyên ngôn đề cập đến một số vi phạm cụ thể và nghiêm trọng đối với phẩm giá đó. Tuyên ngôn làm như vậy theo tinh thần Huấn quyền của Giáo hội, được thể hiện đầy đủ trong giáo huấn của các Đức Giáo hoàng gần đây, như chúng ta đã đề cập. Chẳng hạn, Đức Thánh Cha Phanxicô không bao giờ mệt mỏi kêu gọi tôn trọng phẩm giá con người: “Mọi người đều có quyền sống có phẩm giá và được phát triển đầy đủ, và quyền cơ bản này không thể bị từ chối bởi bất kỳ quốc gia nào. Con người có quyền này ngay cả khi họ không hiệu quả lắm, ngay cả khi họ sinh ra hoặc lớn lên với những hạn chế. Bởi vì điều này không làm tổn hại đến phẩm giá vô hạn của nhân vị, vốn không dựa trên hoàn cảnh, nhưng trên giá trị hữu thể của họ. Khi nguyên tắc cơ bản này không được bảo vệ, sẽ không có tương lai cho tình huynh đệ cũng như cho sự sống còn của nhân loại.”[52] Mặt khác, ngài không ngừng chỉ ra cho mọi người thấy những vi phạm cụ thể đối với phẩm giá con người trong thời đại chúng ta, kêu gọi mỗi người gia tăng trách nhiệm và dấn thân tích cực.

34. Để chỉ ra một số trong nhiều vi phạm nghiêm trọng đối với phẩm giá con người trong thế giới đương đại, chúng ta có thể nhắc lại những gì Công đồng Vatican II đã dạy về vấn đề này. Phải thừa nhận rằng “bất cứ điều gì chống lại chính sự sống, chẳng hạn như bất kỳ hình thức giết người, diệt chủng, phá thai, an tử và thậm chí cả cố ý tự sát” đều chống lại phẩm giá con người. Cũng gây tổn hại đến phẩm giá của chúng ta “bất cứ điều gì làm nên sự vi phạm đến tính toàn vẹn của nhân vị, chẳng hạn như cắt xẻo, tra tấn về thể xác hoặc tinh thần, những ép buộc về tâm lý”.[54] Và cuối cùng “tất cả những gì xúc phạm phẩm giá con người, chẳng hạn như những điều kiện sống dưới nhân bản, bỏ tù tùy tiện, lưu đày, nô lệ, mại dâm, buôn bán phụ nữ và thanh niên; hoặc những điều kiện làm việc xuống cấp khiến người lao động trở thành công cụ lợi nhuận thuần túy mà không quan tâm đến nhân cách tự do và trách nhiệm của họ”.[55] Chủ đề án tử hình cũng phải được đề cập ở đây[56]: án tử hình cũng vi phạm phẩm giá của mỗi con người, vốn không thể tước bỏ trong mọi hoàn cảnh. Trái lại, cần phải thừa nhận rằng “việc cương quyết bác bỏ án tử hình cho thấy có thể thừa nhận phẩm giá bất khả tước bỏ của mỗi con người và chấp nhận vị trí của họ trong vũ trụ này đến mức độ nào. Vì nếu tôi không từ chối phẩm giá này với tên tội phạm tồi tệ nhất, thì tôi sẽ không từ chối nó với bất kỳ ai, tôi sẽ cho mỗi người khả năng chia sẻ hành tinh này với tôi bất chấp điều gì có thể chia cắt chúng ta.”[57] Cũng có vẻ thích hợp để nhắc lại phẩm giá của những người bị bỏ tù, thường bị buộc phải sống trong những điều kiện thiếu phẩm giá, và việc thực hành tra tấn gây tổn hại đến phẩm giá vượt trên mọi giới hạn của mỗi con người, ngay cả khi họ phạm những tội ác nghiêm trọng.

35. Không có tham vọng đầy đủ, dưới đây chúng tôi lưu ý đến một số vi phạm nghiêm trọng về phẩm giá con người, đặc biệt mang tính thời sự.

Thảm kịch nghèo khổ

36. Một trong những hiện tượng góp phần đáng kể vào việc phủ nhận phẩm giá của rất nhiều người là tình trạng nghèo đói cùng cực, gắn liền với việc phân phối của cải không đồng đều. Như thánh Gioan Phaolô II đã từng chỉ ra, “một trong những bất công lớn nhất của thế giới đương đại nằm ở chỗ có tương đối ít người lại sở hữu nhiều, trong khi nhiều người hầu như không có gì cả. Đó là sự bất công trong việc phân phối tồi tệ của cải và dịch vụ vốn ban đầu dành cho tất cả mọi người.”[58] Vả lại, sẽ là ảo tưởng nếu đưa ra một sự phân biệt đơn giản giữa “các nước giàu” và “các nước nghèo”: Quả thật, Đức Bênêđíctô XVI đã thừa nhận rằng “xét về bản thân, của cải thế giới đang tăng lên, nhưng sự bất bình đẳng lại đang gia tăng. Ở các nước giàu, các phạm trù xã hội mới đang trở nên nghèo hơn và các hình thức nghèo đói mới đang xuất hiện. Ở những khu vực nghèo hơn, một số nhóm được hưởng một kiểu phát triển quá mức, trong đó tiêu dùng và lãng phí đi đôi với nhau, điều này tương phản một cách không thể chấp nhận được với những hoàn cảnh nghèo đói phi nhân bản thường xuyên. “Tai tiếng về sự chênh lệch đáng phẫn nộ” vẫn còn” [59] trong đó phẩm giá của người nghèo bị phủ nhận hai lần, vừa do thiếu các nguồn lực sẵn có để đáp ứng các nhu cầu cơ bản của họ vừa do sự thờ ơ mà những người sống bên cạnh họ đối xử với họ.

37. Do đó, với Đức Thánh Cha Phanxicô, cần phải kết luận rằng “sự giàu có đã tăng lên, nhưng bằng những bất bình đẳng; và do đó, xảy ra tình trạng “nghèo khổ mới xuất hiện”. Khi người ta nói rằng thế giới hiện đại đã giảm nghèo, người ta nói như vậy bằng cách đo lường sự nghèo khổ bằng những tiêu chí từ thời xa xưa vốn không thể so sánh được với thực tế hiện tại.”[60] Kết quả là, tình trạng nghèo khổ lan rộng “theo nhiều cách, chẳng hạn như nỗi ám ảnh về việc giảm chi phí lao động mà không tính đến những hậu quả nghiêm trọng mà việc này gây ra, bởi vì tình trạng thất nghiệp là kết quả trực tiếp của nó đã mở rộng ranh giới của nghèo khổ.”[61] Trong số những “tác động tàn phá của Đế chế Tiền bạc”,[62] phải thừa nhận rằng “không có tình trạng nghèo khổ nào tồi tệ hơn tình trạng nghèo khổ tước đi lao động và phẩm giá của lao động”.[63] Nếu một số người sinh ra ở một đất nước hoặc một gia đình mà họ có ít khả năng phát triển hơn, thì chúng ta phải thừa nhận rằng điều này đi ngược lại với phẩm giá của họ, vốn chính là phẩm giá giống như phẩm giá của những người sinh ra trong một gia đình hoặc đất nước giàu có. Tất cả chúng ta đều phải chịu trách nhiệm, ở những mức độ khác nhau, về sự bất bình đẳng rõ rệt này.

Chiến tranh

38. Một thảm kịch khác phủ nhận phẩm giá con người là việc xảy ra chiến tranh, ngày nay cũng như mọi thời đại: “Các cuộc chiến tranh, bạo lực, bách hại vì những lý do chủng tộc hoặc tôn giáo, và rất nhiều cuộc gây tổn hại đến nhân phẩm […] đang gia tăng “một cách đau đớn ở nhiều vùng trên thế giới, đến mức mang những nét của cái mà người ta có thể gọi là ‘chiến tranh thế giới thứ ba phân mảnh””.[64] Với những hủy diệt và đau đớn kèm theo, chiến tranh gây tổn hại đến phẩm giá con người trong ngắn hạn và dài hạn: “Trong khi tái khẳng định quyền tự vệ chính đáng bất khả tước bỏ, cũng như trách nhiệm bảo vệ những người mà sự tồn tại của họ bị đe dọa, chúng ta phải thừa nhận rằng chiến tranh luôn luôn là một “thất bại của nhân loại”. Không có cuộc chiến nào đáng để người mẹ phải rơi nước mắt khi chứng kiến ​​con mình bị thương tật hoặc chết chóc; không có cuộc chiến nào đáng để mất đi mạng sống, dù chỉ là của một nhân vị duy nhất, một hữu thể thiêng liêng, được tạo dựng theo hình ảnh và giống như Đấng Tạo Hóa; không có cuộc chiến nào đáng để đầu độc ngôi nhà chung của chúng ta; và không có cuộc chiến nào đáng để những người tuyệt vọng buộc phải rời bỏ quê hương và bị tước đoạt, từ lúc này sang lúc khác, mái nhà và tất cả các mối liên hệ gia đình, bằng hữu, xã hội và văn hóa vốn đã được xây dựng, đôi khi trong nhiều thế hệ. ”[65] Tất cả các cuộc chiến tranh, bởi sự kiện đơn giản là chúng mâu thuẫn với phẩm giá con người, đều là “những xung đột không giải quyết được vấn đề nhưng sẽ làm tăng thêm vấn đề”.[66] Điều này thậm chí còn nghiêm trọng hơn trong thời đại chúng ta, nơi rất nhiều thường dân vô tội chết bên ngoài chiến trường đã trở thành chuyện bình thường.

39. Đó là lý do tại sao, ngay cả ngày nay, Giáo hội chỉ có thể lấy những lời của các Đức Giáo hoàng làm của mình, khi lặp lại với thánh Phaolô VI: “Đừng bao giờ chiến tranh nữa, đừng bao giờ chiến tranh nữa!” »,[67] và yêu cầu, cùng với thánh Gioan Phaolô II, “với tất cả mọi người nhân danh Thiên Chúa và nhân danh con người: đừng giết người! Đừng chuẩn bị sự hủy diệt và tiêu diệt loài người! Hãy nghĩ đến những người anh em của các bạn đang phải chịu cảnh đói nghèo! Hãy tôn trọng phẩm giá và tự do của mọi người! ”.[68] Đây chính là tiếng kêu của Giáo hội và của toàn thể nhân loại trong thời đại chúng ta. Cuối cùng, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng “chúng ta không còn có thể nghĩ đến chiến tranh như một giải pháp nữa, bởi vì những rủi ro có thể sẽ luôn lớn hơn lợi ích giả định được gán cho nó. Đối mặt với thực tế này, ngày nay rất khó bảo vệ các tiêu chí hợp lý, đã chín muồi ở thời khác, để nói về một “cuộc chiến tranh chính đáng” có thể xảy ra. Đừng bao giờ chiến tranh nữa! ”.[69] Vì nhân loại thường rơi vào những lỗi lầm như trong quá khứ, nên “để xây dựng hòa bình, chúng ta phải thoát khỏi lôgic về tính hợp pháp của chiến tranh”.[70] Mối quan hệ mật thiết giữa đức tin và phẩm giá con người khiến cho việc chiến tranh dựa trên niềm tin tôn giáo trở nên mâu thuẫn: “Ai kêu cầu danh Thiên Chúa để biện minh cho chủ nghĩa khủng bố, bạo lực và chiến tranh thì không đi trên con đường của Ngài: chiến tranh nhân danh tôn giáo trở thành một cuộc chiến tranh chống lại chính tôn giáo”.[71]

Lao động của người di cư

40. Người di cư nằm trong số những nạn nhân đầu tiên của nhiều hình thức nghèo khổ. Phẩm giá của họ không chỉ bị xâm phạm tại đất nước của họ,[72] nhưng chính mạng sống của họ cũng bị đe dọa vì họ không còn phương tiện để lập gia đình, lao động hoặc nuôi sống bản thân.[73] Hơn nữa, một khi đến những quốc gia có thể đón tiếp họ, “người di cư không được coi là đủ xứng đáng để tham gia vào đời sống xã hội như bất kỳ người nào khác và người ta quên rằng họ có cùng phẩm giá nội tại như bất kỳ ai khác. […] Người ta sẽ không bao giờ nói rằng họ không phải là con người, nhưng trên thực tế, thông qua những quyết định và cách đối xử với họ, người ta cho thấy họ bị coi là những người kém giá trị hơn, kém quan trọng hơn, kém nhân tính hơn”.[74] Do đó, thật cấp bách phải luôn nhớ rằng “mọi người di cư đều là một nhân vị, và như thế, sở hữu những quyền cơ bản bất khả tước bỏ vốn phải được mọi người tôn trọng trong mọi hoàn cảnh” [75] Đón tiếp họ là một cách quan trọng và có ý nghĩa để bảo vệ “phẩm giá bất khả tước bỏ của mỗi nhân vị bất kể nguồn gốc, màu da hay tôn giáo” [76]

Buôn bán người

41. Việc buôn bán người cũng phải bị coi là vi phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm.[77]. Nó không phải là mới, nhưng sự phát triển của nó đã mang những chiều kích bi thảm trước mắt chúng ta, đó là lý do tại sao Đức Thánh Cha Phanxicô đã tố giác nó bằng những lời lẽ đặc biệt mạnh mẽ: “Tôi tái khẳng định rằng “việc buôn bán người” là một hoạt động hèn hạ, một sự xấu hổ đối với xã hội của chúng ta vốn coi mình là văn minh! Những kẻ khai thác và khách hàng ở mọi cấp độ cần tự vấn lương tâm một cách nghiêm túc trước bản thân và trước Thiên Chúa! Giáo hội ngày nay nhắc lại lời kêu gọi mạnh mẽ của mình, để phẩm giá và vị trí trung tâm của mỗi nhân vị luôn được bảo vệ, trong sự tôn trọng các quyền cơ bản, như được nhấn mạnh trong học thuyết xã hội của mình, những quyền mà Giáo hội đòi hỏi chúng ta phải thực sự mở rộng đến những nơi chúng không được công nhận đối với hàng triệu người nam và người nữ ở mỗi châu lục. Trong một thế giới mà chúng ta nói rất nhiều về quyền lợi, nhân phẩm thường bị chà đạp biết bao! Trong một thế giới mà người ta nói quá nhiều về quyền, có vẻ như thứ duy nhất để có được chúng là tiền.”[78]

42. Vì những lý do này, Giáo hội và nhân loại không được từ bỏ cuộc đấu tranh chống lại các hiện tượng “buôn bán các cơ quan và các mô người, khai thác tình dục trẻ em, lao động nô lệ – bao gồm cả mại dâm –, buôn bán ma túy và vũ khí, chủ nghĩa khủng bố và tội phạm quốc tế có tổ chức. Quy mô của những hoàn cảnh này và số lượng sinh mạng vô tội mà chúng hy sinh đến độ chúng ta phải tránh mọi cám dỗ rơi vào chủ nghĩa duy danh của những tuyên bố có tác dụng xoa dịu lương tâm. Chúng ta phải đảm bảo rằng các thể chế của chúng ta thực sự hữu hiệu trong cuộc chiến chống lại tất cả những tai họa này.”[79] Đối mặt với những hình thức phủ nhận phẩm giá con người đa dạng và tàn bạo như vậy, cần phải ngày càng nhận thức rõ hơn rằng “việc buôn bán người là một tội ác chống lại nhân loại” [80]. Về cơ bản, nó phủ nhận phẩm giá con người ít nhất theo hai cách: “Việc buôn bán người làm biến dạng nhân tính của nạn nhân, bằng cách xúc phạm đến tự do và phẩm giá của họ. Nhưng đồng thời, nó làm mất nhân tính của người buôn bán.”[81]

Lạm dụng tình dục

43. Phẩm giá sâu xa gắn liền với con người trong toàn bộ thể xác và tâm trí của họ cũng cho phép chúng ta hiểu tại sao bất kỳ hành vi lạm dụng tình dục nào đều để lại những vết sẹo sâu xa trong tâm hồn của người phải chịu đựng nó: Thật vậy, họ cảm thấy bị tổn thương trong nhân phẩm của mình. Đây là “những đau khổ có thể kéo dài suốt đời và không có sự ăn năn nào có thể chữa lành được. Hiện tượng này lan rộng trong xã hội, nhưng nó cũng ảnh hưởng đến Giáo hội và là một trở ngại nghiêm trọng cho sứ mạng của Giáo hội.”[82] Từ đó, Giáo hội luôn dấn thân chấm dứt mọi hình thức lạm dụng, bắt đầu từ chính mình.

Bạo lực đối với nữ giới

44. Bạo lực đối với nữ giới là một vụ bê bối toàn cầu, ngày càng được thừa nhận. Trong khi phẩm giá bình đẳng của nữ giới được thừa nhận bằng lời nói, thì ở một số nước, sự bất bình đẳng giữa nữ giới và nam giới là rất nghiêm trọng và ngay cả ở những nước phát triển và dân chủ nhất, thực tại xã hội cụ thể lại chứng thực sự kiện là nữ giới thường không được công nhận là có cùng phẩm giá như nam giới. Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh thực tế này bằng cách nói rằng “việc tổ chức các xã hội trên toàn thế giới còn lâu mới phản ánh rõ ràng sự kiện rằng nữ giới có cùng phẩm giá và quyền lợi như nam giới. Người ta khẳng định một điều bằng lời nói, nhưng các quyết định và thực tế lại mang đến một thông điệp khác. Đó là một sự kiện, “nghèo khổ gấp đôi là những người nữ phải chịu đựng những hoàn cảnh bị loại trừ, ngược đãi và bạo lực, bởi vì, họ thường thấy mình có ít cơ hội nhất để bảo vệ quyền lợi của mình.”[83]

45. Thánh Gioan Phaolô II đã thừa nhận rằng “còn nhiều việc phải làm để thân phận của người nữ và người mẹ không dẫn đến bất kỳ sự phân biệt kỳ thị nào. Điều cấp bách là phải đạt được sự bình đẳng hữu hiệu về quyền của nhân vị ở mọi nơi và do đó đạt được sự bình đẳng về lương bổng cho một công việc như nhau, việc bảo vệ các bà mẹ đang đi làm, công bằng trong thăng tiến nghề nghiệp, bình đẳng giữa vợ chồng trong quyền gia đình, sự công nhận mọi thứ gắn liền với quyền và bổn phận của công dân trong chế độ dân chủ.”[84] Những bất bình đẳng trong những lĩnh vực này là những hình thức bạo lực khác nhau. Ngài cũng nhắc lại rằng “đã đến lúc phải mạnh mẽ lên án các hình thức bạo lực tình dục thường nhắm vào phụ nữ làm đối tượng, bằng cách tạo ra các công cụ lập pháp bảo vệ thích hợp. Nhân danh sự tôn trọng nhân vị, chúng ta không thể không tố cáo nền văn hóa hoan lạc chủ nghĩa và hám lợi đang lan rộng, cổ vũ việc khai thác tính dục một cách có hệ thống, thậm chí đẩy các bé gái ngay từ khi còn rất nhỏ rơi vào vòng hư hỏng và biến thân xác mình thành món hàng hóa.”[85] Trong số các bạo lực đối với phụ nữ, làm sao không đề cập đến việc ép buộc phá thai, vốn ảnh hưởng đến cả mẹ và con, rất thường để thỏa mãn thói ích kỷ của đàn ông? Và làm sao lại không đề cập đến việc thực hành chế độ đa thê – như Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo nhắc nhở – vốn trái với phẩm giá bình đẳng của người nữ và người nam và cũng trái với “tình yêu vợ chồng vốn là duy nhất và độc hữu”? [86]

46. Trong chân trời bạo lực đối với nữ giới này, hiện tượng giết hại nữ giới sẽ không bao giờ bị lên án đủ. Về mặt trận này, sự dấn thân của toàn thể cộng đồng quốc tế phải chặt chẽ và cụ thể, như Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở: “Tình yêu dành cho Đức Maria phải giúp chúng ta có thái độ nhìn nhận và biết ơn đối với người nữ, đối với những người mẹ và người bà của chúng ta, những người là thành trì trong đời sống của các thành đô chúng ta. Hầu như luôn im lặng, họ giúp cuộc sống tiến về phía trước. Đó là sự im lặng và sức mạnh của niềm hy vọng. Cảm ơn chứng tá của họ. […] Tuy nhiên, nhìn vào những người mẹ và người bà, tôi muốn mời gọi anh chị em hãy chiến đấu chống lại một tai họa đang ảnh hưởng đến lục địa Châu Mỹ của chúng ta: vô số trường hợp giết hại phụ nữ. Có rất nhiều hoàn cảnh bạo lực bị che giấu đằng sau rất nhiều bức tường. Tôi mời gọi anh chị em đấu tranh chống lại nguồn gốc của đau khổ này, bằng cách yêu cầu khuyến khích luật pháp và văn hóa bác bỏ mọi hình thức bạo lực.”[87]

Phá thai

47. Giáo hội không ngừng nhắc nhở rằng “phẩm giá của mỗi con người có một đặc tính nội tại, có giá trị từ lúc được thụ thai cho đến khi chết tự nhiên. Chính việc khẳng định phẩm giá này là điều kiện tiên quyết không thể tránh khỏi để bảo vệ sự tồn tại cá nhân và xã hội, cũng như là điều kiện cần thiết để tình huynh đệ và tình bạn xã hội được thể hiện giữa tất cả các dân tộc trên trái đất”.[88] Dựa trên giá trị bất khả xâm phạm này của sự sống con người, Huấn quyền của Giáo hội luôn lên tiếng chống lại việc phá thai. Về vấn đề này, thánh Gioan Phaolô II viết: “Trong số tất cả những tội ác mà con người có thể phạm chống lại sự sống, việc phá thai có những đặc điểm khiến nó trở nên đặc biệt nghiêm trọng và đáng lên án. […] Nhưng ngày nay, trong lương tâm của nhiều người, nhận thức về mức độ nghiêm trọng của nó đã dần trở nên lu mờ. Việc chấp nhận phá thai trong tâm thức, trong phong tục và trong chính luật pháp là một dấu hiệu hùng hồn của một cuộc khủng hoảng rất nguy hiểm về ý thức luân lý, vốn ngày càng trở nên không thể phân biệt giữa thiện và ác, ngay cả khi quyền cơ bản được sống đang bị đe dọa. Trước hoàn cảnh nghiêm trọng như vậy, việc can đảm đối mặt với sự thật và gọi sự việc bằng đúng tên của chúng là điều cần thiết hơn bao giờ hết, không nhượng bộ cho những thỏa hiệp dễ dãi hoặc cho cám dỗ tự lừa dối mình. Về vấn đề này, lời khiển trách của Ngôn sứ vang lên một cách dứt khoát: “Khốn thay những kẻ bảo cái tốt là xấu, cái xấu là tốt, những kẻ biến tối thành sáng, sáng thành tối” (Is 5, 20). Chính trong trường hợp phá thai, người ta nhận thấy sự phát triển của những thuật ngữ mơ hồ, chẳng hạn như “chấm dứt thai kỳ”, vốn có xu hướng che giấu bản chất thực sự của nó và làm giảm bớt tính nghiêm trọng của nó trong công luận. Hiện tượng ngôn ngữ này chắc chắn chính là triệu chứng của sự bất ổn mà lương tâm gặp phải. Nhưng không lời nào có thể thay đổi được thực tại của sự việc: phá thai, bất kể nó được thực hiện bằng cách nào, đều là hành vi giết người có chủ ý và trực tiếp đối với một con người trong giai đoạn đầu của cuộc đời, nằm giữa lúc thụ thai và khi sinh ra”[89] ]. Do đó, những đứa trẻ chưa sinh ra là “những người không có khả năng tự vệ và vô tội nhất, những người mà ngày nay người ta muốn phủ nhận nhân phẩm để có thể biến chúng thành những gì người ta muốn, bằng cách tước đoạt mạng sống của chúng và thúc đẩy luật pháp để làm cho không ai có thể ngăn cản được.” [90] Do đó, cần phải khẳng định một cách mạnh mẽ và rõ ràng, kể cả trong thời đại của chúng ta, rằng “việc bảo vệ sự sống chưa sinh ra này gắn liền mật thiết với việc bảo vệ mọi quyền con người. Nó giả định niềm tin rằng con người luôn thánh thiêng và bất khả xâm phạm, trong mọi hoàn cảnh và mọi giai đoạn phát triển của mình. Con người tự nó là một mục đích và không bao giờ là một phương tiện để giải quyết những khó khăn khác. Nếu niềm tin này biến mất, sẽ không còn những nền tảng vững chắc và thường hằng để bảo vệ nhân quyền, vốn sẽ luôn phụ thuộc vào những sở thích tùy tiện của những kẻ có quyền lực vào lúc đó. Chỉ lý trí thôi cũng đủ để nhận ra giá trị bất khả xâm phạm của mỗi mạng sống con người, nhưng nếu chúng ta cũng nhìn nó từ đức tin, thì “bất kỳ sự vi phạm nào đối với phẩm giá nhân vị của con người đều đòi hỏi sự trừng phạt trước sự hiện diện của Thiên Chúa và trở thành một sự xúc phạm đến Đấng Tạo Hóa của con người” [91]. Ở đây, thật đáng ghi nhớ sự dấn thân quảng đại và can đảm của thánh Têrêsa Calcutta trong việc bảo vệ mọi sự sống được thụ thai.

Mang thai hộ

48. Giáo hội cũng có quan điểm chống lại việc thực hành mang thai hộ, qua đó đứa trẻ, vô cùng có phẩm giá, lại trở thành một đồ vật đơn giản. Về vấn đề này, những lời của Đức Thánh Cha Phanxicô thật rõ ràng: “Con đường dẫn đến hòa bình đòi hỏi phải tôn trọng sự sống, mọi sự sống của con người, bắt đầu từ sự sống của thai nhi trong bụng mẹ, vốn không thể xóa bỏ hay trở thành một đối tượng mặc cả. Về vấn đề này, tôi nhận thấy việc thực hành của cái gọi là mang thai hộ là đáng tiếc, nó làm tổn hại nghiêm trọng đến phẩm giá của người nữ và trẻ em. Nó dựa trên việc khai thác hoàn cảnh túng thiếu vật chất của người mẹ. Một đứa trẻ luôn là một món quà và không bao giờ là đối tượng của một hợp đồng. Do đó, tôi mong muốn cộng đồng quốc tế sẽ cam kết ngăn cấm thực hành này ở cấp độ toàn cầu.”[92]

49. Việc thực hành mang thai hộ trước hết gây tổn hại đến phẩm giá của đứa trẻ. Thực vậy, mọi đứa trẻ, từ khi được thụ thai, sinh ra và lớn lên thành trai hay gái, cho đến khi trưởng thành, đều có một phẩm giá bất khả xâm phạm được thể hiện rõ ràng, mặc dù theo một cách riêng biệt và khác biệt, trong mỗi giai đoạn cuộc sống của nó. Do đó, trẻ em có quyền, nhờ phẩm giá bất khả tước bỏ của mình, có một nguồn gốc hoàn toàn nhân bản và phi nhân tạo, và có quyền nhận được món quà của một sự sống vốn thể hiện đồng thời phẩm giá của người trao tặng nó và của người đón nhận nó. Việc thừa nhận phẩm giá của nhân vị cũng bao hàm việc thừa nhận phẩm giá của sự kết hợp vợ chồng và của việc sinh sản của con người trong mọi chiều kích của họ. Theo nghĩa này, ước muốn chính đáng có con không thể bị biến thành một “quyền có con” vốn không tôn trọng phẩm giá của chính đứa trẻ như một người nhận được món quà sự sống nhưng không [93].

50. Việc làm mẹ thế đồng thời gây tổn hại đến phẩm giá của chính người nữ bị ép buộc phải làm việc đó hoặc người nữ được tự do quyết định chịu theo nó. Với cách thực hành như vậy, người nữ tách mình ra khỏi đứa trẻ đang lớn lên trong mình và trở thành một phương tiện đơn giản nô lệ cho lợi nhuận hoặc ham muốn độc đoán của người khác. Điều này hoàn toàn mâu thuẫn với phẩm giá cơ bản của mỗi con người và với quyền của họ luôn được thừa nhận vì chính mình chứ không bao giờ là công cụ của bất cứ điều gì khác.

An tử và trợ tử

51. Có một trường hợp đặc biệt gây tổn hại đến phẩm giá con người, thầm lặng hơn nhưng đang tiến triển nhiều . Nó có đặc điểm là sử dụng một quan niệm sai lầm về phẩm giá con người để đảo ngược nó chống lại chính sự sống. Sự nhầm lẫn này, rất phổ biến ngày nay, được đưa ra ánh sáng khi người ta nói về an tử. Chẳng hạn, đạo luật công nhận khả năng an tử hoặc trợ tử đôi khi được gọi là “đạo luật về quyền được chết với phẩm giá” (“death with dignity acts”). Ý tưởng cho rằng an tử hoặc trợ tử là phù hợp với việc tôn trọng phẩm giá của nhân vị đang lan rộng. Trước nhận xét này, cần phải tái khẳng định một cách mạnh mẽ rằng đau khổ không làm cho người bệnh đánh mất đi phẩm giá nội tại và bất khả tước bỏ của họ, nhưng nó có thể trở thành một cơ hội củng cố mối liên kết thuộc về nhau và ý thức về giá trị của mỗi nhân vị đối với toàn thể nhân loại.

52. Chắc chắn rằng phẩm giá của người bệnh trong tình trạng nguy kịch hoặc cuối đời đòi hỏi mỗi người phải thực hiện những nỗ lực thích hợp và cần thiết để giảm bớt nỗi đau khổ của họ thông qua việc chăm sóc giảm nhẹ thích hợp và tránh bất kỳ việc bám riết điều trị nào hoặc bất kỳ sự can thiệp không cân xứng nào. Sự chăm sóc này đáp ứng “bổn phận thường xuyên hiểu biết nhu cầu của bệnh nhân: nhu cầu hỗ trợ, giảm đau, nhu cầu về cảm xúc, tình cảm và tinh thần”.[94] Nhưng một nỗ lực như vậy hoàn toàn khác biệt, khác hẳn, và thậm chí trái ngược với quyết định kết liễu mạng sống của chính mình hoặc mạng sống của người khác dưới sức nặng của đau khổ. Sự sống con người, ngay cả trong tình trạng đau đớn, vẫn mang một phẩm giá phải luôn được tôn trọng, không thể bị mất đi và vẫn phải được tôn trọng một cách vô điều kiện. Thật vậy, không có điều kiện nào mà nếu không có nó thì cuộc sống con người không còn phẩm giá và do đó có thể bị đàn áp: “Sự sống có cùng một phẩm giá và cùng một giá trị đối với tất cả mọi người: việc tôn trọng sự sống của người khác cũng giống như sự tôn trọng mà chúng ta phải có đối với cuộc sống của chính mình”.[95] Vì vậy, việc giúp đỡ người tự sát chấm dứt cuộc sống của họ là một sự tấn công khách quan vào nhân phẩm của người yêu cầu, ngay cả khi việc đó là để thực hiện mong muốn của họ: “Chúng ta phải đồng hành cùng mọi người cho đến khi chết, nhưng không được kích động hay khuyến khích bất kỳ hình thức tự tử nào. Tôi nhắc lại rằng quyền được chăm sóc và điều trị cho tất cả mọi người phải luôn ưu tiên, để những người yếu đuối nhất, đặc biệt là người già và người bệnh, không bao giờ bị loại trừ. Thật vậy, sự sống là một quyền, chứ không phải cái chết, cái chết phải được đón nhận chứ không phải được ban cho. Và nguyên tắc luân lý này liên quan đến tất cả mọi người, chứ không chỉ các Kitô hữu hay các tín hữu.”[96] Như đã nói, phẩm giá của mỗi nhân vị, dù yếu đuối hay đau khổ, đều bao hàm phẩm giá của tất cả mọi người.

Gạt bỏ người khuyết tật

53. Dĩ nhiên, một trong những tiêu chuẩn để xác thực sự quan tâm thực sự đối với phẩm giá của mỗi cá nhân là sự quan tâm dành cho những người thiệt thòi nhất. Thật không may, thời đại của chúng ta không được biết đến với sự quan tâm như vậy: một nền văn hóa vứt bỏ đang chiếm ưu thế.[97] Để chống lại xu hướng này, tình trạng của những người đang ở trong hoàn cảnh khiếm khuyết về thể lý hoặc tâm lý đáng được chú ý và quan tâm đặc biệt. Tình trạng dễ bị tổn thương đặc biệt này, [98] có mặt nhiều trong các trình thuật Tin Mừng, đặt ra câu hỏi phổ quát về nhân vị có nghĩa là gì, đặc biệt từ một tình trạng khiếm khuyết hoặc khuyết tật. Vấn đề về khuyết tật của con người cũng có những hàm ý rõ ràng theo quan điểm văn hóa xã hội, trong chừng mực, trong một số nền văn hóa, người khuyết tật đôi khi bị gạt ra ngoài lề xã hội và thậm chí bị áp bức, bị đối xử như “đồ bỏ” thực sự. Trên thực tế, mỗi con người, bất kể thân phận dễ bị tổn thương của mình, đều nhận được phẩm giá của họ từ chính sự kiện họ được Thiên Chúa muốn và yêu thương. Vì những lý do này, việc hòa nhập và tham gia tích cực vào đời sống xã hội và Giáo hội của tất cả những người, bằng cách này hay cách khác, bị đánh dấu bởi sự mong manh hoặc khuyết tật, cần được khuyến khích càng nhiều càng tốt.[99]

54. Ở một viễn cảnh rộng lớn hơn, cần nhớ rằng “bác ái, vốn là trái tim tinh thần của chính trị, luôn là tình yêu ưu tiên dành cho những người hèn mọn nhất, âm thầm thúc đẩy mọi hành động vì lợi ích của họ. […] “Chăm sóc sự mong manh cần có sức mạnh và sự dịu dàng, đấu tranh và quảng đại, giữa một mô hình duy chức năng và tư nhân hóa vốn dẫn đến ‘nền văn hóa vứt bỏ’ một cách không thể tránh khỏi. [… Điều này] có nghĩa là lãnh trách nhiệm về người đang ở trong hoàn cảnh đau khổ và bên lề nhất của họ và có khả năng xức dầu cho họ bằng phẩm giá”. Như thế, chúng ta cũng tạo ra một hoạt động mãnh liệt, bởi vì “mọi thứ phải được thực hiện để bảo vệ địa vị và phẩm giá của nhân vị.” [100]

Lý thuyết về giống

55. Trước hết, Giáo hội mong muốn “tái khẳng định rằng mỗi người, bất kể khuynh hướng tính dục của họ, phải được tôn trọng trong phẩm giá của họ và được đón nhận với sự tôn trọng, với sự quan tâm để tránh “bất kỳ dấu hiệu phân biệt kỳ thị bất công nào” và đặc biệt là bất kỳ hình thức gây hấn và bạo lực nào”.[101] Đây là lý do tại sao cần phải tố cáo sự kiện đi ngược lại phẩm giá con người là, ở một số nơi, nhiều người bị cầm tù, tra tấn và thậm chí bị tước đoạt sự sống tốt lành chỉ vì xu hướng tính dục của họ.

56. Đồng thời, Giáo hội nhấn mạnh những điểm phê phán mạnh mẽ trong lý thuyết về giống (gender). Về vấn đề này, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại rằng “con đường dẫn đến hòa bình đòi hỏi phải tôn trọng nhân quyền, theo công thức, đơn giản nhưng rõ ràng, được chứa đựng trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, mà chúng ta vừa kỷ niệm 75 năm. Đây là những nguyên tắc rõ ràng về mặt lý trí và được chấp nhận rộng rãi. Thật không may, những mưu toan được thực hiện trong những thập niên gần đây nhằm đưa vào các quyền mới không hoàn toàn quan trọng so với những quyền được xác định ban đầu và không phải lúc nào cũng được chấp nhận, đã dẫn đến cuộc thực dân hóa ý thức hệ, trong đó lý thuyết về giống đóng vai trò trung tâm, vốn rất nguy hiểm vì nó xóa bỏ những khác biệt trong tham vọng làm cho mọi người bình đẳng.” [102]

57. Liên quan đến lý thuyết về giống, mà tính vững chắc về mặt khoa học của nó là đối tượng của nhiều cuộc tranh luận trong cộng đồng các chuyên gia, Giáo hội nhắc nhở rằng sự sống con người, trong tất cả các thành phần của nó, thể chất và tinh thần, là một ân huệ của Thiên Chúa, phải được đón nhận với lòng biết ơn và nhằm phục vụ sự thiện. Muốn tự quyết, theo đòi hỏi của lý thuyết về giống, mà không lưu tâm đến chân lý cơ bản này của sự sống con người như một ân huệ, không có nghĩa gì khác hơn là nhượng bộ trước cơn cám dỗ lâu đời của con người tự coi mình là Thiên Chúa và cạnh tranh với vị Thiên Chúa tình yêu đích thực được Tin Mừng mạc khải cho chúng ta.

58. Khía cạnh thứ hai của lý thuyết về giống là nó tìm cách phủ nhận sự khác biệt lớn nhất có thể có giữa các sinh vật: sự khác biệt giới tính. Sự khác biệt nền tảng này không chỉ là sự khác biệt lớn nhất mà người ta có thể tưởng tượng, mà còn là sự khác biệt đẹp nhất và mạnh mẽ nhất: nó thể hiện, trong cặp nam nữ, sự tương hỗ đáng ngưỡng mộ nhất và do đó là nguồn gốc của kỳ công không bao giờ ngừng làm chúng ta ngạc nhiên này, tức là sự xuất hiện của những con người mới trên thế giới.

59. Theo nghĩa này, việc tôn trọng thân xác của chính mình và thân xác của người khác là điều thiết yếu trước sự gia tăng và đòi hỏi về các quyền mới do lý thuyết về giống đưa ra. Ý thức hệ này “cho phép hình dung một xã hội không có sự khác biệt giới tính và làm suy yếu nền tảng nhân học của gia đình”.[103] Do đó, không thể chấp nhận được rằng “một số ý thức hệ thuộc loại này, vốn có tham vọng đáp ứng những khát vọng đôi khi có thể hiểu được, lại muốn áp đặt như một tư tưởng duy nhất, thậm chí quyết định việc giáo dục trẻ em. Cần nhấn mạnh rằng “giới tính sinh học (sex) và vai trò văn hóa xã hội của giới tính (gender) có thể được phân biệt, nhưng không thể tách rời” [104] Vì vậy, mọi mưu toan nhằm che giấu việc quy chiếu đến sự khác biệt giới tính bất khả loại bỏ giữa nam và nữ phải bị bác bỏ: “Chúng ta không thể tách biệt nam giới khỏi nữ giới trong công trình do Thiên Chúa tạo dựng, vốn đi trước mọi quyết định và kinh nghiệm của chúng ta, và là nơi có các yếu tố sinh học rõ ràng”.[105] Chỉ khi mỗi nhân vị có thể nhận ra và chấp nhận sự khác biệt này trong tính hỗ tương thì họ mới có khả năng khám phá ra chính mình một cách trọn vẹn, với phẩm giá và căn tính riêng của mình.

Chuyển đổi giới tính

60. Phẩm giá của thân xác không thể bị coi là thấp kém hơn phẩm giá của nhân vị. Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo rõ ràng mời gọi chúng ta nhìn nhận rằng “thân xác con người tham dự vào phẩm giá của “hình ảnh Thiên Chúa”.”[106] Một chân lý như vậy đáng được ghi nhớ, đặc biệt khi nó liên quan đến vấn đề chuyển đổi giới tính. Quả thật, con người bao gồm cả thân xác và linh hồn không thể tách rời, và thân xác là nơi sống động, nơi mà tính nội tâm của linh hồn được bộc lộ và biểu lộ, kể cả qua mạng lưới các mối quan hệ của con người. Cấu thành hữu thể con người, linh hồn và thân xác như thế tham dự vào phẩm giá đặc trưng của mỗi con người này.[107] Về vấn đề này, cần phải nhớ rằng thân xác con người tham dự vào phẩm giá của nhân vị, trong chừng mực nó được ban cho những ý nghĩa nhân vị, đặc biệt trong điều kiện giới tính của nó.[108] Thật vậy, chính nơi thân xác mà mỗi người nhận ra mình được sinh ra bởi những người khác, và chính qua thân xác của mình mà người nam và người nữ có thể thiết lập một mối quan hệ yêu thương có khả năng sinh ra những người khác. Về sự cần thiết phải tôn trọng trật tự tự nhiên của nhân vị, Đức Thánh Cha Phanxicô dạy rằng “công trình tạo dựng đi trước chúng ta và phải được đón nhận như một quà tặng. Đồng thời, chúng ta được mời gọi bảo vệ nhân loại của mình, và điều này trước hết có nghĩa là chấp nhận và tôn trọng nó như nó đã được tạo ra.”[109] Kết quả là, bất kỳ sự can thiệp chuyển đổi giới tính nào, theo nguyên tắc chung, đều có nguy cơ đe dọa phẩm giá độc nhất mà một người đã nhận được từ thời điểm thụ thai. Điều này không loại trừ khả năng một người có những dị thường về bộ phận sinh dục vốn đã bộc lộ rõ ​​ràng khi sinh ra hoặc phát triển sau này, có thể chọn nhận hỗ trợ y tế để giải quyết những dị thường này. Trong trường hợp này, việc phẫu thuật sẽ không cấu thành sự chuyển đổi giới tính theo nghĩa được hiểu ở đây.

Bạo lực kỹ thuật số

61. Sự tiến bộ của công nghệ kỹ thuật số, mặc dù mang lại nhiều khả năng thăng tiến phẩm giá con người, lại ngày càng có xu hướng tạo ra một thế giới trong đó sự khai thác, loại trừ và bạo lực được phát triển, có thể đi xa đến mức làm tổn hại đến phẩm giá nhân vị. Hãy nghĩ xem, thông qua những phương tiện này, người ta có thể dễ dàng gây tổn hại đến danh thơm tiếng tốt của ai đó thông qua tin tức giả mạo và những lời vu khống. Về điểm này, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng “việc nhầm lẫn giữa giao tiếp với tiếp xúc thuần túy qua mạng là không lành mạnh. Trên thực tế, “thế giới kỹ thuật số cũng là không gian của sự cô độc, thao túng, khai thác và bạo lực, cho đến trường hợp cực đoan là web đen. Các phương tiện truyền thông kỹ thuật số có thể khiến con người có nguy cơ lệ thuộc, cô lập và dần dần mất tiếp xúc với thực tại cụ thể, do đó cản trở sự phát triển các mối quan hệ liên vị đích thực. Các hình thức bạo lực mới đang lan rộng qua mạng xã hội, chẳng hạn như hành vi bắt nạt trên mạng; trang web cũng là một kênh phổ biến nội dung khiêu dâm và khai thác con người vì mục đích tình dục hoặc thông qua cờ bạc.”[110] Bằng cách này, ở đâu các khả năng kết nối được nhân lên, thì điều nghịch lý là mọi người ngày càng thấy mình bị cô lập và thiếu các mối quan hệ liên vị: “Trong truyền thông kỹ thuật số, người ta muốn phơi bày mọi thứ và mỗi người trở thành đối tượng của những cái nhìn lùng sục, vạch trần và tiết lộ, thường là ẩn danh. Sự tôn trọng dành cho người khác đã bị tan vỡ, và vì thế, cùng lúc với việc tôi gạt bỏ, phớt lờ và giữ khoảng cách với người khác, tôi có thể không chút xấu hổ xâm chiếm cuộc sống của họ từ đầu đến cuối”. [111] Những xu hướng như vậy biểu lộ mặt tối của tiến bộ kỹ thuật số.

62. Trong viễn cảnh này, nếu công nghệ phải phục vụ phẩm giá con người chứ không làm tổn hại nó và nếu nó phải thúc đẩy hòa bình thay vì bạo lực, thì cộng đồng nhân loại phải chủ động đề cập những xu hướng này trong sự tôn trọng phẩm giá con người và thúc đẩy sự thiện: “Trong thế giới toàn cầu hóa này, “các phương tiện truyền thông có thể góp phần giúp chúng ta cảm thấy gần gũi nhau hơn; giúp chúng ta nhận thức được một ý thức mới mẻ về sự hiệp nhất của gia đình nhân loại, thúc đẩy tình liên đới và sự dấn thân nghiêm túc cho một cuộc sống có phẩm giá hơn [cho tất cả mọi người…] Các phương tiện truyền thông có thể giúp chúng ta trong lĩnh vực này, đặc biệt là ngày nay, khi các mạng lưới truyền thông của con người đã đạt đến một sự tiến triển phi thường. Đặc biệt, internet có thể mang lại nhiều cơ hội gặp gỡ và liên đới hơn giữa tất cả mọi người, và đó là một điều tốt, đó là một món quà từ Thiên Chúa. Nhưng cần phải liên lỉ đảm bảo rằng các hình thức truyền thông hiện tại hướng chúng ta một cách hiệu quả đến một cuộc gặp gỡ quảng đại, đến việc chân thành tìm kiếm chân lý toàn diện, phục vụ người nghèo, gần gũi với họ, đến nhiệm vụ xây dựng công ích”. [112]

Kết luận

63. Nhân dịp kỷ niệm 75 năm ban hành Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (1948), Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại rằng tài liệu này “giống như một con đường chính yếu, trên đó có nhiều bước tiến tới đã được thực hiện, nhưng vẫn còn thiếu rất nhiều, và đáng tiếc là đôi khi chúng ta lại đi thụt lùi. Dấn thân cho nhân quyền không bao giờ kết thúc! Về phương diện này, tôi gần gũi với tất cả những người, dù không đưa ra lời tuyên bố nào, trong cuộc sống cụ thể hàng ngày của họ, nhưng đang đấu tranh và trả giá bằng chính con người mình để bảo vệ quyền lợi của những người bị loại trừ”.[113]

64. Chính trong tinh thần đó, qua Tuyên ngôn này, Giáo hội khẩn khoản yêu cầu đặt việc tôn trọng phẩm giá con người, trong mọi hoàn cảnh, ở trung tâm của việc dấn thân cho công ích và của mọi hệ thống pháp luật. Quả thế, việc tôn trọng phẩm giá của mỗi nhân vị là nền tảng thiết yếu cho chính sự tồn tại của bất kỳ xã hội nào muốn xây dựng trên luật pháp công bằng chứ không dựa trên sức mạnh quyền lực. Chính trên cơ sở thừa nhận phẩm giá con người mà các quyền cơ bản của con người được bảo vệ, những quyền đi trước và thiết lập mọi sự chung sống văn minh.[114]

65. Do đó, mỗi người, và đồng thời, mỗi cộng đồng nhân loại phải nhận thức được phẩm giá con người một cách cụ thể và hiệu quả, trong khi các Nhà nước có bổn phận không chỉ bảo vệ nó mà còn đảm bảo những điều kiện cần thiết cho sự triển nở của nó trong khuôn khổ thăng tiến toàn diện nhân vị: “Trong hoạt động chính trị, cần phải nhớ rằng “vượt trên mọi vẻ bề ngoài, mỗi người đều vô cùng thánh thiêng và xứng đáng sự yêu thương và tận tâm của chúng ta””.[115]

66. Ngay cả ngày nay, trước rất nhiều vi phạm đối với nhân phẩm, đang đe dọa nghiêm trọng đến tương lai của nhân loại, Giáo hội vẫn khuyến khích việc thăng tiến phẩm giá của mỗi nhân vị, bất kể phẩm chất thể lý, tinh thần, văn hóa, xã hội và tôn giáo của họ. Giáo hội làm như vậy với niềm hy vọng, xác tín về sức mạnh tuôn chảy từ Chúa Kitô phục sinh, Đấng đã mạc khải trọn vẹn phẩm giá toàn diện của mọi người nam và người nữ. Sự xác tín này trở thành lời kêu gọi trong lời của Đức Thánh Cha Phanxicô: “Tôi xin mỗi người trên thế giới này đừng quên phẩm giá của mình mà không ai có quyền lấy đi khỏi họ” [116].

Đức Thánh Cha Phanxicô, trong buổi tiếp kiến ​​dành cho vị Tổng trưởng ký tên dưới đây và Thư ký của Bộ phận Giáo thuyết của Bộ Giáo lý Đức tin, vào ngày 25 tháng 3 năm 2024, đã phê chuẩn Tuyên ngôn này, được quyết định trong Phiên họp thường kỳ của Bộ này vào ngày 28 tháng 2 năm 2024, và ra lệnh xuất bản.

Được ban hành tại Rôma, tại trụ sở của Bộ Giáo lý Đức tin, vào ngày 2 tháng 4 năm 2024, kỷ niệm 19 năm ngày qua đời của thánh Gioan Phaolô II.

 

Hồng y Víctor Manuel Fernández
Tổng trưởng

Đức ông Armando Matteo
Thư ký Bộ phận Giáo thuyết

 

Được tiếp kiến ngày 25 tháng 3 năm 2024
PHANXICÔ

—————————————————————-

Bản tóm tắt

Dẫn nhập

Một sự làm sáng tỏ cơ bản

1. Một nhận thức dần dần về đặc tính trung tâm của phẩm giá con người

Các viễn cảnh Thánh Kinh
Những phát triển trong tư tưởng Kitô giáo
Thời hiện tại

2. Giáo hội công bố, thăng tiến và bảo đảm nhân phẩm

Một hình ảnh không thể xóa nhòa của Thiên Chúa
Chúa Kitô nâng cao phẩm giá con người
Ơn gọi hướng tới phẩm giá trọn vẹn
Dấn thân cho tự do

3. Phẩm giá, nền tảng của các quyền và bổn phận của con người

Tôn trọng vô điều kiện phẩm giá con người
Một quy chiếu khách quan cho tự do của con người
Cấu trúc tương quan của nhân vị
Giải phóng con người khỏi những ảnh hưởng tiêu cực trong các phạm vi luân lý và xã hội

4. Một số vi phạm nghiêm trọng đối với nhân phẩm

Thảm kịch nghèo khổ
Chiến tranh
Lao động của người di cư
Buôn bán người
Lạm dụng tình dục
Bạo lực đối với nữ giới
Phá thai
Mang thai hộ
An tử và trợ tử
Gạt bỏ người khuyết tật
Lý thuyết về giống
Chuyển đổi giới tính
Bạo lực kỹ thuật số

Kết luận

 ———————–

Chú thích:

[1] Thánh Gioan Phaolô II, Kinh Truyền Tin với người khuyết tật tại Nhà thờ chánh tòa Osnabrück (16/11/1980): Insegnamenti III/2 (1980), 1232.

[2] Phanxicô, Tông huấn Laudate Deum (ngày 4 tháng 10 năm 2023), số 39: Osservatore Romano (4/10/2023), III.

[3] Năm 1948, Liên Hợp Quốc thông qua Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, bao gồm 30 điều. Từ “phẩm giá” xuất hiện năm lần, ở những vị trí chiến lược: trong những lời đầu tiên của Lời mở đầu và trong câu đầu tiên của Điều 1. Phẩm giá này được tuyên bố “gắn liền với mọi thành viên của gia đình nhân loại” (Lời nói đầu) và “Mọi người sinh ra đều được tự do và bình đẳng về nhân phẩm và các quyền” (Điều 1).

[4] Nếu nhìn vào thời hiện đại, chúng ta có thể thấy rằng Giáo hội đã dần dần nhấn mạnh đến tầm quan trọng của phẩm giá con người. Chủ đề này được phát triển cách đặc biệt trong thông điệp Rerum novarum (1891) của Đức Lêô XIII, trong thông điệp Quadragesimo anno (1931) của Đức Giáo hoàng Piô XI và trong Diễn văn cho các tham dự viên Hội nghị của Liên hiệp Nữ hộ sinh Công giáo Ý (1951) của Đức Giáo hoàng Piô XII. Tiếp đến, Công đồng Vatican II đã đặc biệt đào sâu vào vấn đề này, bằng cách dành cả một tài liệu cho vấn đề này với Tuyên ngôn Dignitatis humanae (1965) và cũng bàn luận về quyền tự do của con người trong Hiến chế Mục vụ Gaudium et spes (1965).

[5] Thánh Phaolô VI, Tiếp kiến ​​chung (4/9/1968): Insegnamenti VI (1968), 886.

[6] Thánh Gioan Phaolô II, Diễn văn tại Đại hội lần thứ ba của Hội đồng Giám mục châu Mỹ Latinh (28/1/1979), III.1-2: Insegnamenti II/1 (1979), 202-203.

[7] Bênêđíctô XVI, Diễn văn cho các tham dự viên Đại hội đồng của Hàn lâm viện Giáo hoàng về Sự sống (13/2/2010): Insegnamenti VI/1 (2011), 218.

[8] Bênêđíctô XVI, Diễn văn cho các tham dự viên cuộc họp chung lần thứ 45 của Ngân hàng Phát triển của Hội đồng Châu Âu, Sala Clementina (12/6/2010): Insegnamenti VI/1 (2011), 912-913.

[9] Phanxicô, Tông huấn Evangelii gaudium (24/11/2013), số 178: AAS 105 (2013), 1094, trích dẫn Đức Gioan Phaolô II, Kinh Truyền Tin với người khuyết tật tại Nhà thờ chánh tòa Osnabrück (16/11/1980): Insegnamenti III/2 (1980), 1232.

[10] Phanxicô, Thông điệp Fratelli tutti (3/10/2020), số 8: AAS 112 (2020), 971.

[11] Ibidem, số 277: AAS 112 (2020), 1069.

[12] Ibidem, số 213: AAS 112 (2020), 1045.

[13] Ibidem, số 213: AAS 112 (2020), 1045, trích dẫn Đức Phanxicô, Sứ điệp các tham dự viên Hội nghị Quốc tế “Nhân quyền trong thế giới đương đại: Chinh phục, thiếu sót, phủ nhận” (10/12/2018): Osservatore Romano (10-11 dicembre 2018), 8.

[14] Tuyên ngôn của Liên Hợp Quốc năm 1948 được tiếp nối và khai triển bởi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của Liên Hợp Quốc năm 1966 và Đạo luật cuối cùng của Hội nghị về an ninh và tợp tác ở Châu Âu, năm 1975.

[15] Xem Ủy ban Thần học Quốc tế, Phẩm giá và Quyền của nhân vị (1983), Dẫn nhập, 3. Có thể tìm thấy bản tóm tắt giáo huấn Công giáo về phẩm giá con người trong Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo, trong chương có tựa đề “Phẩm giá của nhân vị”, các số 1700-1876.

[16] Phanxicô, Thông điệp Fratelli tutti (3/10/2020), số 22: AAS 112 (2020), 976.

[17] Boèce, Contra Eutychen et Nestorium, c. 3: PL 64, 1344: “persona estrationis naturae individua substantia”. Xem thánh Bônaventura, In I Sent., d. 25, a. 1, q. 2; thánh Tôma Aquinô, Summa Theologiae, I, q. 29, a. 1, resp.

[18] Vì Tuyên ngôn này không nhằm mục đích soạn thảo một khảo luận đầy đủ về khái niệm phẩm giá, vì muốn ngắn gọn, nên chỉ có văn hóa Hy Lạp và Rôma cổ điển được đề cập ở đây, như một điểm tham chiếu cho suy tư triết học và thần học của Kitô giáo sơ khai.

[19] X. ad es. Cicéron, De Officiis 1, 105-106: “sed pertinet ad omnem officii quaestionem semper in promptu habere, quantum natura hominis pecudibus reliquisque beluis antecedat […] Atque etiam si considerare volumus, quae sit in natura excellentia et dignitas, intellegemus, quam sit turpe diffluere luxuria et delicate ac molliter vivere quamque honestum parce, continenter, severe, sobrie” (Scriptorum Latinorum Bibliotheca Oxoniensis, ed. M. Winterbottom, Oxford 1994, 43; "Trong bất kỳ nghiên cứu nào liên quan đến đạo đức, điều quan trọng là phải ghi nhớ sự khác biệt sâu xa tồn tại giữa bản tính con người và bản tính của gia súc và những động vật khác […] Và nếu chúng ta muốn xem xét địa vị của con người trong bản tính và phẩm giá của nó, chúng ta sẽ hiểu rằng chẳng thích đáng tí nào khi để cho bản thân bị hư hỏng bởi sự xa hoa và sống buông thả, trái lại, thật là phù hợp với đạo đức lành mạnh khi sống giản dị, tiết dục, khổ chế, điều độ.” (Des devoirs, bản dịch của Ch. Apphun, Garnier, Paris, 1933).

[20] Xem thánh Phaolô VI, Lời của Đức Thánh Cha nhân chuyến viếng thăm Vương cung thánh đường Truyền Tin ở Nadarét (5/1/1964): AAS 56 (1964), 166-170.

[21] Trong số vô số tài liệu tham khảo, chẳng hạn xem thánh Clêmentê thành Rôma, 1 Clem. 33, 4s: PG 1, 273; Théophile d’Antioche, Ad Aut. Tôi, 4: PG 6, 1029; thánh Clêmentê thành Alexandria, Strom. III, 42, 5-6: PG 8, 1145; Ibidem, VI, 72, 2: PG 9, 293; thánh Irênê thành Lyon, Adv. Haer. V, 6, 1: PG 7, 1137-1138; Origen, De princ. III, 6.1: PG 11, 333; thánh Augustinô, De Gen. ad litt. VI, 12: PL 34, 348. De Trin. XIV, 8, 11: PL 42, 1044-1045.

[22] Thánh Tôma Aquinô, Summa Theologiae, I, q. 29, a. 3, resp.: ”persona significat id, quod est perfectissimum in tota natura, scilicet subsistens in rationali natura.”

[23] Chỉ cần nghĩ đến Jean Pic de la Mirandola và bản văn nổi tiếng của ông Oratio de hominis dignitate (1486).

[24] Đối với một nhà tư tưởng người Do Thái như E. Levinas (1906-1995), con người được đánh giá cao bởi sự tự do của mình ở chỗ họ nhận ra mình có trách nhiệm vô hạn đối với người khác.

[25] Một số nhà tư tưởng lớn của Kitô giáo trong thế kỷ XIX và XX, như thánh J.H. Newman, Chân phước A. Rosmini, J. Maritain, E. Mounier, K. Rahner, H.U. von Balthasar, và những người khác, đã thành công trong việc đề nghị một tầm nhìn về con người có thể đối thoại một cách hợp thức với các dòng tư tưởng đầu thế kỷ XXI của chúng ta, bất kể nguồn cảm hứng của họ là gì, ngay cả hậu hiện đại.

[26] Đây là lý do tại sao “Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền […] ngầm gợi ý rằng nguồn gốc của các quyền con người bất khả tước bỏ nằm ở phẩm giá của mỗi nhân vị”: Ủy ban Thần học Quốc tế, Tìm kiếm một nền đạo đức phổ quát. Cái nhìn mới về luật tự nhiên (2009), số 115.

[27] Công đồng Vatican II, Hiến chế Gaudium et spes (7/12/1965), số 26: AAS 58 (1966), 1046; toàn bộ chương đầu tiên của phần đầu tiên của Hiến chế các số 11-22) được dành bàn về “Phẩm giá của nhân vị”.

[28] Công đồng Vatican II, Tuyên ngôn Dignitatis humanae (7/12/1965), số 1: AAS 58 (1966), 929.

[29] Ibidem, số 2: AAS 58 (1966), 931.

[30] Bộ Giáo lý Đức tin, Huấn thị Dignitas Personae (8/9/2008), số 7: AAS 100 (2008), 863. Xem thêm thánh Irênê thành Lyon, Adv. Haer. V, 16, 2: PG 7, 1167-1168.

[31] Vì “qua việc nhập thể của Người, Con Thiên Chúa một cách nào đó đã hiệp nhất với mọi người” (Công đồng Vatican II, Hiến chế Gaudium et spes (7/12/1965), số 22: AAS 58 (1966), 1042), nên phẩm giá của mỗi con người được Chúa Kitô mặc khải cho chúng ta một cách trọn vẹn.

[32] Công đồng Vatican II, Hiến chế Gaudium et spes (7/12/1965), số 19: AAS 58 (1966), 1038.

[33] Thánh Gioan Phaolô II, Thông điệp Evangelium vitae (25/3/1995), số 38: AAS 87 (1995), 443, trích dẫn thánh Irênê thành Lyon, Adv. Haer. IV, 20,7: PG 7, 1037-1038.

[34] Thực vậy, Chúa Kitô đã ban cho những người được rửa tội một phẩm giá mới, phẩm giá “làm con Thiên Chúa”: xem Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, các số 1213, 1265, 1270, 1279.

[35] Công đồng Vatican II, Tuyên ngôn Dignitatis humanae (7/12/1965), số 9: AAS 58 (1966), 935.

[36] Xem thánh Irênê thành Lyon, Adv. Haer. V, 6, 1. V, 8, 1. V, 16, 2: PG 7, 1136-1138. 1141-1142. 1167-1168; thánh Gioan Đamascô, De fide orth. 2, 12: PG 94, 917-930.

[37] Bênêđíctô XVI, Diễn văn tại Hội trường Westminster (17/9/2010): Insegnamenti VI/2 (2011), 240.

[38] Phanxicô, Tiếp kiến ​​chung (12/8/2020): Osservatore Romano (13 agosto 2020), 8, trích dẫn thánh Gioan Phaolô II, Diễn văn tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (2/10/1979), 7 và Id., Diễn văn tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (5/10/1995), 2.

[39] Xem Bộ Giáo Lý Đức Tin, Huấn thị Dignitas Personae (8/9/2008), số 8: AAS 100 (2008), 863-864.

[40] Ủy ban Thần học Quốc tế, Tự do tôn giáo vì lợi ích của mọi người (2019), số 38.

[41] Xem Phanxicô, Diễn văn cho các Thành viên Ngoại giao đoàn bên cạnh Tòa thánh chúc mừng năm mới (8/1/2024): Osservatore Romano (8 gennaio 2024), 3.

[42] Thánh Gioan Phaolô II, Thông điệp Evangelium vitae (25/3/1995), số 19: AAS 87 (1995), 422.

[43] Phanxicô, Thông điệp Laudato si’ (24/5/2015), số 69: AAS 107 (2015), 875, trích dẫn Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo, số 339.

[44] Phanxicô, Tông huấn Laudate Deum (4/10/2023), số 67: Osservatore Romano (4 ottobre 2023), IV.

[45] Ibidem, số 63: Osservatore Romano (4 ottobre 2023), IV.

[46] Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo, số 1730

[47] Bênêđíctô XVI, Sứ điệp cho Ngày Hòa bình Thế giới (1/1/2011), số 3: Insegnamenti VI/2 (2011), 979.

[48] ​​​​Hội đồng Giáo hoàng “Công lý và Hòa bình”, Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội, số 137.

[49] Phanxicô, Thông điệp Fratelli tutti (3/10/2020), số 109: AAS 112 (2020), 1006.

[50] Hội đồng Giáo hoàng “Công lý và Hòa bình”, Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội, số 137.

[51] Phanxicô, Diễn văn cho các tham dự viên Cuộc Hội ngộ Thế giới của các Phong trào Nhân dân (28/10/2014): AAS 106 (2014), 858.

[52] Phanxicô, Thông điệp Fratelli tutti (3/10/2020), số 107: AAS 112 (2020), 1005-1006.

[53] Công đồng Vatican II, Hiến chế Gaudium et spes (7/12/1965), số 27: AAS 58 (1966), 1047.

[54] Ibidem.

[55] Ibidem.

[56] Xem Giáo lý Giáo hội Công giáo, số 2267 và Bộ Giáo lý Đức tin, Thư gửi các Giám mục về công thức mới của số 2267 của sách Giáo lý Giáo hội Công giáo về án tử hình (1/8/2018), các số 7-8.

[57] Phanxicô, Thông điệp Fratelli tutti (3/10/2020), số 269: AAS 112 (2020), 1065.

[58] Thánh Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo rei socialis (30/12/1987), số 28: AAS 80 (1988), 549.

[59] Bênêđíctô XVI, Thông điệp Caritas in veritate (29/6/2009), số 22: AAS 101 (2009), 657, trích dẫn thánh Phaolô VI, Thông điệp Populorum progressio (26/3/1967), số 9: AAS 59 (1967), 261-262.

[60] Phanxicô, Thông điệp Fratelli tutti (3/10/2020), số 21: AAS 112 (2020), 976, trích dẫn Bênêđíctô XVI, Thông điệp Caritas in veritate (29/6/2009), số 22: AAS 101 (2009), 657.

[61] Ibidem, số 20: AAS 112 (2020), 975-976. Xem thêm “Lời cầu nguyện với Đấng Tạo Hóa” ở cuối Thông điệp này.

[62] Ibidem, số 116: AAS 112 (2020), 1009, trích dẫn Phanxicô, Diễn văn cho các tham dự viên Cuộc Hội ngộ Thế giới của các Phong trào Nhân dân (28/10/2014): AAS 106 (2014), 851-852.

[63] Ibidem, số 162: AAS 112 (2020), 1025, trích dẫn Phanxicô, Diễn văn cho các Thành viên Ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh (12/1/2015): AAS 107 (2015), 165.

[64] Ibidem, số 25: AAS 112 (2020), 978, trích dẫn Phanxicô, Sứ điệp cho Ngày Hòa bình Thế giới lần thứ 49, 1 tháng 1 năm 2016 (8/12/2015): AAS 108 (2016), 49.

[65] Phanxicô, Sứ điệp cho các tham dự viên Diễn đàn Paris về Hòa bình lần thứ 6 (10/11/2023): Osservatore Romano (10 novembre 2023), 7, trích dẫn Id., Tiếp kiến ​​chung (23/3/2022): Osservatore Romano (23 marzo 2022), 3.

[66] Phanxicô, Diễn văn tại Hội nghị các quốc gia thành viên Công ước – khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 28) (2/12/2023): Osservatore Romano (2 dicembre 2023), 2.

[67] Xem Thánh Phaolô VI, Diễn văn tại Liên Hiệp Quốc (4/10/1965): AAS 57 (1965), 881.

[68] Thánh Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptor hominis (4/3/1979), số 16: AAS 71 (1979), 295.

[69] Phanxicô, Thông điệp Fratelli tutti (3/10/2020), số 258: AAS 112 (2020), 1061.

[70] Phanxicô, Diễn văn tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (14/6/2023): Osservatore Romano (15 giugno 2023), 8.

[71] Phanxicô, Diễn văn cho Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Hòa bình (20/9/2016): Osservatore Romano (22 settembre 2016), 5.

[72] Xem Phanxicô, Thông điệp Fratelli tutti (3/10/2020), số 38: AAS 112 (2020), 983: “Do đó, cũng cần phải “tái khẳng định quyền không di cư, nghĩa là có thể ở lại quê hương của mình””, trích dẫn Bênêđíctô XVI, Sứ điệp Ngày Thế giới Di Dân và Tị Nạn (12/10/2012): AAS 104 (2012), 908.

[73] Xem Phanxicô, Thông điệp Fratelli tutti (3/10/2020), số 38: AAS 112 (2020), 982-983.

[74] Ibidem, số 39: AAS 112 (2020), 983.

[75] Bênêđíctô XVI, Thông điệp Caritas in veritate (29/6/2009), số 62: AAS 101 (2009), 697.

[76] Phanxicô, Thông điệp Fratelli tutti (3/10/2020), số 39: AAS 112 (2020), 983.

[77] Ở đây có thể hữu ích khi nhắc lại lời tuyên bố của Đức Phaolô III về phẩm giá của những người hiện diện trên các vùng đất thuộc “Tân Thế giới” trong sắc chỉ Pastorale officium (29/5/1537), trong đó ngài khẳng định – dưới hình phạt của vạ tuyệt thông – rằng cư dân của những vùng lãnh thổ này, “ngay cả khi họ ở ngoài lòng Giáo hội, không vì thế mà bị tước đoạt quyền tự do hoặc quyền sử dụng tài sản của mình, […] vì họ là người và do đó có khả năng tin và đạt được sự cứu rỗi.” (“licet extra gremium Eccelesiae tồn tại, non tamen sua libertate, aut rerum suarum dominio […] privandos esse, et cum homines, ideoque fidei et salutis capaces sint”): DH 1495.

[78] Phanxicô, Diễn văn cho các tham dự viên Phiên họp toàn thể của Hội đồng Giáo hoàng về Mục vụ cho người di cư và người đi lại (24/5/2013): AAS 105 (2013), 470-471.

[79] Phanxicô, Thông điệp Fratelli tutti (3/10/2020), số 188: AAS 112 (2020), 1036, trích dẫn Id., Diễn tại Liên Hợp Quốc (25/9/2015): AAS 107 (2015), 1039.

[80] Phanxicô, Diễn văn cho một nhóm tân đại sứ nhân dịp đệ trình Uỷ nhiệm thư (12/12/2013): Osservatore Romano (13 dicembre 2013), 8.

[81] Phanxicô, Diễn văn cho các tham dự viên Hội nghị Quốc tế về Buôn bán Người (11/4/2019): AAS 111 (2019), 700.

[82] Tài liệu chung cuộc của Đại hội thường kỳ lần thứ XV của Thượng Hội đồng Giám mục (27/10/2018), số 29.

[83] Phanxicô, Thông điệp Fratelli tutti (3/10/2020), số 23: AAS 112 (2020), 977, trích dẫn Id., Tông huấn Evangelii gaudium (24/11/2013), số 212: AAS 105 (2013), 1108.

[84] Thánh Gioan Phaolô II, Thư gửi phụ nữ (29/6/1995), số 4: Insegnamenti XVIII/1 (1997), 1874.

[85] Ibidem, số 5: Insegnamenti XVIII/1 (1997), 1875.

[86] Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo, số 1645.

[87] Phanxicô, Diễn văn tại buổi mừng lễ Đức Mẹ – Đức Mẹ Cửa Thành (20/01/2018): AAS 110 (2018), 329.

[88] Phanxicô, Diễn văn cho các tham dự viên Phiên họp toàn thể của Bộ Giáo lý Đức tin (21/1/2022): Osservatore Romano (21 gennaio 2022), 8.

[89] Thánh Gioan Phaolô II, Thông điệp Evangelium vitae (25/3/1995), 58: AAS 87 (1995), 466-467. Về vấn đề tôn trọng phôi người, xem Bộ Giáo lý Đức tin, Huấn thị Donum vitae (22/2/1987): “Thực hành giữ cho phôi người sống sót, in vivo (thử nghiệm trên động vật) hoặc in vitro (trong ống nghiệm), với mục đích thử nghiệm hoặc thương mại là hoàn toàn trái ngược với phẩm giá con người” (I, 4): AAS 80 (1988), 82.

[90] Phanxicô, Tông huấn Evangelii gaudium (24/11/2013), 213: AAS 105 (2013), 1108.

[91] Ibidem.

[92] Phanxicô, Diễn văn cho các thành viên Ngoại giao đoàn bên cạnh Tòa thánh để chúc mừng năm mới (8/1/2024): Osservatore Romano (8 gennaio 2024), 3.

[93] Xem Bộ Giáo Lý Đức Tin, Huấn thị Dignitas Personae (8/9/2008), số 16: AAS 100 (2008), 868-869. Tất cả những khía cạnh này được nhắc lại một cách rõ ràng trong Huấn thị của Bộ Giáo lý Đức tin lúc bấy giờ có tựa đề Donum vitae (22/2/1987): AAS 80 (1988), 71-102.

[94] Bộ Giáo Lý Đức Tin, Thư Samaritanus bonus (14/7/2020), V, số 4: AAS 112 (2020), 925.

[95] Xem Ibidem, V, số 1: AAS 112 (2020), 919.

[96] Phanxicô, Tiếp kiến ​​chung (9/2/2022): Osservatore Romano (9 febbraio 2022), 3.

[97] Xem đặc biệt là Phanxicô, Thông điệp Fratelli tutti (3/10/2020), các số 18-21: AAS 112 (2020), 975-976: “Sự gạt ra ngoài lề toàn cầu.” Số 188 của cùng Thông điệp này đã xác định một “nền văn hóa vứt bỏ”.

[98] Xem Phanxicô, Diễn văn cho các tham dự viên Hội nghị của Hội đồng Giáo hoàng Cổ võ Tân Phúc Âm hóa (21/10/2017): Osservatore Romano (22 ottobre 2017), 8: “Tính dễ bị tổn thương thuộc về bản chất của con người”.

[99] Xem Phanxicô, Sứ điệp nhân Ngày Quốc tế Người khuyết tật (3/12/2020): AAS 112 (2020), 1185-1186.

[100] Phanxicô, Thông điệp Fratelli tutti (3/10/2020), các số 187-188: AAS 112 (2020), 1035-1036, trích dẫn Id., Diễn văn tại Nghị viện Châu Âu, (25/11/2014): AAS 106 (2014), 999, và Id., Diễn văn trước tầng lớp lãnh đạo và ngoại giao đoàn, Bangui – Cộng hòa Trung Phi (29/11/2015): AAS 107 (2015) 1320.

[101] Phanxicô, Tông huấn Amoris laetitia (19/3/2016), số 250: AAS 108 (2016), 412-413, trích dẫn Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo, số 2358.

[102] Phanxicô, Diễn văn cho các Thành viên Ngoại giao đoàn bên cạnh Tòa thánh để chúc mừng năm mới (8/1/2024): Osservatore Romano (8 gennaio 2024), 3.

[103] Phanxicô, Tông huấn Amoris laetitia (19/3/2016), số 56: AAS 108 (2016), 334.

[104] Ibidem, trích dẫn Phiên họp thường kỳ lần thứ XIV của Thượng Hội đồng Giám mục, Relatio Finalis (24/10/2015), 58.

[105] Phanxicô, Tông huấn Amoris laetitia (19/3/2016), số 286: AAS 108 (2016), 425.

[106] Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo, số 364.

[107] Điều này cũng có giá trị đối với việc tôn trọng thi thể của người quá cố; chẳng hạn, xem Bộ Giáo lý Đức tin, Huấn thị Ad resurgendum cum Christo (15/8/2016), số 3: AAS 108 (2016), 1290: “Khi chôn cất thân xác các tín hữu, Giáo hội xác nhận niềm tin vào sự sống lại của thể xác và muốn nhấn mạnh đến phẩm giá cao cả của thân xác con người, như một phần của con người, mà thân xác chia sẻ lịch sử.” Tổng quát hơn, xem thêm Ủy ban Thần học Quốc tế, Một số vấn đề hiện tại liên quan đến cánh chung học (1990), số 5: “Con người được kêu gọi đến sự sống lại”.

[108] Xem Phanxicô, Thông điệp Laudato si’ (24/5/2015), số 155: AAS 107 (2015), 909.

[109] Phanxicô, Tông huấn Amoris laetitia (19/3/2016), số 56: AAS 108 (2016), 344.

[110] Phanxicô, Tông huấn Christus vivit (25/3/2019), số 88: AAS 111 (2019), 413, trích dẫn Tài liệu chung cuộc của Phiên họp thường kỳ lần thứ XV của Thượng Hội đồng Giám mục (27/10/2018), số 23.

[111] Phanxicô, Thông điệp Fratelli tutti (3/10/2020), số 42: AAS 112 (2020), 984.

[112] Phanxicô, Thông điệp Fratelli tutti (3/10/2020), số 205: AAS 112 (2020), 1042, trích dẫn Id., Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 48 (24/1/2014): AAS 106 (2014), 113.

[113] Phanxicô, Kinh Truyền Tin (10/12/2023): Osservatore Romano (11 dicembre 2023), 12.

[114] Xem Ủy ban Thần học Quốc tế, Phẩm giá và Quyền của nhân vị (1983), số 2.

[115] Phanxicô, Thông điệp Fratelli tutti (3/10/2020), số 195: AAS 112 (2020), 1038, trích dẫn Id., Tông huấn Evangelii gaudium (24/11/2013), số 274: AAS 105 (2013), 1130.

[116] Phanxicô, Thông điệp Laudato si’ (24/5/2015), số 205: AAS 107 (2015), 928.

__________________________

Lm. Võ Xuân Tiến chuyển ngữ
(Nguồn: xuanbichvietnam.net)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top