Tĩnh tâm Mùa Chay: “Trở về trong Hy Vọng” 2025

Tĩnh tâm Mùa Chay: “Trở về trong Hy Vọng” 2025

Tĩnh tâm Mùa Chay: “Trở về trong Hy Vọng” 2025

TGPSG -- Trong ba ngày đầu tuần (thứ Hai đến thứ Tư, từ 7-9/4/2025), lúc 16 giờ, cộng đoàn giáo xứ Hòa Hưng đã sống những giờ phút thật sâu lắng trong chương trình tĩnh tâm Mùa Chay. Không chỉ có giáo dân trong giáo xứ, mà cả các sơ và nhiều người từ nơi khác cũng quy tụ về tham dự cách sốt sắng.

Trước mỗi buổi giảng, cộng đoàn cùng ngắm nguyện, mỗi ngày năm ngắm - như một cách dọn tâm hồn, để lời Chúa thấm vào lòng sâu hơn.

Ngày thứ nhất – Bài học từ ba nhân vật: Matta, Maria, Giuđa

Cha giảng phòng Cha Đaminh Nguyễn Văn Minh (Chánh xứ Tân Phước) dẫn dắt cộng đoàn trở về khung cảnh Bêtania, nơi Chúa Giêsu thường lui tới trước cuộc Thương Khó. Ở đó có ba khuôn mặt: Matta, Maria và Giuđa, như ba kiểu mẫu tâm hồn của mỗi chúng ta hôm nay.

Matta, người tất bật phục vụ: Từ một người từng bận tâm đến tiệc tùng bề ngoài, bà đã hiểu ra: điều Chúa cần không chỉ là bữa ăn, mà là tấm lòng phục vụ trong yêu thương. Có lẽ Chúa đang mời gọi ta phục vụ âm thầm, không phàn nàn và đầy tín thác.

Maria, người đổ dầu quý dưới chân Chúa: gợi nhắc về một tình yêu không tính toán. Lời cầu nguyện có tình yêu sẽ toả hương như bình dầu vỡ, âm thầm mà lan tỏa. Mùa Chay này, liệu ta có dành một phút cầu nguyện trọn vẹn như Maria?

Giuđa, hình ảnh đáng buồn của sự sa ngã: Không phải vì ông phạm một lỗi lớn - mà vì đã để những điều nhỏ len lỏi, để lòng tham che mờ ánh mắt đức tin. Giuđa không tin vào tình thương Chúa, và điều ấy giết chết ông trước khi cái thòng lọng siết cổ. Một lời nhắc cho ta hôm nay: Hãy cảnh tỉnh trước những cám dỗ nhỏ, và luôn giữ lấy hy vọng.

Cha Đaminh cũng mời gọi cộng đoàn sống ba việc chính của mùa Chay:

- Cầu nguyện như Maria với trái tim yêu mến.

- Bác ái như Matta qua hành động cụ thể, âm thầm.

- Chay tịnh như người thức tỉnh chay miệng, chay mắt, chay lòng...

Kết thúc bài giảng, mỗi người thầm hỏi: Tôi đang sống như ai: Matta, Maria hay Giuđa?

Ngày thứ hai: Hai tấm gương,  một lời mời gọi: Phêrô và Giuđa

Tối thứ Ba, Cha Đaminh đưa cộng đoàn vào khung cảnh bữa Tiệc Ly, nơi tình yêu và phản bội cùng hiện diện. Nổi bật là hai khuôn mặt: Phêrô và Giuđa. cả hai đều được chọn, được yêu. Nhưng sau vấp ngã, một người trở lại, một người tuyệt vọng.

Giuđa, người nhận bánh từ tay Chúa nhưng lại đi vào đêm tối. Ánh sáng tình yêu ở đó, nhưng ông không tin mình xứng đáng được tha thứ. Ông hối hận, nhưng không dám trở về. Bóng tối trong lòng ông còn dày hơn bóng đêm bên ngoài. Một sự thật đau lòng: không ai bị kết án bởi tội lỗi bằng chính cái tuyệt vọng của mình.

Phêrô, người cũng chối Chúa ba lần. Nhưng ánh mắt Chúa đã chạm đến trái tim ông – không xét xử, không oán trách, chỉ là cái nhìn đầy hiểu biết và yêu thương. Phêrô đã khóc – và nước mắt ấy trở thành lời sám hối thẳm sâu. Sau này, cũng chính Chúa hỏi ông ba lần: “Con có yêu Thầy không?”, như để chữa lành, phục hồi và trao sứ mạng.

Qua hai con người ấy, Cha Đaminh đặt ra một câu hỏi: Khi chúng ta sa ngã, chúng ta giống ai hơn? Giuđa bỏ cuộc hay Phêrô quay về?

Trong Năm Thánh với chủ đề "Những người hành hương trong hy vọng", bài giảng trở thành một lời mời gọi mạnh mẽ: Hãy trở về, vì tình thương Chúa vẫn chờ. Hãy đứng dậy, vì ánh mắt Chúa vẫn dõi theo. Đừng bao giờ để bóng tối đánh lừa chúng ta rằng ta không còn được yêu.

Ngày thứ ba: Sự thật giải thoát chúng ta

Buổi tối thứ Tư, linh mục (Lm) Phaolô Nguyễn Văn Đông (giáo phận Phú Cường). Tin Mừng hôm nay kể lại phản ứng dữ dội của người Do Thái khi Chúa Giêsu nói rằng: “Sự thật sẽ giải thoát anh em.”

Dù là con cháu Abraham, họ vẫn bị trói buộc – không bởi ách nô lệ bên ngoài, mà bởi tội lỗi bên trong. Sự thật là điều họ không muốn nghe, không thể đón nhận, và đó cũng là hình ảnh của mỗi chúng ta khi đứng trước sự thật của chính mình.

Cha Phaolô nhẹ nhàng, nhưng đầy thao thức nói: "Có những điều ta không dám nhìn vào, một vết thương, một sai lầm, một gánh nặng. Nhưng chỉ khi đối diện với sự thật ấy nơi tòa giải tội, ta mới thực sự được tự do."

Cha Phaolô ví tòa giải tội như ngôi nhà của lòng thương xót. Nơi đó, người con hoang đàng trở về. Nơi đó, người tội lỗi được phục hồi. Không còn là một người tội lỗi, mà là một người con - được yêu, được tha thứ, được trao lại phẩm giá.

Bài giảng kết thúc, nhưng lòng người vẫn ở lại - trong thinh lặng, trong ơn sủng, trong những bước chân âm thầm tiến đến tòa giải tội. Đó không phải là kết thúc - mà là khởi đầu của hành trình mới: Hành trình của một người đã được giải thoát.

Kết thúc ba ngày tĩnh tâm, đại diện giáo xứ gửi lời cảm tạ tri ân cha giảng phòng đã đến giáo xứ với các bài giảng thật ý nghĩa, giúp mọi người sốt sắng để chuẩn bị bước vào Tuần Thánh.

Ngay sau đó, cộng đoàn giáo dân đã lãnh nhận Bí tích Hòa Giải. Các tòa giải tội đã được bố trí như cánh cửa mở ra niềm hy vọng.

Kết thúc tĩnh tâm – Bắt đầu hy vọng

Ba ngày tĩnh tâm trôi qua không chỉ là ba buổi giảng, mà là ba bước đi nội tâm, từ lắng nghe, đến sám hối, đến trở về. Giáo xứ Hòa Hưng giờ đây đã sẵn sàng bước vào Tuần Thánh không chỉ bằng hoa đèn, mà bằng tâm hồn đã được đổi mới.

Mỗi người ra về với lòng biết ơn vì đã gặp Chúa nơi lời giảng, nơi bí tích, và nơi nhau. Mùa Chay không kết thúc ở đây, mà mở ra hành trình của những người đã nếm trải lòng thương xót.

Xin cho mỗi người chúng ta luôn biết giữ lại trong tim ánh mắt của Chúa Giêsu, ánh mắt ấy không bao giờ bỏ rơi chúng ta, ngay cả khi chúng ta ngã gục.

Xin Chúa giúp chúng ta trong mùa Chay và trong Năm Thánh này biết chọn ánh sáng, biết quay về, biết tin tưởng rằng: Dù chúng ta vấp ngã, Chúa vẫn đợi chờ. Dù chúng ta phản bội, Chúa vẫn yêu thương. Và nếu chúng ta trở về, Chúa sẽ phục hồi và trao sứ mạng.

Xin Chúa chúc lành cho hành trình đức tin của mỗi người chúng ta.

Maria Phạm Kim Chi (TGPSG)
Ảnh Joshep Huy

 

 

 

 

Top