Tin nhắn bất ngờ thời Covid
TGPSG -- Cả gia đình chuẩn bị cho giấc ngủ, vì đêm đã khuya. Bất chợt điện thoại di động rung lên. Một tin nhắn bất ngờ đến từ Facebook: “Cháu Lan con Dũng Lài đây, cậu ơi!”
Tôi nhắn tin trả lời: “Vâng, cậu đây! Sao cháu liên lạc vào giờ này?”
Đợi tin nhắn hồi âm tiếp nhưng không thấy, tôi bèn gọi điện. Chuông đổ liên hồi, không thấy trả lời. Tôi tiếp tục gọi và kiên trì chờ đợi. Sau thời gian khá lâu, có tiếng trả lời với giọng nói run run có chút lo sợ: “Dạ dạ dạ…. cháu bị Côvít F0 rồi, cậu ơi!” Và cháu im lặng.
Tôi đợi xem cháu nói gì nữa không. Đợi hơi lâu không thấy nói gì, tôi biết cháu sợ nên khuyên: “Cháu bình tĩnh! Đừng sợ, trả lời cậu nhé! Cháu đang ở đâu? Ở với ai?”
Nghe giọng nói run run: “Dạ dạ dạ… Cháu ở Làng Đại Học Thủ Đức! Lúc đầu cháu ở chung phòng 8 người; một mình cháu bị Côvít F0; 7 người còn lại đều âm tính. Nay cháu ở phòng cách ly 9 người bị Côvít F0: có người già, người trẻ hơn cháu, và cả trẻ em nữa. Người thì ho sốt; có người cả ho cả sốt; cháu cũng vừa mới sốt xong!”
Nghe cháu nói, tim tôi nhói đau như có vật gì đâm vào làm tôi lặng đi hồi lâu mới hỏi được cháu: “Hiện giờ phòng cháu có gì để ăn? Có thuốc để uống, để phòng dịch chưa?” Cô bé trả lời: “Dạ dạ dạ… Trong phòng không thấy gì ngoài chai dầu gió đã cạn kiệt; 8 người trong phòng và cả cháu, ai cũng mở miệng chai dầu gió đó ra và ‘hôn vào nó’. Cháu mới vào nên rất lo, không biết bệnh của cháu rồi sẽ ra sao?”
Biết cháu sợ, tôi động viên: “Cháu đừng sợ, yên tâm mà điều trị, ngoài này có người hỗ trợ cháu!” Tôi hỏi tiếp: “Vậy thức ăn, thức uống ở khu cách ly thế nào?” Cháu trả lời: “Dạ ở khu cách ly này, đến buổi có phát cơm, nhưng đến 12g hay 13g30 mới nhận được cơm trưa. Nhiều khi đói run cả người nhưng không có cái gì để ăn?” Sao tội nghiệp thế!
“Cháu không còn tiền để mua đồ ăn sao?” - tôi hỏi. Cháu trả lời: “Cháu còn ít tiền nhưng không quen ai síp được đồ ăn vào. Ở khu cách ly không phải ai cũng vào được; tiền síp đắt gấp hai, gấp ba, có khi gấp bốn, gấp năm tiền mua thức ăn, và đưa đến rất khó. Các chốt ra vào không cho người di chuyển. Đêm đã khuya, cháu không biết liên lạc với ai nên nhắn cho cậu!”
Tôi trả lời: “Vâng! Cháu nhắn tin cho cậu là đúng rồi! Nhưng cháu phải báo cho bác sĩ để họ giúp cháu!” Cô bé ngập ngừng hồi lâu rồi nói: “Cháu sợ lắm, cháu sợ làm phiền nhiều người…”
Tôi ngắt lời cháu: “Sao cháu nghĩ thế? Cháu nghĩ không đúng. Cháu không báo cho gia đình, người thân biết cháu bị F0, thì cháu phải cho bác sĩ biết. Như thế bác sĩ mới giúp được cháu!” Cô bé tâm sự: “Cháu biết, nhưng cháu sợ mọi người lo. Sợ làm phiền nhiều người, sợ lây bệnh qua người khác, nên cháu tự ý quyết định gắng chịu một mình. Cháu nghĩ tự chăm sóc cho chính mình được. Không ngờ vào khu cách ly lại gặp khó khăn như thế!”
Giờ thì cháu Lan đã cho phép tôi nối máy nói với nhiều người về chuyện cháu Lan bị nhiễm Côvít. Tôi và cháu Lan đã kết nối với nhiều người khác bằng cách gọi điện thoại nhóm trên Facebook. Thế là ‘nhóm Facebook gia đình của tôi’ được ra đời. Mỗi người trong gia đình Facebook đều biết cháu Lan đang bị F0, ở nơi cách ly, biết điều Lan lo lắng và biết tình hình sức khỏe của Lan, nhờ đó, mọi thành viên trong gia đình đều quan tâm, quây quần bên Lan, làm cho Lan vui hơn.
Tôi bảo Lan kết bạn Facebook với một linh mục có ‘ních nêm: Âm Thầm Nẩy Mầm’. Vị linh mục này chuyên hỗ trợ cho người bị F0. Còn cháu Thủy gửi cho cháu Lan ‘ních nêm’ Facebook của chị Hồng Nghĩa để chị hỗ trợ thuốc cho cháu Lan.
Và thế là mọi thành viên trong gia đình, từ cậu bé hai tuổi đến cụ già tám mươi tuổi, đến vị linh mục, đến cô Hồng Nghĩa… tất cả đều dâng lời cầu xin cho cháu Lan sớm phục hồi sức khỏe.
Lời nguyện bắt đầu từ cậu bé hai tuổi, cậu tự quỳ gối lên và nguyện rằng: “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chị Lan của con sớm được khỏi F0, bây giờ…”; và mọi người tiếp nối dâng lời cầu xin cho cháu Lan sớm thoát khỏi F0.
Lời cầu xin của gia đình Facebook đã chạm đến Lòng Từ Ái của Chúa. Sau 13 ngày cách ly, cháu Lan không còn ho và lên cơn sốt nữa. Cháu được test kiểm tra lại: thật ngạc nhiên, cháu Lan từ F0 nay trở về âm tính hoàn toàn và được chính thức trở về phòng trọ với mọi người.
Xin chân thành cám ơn những tấm lònng nhiệt thành trong lời nói và hành động, đã góp phần xây dựng cuộc sống thực tại đầy Tình Trời, Tình Đời và Tình Người.
Dẫu rằng cuộc sống đầy khó khăn, dịch bệnh hoành hành, lòng người chao đảo, nhưng lời nói, việc làm, lòng nhiệt thành, những hy sinh quảng đại của quý vị đã làm cho Tin Mừng được sáng tỏ nơi nơi!
Tôi viết dòng chữ này trong thời khắc người dân Việt Nam đang “hồi hương” trên đất nước mình. Dòng người về quê ào ào như thác đổ. Nỗi đau trải dài trên vô số kiếp người. Hầm Hải Vân đã mở cửa cho dòng xe máy, xe thô sơ, và cả người đi bộ tiến vào. Niềm vui mừng sung sướng xiết bao, vì tránh được cảnh người dân vượt đèo cheo leo trong đêm giông bão. Quyết định ấy có tính nhân văn và mang nhiều tính nhân đạo. Dù biết rủi ro có thể xảy ra nhưng vẫn mở cửa hầm để cứu giúp cụ già, bà bầu và trẻ thơ măng sữa. Nhìn dòng người hồi hương với hai hàng lệ ứa mà nỗi đau thấm nhập tâm can. Rất may có những đồng bào địa phương cảm thương tiếp đón, giúp đỡ…
Cầu mong sao cho đất nước sớm trở lại bình an, cho dân tình mau thoát cơn hoạn nạn và Tin Mừng được tỏa rạng khắp quê hương Việt Nam này!
Sài Gòn, tháng 10 năm 2021
Đoàn Văn Sơn (TGPSG)
(Ánh sáng Gia đình thời Covid)
bài liên quan mới nhất
- Ban Mục vụ Truyền Thông Giáo xứ Chợ Quán
-
Tôi đi học truyền thông tổng quan -
Phóng sự: Hiệp hành trong Gia đình -
Tên giáo xứ Nhân Hoà -
Ấm áp mùa Chay cùng Bữa cơm nhân ái 0 đồng -
Phóng sự “Lối mở của Tình yêu” -
Hành trình tìm lại đức tin của một tín hữu “đạo gốc cây” -
Phóng sự ‘Tình yêu và Nước lũ’ -
Vòng tay ôm ấp -
Nét đẹp và sức sống của một xứ đạo miền xa
bài liên quan đọc nhiều
- Bữa cơm gia đình
-
Đây có thể là một trong những diễn văn công giáo tuyệt vời nhất của thế kỷ 21 -
Ban Mục vụ Truyền Thông Giáo xứ Chợ Quán -
Tổng giáo phận Sài Gòn: “Tấm vé nghĩa tình” - Siêu Thị Mini 0 đồng -
Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây? -
Hồi ký: Phục vụ tại khu cách ly -
Chiến thắng Covid: Hít vào 'Giêsu', thở ra 'cứu con' -
Ngẫm về đời phục vụ khi tiễn chân một cố linh mục -
Những chiến sĩ thầm lặng -
Hành trình tìm lại đức tin của một tín hữu “đạo gốc cây”